Sách Của Bạn Tôi – Anatole France
Sách của bạn tôi là một trong những tác phẩm tự truyện nổi tiếng của Anatole France viết về thời thơ ấu. Câu chuyện của chú bé Pierre với những mối quan hệ tuổi thơ, những kỷ niệm với bạn đồng trang lứa, với giáo viên và trường lớp, những nhân vật đã đi qua tuổi thơ của chú như một ánh sáng huyền diệu kỳ bí in vào tâm hồn chú một hình ảnh đẹp không thể phai mờ.
Phần tiếp theo của câu chuyện là khi chú bé Pierre lớn, lúc này Pierre đã trở thành cha và để ý quan sát những cử chỉ, động tác của cô con gái nhỏ.
Với Sách của bạn tôi, Anatole France đã viết nên những trang văn tuyệt tác, rất duyên dáng và hấp dẫn, đầy những nhạc điệu gợi cảm… khiến người ta không thể không dừng lại, im lặng, bồi hồi với những kỷ niệm đẹp nơi tuổi thơ đã đi qua.
Năm 1921, Anatole France được trao giải Nobel Văn học bởi “những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gauloir đích thực”.
***
Anatole France sinh ở Paris, là con của một chủ cửa hàng sách, từ nhỏ đã ham mê văn học, nghệ thuật. Học ở trường Collège Stanislas. Trong thập niên 1860, France tiếp xúc với nhóm Parnasse và xuất bản tập thơ đầu tiên (1873). Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi và thật sự có tiếng tăm khi cuốn tiểu thuyết Le crime de Sylvestre Bonnard (Tội ác của Sylvestre Bonnard, 1881) ra đời và được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp. Trong thập niên 1890, ông viết nhiều bài phê bình văn học cho Le Temps (Thời báo) và in thành 4 tập sách với tên La vie littéraire (Đời sống văn học).
Những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, tư tưởng và sáng tác của Anatole France đã có những thay đổi. Ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ. Cụ thể là trước kia ông thường miêu tả cuộc sống và con người thời kỳ Trung cổ hoặc thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến, thì nay ông viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương đại, đồng thời tiếp tục truyền thống nhân văn chủ nghĩa của Rabelais và Voltaire, phê phán nền cộng hòa thứ ba của Pháp, chế giễu không thương xót những kẻ gây chiến tranh xâm lược tàn khốc. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì “những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực”..
- France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, trải qua một con đường khó khăn và phức tạp từ chủ nghĩa nhân đạo ảo tưởng đến chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Ông mất ở Tours, Indre-et-Loire.
Tác phẩm:
Poèmes dorés (Những câu thơ vàng, 1873), thơ
Les Noces corinthiennes (Đám cưới ở Corinthe, 1876), kịch thơ
Jocaste et Le Chat maigre (Jocaste và con mèo gầy, 1879), truyện
Le Crime de Sylvestre Bonnard, membre de l’Institut (Tội ác của Sylvestre Bonnard, 1881), tiểu thuyết
Les Désirs de Jean Servien (Những khát vọng của Jean Servien) 1872-1882), tiểu thuyết
Le Livre de mon ami (Sách của bạn tôi, 1885), hồi ký
Balthasar (1889), truyện ngắn
La vie littéraire (Đời sống văn học, 1888-1892), phê bình văn học, 4 tập
Thaïs (1890) tiểu thuyết
L’Étui de nacre (Chiếc rương xà cừ, 1892), tập truyện
La Rôtisserie de la reine Pédauque (Cửa hàng thịt quay của nữ hoàng Pédauque, 1893), tiểu thuyết
Les Opinions de Jérôme Coignard (Những ý kiến của Jêrôme Coignard, 1893), tiểu thuyết
Le Lys rouge (Bông huệ đỏ, 1894), tiểu thuyết
Le Jardin d’Épicure (Vườn Epicure, 1894), tập cách ngôn
Le puits de Sainte Claire (Cái giếng của Thánh nữ Claire, 1895), tập truyện
Pierre Nozière (1899), hồi kí
L’histoire contemporaine (Chuyện thời nay), gồm 4 tiểu thuyết:
L’Orme du mail (Cây đu trên đường dạo chơi, 1897),
Le Mannquin d’osier (Hình người bằng cây liễu, 1897),
L’Anneau d’amethyste (Chiếc nhẫn tử thạch anh, 1899) và
Monsieur Bergeret à Paris (Ông Bergeret ở Paris, 1901)
Clio (1900), tập truyện
Opinions sociales (Dư luận xã hội, 1902), tiểu luận
L’Affaire Crainquebille (Vụ việc Crainquebille, 1901), truyện ngắn, năm 1903 chuyển thể thành vở kịch Crainquebille
L’église et la république (Nhà thờ và nền cộng hòa, 1904), tiểu luận
Crainquebille, Putois Riquet et plusieurs autres récits profitables (Crainquebille, Putois, Riquet và những câu chuyện có ích khác, 1904), tập truyện ngắn
Sur la piere blanche (Trên phiến đá trắng, 1905), tiểu thuyết
Ver les temps meilleurs (Hướng đến những thời tốt đẹp hơn, 1906), tiểu luận
L’Île des Pingouins (Đảo Pingouins, 1908), tiểu thuyết
Vie de Jeanne d’Arc (Đời Jeanne d’Arc, 1908), truyện danh nhân lịch sử
Les Sept Femmes de Barbe bleue et autres contes merveilleux (Bảy người vợ của Râu Xanh, 1909), tập truyện
Les Dieux ont soif (Thần linh khát, 1912), tiểu thuyết
Le Génie latin (Thần Latin, 1913), tiểu luận
La Révolte des anges (Thiên thần nổi loạn, 1914), tiểu thuyết
Sur la voie glorieuse (Trên đường vinh quang, 1915), tập tiểu luận
Ce que disent nos morts (Những người bị giết của chúng ta nói gì, 1916), tập tiểu luận
Le Petit Pierre (Pierre bé nhỏ, 1918), hồi ký
La Vie en fleur (Cuộc sống nở hoa, 1922), hồi ký
Les dialogues sous la rose (Đối thoại dưới hoa hồng, 1917-1924, in năm 1925), tiểu luận triết học
***
Nel mezzo del cammin di nostra vita…
Giữa quãng đường đời….
Câu thơ ấy, câu mà Dante mở bài thánh ca thứ nhất của Thần khúc, trở lại tâm trí tôi, tối nay, có lẽ là lần thứ một trăm. Nhưng đây là lần đầu nó làm tôi xúc động.
Thích thú biết bao, tôi thầm nhắc lại câu thơ ấy, và tôi thấy nó nghiêm chỉnh và đầy ý nghĩa! Là bởi lần này tôi có thể áp dụng nó cho bản thân tôi. Đến lượt mình, tôi ở vào thời điểm của Dante xưa kia khi mặt trời già nua đánh dấu năm đầu của thế kỷ mười bốn. Tôi đang ở giữa quãng đường đời, giả dụ con đường ấy đối với tất cả mọi người đến dài như nhau và đều đưa tới tuổi già.
Trời ơi! Tôi đã biết, hai mươi năm trước, rằng sẽ phải tới bước này, tôi biết thế, nhưng tôi đã không cảm thấy thế. Lúc bấy giờ tôi quan tâm quãng nửa đường đời như tới con đường đi tới Chicago. Giờ đây đã leo hết sườn núi, tôi ngoảnh đầu lại để nhìn bao quát cả khoảng không mà tôi đã băng qua nhanh chóng chừng nào, và câu thơ của thi sĩ thành Florence bỗng khiến tôi triền miên suy tưởng đến đỗi tôi sẵn lòng ngồi thâu đêm trước ngọn lửa để khêu dậy những bóng ma. Hỡi ôi! Những người chết sao mà nhẹ vậy!
Hồi tưởng thật là êm dịu. Yên lặng ban đêm khêu gợi hồi tưởng. Tịch mịch ban đêm thuần hóa những hồn ma bản chất vốn dút dát, lẩn trốn và muốn có bóng tối vắng vẻ để đến thì thầm cùng những bạn bè đương sống. Các rèm cửa sổ đã kéo, các màn cửa buông nếp nặng trên mặt thảm. Chỉ có một cánh cửa hé mở, nơi kia, phía mắt tôi tự nhiên quay lại. Ở đấy thoát ra một ánh sáng xanh mờ nhạt, từ đấy đưa lại những hơi thở đều và êm, mà chính tôi cũng khó phân biệt được hơi thở của mẹ và của các con.
Ngủ đi, những người yêu dấu ngủ đi!
Nel mezzo del cammin di nostra vita…
Mời các bạn đón đọc Sách Của Bạn Tôi của tác giả Anatole France.
Chia sẻ ý kiến của bạn