Cuốn sách “Mai Hoa dịch số” được xem là bộ kỳ thư độc đáo trong lịch sử văn hóa Trung Hoa, là viên ngọc quý của khoa chiêm bốc dự đoán học, tương truyền do Thiệu Khang Tiết, nhà đại triết học đời Tống biên soạn. Nền tảng của Mai hoa dịch số là Kinh Dịch, nội dung là các phép gieo quẻ đoán quẻ rất linh hoạt dựa trên tượng số bát quái.

“Kinh Dịch” là cội nguồn của văn minh Trung Hoa, bách gia chư tử Tiên Tần đều tiến hành nghiên cứu “Kinh Dịch” ở những tầng thứ khác nhau. Khổng Tử lúc cuối đời đã dành phần lớn tâm lực để nghiên cứu “Kinh Dịch”, và đích thân làm chú giải cho cuốn kinh điển này. Do sự tôn sùng của Khổng Tử đối với “Kinh Dịch”, mà Nho gia luôn coi đây chính là cuốn kinh điển căn bản. Từ Lưu Hâm, Ban Cố đời Hán trở về sau, “Chu Dịch” được tôn là cuốn kinh điển hàng đầu trong lục kinh của Nho gia. “Kinh Dịch” hàm chứa một nội dung toán học phong phú, thường được các nhà lý số cổ đại coi là căn cứ triết học để giải mã về vạn vật trong vũ trụ, là cội nguồn trí tuệ để nghiên cứu về mối quan hệ lý số của vạn vật trong vũ trụ.

Mai Hoa Dịch số (chữ Hán: 梅花易數) là một hình thức bói toán được xây dựng trên cơ sở triết lý Kinh Dịch với các thuyết Can Chi, âm dương, ngũ hành, bát quái kết hợp thuyết vận khí, bát quái kết hợp ngũ hành… bằng cách lập quẻ chính, hào động và quẻ biền; căn cứ vào sự vật, hiện tượng quan sát hay nghe được, đo đếm được hoặc giờ, ngày, tháng, năm xảy ra (theo âm lịch).

Toàn bộ tập sách gồm 5 quyền. Từ thời Tống đến nay, nó luôn luôn được các bậc vua chúa và nhân dân dùng làm căn cứ lý luận cho khoa chiêm bốc và dự trắc học.

Cùng với Kinh dịch, Ma y tướng thuật, Mai hoa dịch số được coi là một trong tam đại kỳ thư về Tướng học và Dự Trắc Học của Trung Quốc.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.