Tổ Quốc Ăn Năn

Cuốn sách này là một cuốn sách để thảo luận ý kiến, với mục đích chỉ đề xướng ra mà không kết thúc các cuộc thảo luận. Vì thế tác giả, do thời giờ eo hẹp, đã tự cho phép bỏ qua phần chú thích sau mỗi chương. Sự thiếu sót này là do điều kiện biên soạn cuốn sách : tác giả, vì không thể dành một khoảng thời gian liên tục để viết, đã phải lập trước một bố cục, sau đó viết dẫn dẫn từng chương một trong vòng bốn năm, trung bình mỗi ngày một vài giờ, đôi khi trên xe lửa hoặc máy bay. Cách viết như vậy không cho phép ghi chú tỉ mỉ những tài liệu trích dẫn. Bù lại, những trích dẫn quan trọng đã được ghi ngay trong các bài viết, như độc giả có thể nhận xét.

Vì là một cuốn sách ý kiến, và hơn nữa ý kiến cá nhân, nên việc liệt kê tài liệu lại càng khó. Tác giả viết với kiến thức và suy tư cá nhân của mình cho nên nếu muốn liệt kê hết các tài liệu đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên cuốn sách thì có lẽ phải liệt kê hết tủ sách của mình. Điều này không phải chỉ khó mà còn không thể làm được vì, một mặt, có những tài liệu, như báo chí, tác giả đã tự ý hủy bỏ vì không có chỗ lưu giữ và, mặt khác, có những biến cố đã khiến tác giả nhiều lần mất tất cả hay gần hết tủ sách.

Trong những trích dẫn về Khổng Giáo, tác giả sử dụng bản Luận Ngữ do Nguyễn Hiến Lê biên soạn và nhà xuất bản Văn Nghệ (Nam Cali, Mỹ) phát hành, có đối chiếu với các bản nghiên cứu Luận Ngữ bằng tiếng Pháp của Bùi Đức Tin (Pierre Gastine) và Anne Cheng. Ở đây xin lưu ý độc giả là tác giả không đồng ý với phần lớn những giải thích về Khổng Giáo và Khổng Tử trong các tác phẩm này. Theo tác giả, Luận Ngữ và Khổng Tử cần được hiểu theo bối cảnh xã hội Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc trong khi các tác phẩm nói trên thường vô tình giải thích theo những quan niệm về Nho Giáo được hình thành rất lâu sau giai đoạn này.




Phần lớn các số liệu về thế giới được lấy từ những nguồn tài liệu được cập nhật hóa hàng năm sau đây :

Encyclopaedia Universalis (Encyclopaedia Universalis, Paris),

Etat du Monde (Edition de la Découverte, Paris), Bilan Economique et Social (của nhật báo Le Monde,




Pháp),

The World Almanac (Houghton, Miftline Company, Hoa Kỳ)

The World Bank Annual Report (do Ngân Hàng Thế Giới phát hành hàng năm).




Vì Tổ Quốc Ăn Năn là một cuốn sách để thảo luận về ý kiến nên tác giả đã ít dùng những tài liệu thống kê. Các số liệu được đưa ra thường là những con số có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì thế độc giả có thể tin là chúng đã được kiểm chứng một cách thận trọng.

Về bố cục, cuốn sách này gồm năm phần. Mỗi phần gồm một số chương, trong cùng một chủ đề. Độc giả ít thời giờ có thể đọc từng chương một cách độc lập với nhau, nhưng cách đọc đúng nhất vẫn là đọc theo thứ tự của cuốn sách vì trong mỗi chương tác giả coi như độc giả đã nắm được ý của phần trước. Tuy được viết thành những chương ngắn nhưng Tổ Quốc Ăn Năn không phải là một tuyển tập những bài nghị luận mà là một cuốn sách.

Phần một: Đất nước và con người, gồm 24 chương, mỗi chương bàn về một khía cạnh của địa lý Việt Nam và con người Việt Nam, mục đích là để nhận diện những điểm mạnh và yếu của chúng ta. Như tinh thần đã được trình bày trong lời đầu, nó sẽ không nhắc lại những gì mà mọi người đều đã biết, đã đồng ý và tác giả cũng không thấy có gì đặc biệt cần nói thêm. Phần này chỉ tập trung nói lên những gì không ổn và cần được xét lại trong cách mà người Việt Nam nhìn dân tộc và đất nước mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *