Mười môn phái chính (thập gia) trong bách gia chư tử
Những phái riêng biệt trong Chư Tử, dưới thời Chiến quốc được phân chia ra làm 5, đến cuối đời Tây Hán (206 trước T.L.) thì tăng lên đến 10.
Trong số các môn phái, chỉ có Nho gia và Mặc gia là thành lập trước hơn hết, cho đến cuối đời Tây Hán, các môn phái mới lần lần xuất hiện cho đến số 10.
Tên gọi của 10 môn phái nầy là do người đời sau đặt cho đúng với ý nghĩa của học thuyết từng môn phái :
Xin liệt kê ra sau tất cả số 10 môn phái :
- Nho gia
Trong sách thuyết văn giải tự có viết : ” Nho là nhu ” (dịu hiền) đó là tên gọi của thuật sĩ, như vậy là chữ Nho có đến hai nghĩa ” dịu hiền ” và ” cần thiết”.
Trong sách Hán thơ, thiên Tư Mã Tương Như truyện chú có viết : ” Người có đạo thuật đều là Nho “. Lời giải thích nầy hợp với Thuyết văn giải tự. Nho là tên gọi thông thường của những học giả.
Trong sách Sử Ký, phần Mạnh Tuân liệt truyện có viết : ” Những Nho sĩ tầm thường như Trang Chu, v.v…Trang Chu vốn là Đạo gia, nhưng lại gọi là Nho sĩ, chỉ với ý học giả “.
Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử bảo Tử Hạ : ” Người hãy làm quân tử Nho, đừng làm tiểu nhơn Nho ” cũng với ý trên.
Thuở ấy, những người có học thức, đạo học đều được gọi là Nho, bất câu quân tử hay tiểu nhơn.
Nho là tên gọi thường của học giả, nhưng tại sao môn đệ của Khổng Tử mới được gọi là Nho gia ?
Trong sách Chu Lễ có viết : “Nho là người có đạo thuật để dạy người “. Người có học thức và đạo thuật, và lại dạy người khác gọi là Nho, như thế Nho, cũng như ngày nay ta gọi là Nhà giáo dục vậy. Đó là nghĩa nới rộng của chữ Nho.
Trước thời Khổng Tử, chỉ có Quan học, không có thầy tư nhơn, tư nhơn lập trường dạy học trò đầu tiên là Khổng Tử.
Kế đó là các học trò của ông như : Tử Hạ, Tử Du, Tăng Tử, v.v… đều có dạy học trò, cho nên đều được gọi là Nho, rồi sau đó lần lần thành thói quen và thành Nho gia, tên gọi của học phái.
Trong sách Pháp môn của Dương Hùng ở thiên Quân tử có viết : ” Người thông thiên địa gọi là Nho “.
Trong sách Luận Hoành của Vương Sung, thiên Siêu Kỳ có viết : ” Người có thể giảng được một kinh gọi là Nho “.
- Đạo gia
” Đạo gia ” tức là tên gọi rút ngắn của từ ngữ Đạo đức gia. Sách Hán chí gọi Đạo gia, nhưng Tư mã Đàm lại gọi là Đạo đức gia.
Đạo đức, Âm dương, Tung hoành là những học phái được gọi tên bằng hai chữ.
Sở dĩ học phái nầy được gọi là Đạo đức gia là vì quan niệm căn bản của phái nầy là đạo đức.
Trong thiên trên của sách Lão Tử có viết : ” Đức lớn dung chứa, là Đạo theo liền đó… “, trong thiên dưới cũng có viết : ” Đạo sanh đó, đức nuôi đó, vật thành hình đó, thế làm nên đó, thế cho nên vạn vật không ai không tôn đạo và quí đức. Cái tôn của đạo, cái quí của đức không gì hay bằng cứ để cho nó thường tự nhiên “.
Trong thiên Tâm thuật, Quản Tử cũng có viết : ” Đức là chỗ chứa của đạo, sự vật nhờ đó mà sanh, cho nên có đức là được tất cả “.
Nếu biết dùng cái vô vi làm đạo, kể như không chú ý mà làm đức (cứ để cho tự nhiên) giữa đạo và đức không có khoảng cách, đó là thi hành đúng với đạo đức vậy.
Lão Tử và Quản Tử, tuy do người đời sau gom góp tài liệu, lời nói lại thành sách, nhưng cũng giữ được cái tinh nghĩa của Đạo gia.
Trong thiên Thiên địa, Trang Tử có viết : ” Đức kiêm với đạo và đạo kiêm với đức ” và ” Thái sơ có và không, không và có là vô danh…bắt đầu từ một, có một mà chưa thành hình, vật nhờ đó sanh ra, đó là Đức “.
Lão Tử cũng thường nói : ” Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật ” tức Trang Tử gọi cái không của Thái sơ, tuy có mà chưa thành hình, đó là bắt đầu từ một và đó là Đạo.
Đạo là đạo tự nhiên của trời, đất, là tổng nguyên lý sanh ra vạn vật. Còn Đức là vật nhờ Đạo ấy mà thành hình, cũng tức là nguyên lý sanh ra vật ấy.
Đạo là cái ” một ” sơ khởi, cho nên mới nói Đạo sanh một rồi một sanh hai, sanh ba và sanh ra vạn vật.
Vật mà sanh ra được, là nhờ có Đạo, cho nên mới nói : Vật mà nhờ đó sanh ra gọi là Đức.
Vật sanh mà Đạo gắn với liền với vật, thế cho nên mới nói Đức là ” nhà ” ở của Đạo.
Đạo là tổng nguyên lý của sự sanh ra vạn vật, còn Đức là nguyên lý riêng biệt để sanh ra vật ấy.
Đạo và Đức tuy hai mà một, cho nên mới nói ” Đức gồm trong Đạo, và Đạo gồm trong Đức “. Đạo và Đức không có khoảng cách cho nên nói Đạo và Đức là luôn luôn phải dính liền nhau.
Đức cũng là một bộ phận của Đạo cho nên mới có câu : ” Tư dung của Khổng Tử là có Đạo trong ấy rồi “. Vì thế cho nên vạn vật, không có gì mà không tôn Đạo và quí Đức !…
Cái tôn của Đạo Đức, không phải gò ép mà tự nhiên thường có. Vũ trụ luận của học phái nầy là quan niệm căn bản, thế cho nên mới gọi là Đạo đức gia, đó là chỗ tóm lược trọng yếu.
Một số người cho rằng câu đầu tiên trong thiên trên của sách Lão Tử : ” Đạo khả đạo, phi thường đạo “, và kế đó trong thiên dưới có câu : ” Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức “, vì hai câu đó, nên mới đặt tên cho quyển sách của Lão Tử là Đạo đức kinh.
Lão Tử là người khai sáng phái ” Đạo gia “, tức là nhơn quyển Đạo đức kinh mà đặt ra danh hiệu đó. Hai thuyết kể trên đều không đúng.
Trong Thập Gia Chư Tử, không có ai dùng tên sách để đặt tên môn phái, tự nhiên Đạo gia cũng không thoát ra ngoài thông lệ ấy.
Hơn nữa, Lão Tử là một nhân vật truyền thuyết, chưa chắc là đã có thật.
Quyển Lão Tử là do người đời sau gom góp lại. Dưới thời Tây Hán, Lão Tử rất được tôn sùng, nhưng lại gọi chung ông với Hoàng Đế (Hoàng Lão).
Hoàng Đế là người sanh trước Lão Tử, nên không thể ghép chung tên để gọi một học phái được.
- Mặc gia
Người khai sáng Mặc gia là Mặc Định, cho nên mới dùng họ Mặc đặt tên cho học phái gọi là Mặc gia.
Trong Chư Tử, 9 học phái khác đều không dùng họ của người khai sáng để đặt tên học phái, tại sao Mặc gia lại ở trong trường hợp khác biệt như thế ?
Thật ra, Mặc Tử không phải là họ Mặc. Gần đây, một nhà học giả là Giang Tuyền đã chứng minh điều đó trong quyển sách khảo về Chư Tử của ông, nhưng sở dĩ dùng chữ Mặc là có những ý nghĩa sau đây :
- a) ” Mặc ” là một hình phạt trong ” ngũ hình ” của thời xưa, người bị hình phạt nầy bị đày đoạ đưa đi làm những việc nặng nhọc.
Mặc Tử sanh ở nước Lỗ, lúc Nho gia đang toàn thịnh, ông chủ trương tiết dụng (kiệm) phi nhạc (không cần nhạc) tiết táng (giản dị trong việc chôn cất) tiết tang (giản dị trong tang lễ), đó là những chủ trương khác hẳn với thời xưa.
Ông chủ trương lao khổ, thậm chí đến mức xương không còn thịt, ống chân nhẵn không còn sợi lông vì làm việc quá nhiều.
Ông khác hẳn với các nho sĩ ăn mặc xênh xang, mũ mãng chỉnh tề, không làm việc động đến móng tay, cho nên người thời ấy xem ông như là một tên tội khổ sai.
- b) Chữ Mặc cũng có nghĩa là ” mực “. Mặc Tử chủ trương chịu lao khổ, tấm thân dầm sương dãi nắng, đội nguyệt, mang sao, thân hình đen đúa, gầy ốm như cây khô, số môn đệ ông cũng đều như thế, cho nên Tuân Tử thường bảo : ” Tích Mặc ” là lão ” Mặc ốm ” để chỉ sự sống khắc khổ của Mặc Tử.
- c) Chữ ” Mặc ” cũng có nghĩa là ” Mẫu mực ” (thằng mặc). Trong thiên Thiên hạ, Trang Tử luận về Mặc Tử có viết ” Lấy mẫu mực để chỉnh đốn mình “. ” Mặc Tử lúc sống không ca hát, lúc chết không tang phục, chỉ dùng quan nhỏ mà không có quách bên ngoài, đó là phép tắc của phái ấy “.
” Người đời nay theo Mặc Tử, dùng vải xấu làm y phục, ngày đêm không nghỉ, tự lao khổ, và cho rằng nếu không như thế thì không theo đúng đạo của vua Võ, và cũng không theo phái Mặc được “.
Mặc Tử đã dùng phương thức sống khổ, luôn luôn đúng theo mẫu mực, người lúc ấy nhìn thấy Mặc Tử và đồ đệ sống khác với người thường, mà chữ ” Mặc ” lại có nghĩa là bị phạt làm việc nặng nề, người ốm o gầy mòn, thế nên dùng chữ Mặc để gọi Mặc Tử với ý nghĩa châm biếm. Còn Mặc Tử với đồ đệ lại nghĩ rằng chữ Mặc có ý nghĩa là ” mẫu mực ” đủ nêu lên qui luật sanh hoạt khắc khổ của phái mình vì đó mà thừa nhận chữ ” Mặc “, vì thế mà học phái ấy được gọi là Mặc gia luôn. (Xin xem thêm Mặc Tử của Tiền Mục và trong quyển Trung quốc Triết học sử của Phùng Hữu Lan).
- Danh gia
Công tôn Long nói : ” Danh là tên gọi của thực “. Thực là sự vật, còn danh là tên gọi của sự vật ấy, danh và thực phù hợp nhau thì là danh chánh và thực không phù hợp nhau thì danh bất chánh. Vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con (không làm tròn nhiệm vụ), thì danh và thực không phù hợp nhau.
Củ chính cái danh không đúng với thực, làm cho danh và thực phù hợp nhau đó là Chính danh. Danh và thực phù hợp nhau thì ” danh định mà thực rõ ràng “, tự nhiên danh nổi tiếng và thực thu hút được người.
Cho nên bản nghĩa của danh chỉ là cái tên của sự vật đó, là từ ngữ thực thể, nói rộng ra, phàm các từ ngữ về hình thức động tác, vị trí, tính chất, số lượng cũng đều có đại biểu cho cái thực, đó cũng gọi là danh, cũng phải cần có phù hợp với sự thật.
Điều nầy tức là trong thiên Tiểu thủ của Mặc Tử đã nói ” Lất từ trữ ý “, hay là dùng từ để biểu thị ý nghĩa.
Phàm dùng ngôn ngữ hay văn tự để biểu lộ ý thì phải dùng ” từ “, mà từ thì phải dùng cho đúng với sự thật, đó là ” Danh học “. Tính chất của học phái nầy cũng giống như thuyết ” Nhơn minh ” của nhà Phật, và ” logique ” của phương Tây.
Công tôn Long có nói : ” Công tôn Long ghét danh và thực bị rối loạn, thế cho nên muốn suy biện để chính danh và thực để thay đổi thiên hạ “. Ý của ông là như thế nầy : ” Tôi đâu có phải là kẻ thích biện luận. Tôi chỉ muốn biện chính cái danh và thực bị rối loạn mà thôi… “, vì thế nên mới gọi học phái này là Danh gia.
Mặc Tử cũng có Kinh thuyết và Tuân Tử cũng có thiên Chính danh, như thế chúng ta thấy Danh học rất cần thiết và được nhiều học phái chú ý. Thuở ấy ” Biện sĩ ” (kẻ hay biện luận) cũng thường gọi là Danh gia, nhưng những nhà chuyên môn biện luận chỉ hay giỏi tài ăn nói mà không thấy đưa ra được học thuyết nào vững vàng.
- Pháp gia
Hàn Phi có viết ” Phép tắc, biên vào sách vở, để ở quan phủ và ban bố ra bá tánh “. Pháp đây là chỉ Pháp luật, chánh lịnh.
Trong sách Luận Ngữ, thiên Vi chánh có ghi lời Khổng Tử : ” Dìu dắt dùng chánh, trị dùng hình, dân khỏi tội mà không biết sỉ nhục. Dìu dắt dùng đức, trị dùng lễ, thì biết sỉ nhục và thông đạt “.
Nho gia chủ trương dùng Đức, Lễ để trị (nặng về giáo dục) cho nên mới có lập luận như thế.
Còn Pháp gia thì phản đối thuyết của Nho gia, cứ chủ trương cầm Pháp luật mà trị.
Quản Tử có nói : ” Vua tôi, trên dưới, sang hèn, đều tuân theo Pháp luật, đó là đại trị “. Ông cũng nói : ” Cho nên Pháp luật là đạo cao trong thiên hạ, là điều thực dụng cho Thánh quân “.
Học phái nầy xem ra rất trọng Pháp luật, cho nên gọi là Pháp gia.
- Âm dương gia
Sở trường của Âm dương gia là sao và lịch, trong phần trước đã có đề cập đến.
Trong thiên Tứ thời, Quản Tử có viết : ” Âm dương là cái lý lớn của trời đất “. Tất cả tinh trượng, tứ thời, đều do cái âm dương của trời đất là chủ.
Sách Sử Ký có viết : ” Dưới thời Uy và Tuyên của nước Tề, môn đệ của Trâu Tử luận trứ sự chuyển vận chung thủy của Ngũ đức “.
Trong sách Văn Truyển, Cố an Long dẫn lời văn trong Chiêu vương bi có viết : ” Ngũ đức có gì hơn : Ngu thổ, Hạ mộc, Ân kim, Châu hoả “.
Theo thuyết Ngũ hành tương khắc, thì mộc khắc thổ, kim khắc mộc, cho nên nhà Hạ thay nhà Ngu, nhà Ân thay nhà Hạ, nhà Châu thay nhà Ân…
Nhưng thủy cũng khắc hoả, thổ cũng khắc thủy, cho nên vận hành của Ngũ đức là hết rồi trở lại đầu, đó là luật ” Chung thủy Ngũ đức chi vận “.
Trong sách Sử Ký, thiên Mạnh Tuân liệt truyện có viết : ” Trâu Viễn dùng cái chủ vận của Ngũ đức làm sáng tỏ với Chư hầu “. Cái vận hành của Ngũ đức : kim, mộc, thủy, hoả, thổ cũng do Âm dương làm chủ, cho nên quan sát tin âm dương là có thể biết cái vận hành Chung thủy của Ngũ đức.
Phái Âm dương lấy cái vận hành âm dương của sao, lịch và ngũ đức làm chủ, như thế chúng ta đã thấy rõ cái quan niệm căn bổn của phái ấy là âm dương rồi. Như vậy mới gọi là Âm dương gia.
- Tung hoành gia
Từ Nam đến Bắc gọi là tung (dọc), từ Đông sang Tây gọi là hoành (ngang).
Dưới thời Chiến quốc, nước Tần ở phương Tây rất mạnh, các chánh khách thời ấy áp dụng hai sách lược ngoại giao. Tô Tần chủ trương 6 nước Nam, Bắc liên hợp để chống với Tần ở phương Tây, đó là hợp tung.
Trương Nghi lại chủ trương lục quốc nên hướng về phía Tây liên lạc với Tần, đó là kế hoạch liên hoành.
Lúc ấy kẻ đi du thuyết, không phải chỉ có Tô Tần, Trương Nghi mà thôi, nhưng sách lược của tất cả những người ấy, đều không ngoài hai chủ trương hợp tung và liên hoành, vì thế mới gọi là Tung hoành gia.
- Tạp gia
Tạp gia trích dụng học thuyết của các phái khác, cho nên mới gọi là ” Tạp “. Sách Hán Chí ghi những sách của Tạp gia, cho rằng Lã thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử là tiêu biểu hơn hết. Hai quyển sách này do môn khách viết ra, mà không phải do tự tay sáng tác của Lã bất Vi và Lưu An.
Tác giả những cuốn sách ấy không phải một người, mà là nhiều người ; mặc dù thế, những người viết ấy, cũng đều là những người có tài. Chữ ” tạp ” có ý nghĩa xấu, dùng ở đây thấy không được ổn lắm.
- Nông gia
Hứa Hành chủ trương ” vua tôi cùng đi cày ” loại trừ giai tầng thống trị và bị trị, ý nghĩa cũng có chỗ độc đáo, học thuyết ấy từ Đạo gia mà ra, nhưng lại gán lời cho đó là của Thần nông. Các sách về Nông gia ghi trong sách Hán Chí, đều là những sách nói về cách làm ruộng, trồng dâu, trồng cây.
- Tiểu thuyết gia
Sách Hán Chí viết : ” 10 học phái trong Chư Tử, chỉ có 9 nhà là đáng kể “, là vì người ta cho rằng Tiểu thuyết gia là những kẻ ” đạo thính, đồ thuyết “, là những kẻ hiểu biết tầm thường vụn vặt, không đi đến một kết quả nào, cho nên không đáng kể. Vì thế cho nên mới gọi tên là ” Tiểu thuyết “.
Những quyển sách của Tiểu thuyết gia có ghi tên trong pho sách Hán Chí đều bị thất lạc tất cả. Căn cứ theo tên sách mà tìm hiểu, thì đó là những loại sách Ngoại truyện, Bút ký…các loại sáng tác lặt vặt.
Về môn phái nầy, ngoài Tống Tử ra, thì không còn ai đáng kể.
Có lẽ từ ngữ Tiểu thuyết của chúng ta đang dùng hiện nay là xuất phát từ đây.
Leave a Reply