Người Hùng Ý Tưởng

KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ – CẦN NHANH NHƯNG KHÔNG VỘI

Thạc sĩ Thạch Lê Anh

Nhà sáng lập, Chủ nhiệm đề án VietNam Silicon Valley (VSV)




Thời gian gần đây, các start-up về công nghệ đang trở thành một phong trào đáng chú ý và thu hút được giới đầu tư trong và ngoài nước. Cộng đồng Khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam dồn dập đón nhận những thông tin đầy hứng khởi nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Bài toán đặt ra cho họ là làm sao để hòa mình vào dòng chảy khởi nghiệp của thế giới đủ nhanh, để không bị tụt hậu đồng thời tạo những dấu ấn riêng mang tên Việt Nam trong khi có đến 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bí quyết duy nhất là HỌC HỎI và KHÔNG NGỪNG RÚT KINH NGHIỆM.

Nói về vấn đề này, chúng ta có thể học hỏi được gì từ Thung lũng Silicon – trung tâm công nghệ cao toàn cầu, cái nôi của đổi mới sáng tạo và truyền thông xã hội, từ lâu đã trở thành thánh địa đối với những người ôm mộng thay đổi thế giới, đồng thời là hình mẫu trung tâm khởi nghiệp để các quốc gia khác học tập theo?

Với mong muốn mang đến cho độc giả trong nước một góc nhìn độc đáo, chân thực và thực tế nhất có thể về muôn mặt đời sống ở Thung lũng Silicon, để thấu hiểu và kêu gọi thành công vốn đầu tư từ Thung lũng cho start-up của mình, hay để rút ra những bài học hữu ích cho phát triển doanh nghiệp, Alpha Books và VSV đã tuyển chọn và xin trân trọng giới thiệu bộ sách “Khởi nghiệp Công nghệ” gồm ba cuốn:




Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon: Cuốn sách cung cấp cái nhìn của người trong cuộc, vén tấm màn giải ảo những điều huyễn hoặc về Thung lũng Silicon, bao gồm cả những khía cạnh vi tế mà chỉ những người từng lăn lộn ở đây mới nhìn ra. Cuốn sách bao gồm hàng chục cuộc phỏng vấn với các doanh nhân, chuyên gia, nhà đầu tư mạo hiểm – giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những cách làm tốt nhất nhằm xây dựng và phát triển doanh nghiệp, cùng những nguyên tắc cần xây dựng và/hoặc phá bỏ để tạo đà bứt phá, đưa doanh nghiệp vươn tầm quốc tế. Nếu không thể đến Thung lũng Silicon để mục sở thị không khí khởi nghiệp sôi sục ở đây, bạn hoàn toàn có thể đọc cuốn sách này, để có cái nhìn sơ qua về mảnh đất được mệnh danh là thánh địa khởi nghiệp này.

Máu bẩn: Cuốn sách viết về ảo tưởng, tham vọng, bí mật và sự dối trá trong vụ lừa đảo lớn nhất Thung lũng Silicon: Lời cảnh tỉnh cho cả các doanh nhân đầy hoài bão và lý tưởng lẫn các nhà đầu tư lão làng. Cuốn sách viết về Theranos, một công ty khởi nghiệp từng được cả thế giới công nghệ ngưỡng mộ với công bố về một phát minh mang tính đột phá, hứa hẹn làm thay đổi cả bộ mặt ngành y tế. Elizabeth Holmes, nhà sáng lập tuổi trẻ tài cao của công ty này, từng được ví là Steve Jobs trong giới nữ doanh nhân, là người từng góp mặt trong danh sách các tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ. Nhưng đằng sau tất cả ánh hào quang đó là tham vọng, ảo tưởng, và cả một lời nói dối vĩ đại. Máu bẩn kể lại hành trình của Theranos từ đỉnh cao danh vọng trở thành cú sốc điếng người cho Thung lũng Silicon nói riêng và giới công nghệ, đầu tư, khởi nghiệp thế giới nói chung.

Paul Allen – Người hùng ý tưởng: Cuốn sách sẽ là động lực thúc đẩy những doanh nhân khởi nghiệp kiên trì với con đường mình đã chọn. Vẫn biết là chông gai và tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu đam mê, thành công sẽ luôn mỉm cười với họ như cuốn sách này chỉ ra. Cuốn sách chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của Paul Allen, nhà đồng sáng lập đế chế Microsoft từ những năm 20 tuổi, một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Timebình chọn năm 2007 và 2008 dù phát hiện mình bị ung thư. Đây cũng là động lực để ông khẩn trương bắt tay vào viết cuốn hồi ký nhằm chia sẻ những chuyến phiêu lưu và hoài bão trong đời mình. Qua cuốn hồi ký, người đọc sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về Bill Gates, người đồng sự, đối tác và cũng là người anh em thân thiết của Allen. Ông đã thể hiện tầm nhìn vượt thời đại trong lĩnh vực công nghệ, khát khao được cống hiến những điều tốt đẹp cho đời cũng như những trăn trở cùng lời khuyên dành cho thế hệ tương lai.




Bộ sách xứng đáng là những ấn phẩm “nên đọc” dành cho giới start-up nói chung và những người đang có ý định khởi nghiệp, phần nào có thể giúp họ gia tăng tỷ lệ thành công hơn và quan trọng là có một hành trình khởi nghiệp bớt chông gai hơn.

Trân trọng giới thiệu!

***




Khi chương trình Saturday Night Live ăn mừng kỷ niệm 20 năm tại New York, Dan Aykroyd đã dẫn tôi xuống bên dưới sân khấu và hồi tưởng lại câu chuyện khởi đầu ngày ấy. “Tôi chỉ là một nhà văn,” ông nói, “nhưng rồi họ yêu cầu tôi diễn một trong những tiết mục hài đầu tiên,” trong vai một kỹ thuật viên hệ thống an ninh gia đình, gã này đột nhập vào một ngôi nhà để chứng minh với vợ chồng chủ nhà đang kinh hãi – John Belushi và Gilda Radner – rằng họ cần dịch vụ của gã. Dan thừa nhận lúc đó ông chần chừ, “nhưng tiết mục đó được ủng hộ nhiệt liệt. Khi rời sân khấu, tôi biết mình đã tìm được cái tôi muốn làm.”

Tôi hiểu rõ cảm giác đó. Năm 1975, trong hai tháng ráo riết sáng tạo ra ngôn ngữ BASIC Altair, chính tôi cũng tìm được con đường của mình. Về sau, khi IBM tung ra máy PC với hệ điều hành của chúng tôi, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng những mã lệnh mà tôi giúp soạn thảo đã hoàn toàn thay đổi cách thức mọi người làm việc, giải trí và giao tiếp. Có được năng lực ảnh hưởng như thế sẽ mãi mãi thay đổi cảm nhận về mục tiêu sống của bạn. Đó là một cảm giác mà bạn luôn muốn tìm lại.

Khi lâm trọng bệnh, tôi thấy hối hận vì đã sống quá hẹp. Nhưng chẳng bao lâu sau khi hồi phục và chu du khắp thế giới, tôi lại thấy bất an. Tôi nghiệm ra rằng điều khiến tôi hoài niệm nhất chính là sáng tạo. Thế là tôi quay lại công việc.




Nếu đời tôi có điều gì trớ trêu, thì đó là thời gian ở Microsoft, cuộc sống của tôi lại tẻ nhạt đến lạ lùng. Lúc bé, tôi đắm chìm trong cơ man nào là hỏa tiễn, rô-bốt, âm nhạc và hóa học. Là người có gu đọc sách đa dạng, từ truyện phi công đến nhà thám hiểm đều khiến tôi thích thú. Tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ Thomas Edison và Alexander Graham Bell. Trí tò mò của tôi là vô tận.

Ấy vậy mà suốt chín năm ròng rã, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là đưa Microsoft trở thành người dẫn đầu cuộc cách mạng máy tính cá nhân. Ước mơ này đã trở thành hiện thực, vượt xa điều tôi hy vọng hay mong đợi. Nhưng những đam mê ngày xưa vẫn canh cánh trong tôi, dẫu tạm phai mờ nhưng chưa từng bị lãng quên. Thỉnh thoảng, chúng len lỏi vào những lần chơi nhạc Hendrix lúc ba giờ sáng hay khi tôi trốn công việc lập trình cuối tuần để đi xem một vụ phóng tàu vũ trụ lịch sử.

Sau khi rời khỏi Microsoft, của cải mà tôi đã tạo dựng – và sự phát triển vượt bậc của công ty sau này – cho phép tôi tiếp tục theo đuổi những đam mê còn dang dở. Thỉnh thoảng, tôi ôm đồm quá nhiều. Song, những lựa chọn đầu tư của tôi không phải tùy hứng. Hầu hết đều là những hạt giống được tôi ấp ủ đã lâu, từ ngày còn bé. Suốt 27 năm qua, tôi đã có thể thực hiện những điều mà ngày xưa chỉ dám ước ao mơ mộng.




Giờ đây, tôi đang sống nửa đời còn lại thời kỳ hậu Microsoft. Thành tựu của chúng tôi ở đó sẽ mãi mãi là niềm kiêu hãnh. Song màn hai của tôi, về cả phạm vi và tính đa dạng, đều phù hợp hơn với bản chất của tôi.

Ở ĐỜI, có người phấn đấu vì danh vọng, có người vì tiền tài, có người vì mục tiêu xã hội cao cả. Xuất phát điểm của tôi lại khác, nó đến từ tình yêu với những ý tưởng và niềm thôi thúc biến chúng thành hiện thực để xem chúng sẽ dẫn đến đâu. Con đường sáng tạo luôn đầy trắc trở, rủi ro thất bại luôn rình rập và không ai dám cam đoan điều gì. Dẫu quanh co và nhiều ngõ cụt, nhưng đó là con đường duy nhất đưa tôi tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.

Từ những ngày đầu của kỷ nguyên Microsoft, mọi người đều xem tôi là nguồn ý tưởng. Ngày nay, vai trò của tôi chủ yếu là lắng nghe những con người thông minh, và phát hiện điều gì đó đặc biệt. Rồi tôi cố gắng đặt sáng kiến đó vào ngữ cảnh mới hoặc mở rộng nó thành một thứ hiệu quả hơn, như điều chúng tôi đã thực hiện tại charrette về khoa học thần kinh. Ý tưởng về bản đồ gen não bộ đã nhen nhóm tại nhiều buổi gặp gỡ riêng tư, nhưng nó đã trở nên rõ ràng khi hơn 10 nhà khoa học hàng đầu hội tụ và tham gia vào hoạt động tìm kiếm ý tưởng. Bản đồ Não bộ Allen, một sản phẩm từ sự đồng lòng nhất trí của họ, đã trở thành phương hướng thuyết phục nhất để thúc đẩy lĩnh vực phát triển.




Rất hiếm khi một người có thể đủ sức cáng đáng những công việc quan trọng. Để vượt qua giai đoạn khái niệm, ý tưởng cần trở thành một chiến dịch; bạn phải thuyết phục mọi người cùng tham gia. Ngay từ đầu, tôi đã có diễm phúc tìm thấy Bill Gates, niềm đam mê kinh doanh của cậu ấy chính là mảnh ghép hoàn hảo cho lòng nhiệt tình tìm hiểu công nghệ của tôi. Sau này, tôi may mắn gặp được Bert Rutan trong quá trình thực hiện SpaceShipOne, và tìm được Allen Jones lãnh đạo công trình não bộ của chúng tôi.

Đồng thời, tôi cũng chứng kiến điều gì có thể xảy ra khi một đội ngũ tinh anh không thể phối hợp tốt, và vì đâu những ý tưởng tốt nhất lại thất bại. Khi theo đuổi ước mơ Liên kết Toàn cầu, tôi đã phạm phải vô số sai lầm, nhưng điều đầu tiên và tệ hại nhất chính là: Tôi thường không thể tìm được người phù hợp giúp tôi triển khai tầm nhìn. Có lẽ vì ảnh hưởng từ quá khứ, tôi thường mạo hiểm sử dụng những người ít kinh nghiệm và trao cho họ quá nhiều quyền lực từ quá sớm. Từ đó tôi học cách cẩn trọng hơn. Tài năng quả thực cần thiết, nhưng không nên xem nhẹ sự chín chắn và kinh nghiệm.

Trên hết, tôi đã học được mặt trái của việc cứ mải mê nhìn về phía trước mà bỏ qua những “ổ gà” khiến bạn vấp ngã – hay tảng băng đánh chìm con tàu của bạn. Song, chiến dịch nào cũng cần tinh thần lạc quan và khát vọng vươn xa. Đã từ rất lâu, tôi luôn muốn tìm kiếm những thách thức cho riêng mình, chứng kiến quá trình đơm hoa kết quả của chúng, và – nếu mọi sự thuận lợi – giúp thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn.




CÓ NGƯỜI HỎI sự giàu có đã thay đổi tôi như thế nào. Đó là một vấn đề khó trả lời. Đôi khi, tôi cảm thấy vẫn như trước kia, rồi tôi băn khoăn liệu có phải tôi đang lừa mình dối người. Những biểu hiện của sự giàu sang – nhà cửa, du thuyền, máy bay – quả thực đã thay đổi phong cách sống và đi lại của tôi. Nhưng quan trọng hơn, nó đã mở ra những cánh cửa cơ hội cho tôi, những thời cơ đáng trân trọng.

Tuy nhiên, ngoài những thay đổi hiển nhiên này, những người quen biết tôi lâu nhất nói rằng tôi vẫn là tôi của ngày trước. Vẫn luôn cố gắng nhìn nhận con người dựa trên phẩm chất của họ. Vẫn là gã mơ mộng say mê những viễn cảnh khả dĩ hơn những thứ đã có sẵn.

Đợt bệnh vừa qua khiến tôi nôn nóng hơn, nhưng cũng nhẫn nại hơn. Nó là một lời cảnh báo khắc nghiệt rằng tôi không có thời gian để lãng phí, nó khiến tôi càng thêm cấp bách và đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân cùng cộng sự. Song, trước khi có kết quả chụp PET, bạn chỉ biết nhẫn nhịn ngồi chờ mà không thể nào làm cho đồng hồ quay nhanh hơn. Tôi nghiệm ra rằng nhiều việc diễn ra theo nhịp độ riêng của chúng, không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, từ việc bồi dưỡng một hậu vệ dẫn bóng đến việc thử nghiệm một phương pháp chữa trị bệnh Azheimer tiềm năng. Tôi học cách bớt nóng vội và biết chấp nhận mỗi bước phát triển tăng dần tất yếu.




Tôi cố hết sức để bắt kịp những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và các vấn đề thời sự, hầu như bây giờ tôi chỉ đọc thông tin qua mạng Internet. Tôi muốn tiếp tục mở rộng giới hạn của những điều khả dĩ; tôi muốn tư duy của mình luôn hướng về tương lai và không bị gò bó. Tiếp theo là gì? Đối với tôi đó là một câu hỏi không bao giờ cũ. Tôi luôn săn lùng Ý tưởng Lớn kế tiếp.

Thêm một điều nữa chưa bao giờ thay đổi. Tôi vẫn luôn kinh ngạc trước sự vận hành bên trong của tất cả các loại máy móc; tôi vẫn thích nghiên cứu kết cấu phức tạp của chúng. Ở cấp độ chi tiết rất nhỏ, tôi đang làm điều này thông qua hành trình của Viện Nghiên cứu Allen để tìm hiểu não bộ người, cỗ máy phức tạp nhất trong lịch sử của hành tinh này. Ngược lại ở quy mô siêu lớn, hiện tại tôi đang cân nhắc một dự án mới với thiết bị kỳ diệu mà lúc nhỏ tôi luôn miệt mài tô vẽ: tên lửa vũ trụ.

Xét cho cùng, phải có ai đó đứng ra thực hiện dự án SpaceShipThree.

 

Mời các bạn đón đọc Người Hùng Ý Tưởng của tác giả Paul Allen.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.