Một hoạt động thực tiễn quá năng động có thể sẽ kém hiệu quả nếu như khoảng cách giữa thực tiễn và nhận thức lý luận là quá xa nhau, thậm chí hoạt động thực tiễn có thể bị mất phương hướng hoặc đi chệch. Nghệ thuật trang trí – ứng dụng nói chung và nghệ thuật trang phục nói riêng chắc chắn không nằm ngoài quy luật đó.

Những vấn đề về trang phục – từ truyền thống đến hiện đại – là những vấn đề của văn hóa, của mô hình thẩm mỹ, của sáng tạo và khoa học thích nghi, lại càng khó hơn khi nghiên cứu trang phục với tư cách của một phạm trù lịch sử.

Trên thực tế đã có một số công trình nghiên cứu về trang phục Việt Nam. Tuy nhiên, công phu sưu tập tư liệu, đặc biệt là tư liệu hình ảnh, khả năng mô tả và phân tích có hệ thống khá thuyết phục của họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ nghệ thuật học Đoàn Thị Tình (người đã tham gia thiết kế trang phục cho phim như: Số đỏ, Điện Biên Phủ, Thời xa vắng…, cho vở sân khấu như: Trắng hoa mai, Đào Tấn chém Bồi Ba, Bầu trời mặt đất, Giấc mộng đêm hè, Vua Lia, Trăng soi sân nhỏ…, đang giảng dạy về trang phục ở các trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Viện Đại học Mở…) thể hiện trong cuốn Trang phục Việt Nam / Dân tộc Việt – chính là lý do để Nhà xuất bản Mỹ thuật lựa chọn công trình nghiên cứu này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *