MỘT CÁCH ĐỂ CỦA CHO CON
Muốn cho con cái sau có quyền cao chức trọng, nhà ngói cây mít, ao cả ruộng liền là lẽ thường tình của mọi người. Vị lòng ước ao ấy mà lắm người chắt bóp từng đồng, dè sẻn từng li, ăn nhịn để dành, mong gây dựng cho con cái mai sau. Tuy phải khó nhọc, hoặc dầm nắng dãi mưa, hoặc chân bùn tay lấm, hoặc chèo non vượt biển, mà miễn kiếm được dư dật ít nhiều dành dịn nay tí mai tí, lâu dần thành tiền đống để lại cho con làm vốn liếng là cũng không há răng hở môi phàn nàn chi cả. Có khi thương con quá, đến nỗi không nỡ trái ý, muốn sao cho vậy, không dám bắt học hành, sợ con phải nhọc mà thường nghĩ thầm rằng : ngày nay là buổi kim tiền thiết huyết, nay ta dành dịn có tiền thì nhờ oai đồng bạc dẫu đổi trắng thay đen còn được, huống chưng là lo danh phận cho con, tưởng dễ như dở bàn tay có khó gì. Vả chăng đến khi con ta nhớn khôn lên, sẵn đã có vốn liếng nó làm ruộng đi buôn, làm gì chả đủ được sung-sướng, tội gì bắt nó vùi đầu vào quyển sách suốt ngày cho mệt thân nó. Mà lại lắm người văn hay chữ tốt nhưng vẫn cũng xác như vờ, sơ như rộng thì tội gì ta bắt con ta mỏi óc nhọc xác làm chi.
Ôi ! Thương con đến thế thật không thương phải đường ! Cái lý tưởng để của chìm của nổi cho con còn hơn là cho con ăn học thật là sai lầm lắm lắm. Ta đã thấy bao nhiêu nhà trọc-phú chỉ lắm của nhiều tiền mà óc rỗng tếch, ngu si, dại dột, tròng vào chữ như xem vào tường, hay phải lừa đảo, người bảo phải chả theo, chỉ nghe kẻ nói dối, nên chẳng bao lâu phải mình trần chôn-chã, chơ thân cụ còn hai bàn tay trắng. Đến bấy giờ tiền hết gạo không lấy gì làm cách sinh nhai, tất phải xoay ra cách lường thầy phản bạn, dối-da gian-tham, nhân cách con người sao cho giữ được, còn nói chi đến sự chia bùi sẻ ngọt, báo đáp sinh thành.
Nước đã đến chân, nhẩy sao cho kịp, vì cha mẹ lo không phải đường, tính chẳng ra lối mà dí đại họa cho con.
Trông người phải ngắm đến ta, ta há chả nên lợi dụng cái nhầm của người mà định liệu cách để của cho con ta sau này thế nào cho phải đường ư. Ta nên nhận biết rằng, thế-kỷ ngày nay là thế-kỷ lý luật, khôn được dại thua, hớ hênh thiệt của, vô ý mất tiền, vì lắm kẻ hiểm thâm vô lại, dùng thiên phương bách kế, phép quỉ chước ma để bóc tước anh khờ, anh dốt, chẳng thương chi người dại, không xót gì kẻ ngu. Ngày xưa, người dốt nát đần độn nhưng chịu cằm cụi chũi đụt làm ăn thì còn giữ được của, nhưng ngày nay người dốt nát, kẻ ngu si khó giữ được của mà ăn ; cho nên ta phải lo trước nghĩ sau thế nào cho con ta sau này có thể cạnh tranh với người đời quỷ quyệt.
Đi qua rừng rậm lắm loài ác thú, tất phải có khí giới mấy bảo toàn được tính mệnh ; ở đời quỷ quyệt, tất phải khôn giỏi mới có thể bảo hiểm được thân mình.
Đành rằng cái khôn giỏi là những khí giới mạnh để hộ vệ cho người, nhưng tìm đâu thấy, lấy đâu được ? Xin đáp rằng : sự khôn giỏi hay ẩn núp trong những quyển sách tốt. Thực vậy, những sách tốt là những tiếng của bạn hiền khuyên nhủ êm đềm ta làm những điều hay, dạy dỗ ta ngọt ngào những nhẽ phải, miễn là ta biết kiên tâm bền chí mà học tập, vui lòng mà tuân theo là được. Thủa xưa, ông Drouot nhà nghèo cảnh khổ, chỉ nhờ có học mà nên khanh tướng, vẻ vang mày mặt rõ ràng mẹ cha ; bà Mạnh-mẫu, mẹ góa con côi, chỉ biết chăm cho con học hành mà được hiển vinh sung sướng, tiếng thơm để lại nghìn thu. Muôn nghìn người khác nhờ có học mà được vinh thân phì gia kể sao cho hết. Thế mới biết cổ-nhân nói : « Để nghìn vàng cho con không bằng dạy con một quyển sách », thật là có lý lắm. Vậy, bất cứ ta muốn sau này cho con làm nghề gì, trước hết ta nên cho học đến nơi đến chốn đã, mà nếu có thể cho học được thì những cách lối tắt đường ngang mong cho chóng được cái danh giá hão huyền, ta chớ nên dùng đến, vì nghề nào cũng vậy, làm ruộng, đi buôn, làm thợ, nếu có học rộng biết nhiều tất có cơ mở mang to tát được. Xem như những nhà nông công thương các nước văn-minh lập nên nghiệp nhớn, có danh tiếng lừng lẫy hoàn cầu, hầu hết là những tay cự phách trong làng nho, xuất thân ra đường thực-nghiệp, chứ những người vô học thức đương sao nổi những việc nhớn được. Nói tóm lại là hễ cho con học được đến nơi đến chốn, tức là để cho con cái của rất chắc chắn vậy.
D.Q.H.
***
1) GƯƠNG-PHONG-TỤC
Thiên-hạ mỗi nước có một phong-tục, mà trong nước cũng mỗi nơi có mỗi phong-tục. Những nhời ca-dao này tức là cái tinh thần hồn phách của thói tục trong nước hiện ra. Hễ thói tục hay thời có câu ca-dao hay, thói tục dở thì có câu ca-dao dở. Điều hơn nhẽ thiệt, kẻ dại người khôn, không sự gì là không đủ. Cũng là một cái gương cho người trong nước ta soi chung. Không cứ nhớn nhỏ giai gái, ai cũng nên đem cái gương này mà soi vào mình, điều hay thì nghĩ xem mình có được như thế không, điều dở thì xét xem mình có phải như thế không. Hay khen hèn chê, nào ai có búng miệng thiên-hạ. Tốt phô xấu đậy, chửa dễ mà che mắt thế-gian. Nhời ông bà cổ sơ nói, chẳng điều bỏ đi ; thực là một sự khuyên răn rứt thiết cho người ta, không phải là để nghêu ngao cho đỡ buồn mà thôi.
Xưa kia ta chỉ học sách quốc-phong nước Tầu, thì chưa ai chép đến sách này. Từ khi có lối học mới thì ta mới biết cái thói tục của mình là sự cần hơn. Nên cũng đã một vài người có chí, chép nhặt lấy mấy nhời qua ở các miền quê, mà ghi làm quốc-phong của nước mình.
Những sách ấy chép có ba lối : một là chép theo lối quốc-phong nước Tầu mà chia ra từng phủ từng huyện ; hai là theo lời ca mà chia loài mục, như là mục cây cỏ, mục núi sông ; ba là dịch nghĩa nhời ca làm câu thơ chữ nho, mỗi câu bốn năm chữ, như lối thơ quốc-phong nước Tầu. Mỗi sách mỗi lối cũng là có một ý kiến cả.
Đến như sách này, là góp nhặt mọi nhời ca mà suy xét tình ý, xem câu nào ý gì sẽ lựa theo mà chia mục, cả thảy mười mục là ba mươi tám tiết, trước hết lấy sự luân-lý làm đầu, rồi đến các bực người, các giọng nói, nhân tình thế sự, khí đất tiết giời, gần từ trong nhà, xa đến ngoài nước, loài nào mục ấy, làm cho người xem mở sách thấy nghĩa ngay, còn những nhời chưa rõ là tình ý gì, mà nhời nhẽ hay, thì cũng chép phụ xuống cuối sách, gọi là ghi nhớ lấy nhời cổ tích mà thôi.
Sách này là biên chép, không phải là đặt ra, nói hay nói dở là tự nhời người xưa, mà biết dở biết hay, thì ở lòng người xem sách, duy những nhời chua bàn, là người chép sách có phụ thêm ý mình, làm cho rõ nghĩa, song cũng phần nhiều là dẫn nhời phương-ngôn tục-ngữ là điển-tích cho rõ, là nói có sách mách có chứng, không dám tự ý riêng mà nói phải lấy một mình.
Song nhời ca-dao trong một nước có nhẽ còn nhiều, sách này tuy rằng góp nhặt đã kỹ, nhưng mà tai mắt một người đã lấy đâu làm đủ được, vả lại các bài ấy phần nhiều là sao ở miệng người, không phải là có bản sẵn, nên dẫu so xét cũng chưa chắc đã khỏi sự sai nhầm, nếu sau này các ông biết rộng, có ý giúp vào, góp gió làm bão, như gấm thêm hoa, cho cái gương soi chung trong nước một ngày một tỏ, mà tai mắt chúng ta càng trông xa nghe rộng mãi ra, ấy là phần trông mong về những người thông thái.
ĐOÀN-DUY-BÌNH
Mời các bạn đón đọc Một Cách Để Của Cho Con của tác giả D.Q.H.
Chia sẻ ý kiến của bạn