Tam Hợp? Phi Tinh? Đường Nào Đến La Mã?
Mùa Giáng Sinh và tết tây năm nay hơi đặc biệt, tôi được nghỉ lâu hơn các năm trước. Nhân đó xin viết loạt bài này, mong sẽ đạt đến một kết quả nào đó. Bằng không thì coi như là mua vui cuối năm vậy.
Một khởi đầu bình thường
Là người Việt Nam sinh ra trong thập niên 50, tôi bắt đầu học Tử Vi với quyển Tử Vi Đẩu Số Tân Biên của ông Vân Đằng Thái Thứ Lang. Sau khi bỏ khoa Tử Vi 10 năm rồi trở lại trong thập niên 80, tôi học thêm hai tập sách của cụ Thiên Lương, cũng như các sách Tử Vi áo bí biện chứng học (Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử) và Tử Vi chỉ nam (Song An Đỗ Văn Lưu) v.v…
Tóm lại, về sách Tử Vi Việt Nam thì tôi là một người đọc sách rất bình thường, và chắc chắn có nhiều người thâm cứu đã đọc nhiều về Tử Vi Việt Nam hơn tôi.
Kỳ duyên: Được chứng kiến phong trào trăm hoa đua nở
Nhờ một cơ duyên tôi được biệt phái sang làm việc ở Đài Loan mùa hè năm 1995, đến tháng 12 năm 2001 mới trở lại Hoa Kỳ, tính ra thời gian công tác Á Châu của tôi tròn 6 năm rưỡi. Mặc dù công tác đòi hỏi tôi phải đi lại nhiều nước ở Á Châu, nhưng nhờ Đài Loan là trụ điểm mà tôi được chứng kiến phong trào Tử Vi “trăm hoa đua nở” nhà nhà tranh tiếng đưa Đài Loan lên đỉnh cao của Tử Vi toàn cầu.
Vì thời trăm hoa đua nở sách Tử Vi nhiều quá, ngay cả sách hay cũng nhiều quá mà thời giờ của tôi thì có hạn, khi còn ở Đài Loan mục đích chủ yếu của tôi là tìm lại cơ sở khoa học của Tử Vi. Rất may nhờ gặp quyển “Chu dịch dữ Tử Vi đẩu số” của ông Tạ Phồn Trị mà mục đích này của tôi đã đạt được kết quả đáng kể.
Còn về kỹ thuật xem Tử Vi thì mặc dù phong trào trăm hoa đua nở ở Đài Loan (thêm sách Vương Đình Chi phái Trung Châu ở Hương Cảng) giúp tôi đạt nhiều tiến bộ và biết áp dụng nhiều kỹ thuật mà tôi chưa từng thấy trong các sách Tử Vi Việt đã đọc qua, chủ yếu tôi vẫn lấy cách xem của tử vi Việt làm nền, và bổ sung bằng cách xem tứ hóa của phái tam hợp.
Hai phái tam hợp và phi tinh trong thời trăm hoa đua nở
Đến đây xin đi lạc đề một chút, thời trăm hoa đua nở ở Đài Cảng có hai phái chính, một là phái “tam hợp” cách xem nhiều điểm tương tự Tử Vi Việt Nam, với khác biệt chủ yếu là chú trọng tứ hóa khi xem đại hạn (hạn hóa), lưu niên, lưu nguyệt, lưu nhật v.v… và khi luận hạn thì dùng phép chuyển cung để xem hết cả 12 cung.
Phái kia là phái “phi tinh” bắt đầu rầm rộ từ năm 1985 (tức 10 năm trước khi tôi sang Đài Loan) khi quyển “Đẩu số bí nghĩa” xuất hiện tạo nhiều sôi nổi. Vậy thì phái phi tinh trên mặt nổi có vẻ còn mới lắm. Nhưng theo nhận xét của tôi đó chỉ là mặt nổi thôi. Vì tật dấu nghề của người Á Đông, xét những diễn biến vài năm trước cũng như sau khi quyển “Đẩu số bí nghĩa” lộ ra ngoài giang hồ thì thấy ngay là lối xem của phái phi tinh đã được tối thiểu vài cao thủ ở Đài Loan cũng như Hương Cảng xử dụng, thậm chí dạy học trò, nhưng giữ bí mật, sau khi “bí kíp” lộ rồi thì chẳng còn lý do gì bí mật nữa, mới tình nguyện bật mí đó thôi.
Tại sao nói đến chuyện trước năm 1985? Vì trước đó đã có ông Chính Huyền Sơn Nhân (CHSN) tự xưng là được thần tiên dạy bảo, ra sách Thiên Địa Nhân tử vi đẩu số hoàn tập 12 quyển bìa cứng, riêng tập thứ 6 trong tít chứa 4 chữ “Huyền không tứ hóa” xử dụng cách xem khá giống với phái phi tinh thì ra từ tháng giêng tây năm 1984, tức là hơn một năm trước khi “Đẩu số bí nghĩa” xuất hiện giang hồ. Đây chỉ là trường hợp tôi biết (vì tôi đã mua toàn bộ 12 quyển Tử Vi của ông CHSN tại phố tàu từ lâu trước khi đi Đài Loan), chắc hẳn còn nhiều trường hợp tương tự.
Tóm lại, theo tôi, thời trăm hoa đua nở là lúc phái phi tinh dù muốn hay không cũng phải ra mặt giang hồ, vì đã lộ hàng rồi, muốn “dấu nghề” cũng không được nữa.
Nghiên cứu phái tam hợp
Trong thời gian ở Đài Loan, mặc dù mua sách của phái phi tinh (thí dụ như Tử Vi tiến giai của Khuyến học trai chủ, Đẩu số bí nghĩa kim giải của Hồng Lăng, v.v…) tôi lại chỉ học cơ bản mà chẳng bao giờ áp dụng vào thực tế. Sở dĩ dám nói chắc thế vì tôi còn nhớ vài lần về Hoa Kỳ thăm nhà bị người ta yêu cầu xem số; cách xem của tôi cơ bản giông giống Tử Vi Việt Nam, và dĩ nhiên chịu ảnh hưởng của phái tam hợp, nhưng lại chẳng có hơi hướng gì của phái phi tinh. Tôi sẽ bàn sau lý do tại sao tôi có vẻ “kị” cách xem của phái phi tinh như vậy.
Sau khi về lại Hoa Kỳ tôi bị đuổi việc. Dĩ nhiên chẳng ai muốn bị đuổi việc, nhưng đây đúng là một trường hợp tái ông thất mã vì nhờ đó mà tôi có thời giờ suy ngẫm về những gì mình đã biết trước khi sang Đài Loan và những gì mình thu thập, học hỏi được trong thời gian ở Đài Loan, kết tụ lại thành 4 quyển sách huyền học là:
Tử Vi hoàn toàn khoa học 1 (Chính tinh, tứ hóa, và các sao liên hệ) năm 2004.
Tử Vi hoàn toàn khoa học 2 (các sao thần sát), 2011.
Mệnh lý hoàn toàn khoa học, 2011.
Kinh dịch hoàn toàn khoa học, 2011.
Cũng nhờ có nhiều thời gian, tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu cách xem Tử Vi của phái tam hợp (tôi cũng nghiên cứu nhiều cách xem Tử Bình, nhất là các sách của nhân tài manh phái Đoàn Kiến Nghiệp, nhưng sau nhận thấy mình không hợp với khoa Tử Bình, tôi quyết định thôi Tử Bình, trở lại chuyên tâm với Tử Vi).
Sau khi so sánh nhiều tác giả của phái tam hợp, tôi đi đến kết luận cách xem Tử Vi của ông Tử Vân (Đài Loan) có tính khoa học cao hơn hết; thế là tôi liên tục nghiên cứu 11 quyển sách Tử Vi mà ông Tử Vân viết. Tính đến năm 1916, công cuộc nghiên cứu này đã kéo dài mười mấy năm. Mặc dù cách xem của phái Tử Vân khá phức tạp và còn tối thiểu vài vấn nạn (như việc định cung trọng điểm) mà tôi chưa tìm ra đáp án hợp lý. Tôi chờ mong, hy vọng rồi sẽ có những quyển sách mới của ông Tử Vân giải quyết các vấn nạn này.
Thất vọng với cách xem mới của đại sư Tử Vân
Năm 1916 nhờ thông tin của anh Transporter trên mạng tuvilyso.org tôi mới biết ông Tử Vân có ra sách mới. Tức thì tôi đến tiệm sách tiếng Hoa địa phương nhờ họ đặt mua tất cả những quyển sách mới này. Khi sách về tôi hăng hái đọc. Mới đầu tôi rất hứng khởi vì thấy có vài điều mới so với cách sách trước, mà cách xem vận của người B dùng lá số của người A là một thí dụ.
Nhưng sau một tháng trời mọi hăng hái ban đầu của tôi đều biến mất, vì rõ ràng ông Tử Vân đã chuyển đường hướng. Xưa ông chê cách xem của phái phi tinh mà ông gọi là “tứ hóa bay đầy trời”, nhưng trong các sách này rất nhiều bài ông cũng để cho tứ hóa tung bay khắp nơi chẳng thua gì phái phi tinh, có khi còn hơn nữa.
Nghiêm trọng hơn, ông Tử Vân giới thiệu một cách xem dựa trên “quái tượng” hoàn toàn xa lìa nền tảng của khoa Tử Vi. Đại khái khi áp dụng phép quái tượng ông tủy điều kiện dựa trên năm tháng ngày giờ sinh và tứ hóa mà hoàn toàn định lại vị trí của hết thảy 14 chính tinh.
Tôi luôn luôn kính trọng sáng kiến mới. Nhưng mọi sáng kiến mới đều phải có nền tảng rõ ràng. Rất có thể thời gian sẽ chứng minh rằng cách xem quái tượng của ông Tử Vân là một đột phá vĩ đại, và chính là tương lai của khoa Tử Vi. Nhưng là người trọng khoa học, tôi buộc lòng phải tạm bỏ qua cách xem này vì nó đã rời quá xa cái nền tảng cơ bản của khoa Tử Vi.
Miễn cưỡng trở lại chồng sách phi tinh
Trở lại vấn đề “tứ hóa bay đầy trời”, vì trong những sách mới của ông Tử Vân đây là sự thật tôi bỗng nảy ra một câu hỏi. Quý vị chẳng cần biết câu hỏi này là gì. Chỉ cần biết là nó thôi thúc tôi trở lại với chồng sách Tử Vi phi tinh mà tôi không chịu đọc kỹ nhưng vẫn còn giữ kỹ trong kho. Ngay đây tôi phải có lời cám ơn một anh bạn trẻ (so với tôi) mà tôi chỉ biết sơ qua mạng tuvilyso là anh WhiteBear, bởi tôi biết anh và những người theo anh đã chọn lối xem phi tinh làm cơ sở, chắc là phải thấy cách này có điểm trội hơn hoặc tối thiểu ngang hàng cách cũ. Tôi phải có lời cám ơn này bởi nếu chẳng có người Việt nào thèm xử dụng phi tinh thì thú thật tôi sẽ chẳng bao giờ làm chuyện trở lại học sách phi tinh. (Biết đâu ngày nào đó còn khẳng định cách xem phi tinh chắc chắn là “man pháp”?)
Lý do khiến tôi trước đây “Kị” phái phi tinh có nhiều, nhưng điểm chính là hầu hết các sách phi tinh mà tôi đã đọc qua đều chỉ thấy xem tứ hóa, còn các sao khác của Tử Vi dù lớn hay nhỏ coi như bỏ hết. Gốc Tử Vi Việt bảo tôi cách luận Tử Vi như thế không ổn chút nào. Có người sẽ đề nghị “Thì cứ việc phối hợp cả hai cách mà xem!” Vấn đề là tôi nghiên cứu Tử Vi với tinh thần của một người trọng lý lẽ khoa học. Phái phi tinh chỉ trọng tứ hóa mà lờ đi các sao khác của Tử Vi là có lý do của họ (cũng tương tự lý do tại sao khoa Tử Bình hiện đại gần như đã bỏ hết các thần sát không xem), chẳng phải cứ hổ lốn nhét trộn cơm với bánh mì là tự nhiên ổn thỏa đông tây.
Sau khi thất vọng với cách coi mới của đại sư Tử Vân, mặc dù trở lại đọc kỹ các sách phi tinh vấn đề này vẫn treo nặng trĩu trong đầu tôi.
Nhiều người chưa quen thuộc với phái phi tinh sẽ thốt ngay ra hai chữ “dấu nghề” khi biết phái này ít khi dùng, thậm chí không dùng những sao khác của khoa Tử Vi. Đây là phản ứng hợp lý, vì dấu nghề quả là đặc tính của huyền học Á đông.
Thú thật thời gian ở Đài Loan vì đã coi nhẹ phái phi tinh tôi chẳng buồn suy nghĩ sâu lắm, chỉ biết rằng bỏ hết các sao là “không được”, thế thôi, thậm chí phái phi tinh có dấu nghề hay không tôi cũng chẳng cần biết tới. Nhưng sau khi thất vọng với cách xem mới của đại sư Tử Vân và trở lại học sách phi tinh, tôi biết mình phải nghĩ sâu hơn nữa về vấn đề này. Ấy bởi vì tôi đã quyết định xét phái phi tinh dưới nhãn quan của một người nghiên cứu. Người nghiên cứu phải vượt thắng tâm lý của chính mình để mong tìm sự thật. Vì vậy tôi cố bình tâm suy nghĩ thật kỹ xem có lý do gì khiến phái phi tinh bắt buộc phải bỏ hết các sao khác hay không.
Một ngày trong năm 2018, tôi nghĩ tôi đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, sau nhiều tháng dài tiếp tục suy nghĩ thêm bây giờ tôi càng chắc chắn. Tôi xin trình bày suy nghĩ của mình như sau:
Cách hay nhất là so sánh với lịch sử khoa Tử Bình. Khoa Tử Bình xưa (lúc chưa gọi là Tử Bình) coi trọng năm sinh, tức sao Thái Tuế. Đa số các thần sát lại từ Thái Tuế mà ra, nên sự thật là Tử Bình xưa trọng thần sát. Sau ông Tử Bình có phát kiến mang tính đột phá là lấy can chi ngày làm trụ “ta”, ngày trở thành yếu tố quan trọng nhất, trải qua ngàn năm phát triển trở thành khoa Tử Bình như chúng ta biết ngày nay. Một trong những diễn trình trong ngàn năm phát triển đó là việc phế bỏ thần sát. Việc phế bỏ này có tính lần hồi, nhưng với thời gian con số hơn trăm thần sát đã tụt xuống thảm hại.
Sự thật Tử Bình phế bỏ thần sát chẳng phải tôi là người đầu tiên nói tới, vì tôi chỉ lập lại ý của ông Nhật Nguyệt đạo nhân là cao thủ của cả hai môn Tử Bình và Tử Vi, như đoạn trích sau đây:
Phê phán hai khoa Tử Vi và Tử Bình
Nguyên tác: “Đẩu số, Tử Bình đại phê phán”
Trích chương 3, trang 32-36, sách “Tử Vi đẩu số trưng nghiệm”
Soạn giả: Nhật Nguyệt Đạo Nhân
nhà xuất bản Vương Gia, Đài Bắc 1991
Đằng Sơn phỏng dịch, 2005
“Tại sao từ lúc sáng lập khoa Tử Bình đã không trọng phương vị thần sát? Lời đáp cho câu hỏi này rất giản dị: Tử Bình chỉ có bốn trụ, chỉ có 8 loại can chi; kết cấu quá thô sơ nên không thể nào kết nạp phương vị thần sát vào mà xử dụng được.
“Đưa thử một thí dụ quý vị sẽ thấy ngay.
“Trong quyết yếu an thần sát, khi thái tuế là năm Giáp Tý thì niên can sát tinh Dương Nhận được an ở Mão. Chữ ‘Mão’ này đại biểu phương chính đông của tinh bàn, hoàn toàn chẳng phải như khoa Tử Bình nói là ‘trong bát tự có chi Mão thì có Dương Nhận’. Quan điểm này (về Dương Nhận của khoa Bát Tự) hoàn toàn méo lệch so với nghĩa nguyên thủy của thần sát. Lại nữa, khi ta nói Dương Nhận của Giáp ở Mão, chữ ‘Giáp’ này không phải là thiên can của tháng, ngày, hoặc giờ, mà là thiên can của Thái Tuế. Sách cổ viết ‘Thái Tuế là chủ tể của các thần sát’, lại có nói ‘Thái Tuế đuổi theo các sát’. (Từ đó có thể nói) cách an thần sát có liên hệ mật thiết với chuyển động của địa cầu.
“Khoa Tử Bình cho đủ loại thần sát phát xuất từ can ngày; những thần sát hư cấu này phải áp dụng thế nào vào việc đoán mệnh vận? Cho nên, sau nhiều thế kỷ thử nghiệm, cuối cùng khoa Tử Bình đã bỏ việc dùng thần sát để hỗ trợ việc đoán vận. Các thầy Tử Bình có đề cập (đến thần sát) cũng chỉ là nói cho qua vậy thôi…”
Nay tôi xin bổ túc ý kiến. Cái lý của việc bỏ thần sát trong Tử Bình rất dễ hiểu: Ngày và năm không có cách gì liên kết được với nhau. Dựa trên lý của can chi, chúng ta có thể nói tháng là thành phần của năm, cùng lý có thể nói giờ là thành phần của ngày; nhưng ngày là gì của tháng thì thật mơ hồ, ngày là gì của năm càng mơ hồ hơn nữa. Thành thử một khi chọn ngày là trụ “ta” thì khoa Tử Bình buộc lòng phải bỏ thần sát, hoặc đặt ra những thần sát mới thuộc ngày. Có thể kết luận rằng phép dùng thần sát trong Tử Bình hiện đại là một bài toán hết sức lọng cọng.
Quay lại Tử Vi và tập trung vào phái phi tinh. Xin bắt đầu với hai câu đăng to (to hơn cả tên tác giả) ngoài bìa sách “Đẩu Số tứ hóa thâm nhập” (Tạ Vũ Đằng, Vũ Lăng, Đài Bắc 1995):
“Đẩu số dụng thần vi tứ hóa
“Tinh phùng tứ hóa hiện cát hung
Hai câu này có thể gọi là hai câu thiệu mà các học viên mới của phái phi tinh phải thuộc nằm lòng. Các độc giả quen thuộc với Tử Bình khỏi cần giải thích, còn các độc giả không quen thuộc với Tử Bình tôi xin tóm gọn ý hai câu thiệu này là “Tứ hóa của Tử Vi y như dụng thần của Tử Bình”. Một khi chấp nhận sự thật là trong khoa Tử Bình dụng thần quyết định hết cả (các phái đa số dùng “dụng thần” thôi, các phái thiểu số như manh phái thì có khác) thì ta hiểu ý của các bậc đại sư phi tinh qua hai câu này cho chúng ta biết rằng trong Tử Vi tứ hóa quyết định hết cả.
Nhưng “tứ hóa quyết định hết cả” như thế nào? Tử Bình dụng thần tác dụng lên năm tháng ngày giờ sinh, thì Tử Vi tứ hóa tác dụng lên thập bát phi tinh (tức 14 chính tinh và Xương Khúc Tả Hữu). Từ lý so sánh một khi thấy Tử Bình bỏ thần sát thì thật khó thấy lý do tại sao Tử Vi lại dùng thần sát. Cường điệu hơn, vì Tử Bình chỉ có thể dùng tứ trụ thì Tử Vi cũng chỉ có thể dùng thập bát phi tinh.
Cái lý tại sao nhiều đại sư phi tinh bỏ thần sát không xem chỉ giản dị như thế! Lý thì giản dị như mạng lưới mỏng mà thật khó thoát ra.
Xin đưa ngay một thí dụ từ trang 60-61 sách “Đẩu số tứ hóa thâm nhập” đã dẫn trên, để thấy cách xem phi tinh hoàn toàn không đề cập đến thần sát:
Số: Nam mệnh, năm Mậu Tuất (1958), âm lịch ngày 17 tháng 11 giờ Thìn (ai rảnh để hộ số này lên, mệnh cư Canh Thân có Phá Khúc).
Sự thật: Năm Canh Thân (1980), 23 tuổi, trong quân đội phạm quân pháp, bị xử tội hình 1 năm 10 tháng.
Tạ Vũ Đằng luận (dịch nguyên văn): Đại hạn phụ mẫu Hợi bị sinh niên Kị (vdtt chú: tức Kị của năm sinh) xung, đại hạn quan lộc Giáp Dần Thái Dương hóa Kị nhập bản tật (vdtt chú: tức cung tật nguyên thủy) xung bản phụ, lưu niên 23 tuổi năm Canh Thân chạy đến nhập cung bản mệnh, lưu niên phụ mẫu bị xung (vdtt chú: tức bị Thái Dương Kị xung), nên phạm quan tư.
Yếu tố quyết định là luận đoán chính xác
Mấy mươi năm tôi vật lộn với khoa Tử Vi, nghĩ lại thấy vấn đề vẫn là làm sao luận đoán cho chính xác; bởi nếu Tử Vi không có khả năng luận đoán chính xác thì chẳng ai xem Tử Vi làm gì.
Nhưng Tử Vi có một vấn đề rất đặc biệt so với nhiều môn huyền học khác là cùng một lá số có thể có rất nhiều cách luận. Lối giải quyết thông thường là phối hợp các cách với nhau, nhưng khi gặp hai cách cho kết luận mâu thuẫn nhau, như một bảo “thành công” một bảo “thất bại” thì phải làm sao đây? Có câu nói “Tử Vi dễ học khó tinh” (Tử Vi dị học nan tinh) chính là vì như thế. Và cũng vì như thế mà người coi Tử Vi được chia thành đẳng cấp, đại khái gồm có mới học, sơ cấp, trung cấp, cao cấp, rồi trên hết là đại sư (bậc thầy).
Tôi xin nói một chút về đẳng cấp bằng thí dụ có thật là trường hợp đại sư Tử Vân của Đài Loan. Ông Tử Vân sở dĩ vang danh đại sư vì, theo những giai thoại được kể lại, ông đã bị nhiều thầy bói và người nghiên cứu thuộc hàng cao thủ mang những lá số kỳ cục, thậm chí quái đản, đến thách thức rồi vì ông đoán đúng mà xin làm học trò của ông. Cũng theo giai thoại, lại có những người có gốc khoa học chẳng tin bói toán cuối cùng phải bái phục ông vì ông dùng Tử Vi xem chuyện hãng xưởng của họ đúng mồn một.
Tôi lấy đại sư Tử Vân làm thí dụ chẳng phải vì muốn tuyên dương ông, mà vì sau mười mấy năm nghiên cứu hơn mười quyển sách của ông, kết luận của tôi là nếu không có “cảm ứng” phù hợp thì đừng hòng áp dụng cách xem của ông đến nơi đến chốn. Nói nôm na hơn, dù chuyên tâm học cách xem của đại sư Tử Vân, chưa chắc áp dụng được lối xem của Tử Vân mà đạt kết quả chính xác. Đây chẳng phải là tôi bi quan võ đoán, vì ngay trong các sách của ông có ghi rõ, rất nhiều lá số được đưa lên chỉ vì những học viên cao cấp của ông chẳng biết phải đoán như thế nào cho đúng.
Nhưng phải truyền lại được cho đời sau
Khi tôi viết những dòng này thì phái Tử Vân đã chuyển sang “quái tượng” là một lối xem hoàn toàn mới, xa lìa cái nền có sẵn của khoa Tử Vi. Như tôi đã trình bày trong message 1, đây là một lý do khiến tôi quay trở lại và nghiên cứu phép phi tinh. Với tôi quyết định này đến đột ngột như một cơn động đất, bởi khi ấy tôi chợt giật mình hiểu ra rằng những cách xem như của ông Tử Vân, dù chính xác bao nhiêu đi nữa cũng có một vấn đề hết sức to lớn là lệ thuộc vào quá nhiều yếu tố chồng chéo lên nhau, thành thử quá phức tạp, người khác thấy quá khó hiểu. Cứ theo những gì ghi lại trong các sách của ông Tử Vân thì cách xem của ông hình như không còn đệ tử nào của ông hiểu thấu (theo tôi nhớ có một người có nhiều triển vọng hiểu thấu nhưng đã mất sớm, người khác được ông Tử Vân đặt nhiều kỳ vọng là ông Liễu Vô cư sĩ thì giữa đường lại bỏ ông Tử Vân mà đi theo lối khác). Nghĩa là dù ông Tử Vân hết lòng truyền thụ, cái học của ông có thể vẫn thất truyền, như ông sư mật tông chết đi mà không có học trò đủ công lực để tiếp tục con đường của mình vậy.
Với chủ trương “Tử Vi hoàn toàn khoa học” tôi muốn tìm một cách xem có đặc tính như kiến thức khoa học, mà muốn như kiến thức khoa học thì cách xem ấy phải có thể được người bình thường như tôi chẳng hạn truyền lại cho đời sau học hiểu. Sau khi “chịu thua” cách xem của ông Tử Vân, khi đọc lại sách phi tinh đây chính là trọng điểm mà tôi tìm kiếm.
Xin ghi lại hai câu thiệu của phái phi tinh đã ghi trong message 1:
“Đẩu số dụng thần vi tứ hóa
“Tinh phùng tứ hóa hiện cát hung.
Trước đây hai câu này khiến tôi phản cảm, vì chúng ám chỉ rằng phái phi tinh hoàn toàn không cần biết gì đến hơn trăm thần sát của khoa Tử Vi. Nhưng lúc ấy tôi vừa lìa bỏ cách xem phức tạp của ông Tử Vân thành thử hai câu này bỗng dưng với tôi có một ý nghĩa hoàn toàn mới, nếu không muốn nói là hết sức hấp dẫn.
Tôi muốn hỏi: “Có thật là giản dị như thế không?” vì nếu thật thì chỉ dùng tứ hóa tôi có thể đoán cát hung, tức là luận tốt xấu thành bại. Dĩ nhiên chính xác là tiêu chuẩn quyết định, nhưng giả như cách xem này có độ chính xác chấp nhận được thì chẳng phải là nó đã thỏa tiêu chuẩn Tử Vi hoàn toàn khoa học hay sao?
Đọc đến đây một số độc giả có lẽ sẽ bất mãn vì tôi đã từng cho là phái phi tinh “không chấp nhận được” vì họ bỏ thần sát, sao giờ lại có vẻ chấp nhận? Sự thực là tôi không hề chấp nhận bỏ thần sát, nhưng gốc kỹ sư dạy tôi rằng nếu đòi giải quyết hai vấn đề cùng một lúc thì thường chẳng giải quyết được vấn đề nào cả. Tôi muốn xét vấn đề thứ nhất cho xong đã, rồi sẽ đến vấn đề thứ hai.
Vấn đề Tuần Triệt và một khám phá bất ngờ
Trước khi tiếp tục, thiết tưởng cần trình bày một khám phá của tôi, có thể nói là một khám phá tâm đắc của tôi về khoa Tử Vi. Khám phá này bắt đầu với những cọ xát và động não liên tiếp khi đọc sách dạy Tử Vi của các bậc đại sư trong thời gian tôi còn ở Đài Loan, nhưng lấn cấn kéo dài mãi đến hai năm trước đây tôi mới có đáp án tối hậu.
Tôi xin bắt đầu với vấn đề nặng kí nhất là Tuần Triệt. Tôi lớn lên với Tử Vi Việt dĩ nhiên cho rằng Tuần Triệt là hai yếu tố quyết định của lá số Tử Vi. Tôi cũng đã từng gặp nhiều người dùng Tuần Triệt luận ra những kết quả cực kỳ chính xác. Xin khẳng định rằng trong đời nghiên cứu của tôi Tuần Triệt là vấn đề đã khiến tôi phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức, mặc dù phải nhìn nhận là đến bây giờ vẫn chưa có đáp án hoàn toàn thỏa đáng.
Bởi chú tâm đến Tuần Triệt như thế, khi đọc sách Tử Vi Đài Loan tôi sửng sốt khi biết các đại sư đa số đều bỏ Tuần Triệt không xem. Khởi đầu tôi nghĩ vì xem Tuần Triệt là đòn tối hậu của cao thủ Tử Vi, nên họ giữ lại để dạy cho người thân mà thôi. Tức là họ dấu nghề! Nhưng sau khi đọc khá nhiều sách, nhất là sau khi nghiên cứu chuyên sâu 11 quyển sách của đại sư Tử Vân thì tôi buộc lòng nhìn nhận sự thật là quả thật nhiều cao thủ Tử Vi của Đài Loan đã bỏ hẳn Tuần Triệt, chẳng phải dấu nghề gì cả, và trường hợp ông Tử Vân là một chứng cớ rành rành.
Vậy thì chắc chắn phải có một bên đúng một bên sai chăng? Trước đương nhiên tôi nghĩ như thế, và dĩ nhiên tôi cho rằng Tử Vi Việt đúng Tử Vi Đài sai. Nhưng sau hơn mười năm nghiên cứu khá sâu và có thể nói là hiểu Tử Vi Đài Loan khá rõ, câu trả lời của tôi bây giờ lại là: “Chưa chắc có người sai kẻ đúng. Rất có thể hai bên cùng có lý cả!”
Để giải thích quan điểm khá ngang tai này tôi xin so sánh Tử Vi như một tòa biệt thự kiến trúc cổ phức tạp, cùng lúc có mấy nhà khảo cổ quan sát từ xa, nhưng từ những góc cạnh khác nhau. Vì góc nhìn khác nhau, khi kiếm cách vào trong tòa biệt thự ấy mỗi người sẽ theo một con đường khác nhau. Người theo đường A thấy một lối vào bí hiểm, tất nhiên chọn nó vì không thấy cách nào khác; người theo đường B không gặp lối vào bí hiểm đó vì tự nhiên thấy một lối vào khác, cũng rất khó khăn nhưng không bí hiểm như đường A.
Ý tôi muốn so sánh Tử Vi Việt với đường A, Tử Vi Đài với đường B. Mặc dù hai bên khởi đầu cùng như nhau cả (nhiều sách cũ ở Đài Loan vẫn an Tuần Triệt), nhưng vì một tình cờ của lịch sử Tử Vi Đài quyết định cho tứ Hoá đóng vai trò áp đảo trên lá số Tử Vi. Đây là một khác biệt hết sức to lớn so với Tử Vi Việt bởi mặc dù Tử Vi Việt không coi thường tứ Hóa, nhưng bảo là coi trọng tứ Hóa thì không đúng. (Chú: Tử Vi Việt đây ý tôi nói là Tử Vi theo các sách Vân Đằng Thái Thứ Lang, Song An Đỗ Văn Lưu, Thiên Lương, phú Lê Quý Đôn v.v…, tôi không biết gì đến các phái mật truyền không lộ đòn ra ngoài của đất nước ta nên những điều này không ám chỉ họ).
Hãy ví tứ Hóa trong Tử Vi Đài như bốn con hổ. Rừng có lắm hổ chỉ thêm đại loạn, nên Lộc Quyền Khoa Kị được Tử Vi Đài tăng lên cấp hổ rồi thì hai con hổ già Tuần Triệt bị mất chỗ đứng; bỏ chúng đi hay không thì phải quyết định sau, nhưng chẳng có lý do gì để cho chúng đóng vai trò áp đảo nữa. Thành thử nhờ cho tứ Hóa vai trò áp đảo mà Tử Vi Đài đã lần hồi loại Tuần Triệt ra khỏi cách xem số Tử Vi.
Kiếp Không cũng là hai con hổ mất uy
Ngay sau Tuần Triệt là vấn đề Không Kiếp. Quen với sách Tử Vi Việt, tôi cứ nghĩ gặp Không Kiếp thì xấu lắm; nên một lần nữa tôi sửng sốt khi khám phá rằng Tử Vi Đài Loan chẳng cho Không Kiếp vai trò phá hoại quan trọng như Tử Vi Việt, và sau khi đọc nhiều sách của Tử Vi Đài tôi buộc lòng kết luận rằng đây cũng chẳng phải là dấu nghề, mà quả thật họ xem như vậy.
Một lần nữa, ý kiến của tôi về Không Kiếp y hệt trường hợp Tuần Triệt. Tử Vi ta và Tử Vi Đài nhìn Không Kiếp khác nhau không phải là vấn đề tôi đúng anh sai mà là cùng một biệt thự Tử Vi có hai lối vào khác nhau, nên khi gặp chuyện tất nhiên phải dùng những đòn khác nhau để đối phó, thậm chí kết quả hoặc hậu quả cũng khác nhau.
Đã nói đến Không Kiếp thì tôi không thể không đề cập đến lá số của một người phi thường có vị trí vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa, được cả Tưởng lẫn Mao trọng vọng, tức vị cha già của dân tộc Trung Hoa, ông Tôn Dật Tiên.
Chia sẻ ý kiến của bạn