Hướng Nghiệp Trong Thời Đại 4.0
Trong cơn bão công nghệ, dường như mọi phụ huynh đều mong muốn con em mình theo đuổi các ngành học “hái ra tiền” như khoa học máy tính, công nghệ thông tin, lập trình, cơ khí chế tạo… Nhưng liệu các khóa học chuẩn chuyên ngành công nghệ có là con đường thành công duy nhất? Liệu có khả thi khi cho rằng hệ thống giáo dục khai phóng (liberal arts), với phong cách cung cấp tri thức tự do, tổng quát và tập trung vào những kiến thức xã hội vẫn có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho kỷ nguyên 4.0?
Trong tác phẩm “Hướng nghiệp trong thời đại 4.0”, Randall Stross cung cấp cho độc giả một hướng tư duy mới lạ trong việc lựa chọn phong cách học tập và phát triển. Từ trước đến nay, các chuyên ngành giáo dục khai phóng thường bị đánh giá là “thiếu thực tế”, “thiếu kỹ năng”, không cung cấp đủ tri thức để học viên theo đuổi một nghề nghiệp cụ thể. Nhưng định kiến này không chính xác. Khác với kiểu giáo dục định hướng nghề nghiệp cụ thể, nền giáo dục khai phóng hướng tới trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng thỏa mãn mọi ngành nghề. Thực tế đã cho thấy nền giáo dục khai phóng đem tới lợi ích cho các sinh viên theo đuổi chuyên ngành phi công nghệ, cho những bậc phụ huynh lo lắng, và cho cả những nhà tuyển dụng hàng đầu.
“Hướng nghiệp trong thời đại 4.0” chứng minh rằng mọi sinh viên đều có thể phát triển tối đa tiềm năng và phát triển mạnh mẽ nếu được trao cơ hội, bất kể họ có theo đuổi một chuyên ngành “cao cấp” hay không. Qua những trải nghiệm thực tế của các sinh viên ngành nhân văn, nhất là công cuộc tìm kiếm việc làm và kinh nghiệm làm việc những ngày đầu của họ, cuốn sách đem tới những minh chứng sống động về sự đa tài của sinh viên được đào tạo theo giáo dục khai phóng. Giữa cuộc cách mạng về việc làm và nhân sự, với sự ra đời của hàng loạt phương pháp hướng nghiệp, làm thế nào để trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng đầy đủ nhất để họ bước vào tương lai một cách chuyên nghiệp và bản lĩnh? Tác phẩm độc đáo của Randall Stross sẽ trả lời câu hỏi này, và truyền cảm hứng để bạn có thể tối ưu hóa những tháng năm đại học hết sức ý nghĩa của mình.
***
Review Nguyễn Phú Hoàng Nam:
Sau nhiều năm học tập, thì nghề nghiệp là kết luận quan trọng nhất trả lời cho câu hỏi bạn đã học được gì. Việc làm không chỉ để nuôi sống bạn mà còn mang đến cho bạn cuộc sống chủ động với các mối quan hệ thân thiện xung quanh. Mặc dù “biết phải làm gì” nhưng không phải ai trong chúng ta cũng “biết làm thế nào”. Nếu đang mông lung trong suy nghĩ ấy, mời bạn tham khảo cuốn sách Hướng Nghiệp Trong Thời Đại 4.0 (A Practical Education: Why Liberal Arts Majors Make Great Empoyees – Hoàng Thiện dịch) của tác giả Randall Stross.
Lưu ý trước khi đọc sách
Sinh viên Đại học Stanford là nhóm người may mắn nhất. Họ được nhận vào trường đại học có tỷ lệ chọi cao nhất cả nước và tọa lạc ngay trong khuôn viên Edenic, không nơi nào gần với Thung lũng Silicon hơn được nữa. Sinh viên Stanford có vẻ luôn xác định được rõ ràng công việc của mình sau khi tốt nghiệp, mà không cần lo lắng về chuyện tương lai. Những sinh viên được săn tìm nhiều nhất đến từ các chuyên ngành kỹ thuật – những ngành thăng hạng đáng kể trong nhiều thập kỷ vừa qua. Nhưng cuốn sách này đề cập đến những sinh viên không chọn ngành kỹ thuật, mà chọn những ngành không dẫn tới nghề nghiệp cố định khác chỉ vì niềm đam mê học tập.
Tôi nhận thấy mình nên có trách nhiệm trích dẫn lại nội dung đầu tiên này trong cuốn sách, bởi nó sẽ giúp độc giả tìm hiểu được thông điệp thực sự trong sách là gì (do phần lớn dung lượng sách đề cập đến các giai đoạn lịch sử hình thành khác nhau của trường đại học Stanford và các câu chuyện sau khi tốt nghiệp của sinh viên nơi đây). Tuy không trực tiếp nói đến “Hướng nghiệp”, và tên của cuốn sách theo nguyên tác tiếng anh thực sự cũng không bàn đến vấn đề hướng nghiệp nhưng hành trình tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng bản thân của các sinh viên Stanford, với đủ cả cay đắng lẫn ngọt ngào, cũng có ý nghĩa nhất định trong việc giúp bạn đọc tự khám phá định hướng tương lai nghề nghiệp của chính mình. Ở một khía cạnh khác trong sách, thuật ngữ “Giáo dục khai phóng” cũng được sử dụng thường xuyên tuy nhiên lại không kèm theo giải thích rõ ràng, để sử dụng sách tốt hơn, bạn nên dành thêm thời gian để tham khảo từ các nguồn thông tin khác về hoạt động giáo dục khai phóng.
Ước mơ trên nền ước mơ
Chức năng của trường đại học không chỉ là dạy cách kiếm sống. Trên tất cả, đại học là cơ quan điều chỉnh cuộc sống thực và kiến thức sống đang ngày càng tăng, một sự điều chỉnh hình thành nên bí mật của nền văn minh. Trường đại học thực sự sẽ có một mục tiêu muôn đời: Không phải để kiếm miếng ăn, mà để biết kết thúc và mục tiêu của cuộc sống mà miếng ăn đó nuôi dưỡng là gì.
Một ngôi trường thật hoành tráng là khởi đầu hoàn hảo cho tương lai hoàn hảo. Không có gì sai khi bạn đưa ra lựa chọn như vậy, bạn bè và cha mẹ của bạn cũng nghĩ như vậy. Sau khi học xong (hoặc trong lúc đang học) một công việc xuất hiện rồi mọi thứ được sắp xếp đâu vào đó. Coi như hoàn thành sự nghiệp, cuộc sống giờ là tháng ngày ổn định thênh thang. Mọi thứ đều đúng và đủ. Chỉ duy nhất có bạn là thừa. Vì rõ ràng nếu không thể biết được lý do tại sao mình theo đuổi một chuyên ngành nào đó hay tại sao mình lại lựa chọn công việc này thay vì công việc khác thì bạn đâu có liên quan đến thứ bạn đang học cũng như bạn đang làm ? Bạn không thực sự tồn tại trong quy trình ấy, vậy nên dù có nghề nghiệp thì bạn vẫn không có sự nghiệp. Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng tâm thế một người bị buộc phải làm công việc anh ta không thích. Đó là lý do tại sao cần hướng nghiệp. Hướng nghiệp cần được thực hiện từ ngày bạn bắt đầu đến trường (đơn giản có thể bằng cách phát huy sở thích, thế mạnh cá nhân). Thế nhưng hướng nghiệp lại xuất hiện khá muộn, vào đúng lúc bạn quá bận rộn với các kì thi, áp lực kiếm sống và bị so sánh với bạn học. Mọi quyết định nghề nghiệp đến nhanh rồi ra đi chóng vánh. Chưa kể quang thời gian đằng đẵng mơ hồ về công việc của bản thân mình.
Hãy bắt đầu từ lựa chọn đúng công việc bạn muốn làm hoặc đi theo lĩnh vực có hứng thú- thay vì chọn ngành học nào đó chỉ vì tên của nó có liên quan đến mức thu nhập, để đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu ngắm bức ảnh kỷ yếu rồi tự hỏi “Tiếp theo là gì đây ?”.
Việc chọn ngôi trường phù hợp là yếu tố rất quan trọng khi bạn hướng nghiệp. Cụ thể là ngành học bạn mong muốn có chất lượng đào tạo ra sao, cùng đội ngũ tham gia giảng dạy là những giáo viên thế nào. Đừng chú ý đến “có việc làm hay không”, ngay ở giai đoạn này bạn cần kịp thời nhận ra thứ bạn học được không chỉ nằm ở trong tấm bằng, điểm số mà còn ở cả biểu hiện của bạn- lý do khiến nhà tuyển dụng chọn bạn. Thường thì bề dày thành tích, lịch sử đào tạo và tên gọi của một cơ sở hoành tráng đôi khi sẽ khiến bạn lạc hướng. Nếu đã từng nghe câu nói: “Đừng đánh giá cuốn sách qua bìa của nó” thì bạn sẽ hiểu thấu việc chọn trường cũng tương tự. Những thứ tưởng chừng rất đẹp đẽ ở bề nổi ấy sẽ chẳng liên quan gì đến lựa chọn về tương lai nghề nghiệp của bạn sau khi bạn học xong- dù cho có thể đem đến cho bạn vài lợi thế về hồ sơ trước nhà tuyển dụng cho đến lúc họ trực tiếp gặp gỡ bạn.
Một trường học phù hợp với bạn chính xác mới là khởi đầu đúng đắn, thay vì một trường học danh tiếng. Nơi mà bạn có cơ hội phát huy thế mạnh của bản thân, theo đuổi đam mê và rồi cuối cùng lựa chọn công việc hoàn toàn do bạn quyết định mà không chịu bất kì ảnh hưởng nào bên ngoài. Thực ra, sự trì hoãn của con người rất mạnh, chỉ đến lúc được làm việc mình thích thì bản thân mới thực sự nỗ lực học hỏi và những nỗ lực học hỏi (chấp nhận đối mặt với sai lầm) ấy khởi động những dự định tốt đẹp hơn cùng với định hình con người bạn. Nguyên tắc trong định hướng nghề nghiệp là phải có bản lĩnh, dám thất bại, dám học hỏi và lại tiếp tục cho đến khi tìm thấy điều bạn muốn gắn bó lâu dài.
Công chúng cần nhận ra một điều quan trọng rằng, giáo viên, chứ không phải tòa nhà, mới là yếu tố tạo nên một đại học tuyệt vời.
Khi mà ước mơ của bạn được xây dựng dựa trên nền ước mơ của một ai đó khác thì bạn vẫn là kẻ mộng du: Làm việc trong tình trạng không cảm xúc, không ý thức và không khát vọng.
Ranh giới kì lạ
Vào những năm 1890 và đầu những năm 1900, sinh viên Stanford chọn chuyên ngành Tiếng Anh, lịch sử, triết học, ngôn ngữ và các lĩnh vực khoa học nhân văn khác đã bị coi là không được chuẩn bị tốt cho thế kỷ 20. Sự khác biệt giữa quá khứ và hiện nay chính là, sự sụt giảm lòng tin vào nghệ thuật khai phóng, đặc biệt là khoa học nhân văn, thứ đã bị bào mòn bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của khoa học máy tính
Câu chuyện trên không còn là của riêng đại học Stanford nữa mà đang xảy ra ngay lúc này xung quanh chúng ta. Hãy thử nhớ lại thời mà bạn lựa chọn thi khối A và khối C khi vào Đại học thì các bậc phụ huynh và người thân xung quanh bạn đã có biểu hiện ra sao. Khối A thường được hiểu là thứ gì đó thiết thực, mang đến thu nhập lấp lánh còn khối C được coi như khối gì đó rất mơ mộng và thu nhập thì le lói. Cách nghĩ ấy tạo ra nhiều sinh viên thuộc khối khoa học kỹ thuật hơn là khoa học nhân văn. Sự phân biệt hai ngành học này dẫn đến phân biệt về nghề nghiệp và tương lai. Theo kiểu một bên thì tốt và một bên thì không tốt, nghề này có thu nhập cao còn nghề kia không, tương lai này thì sáng sủa còn tương lai kia thì không sáng sủa. Hệ quả là chẳng ai còn thực sự quan tâm đến hướng nghiệp nữa mà thay vào đó chạy theo số đông ào ạt. Về hình thức, đó là hướng nghiệp theo cơ chế thị trường nhưng về bản chất, đó không phải là hướng nghiệp thực sự (vì chẳng thị trường nào cam đoan nó sẽ ổn định vĩnh viễn với các nhu cầu bất biến). Đơn giản nó chỉ là ảo ảnh về ốc đảo giữa sa mạc đối với người khách bộ hành mất phương hướng.
Khoa học kỹ thuật chú trọng đến việc tạo ra các giá trị cụ thể còn khoa học nhân văn thì chú trọng đến việc tạo ra một con người tử tế. Và con người tử tế thì có thể học được bất cứ điều gì (họ có cơ hội được dạy bảo nhiều hơn). Như vậy, ngành nhân văn tạo ra những con người có thể thích ứng và học hỏi. Trên thực tế, phẩm chất ứng viên mới chính là điều mà các nhà tuyển dụng luôn cần đến. Nếu ai đó đột nhiên nói rằng: “Vớ vẩn ! tôi khẳng định với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu ở một trường danh tiếng, tôi sẽ ung dung đi làm ngay mà không cần học thêm gì cả” thì tôi sẽ cười cho qua chuyện (bạn thấy đấy, phản ứng đó là lý do khiến họ mất đi cơ hội học hỏi). Tính chính xác tuyệt đối trong kỹ thuật tạo nên tư duy luôn đúng và thích kiểm soát nhiều hơn. Họ sẽ phát huy rất tốt nếu được làm các công việc thuộc đúng chuyên môn của mình, thế nhưng để nhận được công việc đó, họ cần phải học cách để được tuyển dụng và chấp nhận sẽ được đào tạo lại, nếu cần thiết.
Nhìn chung hướng nghiệp sẽ trở nên vô nghĩa nếu bị chi phối bởi suy nghĩ liên quan đến thu nhập từ quá sớm. Tương tự, việc đặt ra ranh giới khác biệt giữa các ngành khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn, hoặc đề cao bên nào quá mức cũng là một lý do khiến việc hướng nghiệp trở nên rối rắm hơn. Trong khi người trực tiếp có trách nhiệm hướng nghiệp là chính bản thân các bạn sinh viên tỏ ra hờ hững hoặc chỉ đến lúc tốt nghiệp mới quan tâm xem mình sẽ làm gì, thì hàng ngày, hàng giờ có vô số thông tin khích lệ các bạn đi theo việc này hoặc việc kia. Mong các bạn lưu ý, chọn nghề nghiệp không giống với mua hàng trên mạng: mua thứ gì đó chỉ vì tần suất quảng cáo, giá thành và sự thuận tiện. Hãy chấp nhận thử thách, luôn sẵn sàng học hỏi và đừng phớt lờ nghề nghiệp bản thân mình muốn gắn bó, dù cho mọi khởi đầu luôn rất khó khăn.
Joshua Landy, giáo sư tiếng Pháp và văn chương so sánh trong bài giảng đã nói” “ Tôi muốn gửi tới các bạn một lời khuyên từ tận đáy lòng: Đừng theo chuyên ngành kinh tế. Hãy theo chuyên ngành kinh tế nếu bạn yêu kinh tế. Nhưng đừng học chuyên ngành kinh tế nếu đó là bởi cha mẹ bạn bảo bạn như vậy hay bạn nghĩ mình sẽ không thể có được công việc tốt nếu thiếu nó. Do đó tôi đề nghị rằng, các bạn hãy học ngành mà các bạn thực sự quan tâm, bao gồm cả kinh tế. Nếu bạn theo chuyên ngành khoa học nhân văn, thì có một câu mà mọi người luôn hỏi bạn, Bạn sẽ làm gì với nó ? Và ý họ muốn hỏi là, bạn sẽ kiếm tiền bằng cách nào ?” Landy thừa nhận rằng đây là “một câu hỏi khá sâu sắc”. Nhưng ông nói rằng, ông muốn hỏi những sinh viên không theo chuyên ngành khoa học nhân văn một câu: “Khi bạn kiếm được tiền, bạn sẽ làm gì với nó ?…Bạn sẽ tiêu nó thế nào ? Đâu sẽ là cách tốt nhất để làm cho bản thân bạn hạnh phúc và viên mãn ?”
Những cuộc phiêu lưu không định trước của những sinh viên đến từ Stanford như Michael Crandell (học chuyên ngành tôn giáo, gây dựng sự nghiệp trong ngành công nghiệp phần mềm); Stephen Hayes (chuyên ngành lịch sử, gây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực nhân sự); Jennife Ockelmann (chuyên ngành lịch sử, gây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực marketing) v.v…là ví dụ tham khảo hữu ích cho thấy việc bạn làm gì không quan trọng bằng việc bạn có thực sự muốn làm nó hay không.
Thay cho lời kết
Hướng nghiệp là một sự nghiệp cao cả. Khi bạn hiểu biết chính xác bản thân muốn gì và có đủ can đảm theo đuổi nó thì bạn xứng đáng trở thành người hướng nghiệp tốt nhất cho chính mình. Thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau là phương pháp hữu hiệu để giúp bạn tìm ra một vị trí phù hợp cho cả hiện tại và tương lai. Sự nỗ lực học hỏi luôn là điều kiện tiên quyết để có thể khám phá ra thế mạnh của bản thân và không ai đưa đến ngay cho bạn công việc thực sự phù hợp nếu bạn không chủ động lên đường tìm kiếm nó.
Bài học về hướng nghiệp khiến tôi nhớ đến tác phẩm Ông già và biển cả của tiểu thuyết gia Ernest Hermingway. Năm đó, chính vào những tháng hè oi ả của kì thi, cô giáo dạy văn cấp 3 đã nhắc đi nhắc lại câu nói nổi tiếng: “Hãy cố thêm lần nữa” trích trong tác phẩm, để khích lệ chúng tôi. Đến bây giờ, dù bạn đang còn đang đi học, chuẩn bị tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp mà vẫn chưa có việc làm, tôi mong muốn được dành tặng lại bạn sự khích lệ ấy.
Sách Hướng nghiệp trong thời đại 4.0 là tập hợp những mẩu chuyện có tính nhân văn và nên được đọc trước khi bạn quyết định đưa ra lựa chọn về nghề nghiệp trong tương lai.
Mời các bạn đón đọcHướng Nghiệp Trong Thời Đại 4.0 của tác giả Randall Stross.
Chia sẻ ý kiến của bạn