Những Điều Sếp Nói Và Không Nói Với Bạn

LỜI MỞ ĐẦU

Chắc hẳn có rất nhiều bạn đã từng trải qua cảm giác không biết phải làm gì, phải hiểu như thế nào mới đúng khi nghe cấp trên bảo rằng “Tôi rất kỳ vọng ở bạn.” Sẽ rất khó để có thể hiểu được rằng liệu đây là lời động viên, tạo áp lực, hay cấp trên yêu cầu ở mình điều gì.

Vậy nên có rất nhiều khó khăn trong việc hiểu được ý nghĩa thực sự ẩn sâu trong lời nói của cấp trên. Phần lớn vấn đề nằm ở chỗ nội dung bên ngoài (tatemae) của lời nói được truyền đạt, nhưng sâu bên trong đó lại tồn tại suy nghĩ thực sự (honne) của cấp trên, đó cũng chính là những điều khiến hầu hết các bạn nhân viên lo lắng.




Vậy tại sao cấp trên lại phải bỏ công cho những lời nói “ngoài mặt” như thế? Có 2 lý do sau đây. Thứ nhất là có những vị thích cách nói vòng vo hơn là kiểu nói thắng thắn. Bên cạnh đó, cũng có những vị vì vốn từ vựng không đủ nên chỉ có thể diễn đạt những câu nói cơ bản thông thường.

Dù là lý do nào đi chăng nữa thì sự khác biệt giữa nội dung bên ngoài lời nói và chủ ý thực sự muốn truyền đạt của cấp trên cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến cấp dưới.

Nhân viên nếu không hiểu được suy nghĩ thật sự của sếp từ nội dung bên ngoài của câu nói thì sẽ không nắm bắt được ý định cấp trên muốn truyền tải thực sự là gì. Nếu không hiểu được chủ ý của sếp ta sẽ không thể làm đúng ý, cũng như sẽ dẫn đến những hành động không theo như kỳ vọng của họ, từ đó ta sẽ bị cấp trên đánh giá thấp. Đó là lý do vì sao tatemae và honne của cấp trên lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến cấp dưới như vậy.




Trên thực tế, theo điều tra cho thấy số người cảm thấy bất công về chuyện này lên đến 82% (Theo tạp chí “Tuần san SPA!”).

Nhưng dù cho chúng ta có thấy khó chịu với những người sếp không nói rõ xem mình muốn cấp dưới làm gì thì thực trạng đó vẫn sẽ không thay đổi. Do vậy, làm những việc trong khả năng của mình chính là biện pháp tốt nhất. Những việc nên làm ở đây là những việc tuy đơn giản nhưng ắt hẳn các bạn sẽ không ngờ đến. Đó chính là hiểu được một cách chính xác ý nghĩa thực sự muốn truyền tải của cấp trên trong những cuộc đối thoại hằng ngày. Và đó cũng là nội dung của cuốn sách này.

Tôi đang là diễn giả cho những buổi hội thảo về chủ đề giao tiếp trong kinh doanh. Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi làm việc cùng với 5.000 nhà điều hành cấp cao và 15.000 nhân viên, tôi đã tìm ra được sự thống nhất trong ý nghĩ của cấp trên và cấp dưới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có khoảng 3% trường hợp nhân viên có thể hiểu một cách chính xác những điều mà cấp trên đang kỳ vọng. Tôi biết được là 97% những người nhân viên còn lại mặc dù vẫn tiếp tục công việc nhưng không thể nắm bắt được suy nghĩ, nguyện vọng của cấp trên. Chủ ý của cấp trên chính là những điều tuy không truyền đạt với nhân viên, nhưng tự bản thân nhân viên cần phải suy nghĩ ra.




Bản thân tôi trước khi trở thành diễn giả, đã có 15 năm làm nhân viên công ty, và phân nửa thời gian đó tôi làm việc trong ban quản lý. Thời điểm làm trong ban quản lý, tôi cũng rất hay có suy nghĩ là sẽ không truyền đạt hết ý định thật sự của mình với nhân viên.

Ví dụ, có một lần tôi nói với nhân viên của mình rằng “Thật đáng tiếc cho anh/chị.” Chủ ý của tôi là nói một câu nhận xét mang tính tiêu cực, tuy nhiên người nhân viên này khi nghe câu đó thì lại cảm thấy vui mừng. Vì những tình huống như thế thường hay xảy ra nên cấp trên luôn muốn cấp dưới phải nghe rõ câu nói của mình, và hiểu xem câu đó được nói với ý nghĩa như thế nào.

Đối với những nhà quản lý khi đến tham dự buổi hội thảo của tôi, ắt hẳn ai cũng sẽ hiểu rất rõ những chuyện rất thường xảy ra này.




Vì vậy, tôi đã dần hiểu ra rằng cho dù là bất kỳ ai, ở những công ty khác nhau, thì thông thường, suy nghĩ ẩn bên trong những câu nói mà các nhà quản lý sử dụng là như nhau.

Chẳng phải sẽ rất tốt nếu đưa ra được những câu nói mà các nhà quản lý hay sử dụng, và truyền tải đến tất cả các nhân viên cấp dưới để họ biết được ý muốn thực sự ẩn sâu trong những câu nói ấy là gì hay sao. Nói một cách đơn giản, tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu tôi có thể dịch nghĩa những câu nói ẩn ý của cấp trên khi họ đối thoại với nhân viên của mình.

Ngoài ra, cuốn sách này không chỉ truyền đạt những suy nghĩ của cấp trên mà còn gợi ý cho các bạn nhân viên biết rằng mình nên làm gì để đáp ứng được ý muốn, suy nghĩ của sếp.




Khi những suy nghĩ của cấp trên được truyền đạt đến nhân viên, nhân viên sẽ thực hiện đúng theo ý đồ ấy, qua đó khiến việc đánh giá trở nên tốt đẹp hơn như các bạn có thể thấy. Mục đích của cuốn sách này là giúp tất cả mọi người, cả cấp trên và cấp dưới, có thể cảm thấy vui vẻ.

Đầu tiên, bạn hãy thử tìm xem câu nói nào trong cuốn sách này mà cấp trên của bạn hay dùng. Sau đó hãy đọc thử xem câu nói ấy hàm ý những suy nghĩ, ước muốn gì của cấp trên nhé. Khi đã hiểu được điều đó rồi, chắc chắn ngày mai bạn sẽ thay đổi hành động của mình.

Tháng 6 năm 2015




Hidehiko Hamada

***

LỜI CUỐI




Thật sự vô cùng cảm ơn các bạn đọc giả đã theo dõi cuốn sách đến chương cuối cùng này, cảm ơn các bạn rất nhiều.

Vào lúc bắt đầu viết cuốn sách này, tôi đã nhờ những người cấp trên và cả những người nhân viên cấp dưới đọc qua bản thảo của cuốn sách.

Tôi đã được nghe những ý kiến khác nhau từ cả hai đối tượng cấp trên lẫn cấp dưới. Từ ý kiến tích cực của những cấp trên như “Đúng rồi, đúng rồi, ý tôi chính là như vậy đó” đến những ý kiến tiêu cực như “Nhiều khi tôi nói vậy vì muốn bày tỏ những suy nghĩ thật sự chứ không phải mang hàm ý nào khác, và tôi muốn nhân viên hiểu đúng những gì tôi nói nên nếu họ mà cứ nghĩ rằng trong câu nói của tôi luôn ẩn ý gì khác thì sẽ phiền lắm đây.”




Ngược lại, những cấp dưới cũng đưa ra một số ý kiến tích cực như “Giờ thì dù có bị nói tôi cũng có thể hiểu được ý của sếp” và những ý kiến tiêu cực như “Sau này chắc lúc nào tôi cũng sẽ nghi ngờ câu nói này ý nọ ý kia quá.”

Cho dù là ý kiến nào đi chăng nữa thì đều là những ý kiến vô cùng hợp lý. Tôi không phủ định rằng việc quan sát và đoán ý nghĩa đằng sau ngụ ý thật sự của cấp trên vừa có mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực của nó.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng việc quan sát và đoán ý nghĩa thật sự ẩn sau ngụ ý của cấp trên là một việc vô cùng bổ ích.




Không chỉ trong công việc, mà việc ta quan sát và đoán ý nghĩa thật sự ẩn sau lời nói của đối phương đều mang những ý nghĩa riêng. Tôi nghĩ rằng có lẽ trong cuộc sống hằng ngày, để không làm tổn thương đến đối phương bởi những lời nói thẳng thắn, các độc giả cũng đã từng thay đổi cách nói của mình đúng không nào?

Vào những lúc như vậy, tùy theo đối tượng mà có lúc sẽ xảy ra trường hợp đối phương chỉ hiểu theo bề nổi của câu nói và kết quả là không thể hiểu được ý nghĩa thật sự mình muốn nói. Ngược lại, cũng có những người rất tuyệt vời, họ không chỉ hiểu được ý nghĩa thật sự ẩn trong lời nói mà còn hiểu và cảm thông cho những lo lắng của đối phương nữa. Vì vậy, việc quan sát và đoán những ý nghĩa ẩn sâu trong lời nói của người khác chính là để bản thân có thể trở thành một người tuyệt vời như vậy đó.

Tuy nhiên, sự thật thì người nói ra những lời này như tôi đây cũng đã phải vất vả rèn luyện rất nhiều mỗi ngày. Khi ở nhà cũng thường xảy ra việc tôi đoán sai ý nghĩa thật sự trong lời nói của vợ tôi khiến cho bầu không khí trong nhà trở nên căng thẳng và ngượng ngùng. Hoặc nhiều lúc tôi không thể nào thấu hiểu được ẩn ý thực sự trong lời nói của con gái tôi mà phải đợi khi nghe vợ giải thích “Ý của con nó là như vậy đó.” Tôi cũng hiểu rất rõ rằng việc đoán ra ý nghĩa thật sự là một điều không hề dễ dàng. Vì vậy tôi nghĩ việc nỗ lực là vô cùng cần thiết.




Lần này, tôi chủ yếu đi sâu vào chủ đề cấp dưới nên đoán ra được những ý nghĩa ẩn sâu trong ngụ ý thật sự của cấp trên nhưng nếu sau này có cơ hội, tôi nghĩ rằng mình sẽ cố gắng đi sâu vào chủ đề cấp trên nên đoán ra được những ý nghĩa ẩn sâu trong lời nói của cấp dưới.

Bởi vì nếu cấp trên và cấp dưới có thể hiểu rõ lẫn nhau thì công việc lẫn nơi làm việc cũng sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều.

Mời các bạn đón đọc Những Điều Sếp Nói Và Không Nói Với Bạn của tác giả Hamada Hidehiko.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.