Xuất bản sau “Giết con chim nhại” nhiều năm nhưng thực chất “Hãy đi đặt người canh gác” mới là tác phẩm đầu tay của Harper Lee.
Tháng 2/2015, Haper Lee chia sẻ với độc giả: “Vào giữa thập kỷ 1950, tôi hoàn thành một cuốn tiểu thuyết có tên Hãy đi đặt người canh gác. Trong đó xuất hiện nhân vật vẫn được biết đến dưới tên Scout, nay đã là một phụ nữ trưởng thành, và tôi nghĩ đó cũng là một sản phẩm khá tử tế. Biên tập viên của tôi thích thú với những đoạn hồi tưởng về thời ấu thơ của Scout, đã thuyết phục tôi viết một cuốn tiểu thuyết từ điểm nhìn của Scout hồi nhỏ. Tôi mới là một nhà văn tập sự, nên đã làm theo lời chỉ bảo. Tôi không hề biết cuốn sách ấy vẫn còn đến nay, và vừa ngạc nhiên vừa vui sướng khi bạn thân, luật sư của tôi là Tonja Carter phát hiện ra nó. Sau nhiều đắn đo suy nghĩ tôi đã đưa vài người tin cậy xem cuốn sách, và rất vui lòng được biết họ coi cuốn sách này đủ tư cách xuất bản. Tôi vừa hân hạnh, vừa kinh ngạc rằng cuốn sách này sắp được xuất bản sau bấy nhiêu năm.”
Với những nhân vật và bối cảnh quen thuộc, Hãy đi đặt người canh gác được kể từ góc nhìn của Jean Louise đã trưởng thành. Bên cạnh những bài học về thấu cảm và khoan dung như trong Giết con chim nhại, cuốn sách còn là hành trình phân định trắng – đen, tìm đường đi giữa những đúng sai trong một xã hội của những giá trị đối đầu.
Jean Louise Finch, một cô gái 26 tuổi sinh sống và làm việc tại New York, về thăm nhà tại Maycomb, một thị trấn nhỏ miền Nam nước Mỹ. Chờ đợi cô ở nhà là những người thân thuộc: Atticus, người bố luật sư đã về già hiện đang mắc bệnh, bác gái Alexandra với những quan điểm cổ hủ về đạo đức, và Henry Clinton, phụ tá cho Atticus, cũng là người bạn ấu thơ và người theo đuổi cô bấy lâu nay. Nhưng điều cô không ngờ đến là mâu thuẫn của thập kỷ ấy – phong trào đòi quyền công dân, bình đẳng cho người da đen – đã ngóc đầu dậy trong chính gia đình mình và khiến những người thân chợt trở nên xa lạ. Khi những tấm gương anh hùng thơ ấu của cô vai kề vai với những kẻ thù ghét “mọi đen”, cổ xúy phân biệt chủng tộc, Jean Louise sẽ phải nghĩ và làm gì?
Hoàn thiện bản thảo vào năm 1957, cuốn sách là sự phản ứng trực diện trước những sự kiện đã gây sóng gió trong xã hội Mỹ thời bấy giờ: phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ trong vụ Oliver Brown cùng các phụ huynh kiện Hội đồng giáo dục của thành phố Topeka, Kansas, kết luận luật các bang cho phép phân cách màu da ở các trường công là vi hiến (17/5/1954). Phán quyết này được coi là một bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của người da đen, nhưng trái lại, khiến một bộ phận lớn người da trắng, đặc biệt là ở các bang cực Nam, phản ứng mãnh liệt. Sự ra đời các Hội đồng Công dân bảo vệ “quyền của người da trắng”, mà mô hình đầu tiên thành lập vào 11/7/1954, là một nội dung quan trọng trong tác phẩm đã khắc họa rất xác thực tư tưởng và ngôn ngữ kỳ thị người da màu.
Hãy đi đặt người canh gác là bản thảo tiểu thuyết đầu tay mà Harper Lee gửi đi các nhà xuất bản vào năm 1957. Biên tập viên Tay Hohoff ở J. B. Lippincott & Co. đã nhìn thấy tiềm năng của bản thảo, nhất là trong một đoạn hồi ức thơ ấu của Jean Louise, và đã làm việc sát sao với Harper Lee để phát triển đoạn hồi ức này thành hẳn một câu chuyện mới. Sau ba năm, cuốn sách mới với cái tên Giết con chim nhại được xuất bản (1960) và nhanh chóng thành công vang dội, trở thành tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ hiện đại, nhưng tiểu thuyết ban đầu bị coi là đã mất.
Khi bản thảo của bà được tìm lại vào năm 2014, thông tin ấy đã gây xôn xao làng xuất bản thế giới. Phát hành ngày 14/7/2015, Hãy đi đặt người canh gác đã đứng đầu các bảng xếp hạng sách bán chạy suốt 3 tháng trước đó. Trong vòng một tuần, sách bán được 1,1 triệu bản ở Mỹ và Canada (cả sách in, sách điện tử và sách tiếng).
Hình tượng mới về Atticus và Jean Louise cùng tranh cãi xung quanh việc phát hiện bản thảo tiểu thuyết đã làm dấy lên những bàn luận sôi nổi về sự chủ động của tác giả, về quá trình biên tập, và về cách hiểu nhân vật cũng như các tình tiết trong cuốn sách.
Trong Hãy đi đặt người canh gác, bạn đọc vẫn dễ dàng nhận thấy văn phong sắc sảo và sự đôn hậu đặc thù của Harper Lee. Lối kể chuyện hấp dẫn cùng tài nắm bắt đặc trưng của nhân vật hay cảnh vật chỉ qua một vài chi tiết chọn lọc của bà cũng được phát huy trong cuốn sách này.
Tuy nhiên, ở Giết con chim nhại, người đọc được tiếp nhận một bài học đạo đức tương đối thuần khiết và trực tiếp. Còn trong Hãy đi đặt người canh gác, tác giả đã chuyển sang cuộc hành trình tìm kiếm bản thân của Jean Louise đang trưởng thành, khi trí óc phê phán của cô không chỉ nhằm vào xã hội mà vào cả bản thân mình, trên đường đi tìm một “người canh gác” cho bản thân. Trên tất thảy, cuốn tiểu thuyết mới là một cơ hội tuyệt vời cho người đọc làm quen và đánh giá lại Harper Lee, vượt ra ngoài hình dung về một “nhà văn viết cho thiếu nhi” tài năng như chúng ta từng được biết.
***
“Một tác phẩm mới, một khoái cảm cho người đọc, một cuộc thiên khải, một sự kiện văn học thực sự”
• THE GUARDIAN
“Tiểu thuyết thứ hai của Harper Lee còn rọi sáng những vấn đề của thế giới chúng ta hơn nhiều cuốn trước.”
• TIME
“Như Faulkner thường nói, những câu chuyện hay duy nhất là những câu chuyện kể về trái tim con người mâu thuẫn với chính nó. Và đấy chính là lời miêu tả đích đáng cho Hãy đi đặt người canh gác.”
• DAILY BEAST
“Một trong những điểm chính mà mọi nhà phê bình đều đồng thuận, đó là cả người viết và người đọc đều có rất nhiều điều để học từ cuốn sách này.”
• YULTURE
Hiếm có tác giả nào như Harper Lee sống kín đáo và gần suốt cuộc đời chỉ xuất bản duy nhất một tác phẩm, nhưng đã đứng vào hàng tác phẩm được yêu mến nhất. Với Giết Con Chim Nhại, Harper Lee không chỉ có được giải Pulitzer và Huy chương tự do mà còn danh tiếng và lòng ngưỡng mộ của bạn đọc toàn cầu.
Năm 2015, người đọc vui mừng được biết tới sự tồn tại của bản thảo Hãy Đi Đặt Người Canh Gác, tiền thân của Giết Con Chim Nhại. Đây không chỉ là dịp cho chúng ta lần nữa thưởng thức văn phong sắc sảo ý nhị đặc trưng và mãnh lực đạo đức của bà, mà còn là cơ hội hiếm có để hiểu về sự hình thành tác phẩm và công việc nhà văn.
“Nước mỹ những năm 1950, làn sóng đòi quyền bình đẳng cho người da đen đang dâng trào cả nước. Trong vài tiểu bang miền Nam, người da trắng tập hợp để bảo vệ cái mà họ coi là bản sắc bị tước đoạt của mình… Trở về thăm nhà như lệ thường, Jean Louise Finch không ngờ mình sắp bước chân vào giữa cuộc chiến tư tưởng của thập kỷ. Cô sẽ ngỡ ngàng thấy người cha Atticus, vị anh hùng vì lẽ công bình của cô thuở bé, dường như đã đổi màu niềm tin; người thân, bạn bè lâu năm bỗng dưng trở nên xa lạ; thị trấn Maycomb quê hương và chính cô không còn nhận ra nhau. Công lý ở đâu, đúng sai là gì? Khi thành trì lương tâm tuổi thơ cô đã vụn vỡ từng viên đá một, Jean Louise bắt đầu đi tìm một sự thật của riêng mình.”
Câu chuyện cổ tích trong Giết Con Chim Nhại đã nhuốm một màu sắc khác khi nhân vật đột ngột thức tỉnh trong “thế giới nơi ta là người lớn.” Trưởng thành hơn, day dứt hơn, tuy vẫn với chất uy mua[1] hồn hậu ấy, Hãy Đi Đặt Người Canh Gác càng thêm sắc bén với những người đọc thế kỷ 21, khi đang khẩn thiết đặt ra hơn bao giờ hết câu hỏi về khác biệt và khoan dung giữa người với người.
Nhã Nam
Mời các bạn đón đọc Hãy Đi Đặt Người Canh Gác của tác giả Harper Lee.
Chia sẻ ý kiến của bạn