Quản trị quá trình sáng tạo và đổi mới – Các chiến lược, quy trình triển khai và lợi nhuận
Đổi mới là chìa khóa để đạt được và duy trì một lợi thế cạnh tranh trong thế giới kinh doanh. Sử dụng những tài liệu nghiên cứu về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế học, lý thuyết tổ chức tới tổng quan về marketing & quản lý, và chiến lược.

Quản trị quá trình đổi mới & sáng tạo, ấn bản thứ hai, cung cấp cho bạn đọc một phương pháp mang tính hệ thống để tiếp cận các chiến lược và các quy trình đổi mới sản phẩm/dịch vụ thành công, mang lại lợi nhuận cho công ty.

Đúc rút từ kinh nghiệm làm việc thực tế và kiến thức chuyên sâu của mình, Allan Afuah cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa đổi mới – một chức năng quản lý và khả năng đạt được lợi nhuận – một chức năng tài chính. Ông tạo ra một khuôn khổ bao gồm những câu hỏi cơ bản về đổi mới: “Ai, cái gì, khi nào, và nơi nào”, kết hợp các lý thuyết mới nhất với nhiều ví dụ phong phú. Trong ấn bản thứ hai này, Afuah đặc biệt đề cập đến mạng Internet để minh họa cho sự đổi mới về mặt công nghệ và đưa thêm một chương hoàn toàn mới vào cuốn sách, chương “Các chiến lược cho lợi nhuận bền vững”.




Cuốn sách áp dụng một phương pháp tiếp cận đa lĩnh vực độc đáo, kết hợp những đóng góp quan trọng của kinh tế học, lý thuyết tổ chức, marketing và tài chính để quản trị sự đổi mới. Phương pháp này cung cấp cho sinh viên một lý thuyết quản lý toàn diện và thích hợp, và những vấn đề thực tiễn có liên quan như vai trò của các quy định của chính phủ, việc lựa chọn khâu sinh lợi để đầu tư, và việc chuyển đổi đổi mới. Tác động của các khu vực công và quốc tế được nhấn mạnh trong các chương về toàn cầu hóa, sự đổi mới trong các nền kinh tế mới nổi, và vai trò của chính phủ trong việc thúc đẩy sự đổi mới. Cuốn sách, ngoài nội dung chính mang tính lý thuyết và phân tích, còn cung cấp cho độc giả nhiều ví dụ mang tính sư phạm.

Quản trị quá trình đổi mới & sáng tạo là cuốn giáo trình lý tưởng để giảng dạy trong trường kinh doanh. Một cuốn sách kinh tế hay là tài liệu hướng dẫn giúp các giám đốc điều hành và nhà quản lý hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của sự đổi mới.

***

TÀI SẢN VÀ NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG
Khi thực hiện các hoạt động trong một cấu hình giá trị, một công ty cần có các nguồn lực hoặc tài sản như nhà máy, thiết bị, bằng sáng chế, các nhà khoa học lành nghề, danh tiếng thương hiệu, vị trí địa lý, các mối quan hệ với khách hàng, kênh phân phối, bí mật thương mại. Khả năng sử dụng những tài sản này để tiến hành các hoạt động tạo ra và phân phát sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng là năng lực hoạt động của công ty.




Tài sản
Các tài sản hoặc nguồn lực có thể được chia thành nhóm tài sản hữu hình, nhóm tài sản vô hình và con người. Tài sản hữu hình là những tài sản vật chất và tài chính, thường được xác định và thống kê trong các báo cáo tài chính với tên gọi “các tài sản”. Những tài sản này bao gồm nhà máy, trang thiết bị và dự trữ tiền mặt. Tài sản vô hình là những tài sản không thuộc vật chất và tài chính thường không được tính đến trong các báo cáo tài chính. Những tài sản này bao gồm bằng phát minh, bản quyền sáng chế, danh tiếng, thương hiệu, bí mật thương mại, các mối quan hệ với khách hàng, các mối quan hệ giữa nhân viên, và tri thức ở các dạng khác nhau như các cơ sở dữ liệu chứa các số liệu quan trọng về khách hàng và các phát hiện trong nghiên cứu thị trường. Ví dụ, bằng phát minh hoặc bí mật thương mại, mà giúp công ty độc quyền tiếp cận một sản phẩm hoặc một quy trình, có thể cho phép công ty trở thành hãng đầu tiên tung ra thị trường một sản phẩm với những thuộc tính nhất định, làm cho sản phẩm có tính khác biệt lớn và có khả năng thu được lợi nhuận cao. Ví dụ, trong một thời gian, việc Intel nắm giữ bản quyền phát minh bộ vi code đã cho phép công ty này cung cấp những bộ vi xử lý khác biệt cho các nhà sản xuất máy tính cá nhân. Công thức bí mật của Cocacola cho phép công ty sản xuất một loại đồ uống có hương vị mà theo một số khách hàng là độc nhất. “Các lõi” hoặc các khối vi mạch độc quyền có thể sử dụng lại của LSI Logic giúp công ty đưa các chức năng tiêu chuẩn đến khách hàng. Tài sản con người là những kỹ năng và tri thức của các nhân viên trong công ty.

Tính cốt lõi
Có thể phân loại các tài sản thành tài sản cốt lõi và tài sản không cốt lõi phụ thuộc vào tầm quan trọng của các tài sản đó đối với công việc kinh doanh của công ty. Ví dụ, trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, các mối quan hệ với khách hàng là tài sản cốt lõi vì để giành được các thương vụ mới từ những khách hàng lớn ngân hàng phải dựa vào các mối quan hệ này, nhưng bằng sáng chế có thể là không phải là tài sản cốt lõi. Các cá nhân có kỹ năng cũng có thể là tài sản cốt lõi. Ví dụ, trong ngành dược phẩm, Ngài James Black nổi tiếng vì phát hiện ra một số loại thuốc mang lại doanh thu lớn cho hai công ty dược phẩm khác nhau là ICI và SmithKline.

Khả năng sao chép
Dựa vào vai trò của tài sản đối với khả năng đưa ra sản phẩm có chi phí thấp hoặc khác biệt của công ty, câu hỏi đặt ra là tại sao các công ty đối thủ không mô phỏng các tài sản đó? Trên thực tế, họ muốn sao chép và thường xuyên sao chép. Nhưng đối với một số loại nguồn lực nhất định việc sao chép là hoàn toàn không dễ dàng. Một số trong đó, như bằng phát minh hoặc bản quyền sáng chế, được pháp luật bảo vệ. Những tài sản khác mà chúng ta sẽ nhắc đến sau, là kết quả của các cơ hội. Vì tính bất ổn và phức tạp luôn đi kèm với sự sáng tạo của một số tài sản, sẽ rất khó để sao chép những tài sản đó. Ví dụ, việc cố gắng đào tạo ra một Sir James Black khác là điều rất khó vì chúng ta không hoàn toàn hiểu được điều gì khiến ông thành công đến vậy. Một số tài sản khác như danh tiếng thương hiệu cần rất nhiều thời gian để xây dựng, thậm chí nếu các đối thủ cạnh tranh biết chính xác cách để sao chép, chỉ riêng sự tụt hậu về thời gian cũng làm họ nản lòng. Câu hỏi tiếp theo là, tại sao đối thủ cạnh tranh không mua các tài sản này từ một công ty khác? Đôi khi họ có làm vậy, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng và khả thi. Việc sử dụng một Sir James Black có thể không phải lúc nào cũng hiệu quả. Thành công của ông có thể là kết quả của sự kết độc nhất giữa môi trường mà ông đang làm việc và tài năng của ông, và không phải công ty dược phẩm nào cũng có thể cung cấp được loại môi trường đó. Đó có thể là do các đồng nghiệp ở Brits khiến ông cảm thấy gắn bó mà mức lương sáu con số Merck sẵn sàng trả cho ông cũng không đánh đổi được. Những tài sản khác, như danh tiếng, phải được tích lũy. Nếu công ty mua lại thương hiệu Federal Express và không giao hàng đúng thời gian thì danh tiếng đó sẽ dần dần biến mất.

Lợi nhuận
Hình 3.5 minh họa vai trò của tài sản đối với khả năng của một công ty trong việc cung cấp các sản phẩm có chi phí thấp hoặc sản phẩm khác biệt, và do đó tạo ra lợi nhuận. Nếu khả năng sao chép của các tài sản cốt lõi là thấp, chủ sở hữu có khả năng thu được một số lợi nhuận dài hạn. Nếu khả năng đó là cao, công ty có thể thu được một số lợi nhuận ngắn hạn – cho đến khi các tài sản này bị sao chép hoặc bị mua lại. Nếu tài sản không mang tính cốt lõi, công ty sẽ không thu được lợi nhuận nếu khả năng sao chép thấp và sẽ thu được lợi nhuận không đáng kể nếu khả năng sao chép cao.

Năng lực hoạt động
Tài sản, tự nó, không mang lại giá trị cho khách hàng và không tự tạo ra lợi nhuận. Khách hàng không đến với một công ty chỉ vì công ty đó có các nhà máy lớn, có nhiều nhân tài hay có nguồn vốn từ lần phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO). Tài sản phải được chuyển thành một giá trị nào đó mà khách hàng mong muốn. Để làm được điều đó, một công ty cần phải có các năng lực hoạt động – khả năng sử dụng các tài sản để thực hiện các hoạt động tạo ra giá trị. Việc này thường đòi hỏi phải sử dụng hoặc kết hợp nhiều hơn một tài sản. Khả năng của LSI Logic trong việc nhanh chóng chuyển các tài sản “cốt lõi” của công ty thành các sản phẩm mà khách hàng mong muốn chính là một năng lực hoạt động. Khả năng của Intel trong việc phát triển các bộ vi xử lý mà ứng dụng bộ vi code đã được bảo vệ bản quyền và tương thích với cơ sở đã cài đặt của các bộ vi xử lý là một năng lực hoạt động. Tương tự như vậy, khả năng của Coca Cola trong việc chuyển công thức bí mật của công ty thành sản phẩm mà được nhiều khách hàng ưa thích hơn so với sản phẩm của các công ty đối thủ.

Mời các bạn đón đọc Quản Trị Quá Trình Đổi Mới và Sáng Tạo của tác giả Allan Afuah.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.