Cuốn tiểu thuyết Huynh đệ của nhà văn Dư Hoa, được giới phê bình Trung Quốc ví như một cơn lốc bởi sự hấp dẫn của gần 400 ngàn chữ cũng như ý tưởng quyết liệt của tác giả thử thách đến tận cùng nhân tính con người. Muốn trải qua hai thời đại một trời một vực như thế, một người phương Tây phải sống đến 400 năm, một người Trung Quốc chỉ cần 40 năm đã trải qua rồi. Vô vàn những biến động trong 400 năm được cô đúc, dồn nén trong 40 năm, đó là một quá trình từng trải hết sức quý giá. Mắt xích gắn kết hai thời đại chính là hai người anh em huynh đệ này, cuộc đời họ rạn nứt trong sự rạn nứt, buồn vui, họ nổ bùng trong sự bùng nổ, số phận họ cũng long trời lở đất giống như hai thời đại này và cuối cùng họ tất sẽ phải nuốt lấy hậu quả từ những ân oán đan xen chồng chéo.

Huynh đệ xoay quanh cuộc đời Lý Trọc, cậu bé mất cha khi chưa chào đời và tuổi thơ ấu khốn khổ trong cách mạng văn hoá. Lý Trọc bất hạnh từ bé, không bao giờ biết mặt cha, lên 5 thì mẹ cậu – công nhân nhà máy tơ tên Lý Lan – đi bước nữa với thầy giáo Tống Phàm Bình. Hạnh phúc ngắn ngủi của hai người nhanh chóng tan như bọt xà phòng bởi cách mạng văn hoá. Cũng vì thế Lý Trọc và Tống Cương (con riêng của Tống Phàm Bình) vướng họa từ thuở lên 8. Bố bị bắt đi đấu tố vì lý lịch con nhà địa chủ, mẹ đi Thượng Hải chữa bệnh không biết họa nhà. Tống Phàm Bình yêu vợ thương con, trong nhà giam chịu đòn roi vẫn đều đặn viết thư động viên vợ yên tâm chữa bệnh. Hai đứa trẻ thần tượng bố, nhưng cuối cùng chính chúng phải chứng kiến cái chết thảm khốc của bố dưới gót giày hồng vệ binh.

Cũng trong những nỗi đau cùng kiệt của kiếp người, một tình yêu lớn lao và đẹp cổ điển của họ đã ở lại cùng bạn đọc: Tống Phàm Bình hứa với Lý Lan, khi nào vợ khỏi bệnh chính anh sẽ đến Thượng Hải đón vợ. Trốn khỏi nhà giam của hồng vệ binh, Phàm Bình ra bến xe khách mua vé, anh bị chặn đánh nhưng vẫn cố nhoài người mua được vé và chỉ tắt thở khi chuyến xe cuối cùng đi Thượng Hải chạy khuất. Hai đứa trẻ tám tuổi phải bám chân van lạy những người qua đường chở xác cha về nhà. Còn Lý Lan chờ chồng cả ngày trước cửa bệnh viện mà không thấy, chị không dám ngủ, không dám ăn vì sợ chồng qua mà không thấy. Hôm sau, chị đi xe về một mình, chị không tin chồng đã chết, chị không khóc, chị tắm rửa cho chồng, nằm gối đầu lên ngực chồng ngủ qua đêm, gói những hạt bùn đen dính máu chồng vào tấm vải lụa, hôm sau mới đi mua quan tài khâm liệm tiễn chồng. Chị để tang chồng bằng mái đầu 7 năm không gội, để rồi đến khi gội xong thì mái tóc hoá bạc trắng và chị vui mừng khi thấy sức mình sắp kiệt, vì sắp được đến bên chồng.




Hai anh em Lý Trọc và Tống Cương lớn lên trong tất cả những bạo lực, nhiễu nhương và chứng kiến những người thân lần lượt ra đi trong bi phẫn. Mỗi đứa mỗi tính, Tống Cương hiền lành, giống bố vì đạo nghĩa, sẵn sàng hy sinh cho em. Còn Lý Trọc thông minh, tinh quái, 14 tuổi đã nổi tiếng thị trấn vì tội rình xem mông đàn bà. Nhưng cũng vì thế, Lý Trọc là người được ăn nhiều nhất món mì Dương Xuân thượng hạng tại thị trấn, vì cậu biết tận dụng cái bí mật mông Lâm Hồng để bán cho những gã đàn ông háo sắc và biến thái. Chúng đã lớn lên trong sự bi đát nhất của con người, từng nhìn thấy quá nhiều sự hắt hủi của con người với đồng loại như mất hết nhân tính. Nhưng chúng vẫn trọng đạo nghĩa làm người và bắt đầu một cuộc sống khác.

Trong Huynh đệDư Hoa đã đẩy nhân vật của mình đến tận cùng của những bi kịch xã hội, để rồi họ phải tự xử lý cuộc đời mình theo những lối đi riêng. Nhà phê bình nổi tiếng Trung Quốc Lý Cật nhận xét: “Trong sáng tác tiểu thuyết trào lưu mới, thậm chí trong toàn bộ nền văn học Trung Quốc, thì Dư Hoa là một người kế thừa và phát triển tinh thần Lỗ Tấn tiêu biểu nhất.”

***

Cuốn sách gồm hai tập, xuất bản vào năm 2005, 2006 và đã bán ra được gần 1 triệu bản – một con số không hề khiêm tốn tại đất nước mà nạn copy sách diễn ra tràn lan và độc giả hoàn toàn có thể download tiểu thuyết miễn phí một cách dễ dàng từ Internet.




Trung Quốc trong tưởng tượng của Dư là một phiên bản đầy khôi hài của thế giới thực tại. Đó là một xã hội điên đảo, không luân lý, không luật pháp, nơi mà những trò tham nhũng, cờ bạc, đĩ điếm và buôn gian bán lận là chuyện thường ngày ở huyện.

Cuốn tiểu thuyết nhận được nhiều lời chỉ trích khá nặng nề. Một số nhà phê bình tỏ ý thất vọng khi Dư Hoa – một trong những tác giả đáng kính nhất tại Trung Quốc hiện nay – lại sản xuất ra một tác phẩm đáng gọi là rác rưởi và mang đầy hơi hướng, kiểu cách Hollywood như vậy.

Tuy nhiên, không ít người lên tiếng tán dương cuốn sách, coi đây là một bức tranh sống động về một xã hội Trung Quốc ngày càng thực dụng, buông thả và mất thăng bằng.




“Về cơ bản, tôi không đồng ý với các nhà phê bình. Đây là một tác phẩm lớn và Dư Hoa là một trong những nhà văn Trung Quốc đương đại tài năng nhất”, Liu Kang, giáo sư Đại học Duke tại Bắc Carolina, nhận xét.

Dư Hoa năm nay 46 tuổi. Dáng người ông thấp đậm, trông trẻ hơn so với tuổi thực. Ông sở hữu mái tóc dày, đen và nụ cười hài hước thường trực. Nhà văn cũng thường xuyên hút thuốc. Trông ông, người ta dễ nhầm với một công nhân hơn.

“Những câu chuyện tôi kể hơi cực đoan, nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm thấy chúng tại Trung Quốc”, tác giả tâm sự trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh, nơi ông đang sống cùng vợ và đứa con trai 12 tuổi.

Dư cho biết, tác phẩm của ông bắt rễ từ mảnh đất nơi ông được sinh ra. Ông sinh năm 1960 tại thị trấn nhỏ ở Hàng Châu trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là bác sĩ.

Mời các bạn đón đọc Huynh Đệ của tác giả Dư Hoa.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.