“Giữa trần gian, con người chẳng thể sống một mình; từ bản thân mỗi người và trong hiệp quần với tha nhân phát sinh các vấn đề, và chỉ có thể giải quyết đích thực chúng bằng cách sống nhân ái với trọn vẹn thể xác cùng tâm hồn chân chính của mình.

Và Almustafa, ngôn sứ hóa thân của Gibran trong “THE PROPHET” đã phát biểu về các vấn đề đó, theo chiều hướng đó, bằng 26 bài thơ xuôi nhuốm đầy tình người ấm áp và hương vị triết lý.

Chính Gibran cũng đã trực tiếp xác nhận: “Trong NGÔN SỨ, tôi chốt lại các ý tưởng nhất định và tôi ao ước sống theo các lý tưởng đó… Đối với tôi, nếu chỉ viết suông chúng ra thôi thì đó là giả trá.”




Từ ngày ra mắt (1923), tác phẩm xuất sắc này được đón nhận nồng nhiệt, đến nay đã dịch ra hơn 40 thứ tiếng, tái bản gần 200 lần, với hơn 100 triệu bản in.”

(Nguyễn Ước)

***




Ngôn sứ (The Prophet), là tác phẩm chủ yếu và tuyệt vời nhất trong cả chục tác phẩm bằng tiếng Anh và tiếng A Rập của ông. Ngôn sứ được xuất bản lần đầu năm 1923, và cho đến nay, đã tái bản hàng trăm lần cùng dịch ra trên bốn chục thứ tiếng. Chỉ riêng với tác phẩm này, Kahlil Gibran được giới xuất bản đánh giá là một trong các tác giả được đọc rộng rãi nhất, có lẽ chỉ sau Shakespeare và Lão Tử.

Ngôn sứ gồm 26 đáp từ bằng lối nói đầy chất thơ chuyên chở những cái nhìn thấu suốt, ứng xử với các chủ đề lớn của cuộc đời trên nền tảng chân thiện mỹ, như hạnh phúc và đau khổ, tình yêu và cái chết, lao động và của cải, hôn nhân và con cái, tình bằng hữu và luật pháp, thiện ác và tôn giáo, ăn mặc và cầu nguyện, v.v.

Tác phẩm này cũng đã được ít nhất năm người dịch sang tiếng Việt, trong đó có Phạm Bích Thủy, Trùng Dương, Giải Nghiêm, Châu Diên, v.v. với nhan đề thường xoay quanh chữ “tiên tri”. Trong bản dịch này, tôi dùng chữ “ngôn sứ”.




Ngôn sứ (prophet), được hiểu như một sứ giả chuyển giao một thông điệp bằng ngôn từ. Ngôn sứ có mặt trong các tôn giáo lớn như Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Bái Hỏa giáo, Hi Lạp cổ đại, v.v. Ngôn sứ tự xem mình hoặc được xem như kẻ có giao tiếp với các hữu thể thiêng liêng hoặc siêu phàm, như Thượng đế hay thần linh. Thông điệp mà họ trung chuyển cho con người thường được gọi là sứ điệp hay lời tiên tri (prophecy), có lẽ vì thế nhiều người thường dịch chữ Prophet là Nhà tiên tri, theo ý nghĩa kẻ biết trước và nói lên con đường tất yếu trong tương lai nếu người đương thời nhất định đi theo chân lý hoặc vẫn không thể từ bỏ những đọa lạc hiện tại. 

Hiểu một cách tích cực, ngôn sứ là kẻ cống hiến những cái nhìn thấu suốt cho thời đại, vừa là người quyết liệt phê phán hiện trạng, cất cao lời cảnh tỉnh người đương thời, nhắc lại các giá trị tinh thần bất biến, và vừa là kẻ sẵn sàng hiến thân để làm nhân chứng cho chân lý và bảo chứng cho sứ điệp. 

Như thế, về mặt truyền thống, ngôn sứ không phải là kẻ đưa ra lời tiên đoán biến cố hoặc giải đáp cụ thể và tức thời các bí ẩn. Ngôn sứ là kẻ hiện đại hóa bằng ngôn từ nội hàm của chân lý muôn thuở, đưa lời cảnh báo cấp thiết, và được xem là người tích cực cổ vũ cho những đổi thay trong cá thể mỗi người và quần thể xã hội, mang tính tâm linh và cách mạng tận gốc, trong quá trình trở về với cội nguồn uyên nguyên của con người.




Hình ảnh Ngôn sứ Almustafa được thể hiện trong bản dịch này – mà chúng tôi cố làm cho gần gủi với hình ảnh vừa cách biêt vừa thân ái trong nguyên tác của Kahlil Gibran – là một con người bình thường tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, được thăng hoa nhờ các trải nghiệm của một quá trình chiêm nghiệm trong cô đơn và thấu suốt, rồi phát biểu với chúng sinh bằng tất cả ý thức trách nhiệm, từ tốn và chân tình… Một hình ảnh thường được nghĩ tới như một chức năng hay một kỳ vọng của giới văn nghệ sĩ, triết gia, tăng lữ, nhà giáo dục, v.v., những trí thức chân chính nói chung và kẻ làm nghệ thuật nói riêng.

***

Khalil Gibran (tên đầy đủ tiếng Ả Rập Khalil Gibran Gibran, đôi khi viết là Kahlil) (6/1/1883 – 10/4/1931) là một nghệ sĩ, nhà thơ và nhà văn Liban.

Sinh ra tại thị trấn Bsharri ở phía bắc Liban ngày nay (lúc đó là một phần của Mount Lebanon Mutasarrifate, Đế quốc Ottoman), khi còn trẻ ông di cư cùng gia đình đến Hoa Kỳ, tại đó ông nghiên cứu nghệ thuật và bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình, viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Trong thế giới Ả Rập, Gibran được coi là một kẻ nổi loạn trong văn học và chính trị. Phong cách lãng mạn của ông là tâm điểm của sự phục hưng trong văn học tiếng Ả Rập hiện đại, đặc biệt là thơ văn xuôi, tách ra từ trường phái cổ điển. Tại Lebanon, ông được coi như một thiên tài văn học.

Ông chủ yếu được biết đến trong thế giới nói tiếng Anh vì cuốn sách The Prophet (tiên tri) năm 1923 của ông, một ví dụ đầu tiên của tiểu thuyết truyền cảm hứng bao gồm một loạt các bài tiểu luận triết học được viết bằng thơ văn xuôi tiếng Anh. Cuốn sách bán rất chạy mặc dù bị chỉ trích lúc đầu. Nó được phổ biến trong những năm 1930 và một lần nữa trong những năm 1960 với nền văn học chống văn minh xã hội. Gibran là nhà thơ có sách bán chạy nhất thứ ba của mọi thời đại, sau Shakespeare và Lão Tử.

Tác phẩm:

  • Uyên ương gãy cánh
  • Đóa Hoa Khát Vọng
  • Ngôn Sứ (Kẻ Tiên Tri)
  • Trầm Tưởng
  • Tiếng vô thanh và người tình vĩnh cửu
  • Giêsu Con của Con người
  • Hoài vọng phương Đông
  • Mật khải
  • Tình yêu tận hiến
  • Mây trên đỉnh núi và kẻ mộng du
  • Nhà Tiên Tri

Mời các bạn đón đọc Ngôn Sứ (Kẻ Tiên Tri) của tác giả Kahlil Gibran.

 


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.