Thiền Chất liệu nuôi dưỡng trị liệu và chuyển hóa
Thiền, nói cho đủ là thiền na (tiếng phạn là dhyana), là phần thực tập nòng cốt của đạo Bụt. Thiền có mục đích giúp người hành giả đạt tới một cái thấy sâu sắc về thực tại, cái thấy này có khả năng giải phóng cho mình ra khỏi sợ hãi, lo âu, phiền muộn, chế tác chất liệu trí tuệ và từ bi, nâng cao phẩm chất của sự sống, đem lại cho mình và cho kẻ khác nhiều thảnh thơi và an lạc. Bản chất của thiền là niệm , định và tuệ , ba nguồn năng lượng được chế tác trong khi thực tập. Ta thực tập thiền không phải chỉ trong tư thế ngồi (thiền ngồi, tiếng Hán Việt: tọa thiền ) mà còn trong các tư thế khác như tư thế đi (thiền đi, tiếng Hán Việt: hành thiền ) tư thế đứng, tư thế nằm, trong những lúc làm việc như giặt áo, bổ củi, gánh nước, tưới rau hoặc lái xe. Bất cứ trong tư thế nào, bất cứ đang làm gì và ở đâu mà trong thân tâm mình có được ba loại năng lượng ấy là mình đang thực tập thiền. Sự thực tập này, nếu được chỉ dẫn đúng mức, có thể đem lại sự thoải mái và an lạc ngay trong lúc thực tập. Thực tập thiền có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu cho cả thân và tâm, đem lại nguồn vui sống cho người thực tập và cho những người xung quanh. Không phải chỉ đi vào chùa hoặc thiền viện mới thực tập được thiền. Sống trong xã hội, đi làm, chăm sóc gia đình, ta cũng có thể tập thiền được.
Niệm
Niệm là nguồn năng lượng giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trong thân, tâm ta và trong hoàn cảnh. Tiếng phạn là smrti . Nói cho đầy đủ là chánh niệm ( samyaksmrti ). Những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại trong lĩnh vực thân, tâm và hoàn cảnh thì nhiều lắm, ta không thể nhận diện được tất cả một lượt. Nhưng ta có thể nhận diện những gì nổi bật nhất, hoặc nhận diện những gì mà ta cần nhận diện nhất. Nếu ta để ý tới hơi thở vào và hơi thở ra và nhận diện được đấy là hơi thở vào hoặc hơi thở ra, đó gọi là phép niệm hơi thở . Nếu ta để ý tới bước chân và nhận diện được từng bước chân ta đặt lên sàn nhà hoặc mặt đất, đó gọi là phép niệm bước chân . Ta có thể gọi đó là chánh niệm về hơi thở hoặc chánh niệm về bước chân. Niệm bao giờ cũng là niệm một cái gì, nghĩa là niệm luôn luôn có đối tượng của niệm. Nếu ta đang giận mà ta có ý thức được là ta đang giận, đó gọi là niệm cơn giận . Trong lúc ta thực tập như thế, có hai loại năng lượng đang biểu hiện trong ta: năng lượng đầu là cái giận, năng lượng thứ hai là chánh niệm do ta chế tác bằng bước chân hoặc bằng hơi thở chánh niệm. Năng lượng thứ hai nhận diện và ôm ấp năng lượng thứ nhất. Nếu sự thực tập kéo dài năm bảy phút thì năng lượng chánh niệm sẽ đi vào trong năng lượng giận hờn, và sẽ có sự thuyên giảm và chuyển hóa. Năng lượng niệm mang theo nó năng lượng định , (chú tâm) và năng lượng này có thể làm phát sinh năng lượng tuệ (tuệ giác) có thể chuyển hóa được cơn giận thành năng lượng của hiểu biết, chấp nhận, xót thương và hòa giải.
Leave a Reply