Người Chọn Nghề Hay Nghề Chọn Người
Người chọn nghề hay nghề chọn nghề là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Marden, nằm trong số những tác phẩm hay nhất về hướng nghiệp từng được viết. Cuốn sách này nên là tài liệu thiết yếu cho mọi bạn trẻ khi lựa chọn sự nghiệp, bởi vì, như tác giả nói, nhiều khi thứ bạn thực sự lựa chọn chính là lối sống. Hầu hết mọi người đều đưa ra lựa chọn căn bản này mà không có sự chuẩn bị, thậm chí không suy nghĩ gì về hệ quả xa dài từ lựa chọn của họ. Marden nhấn mạnh về bi kịch của “kẻ lạc loài”, về những lựa chọn nghề nghiệp sai lầm, về việc chọn một công việc, sự nghiệp chỉ vì nó “dễ” hay việc làm điều gì đó chỉ để nối bước cha ông.
Marden nói, bạn phải tự hào về công việc của mình. Công việc của bạn nên làm tăng giá trị cho bạn – chứ không bao giờ được làm bạn giảm giá trị. Bạn phải hòa nhịp với công việc, sự nghiệp của mình, làm nó với kỷ luật và nỗ lực. Bạn không bao giờ nên cảm thấy mình giống một con cá bị rời khỏi nước. Marden nói, hãy nhớ công việc không phải là “kiếm sống”, mà là “kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời”. Cuộc đời của chính bạn.
“Có hàng triệu người sống cả đời mà không hề nhận ra con người tuyệt nhất trong mình, họ luôn bất mãn, không vui, thậm chí là những kẻ thất bại, chỉ vì họ ở nhầm chỗ.” – O. W. Train
***
Orison Swett Marden sinh ra tại Anh năm 1850, Marden trải qua thời thơ ấu khó khăn khi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc ông còn rất nhỏ. Bị đẩy từ tay người giám hộ này sang người giám hộ khác, ông phải đi làm thuê để kiếm tiền.
Lấy cảm hứng từ một cuốn sách phát triển bản thân thời kỳ đầu của tác giả người Scotland là Samuel Smiles, ông bắt tay vào cải thiện bản thân và hoàn cảnh sống của mình.
Ông tốt nghiệp trường Đại học Boston năm 1871, và đã từng học tại Chủng viện Thần học Andover. Vào năm 1881 ông nhận được bằng Dược và năm 1882 là bằng Luật, cả hai đều từ trường Harvard. Sau đó ông theo học Trường Hùng biện Boston.
Suốt thời đại học, ông làm phục vụ và quản lý khách sạn, ông làm tốt tới mức dành dụm được số vốn 20.000 đô-la (tương đương khoảng 50.000 đô-la ngày nay) khi hoàn thành các chương trình học chính thức của mình.
Ông mua bất động sản trên Đảo Rhode rồi phát triển thành một khu nghỉ dưỡng. Những năm suy thoái kinh tế 1890, sau khi để mất khách sạn của mình, ông chuyển tới Chicago và làm quản lý khách sạn trong suốt thời gian diễn ra Hội chợ thế giới (World’s Fair) năm 1893. Sau đó ông trở về Boston và bắt đầu lại sự nghiệp.
Ông không bao giờ chấp nhận bị đánh bại. Trái lại, những thời điểm khó khăn càng tạo cảm hứng cho ông kết nối các ý tưởng – đặc biệt gắn với niềm lạc quan – trong cuốn sách đầu tiên, Pushing to the front (tạm dịch: Vươn tới phía trước), xuất bản vào năm 1894, chỉ hai năm sau khi ông mất hết mọi thứ. Cuốn sách nhanh chóng thành công, một tác phẩm bán chạy đích thực thời đó, với số bản in bán ra cao vượt. Ông tiếp nối thành công đó với hơn 60 cuốn sách, hầu hết về các chủ đề thành công, nuôi dưỡng ý chí, tư duy tích cực; nhưng bên cạnh đó ông cũng viết về sức khỏe, rèn luyện thân thể, đối phó với tuổi già, giáo dục giới tính và bình đẳng cho phụ nữ.
Ngoài Samuel Smiles, tư duy của Marden còn chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Oliver Wendell Holmes và Ralph Waldo Emerson, những người tạo tiền đề cho Phong trào Tư duy Mới những năm 1890. Năm 1897, ông sáng lập Tạp chí Thành công (Success Magazine), sau đó trở thành một người đóng góp thường xuyên cho tạp chí đi theo phong trào Tư duy Mới (New Thought) của Elizabeth Towne là Nautilus trong suốt hai thập niên đầu của thế kỷ XX.
Marden, cũng như các tác giả đương thời khác của Tư duy Mới (William Walker Atkinson, Wallace Wattles, Elizabeth và William Towne), tin rằng tư duy của chúng ta ảnh hưởng đến cuộc sống và hoàn cảnh sống của chúng ta. Họ tin rằng “tư duy là vật chất”, và vì Luật Hấp dẫn (những thứ giống nhau sẽ hút lấy nhau), chúng ta phải rất cẩn thận với điều mình nghĩ và cách mình tư duy. Ông nói: “Chúng ta tạo nên thế giới quanh mình và định hình môi trường của chính mình bằng những tư duy của chúng ta.”
Thế nhưng dù được biết đến nhiều nhất bởi những cuốn sách về thành công tài chính, ông luôn luôn nhấn mạnh rằng điều đó sẽ xảy ra nhờ việc nuôi dưỡng phẩm chất cá nhân: “Cơ hội vàng mà bạn đang tìm kiếm nằm trong chính con người bạn. Nó không nằm ở môi trường quanh bạn, không nằm ở may mắn, cơ hội, hay sự giúp đỡ của những người khác. Nó chỉ nằm trong chính bản thân bạn.”
Những tựa sách của ông đã nhấn mạnh một cách hùng hồn góc nhìn đầy lạc quan, hào hứng và tự tin này. Trung bình ông ra hai cuốn sách mỗi năm, từ Pushing to the front năm 1894 tới cuốn cuối cùng năm 1924, năm đó ông mất ở tuổi 74. Ông vẫn còn số bản thảo khoảng hai triệu từ chưa được xuất bản. Mặc dù đã hàng trăm tuổi, nhưng những cuốn sách của ông mang tính hiện đại tới mức chúng dường như được viết cho chính thời đại của chúng ta ngày nay. Ở thời đại này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự cân bằng, niềm tin và kiên trì; chúng ta cần hạnh phúc, sẻ chia và sự thật; trên hết, chúng cần HÒA BÌNH và TÌNH YÊU…
Kiến thức uyên thâm của Marden từ lịch sử, triết học, thần học và nhiều mảng khác, cùng khả năng cô đọng, truyền tải kiến thức một cách rõ ràng đến kinh ngạc theo cách thức rất thú vị và thu hút đã khiến cho những tác phẩm này trở thành thiết yếu đối với bất cứ ai đang tìm kiếm thành công cho cuộc sống của mình, hay đơn giản chỉ là tìm kiếm những câu trả lời cho cuộc đời này.
Hơn 50 cuốn sách của ông đã được xuất bản trong loạt sách Timeless Wisdom. Bạn có thể đọc thông tin tham khảo về ông và các tác giả khác ở cuối sách.
***
CHỘP LẤY NGAY CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN ĐƯỢC MỜI
“Cần tuyển nam.” – Tấm biển này trông hết sức cuốn hút đối với nhiều chàng trai trẻ mới bắt đầu vào đời kiếm sống. Nó trông như một cánh cửa cơ hội, và với số đông các chàng trai thì đúng là như vậy. Nhưng hãy nghĩ tới vô số thất bại trong đời, tới những kẻ ngồi nhầm chỗ, những thành công nửa vời, những kẻ bị dụ dỗ tới chỗ tầm thường bởi chính tấm biển đó!
Công việc đầu tiên của một cậu trai trẻ là yếu tố có tính then chốt trong đời cậu ta. Nó có thể hoàn toàn không phù hợp với bản chất trí tuệ của cậu ta; hơn thế, nó có thể dẫn cậu ta tới một lựa chọn sai lầm khác, bởi vì đám trai trẻ rất háo hức được làm mọi thứ, và tự hào về những công cụ cùng kỹ năng mình học được. Nếu chúng không biết những lợi thế của bất cứ công việc nào khác, chúng có thể tiếp tục làm điều mà tự nhiên đã cấm đoán trong chính cấu trúc não bộ của chúng.
Nhưng thường thì một chàng trai trẻ ít nhận ra điều có thể ảnh hưởng tới tương lai của cậu ta khi nhận lấy công việc đầu tiên. Khi tìm kiếm một việc làm, cậu ta nên cân nhắc thật cẩn thận rằng liệu nó có xu hướng tách cậu ta khỏi mọi thứ khác mà mình khao khát không, liệu nó có giúp cậu ta tiến lên trên con đường sự nghiệp thực sự của mình không, hay liệu cậu ta đang chôn chân ở một vị trí thấp kém, nơi có thể chẳng liên quan gì đến lựa chọn sống một cuộc đời tuyệt vời của cậu ta.
Một cậu trai trẻ bình thường khi nhận được một công việc sẽ cứ thế làm tới hết đời, và thường thì lựa chọn công việc này được đưa ra một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Rất có thể, cậu ta ứng tuyển vào một vị trí chỉ với suy nghĩ muốn có một công việc để làm, mà không hề nghĩ rằng liệu mình có thực sự phù hợp với nó không, liệu mình có phải là cái vung sắp úp nhầm nồi hay không; nhưng sự thật là “gã đàn ông” về sau sẽ ở nguyên vị trí mà “thằng bé” lúc trước đã đặt ông ta vào. Tất nhiên, cũng có nhiều người thay đổi, nhưng có lẽ phần lớn mọi người vẫn sống với công việc mà mình bắt đầu từ thời trai trẻ.
Không có thời điểm nào mà một người cần đến sự dẫn dắt khôn ngoan nhiều như thời điểm đưa ra lựa chọn liên quan đến cả cuộc đời này. Nó là lựa chọn quan trọng nhất, vì nó ảnh hưởng đến vận mệnh của một người. Toàn bộ tương lai của người đó thường đã được vẽ ra và quyết định từ trước khi người đó thực sự có cơ hội lựa chọn. Trước khi trở thành người đàn ông thì gã trai trẻ đã bị cuốn vào công việc đến mức chẳng muốn mất nó nữa. Cậu ta biết rằng những kinh nghiệm này giúp tích lũy sức mạnh và tạo đà tiến cực tốt nếu có thể duy trì, và dù cậu ta thường không cảm thấy lựa chọn lúc đầu là sáng suốt, nhưng nhiều khả năng cậu ta sẽ chẳng bao giờ thay đổi, và sẽ cứ bám chặt lấy nó.
” Mối hấp dẫn nhận lấy công việc mà mình không phù hợp chỉ vì được trả lương cao hơn một chút so với việc khác lúc ban đầu, trên hết, chính là nguyên cớ gây ra nhiều kết hợp không vững chắc nhất”
Để một cậu trai bước ra đời chỉ với mục đích đơn giản là kiếm một công việc là một vấn đề nghiêm trọng. Dù cậu ta có thể hoàn toàn không phù hợp, nhưng tham vọng của cậu ta sẽ có ảnh hưởng và thị trường có thể cho phép cậu ta có được một khởi đầu tốt đẹp vốn rất dối trá, đặc biệt nếu mức lương tương đối tốt. Ngay cả khi cậu ta cảm nhận được rằng mình bị đặt sai chỗ thì phụ huynh của cậu ta có thể vẫn nói với cậu ta rằng việc nỗ lực biết bao lâu rồi lại vứt hết kinh nghiệm quý báu đi là rất ngu ngốc. Sau đó cậu ta có thể gắng gượng làm công việc tầm thường đó, công việc không hề phù hợp với khả năng của mình, khi mà cậu ta vốn đã có thể làm nên danh tiếng trong một mảng khác phù hợp với khả năng hơn.
Thế giới đầy những kết hợp nồi tròn vung méo, những người đàn ông nhờ vào quá trình huấn luyện khắc nghiệt, ngành nghề vất vả, đã gò mình được một cách cực kỳ tốt, thế nhưng nỗi cực nhọc và ý nghĩ không thể làm điều mình được sinh ra để làm lại hoàn toàn phá hỏng cảm giác thỏa mãn của người đó, khiến anh ta cảm thấy ngay cả khi mình kiếm được kha khá để sống thì đời mình vẫn chẳng thích thú gì, và rằng khía cạnh củi-gạo-mắm-muối đó của công việc là khía cạnh nhỏ bé nhất, kém quan trọng nhất.
Mối hấp dẫn nhận lấy công việc mà mình không phù hợp chỉ vì được trả lương cao hơn một chút so với việc khác lúc ban đầu, trên hết, chính là nguyên cớ gây ra nhiều kết hợp không vững chắc nhất. Một khi bạn đã vững chỗ thì sẽ rất khó đánh đổi nó để tìm công việc lớn lao hơn, rất khó để quyết định bắt đầu lại từ nấc thang dưới cùng và sẽ mất thêm nhiều năm học tập, rèn luyện.
Nếu có thể hòa nhập với công việc chỉ sau ít ngày, hoặc ít tuần, bạn sẽ chẳng giữ được nó dài lâu đâu, bạn chẳng bao giờ biết được khi nào thì có người khác thế chân mình. Nhưng nếu phải mất đến vài năm chuẩn bị cho thứ gì đó cao xa hơn – cho thứ gì đó mà chỉ riêng bạn mới thực sự tương thích, và giữ mình không bị lầm lối, sẵn lòng trả giá cho quãng đường xa thì mối nguy bị thế chỗ của bạn sẽ nhỏ hơn nhiều.
Gần đây thành phố New York thực hiện một cuộc điều tra về các cậu bé, cô bé rời khỏi trường học ở độ tuổi hợp pháp nhỏ nhất: 14 tuổi. Trong số 25.000 trường hợp được điều tra, có 23.000 làm những công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng. Báo cáo cho biết:
“Chúng tôi khám phá ra trong các công việc mà 10.857 cậu bé và 11.924 cô bé đã rời khỏi nhà trường ở độ tuổi hợp pháp nhỏ nhất đó được thuê làm, hơn chín phần mười là các công việc không đòi hỏi kỹ năng, chẳng hạn như chạy việc vặt, làm việc nhà, thư ký phụ trách các việc lặt vặt, thợ máy, tạp vụ, phụ việc, đóng gói, giao thư, bán báo, v.v..”
Các con số của chúng tôi cho thấy cơ hội việc làm duy nhất của những người trẻ rời khỏi trường học trong tình trạng thiếu kiến thức chính là những ngành nghề không đòi hỏi kỹ năng. Tình trạng này thực sự tác động trở lại xã hội, bởi chính những chàng trai, cô gái này rồi sẽ trở thành tầng lớp ăn không ngồi rồi.
Đừng bị che mắt bởi số tiền mà người ta kiếm được khi làm những công việc này. Hãy nhớ rằng sự nghiệp của bạn ảnh hưởng tới bạn nhiều hơn bất cứ thứ gì khác, và bạn sẽ không gánh nổi hệ quả của việc đi theo một con đường sự nghiệp vốn không thể giúp bạn phát triển và lớn mạnh. Hãy xem những con người đã lựa chọn kiểu sự nghiệp như thế. Hãy xem những gì mà công việc đem đến cho họ. Vị trí của họ trong xã hội so với những người làm các công việc khác là gì? Họ có được kính trọng, tôn vinh không? Liệu đó có phải là công việc mà anh ta có thể tự hào, điều mà con cái của anh/cô ta sẽ tự hào khi lớn lên? Rất nhiều người trẻ cố tình bó buộc và làm hỏng sự nghiệp của mình, và gần như tự giết mình trong suốt nhiều năm đời họ bằng việc làm các công việc vốn sẽ bức bách và bóp nghẹt đời họ. Điều kiện làm việc của nhiều công việc rất nguy hại cho sức khỏe và việc phát triển bản thân.
Sức khỏe tốt, môi trường và điều kiện sống lành mạnh quan trọng với bạn hơn tiền bạc, bạn không nên dấn thân vào việc gây nguy hại cho tinh thần của mình hay tổn hại tới phẩm cách, tác động xấu đến vị thế của bạn. Công việc của bạn không nên là một chướng ngại. Nó nên là nguồn kích thích không ngừng, là sự khích lệ, là động lực hướng tới cuộc sống rộng lớn, vĩ đại mà vì nó bạn được sinh ra.
Mời các bạn đón đọc Người Chọn Nghề Hay Nghề Chọn Người của tác giả Orison Swett Marden.
Chia sẻ ý kiến của bạn