BIÊN-TẬP ĐẠI-Ý

Tiếp-tục chương trình biên-khảo, để có thể giúp đồng-bào tìm hiểu và mến yêu sông núi nước non nhà, hôm nay chúng tôi hân hạnh trình bày cùng quí độc giả quyển thứ 3 của loại sách sưu khảo về các tỉnh miền Nam nước Việt.

Sau Kiến-hòa và Bạc-liêu hôm nay đến lượt Cần-thơ ra mắt bạn đọc.

Cần-thơ thơ mộng !




Cần-thơ mến yêu !

Cần-thơ ruộng lúa phì nhiêu, sông đầy cá bạc, vườn sai trái lành !

Cần-thơ cảnh vật mỹ-miều, quyện lòng du khách, gợi tình nước non.




Là Thủ-đô kinh tế của miền Tây Nam-Việt, trục giao thông quan trọng, vú sữa nuôi sống quốc gia, Cần-thơ cũng là Thủ đô văn-hóa của miền Nam : ngày xưa từng làm trung tâm chiêu tập khách tao-đàn, một chi nhánh quan trọng của Mạc-gia Chiêu-anh-Các, quê hương của những văn hào lỗi lạc như cụ Bùi-hữu-Nghĩa và cụ Cử Phan-văn-Trị. Cần-thơ sau một thế kỷ âm thầm lặng lẽ, lại vươn mình lên khôi phục địa vị cũ của mình. Với phong-trào xúc-tiến sự thành lập khu Đại học ở miền Tây, ngôi sao của Cần-thơ sắp chói rạng trên nền trời văn học.

Cần-thơ khói lửa !

Cần-thơ kháng chiến !




Trôi dòng lịch-sử, cùng nước non trải qua bao cuộc thăng trầm, cơn quốc biến, Cần-thơ đã hy-sinh xương máu chống xâm-lăng. Từ những anh hùng Cần-vương chống Pháp như Đinh-Sâm, Nguyễn-Thần-Hiến, đến những du kích quân tầm vông vạt nhọn tạo chiến công oanh liệt ở bưng biền, Cần-thơ xưa và nay đã đóng góp rất nhiều tài nguyên và sinh lực vào cuộc đấu-tranh sống còn của dân-tộc.

Âm thầm đóng góp, im lặng hy-sinh, Cần-thơ qua bao nhiêu biến chuyển đã biểu lộ rõ rệt « dân tộc tánh » của người Việt-Nam : ít nói, ham làm, thiết thực hy-sinh hơn là khoe-khoang khoác lác. Có lẽ vì thế mà miền Tây luôn luôn bị bỏ quên. Miền Tây sánh như người mẹ hiền quanh năm cầy cuốc lo nuôi sống cho đại gia-đình, chỉ được những đứa con nhớ đến khi nguy khốn, cần nhờ đến mẹ quay về tìm lẽ sống, nguồn an-ủi và sinh lực ở trong lòng đất mẹ.

Quyển sách này ra đời giữa lúc dải đất mẹ phải chứng-kiến qua bao cảnh khói lửa đau thương, tiếng súng, bom đạn vang rền trong thôn ấp xa xôi hẻo lánh, hiện giờ các đứa con trung-thành của mẹ đang nỗ lực hàn gắn lại tình thương, cùng nhau tranh đấu xây dựng những gì tang thương đổ vỡ, kiến tạo sự thanh bình, phục hưng xứ sở, đưa giống nòi đến bến vinh quang cường thạnh, để làm sống lại lòng đất mẹ thân yêu, bù đắp một phần nào vào chỗ vô tình bạc nghĩa ấy vậy.




Chúng tôi lấy làm sung-sướng trình bày dưới mắt bạn đọc quyển sách « CẦN THƠ XƯA VÀ NAY »về loại sưu khảo để tìm-hiểu và mến-yêu giang-sơn gấm-vóc.

Trong quyển sách này, chúng tôi sưu-tầm tài-liệu vài chỗ và căn cứ theo các bộ sách của chư học-giả, các sử-gia như sau chỉ đứng hoàn-toàn về phương-diện sưu-khảo lịch-sử.

– G. Coedès : Histoire ancienne des Etats Hindouises d’Extrême Orient.




– P. Pelliot : Le Fou-Nam

– E. Aymonnier : Le Cambodge

– Monographie de la province de Can-tho




– Bulletin administratif de la Cochinchine tức là lịch An-Nam thông dụng trong Nam Kỳ 1970 và Đại-Nam Nhất-Thống-Chí

v.v…

Quyển Cần-thơ tuy nhiên không sao tránh khỏi những khuyết điểm, qua mọi khía cạnh hoặc danh từ địa phương, phần nhiều sách xưa không ghi rõ.




Mong chư học giả lượng thứ, chỉ giáo trên tinh-thần xây-dựng, bổ khuyết tác phẩm này thêm phần phong phú để sau tục bản.

Chúng tôi rất hoan nghinh những lời hay ý đẹp của quí vị cao minh cùng các sử gia góp công tô-điểm nền văn-hóa dân-tộc.

Viết tại Saigon, ngày 1 tháng 7 năm 1966
HUỲNH MINH


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.