Búp sen xanh là tiểu thuyết đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng. Xây dựng nên hình tượng Hồ Chí Minh từ khi cất tiếng khóc chào đời tại Làng Chùa quê ngoại tới khi rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, tác phẩm được tác giả dày công sưu tầm tư liệu có liên quan và chấp bút trong thời gian dài, bắt đầu từ năm 1948 và hoàn thành năm 1980.

Búp sen xanh viết về thời thơ ấu và niên thiếu của Hồ Chí Minh trong độ dài khoảng 300 trang khổ sách thông thường, được nhà văn chia làm 3 chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Những biến thiên của lịch sử, của gia đình nội ngoại hai bên và quá trình định hình nhân cách, ra đi tìm đường giải phóng dân tộc của vĩ nhân Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành trong khoảng 20 năm, cuộc chia tay trên Bến Nhà Rồng ngày 5 tháng 6 năm 1911 giữa Út Huệ và Nguyễn Tất Thành, được tác giả kể lại bằng những trang văn xúc động.

Trong Búp sen xanh, tác giả cũng đưa người đọc về với làng quê xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại của Hồ Chí Minh, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm. Theo bước chân của Hồ Chí Minh khi còn thơ ấu với tên gọi Nguyễn Sinh Cung , đến khi trở thành một người thanh niên với tên Nguyễn Tất Thành, người đọc lại biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ, với đình Dương Nổ, trường Pháp-Việt Đông Ba, trường Quốc Học hay Bến Nhà Rồng, với tất cả những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói mỗi một vùng được thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.
 




Thực ra có thể xếp “Búp Sen Xanh” vào nhóm tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi và là tác phẩm nổi tiếng nhất viết về chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời thơ ấu cho đến khi rời Việt Nam sang Pháp.

Búp Sen Xanh là nơi tiểu thuyết và lịch sử đã gặp nhau và hoạ nên một giai đoạn trong cuộc đời người Cha già của dân tộc Việt Nam. Nơi ấy, có quê nhà xứ Nghệ, có làng Sen, có khung dệt của mẹ, có lời dạy của cha, có những người bạn và những kỷ niệm ấu thơ. Nơi ấy có xứ Huế mà trong cuộc sống nghèo khổ có trăn trở tuổi trẻ, về con người, về vận mệnh dân tộc, có mất mát và đau thương…

Búp Sen Xanh vượt ra ngoài những giới hạn của một tác phẩm thiếu nhi, có thể làm bất kỳ ai rung động đến rơi nước mắt trong đêm chia ly, khi người con từ biệt cha ra đi để tìm một con đường cho chính mình và cho dân tộc. Một phần cuộc đời, trọn vẹn lý tưởng và dấn thân… Búp Sen Xanh không chỉ là câu chuyện về lãnh tụ mà còn là câu chuyện để làm người.




***
Nhà văn, nhà cách mạng Sơn Tùng: “Năm 1941, ở tuổi 16, tràn đầy nhiệt huyết, Sơn Tùng đeo ba lô hoà vào dòng chảy của cơn lốc cách mạng. Ban đầu ông hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên thủ đô. Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng vào học tại trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961 ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1967 ông được điều vào Nam thành lập và phụ trách tờ Thanh niên giải phóng. Năm 1971 ông bị thương nặng và rời chiến trường miền Nam mang trên mình 14 vết thương, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não. Nửa người bên phải hầu như bị liệt, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, mắt bên phải bị mờ. Ông được đưa sang Trung Quốc chữa bệnh và được vào viện điều dưỡng 3 năm liền. Sau đó ông xin về nhà và … luyện khí công. Với nghị lực phi thường, ông khổ luyện từ 2h sáng tới 8h tối, sức khoẻ ông dần dần bình phục. Trí nhớ cũng hồi phục dần. Khi tay phải duỗi ra được, chân tập tễnh bước thấp bước cao, Sơn Tùng đã lao vào công việc. Điều đầu tiên mà ông làm là truy tìm cho được tác giả của lá Quốc kỳ mà trong những năm tháng ở chiến trường miền Nam ông đã dày công tìm kiếm. Hàng chục chuyến đi, hàng ngàn giờ lao tâm khổ tứ, cuối cùng ông đã tìm ra được cho chúng ta tác giả Quốc kỳ: Nguyễn Hữu Tiến”.

“ Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng




Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hoi tanh mùi bùn”.

Loài hoa sen tinh khiết ví như tâm hồn Bác vậy luôn giản dị đến vô cùng “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ” quả đúng là như vậy Bác sinh ra trong thời loạn lạc nước mất nhà tan nhưng Bác không chịu đứng nhìn thực dân Pháp đày đoạ dân ta làm càn ở trên nước Nam này được và rồi Bác đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước tìm lối thoát mới cho dân tộc. Và có lẽ một băn khoan lớn nhất của độc giả là sự xuất hiện hình tượng người con gái Sài Gòn có tên là Út Huệ ở gần cuối sách. Với những tình tiết hấp dẫn như vậy sao chúng ta không một lần thử đọc và cảm nhận tác phẩm này.
 

Mời các bạn đón đọc Búp Sen Xanh của tác giả Sơn Tùng.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.