Tập san Sử Địa là một tập san học thuật sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn chủ trương thực hiện, phát hành mỗi 3 tháng, với Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm và Phạm Thị Hồng Liên quản lý, và với sự bảo trợ của nhà sách Khai Trí tại Sài Gòn. Toàn bộ Tập San Sử Địa gồm có 29 số (22 tập), được phát hành từ năm 1966 cho tới sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 thì ngừng lại.

Ban chủ biên tập san có sự tham gia của các chuyên gia như giáo sư Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Phạm Cao Dương, Quách Thanh Tâm, Trần Anh Tuấn, Tạ Chí Đại Trường, Chen Chin Hô tức Trần Kình Hòa, Đặng Phương Nghi… Ngoài ra còn có một số nhà nghiên cứu tham gia viết bài như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Hảo, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Đăng Thục…

Năm 2007, toàn bộ 29 số tập san Sử địa đã được tái bản dưới dạng số hóa trong một CD-ROM (ảnh) do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp thực hiện dưới sự đồng ý của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã – nguyên chủ bút tập san. Nhân dịp tái bản lần này, giáo sư Phan Huy Lê – chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN – nhận định: “Tập san Sử Địa để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần khoa học và ý thức dân tộc của những người chủ trương tập san và các tác giả bài viết. Tính khoa học và tính dân tộc là đặc điểm bao trùm của tập san. Nhiều bài viết trên tập san thật sự là những công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tư liệu công phu, xử lý thông tin khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc…”




NGUYỄN ĐĂNG THỤC
***
Gần nửa triệu người Việt hiện đang sinh sống tại các lân bang của chúng ta. Những kiều bào ấy đã âm thầm tạo một thế đứng, một sự « hiện diện » của Việt-nam tại các lân bang khi mà nước ta mất hoàn toàn chủ quyền vào trong tay người Pháp.

Số người Việt trên đã sang lập nghiệp tại các lân bang khi nào, cuộc sống của họ ra sao, được tổ chức như thế nào ? Có lẽ từ trước tới nay, ít ai kể cả chính quyền thật sự quan tâm tới số phận cũng như sứ mạng của các kiều bào ấy. Thật là bất công và thiệt thòi lớn lao cho các kiều bào ấy nói riêng và cho thế lực của quốc gia ta nói chung. Tương lai thế đứng của Việt-nam về mọi phương diện tại các lân bang sẽ một phần lớn trông cậy vào sự đóng góp của các Việt-kiều.

Chúng tôi thiết nghĩ Chính quyền cũng như nhân dân Việt-nam cần phải quan tâm đặc biệt và cần phải có một chính sách nâng đỡ, khuyến khích Việt-kiều tổ chức các sinh hoạt của họ về mọi phương diện ; hầu sau này có thể đạt tới mục tiêu tạo thế đứng vững vàng của Việt-nam tại các lân bang vốn có nhiều liên lạc và thân tình.




Trong chiều hướng ấy, tập san Sử Địa thực hiện một số đặc khảo về VIỆT-KIỀU TẠI CÁC LÂN BANG được khảo xét dưới khía cạnh địa lý nhân văn hơn là sử học. Đây chỉ là bước đầu tiên để tìm hiểu một vấn đề lớn của quốc gia.

Chúng tôi ước mong sẽ được sự hưởng ứng của các thức giả và các kiều bào cung cấp các tài liệu giá trị để tiếp tục đào sâu tìm hiểu vấn đề Việt-kiều.

Những chủ đề kế tiếp hiện đang được chúng tôi chuẩn bị là : Cuộc Nam tiến của Dân Tộc Việt-nam, Các Nhà Nho Miền Nam, Nguyễn Trường Tộ.

Hoàn cảnh đất nước hiện tại chưa cho phép chúng tôi thực hiện mở giải thưởng về Nam tiến của Dân tộc Việt-nam.

Nếu vì lý do kỹ thuật bất khả kháng, không thực hiện số Xuân Sử Địa, số báo kỳ này sẽ là món quà Xuân Canh Tuất gửi đến quí bạn đọc. Sử Địa xin gửi trước tới quí bạn đọc lời chúc mừng một mùa xuân dân tộc như ý.

TẬP SAN SỬ ĐỊA

Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 16: Việt Kiều tại Các Lân Bang Miên Thái Lào của tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *