Đà Lạt được kiến tạo từ những cuộc du hành văn hóa trong quá khứ. Đà Lạt từng là không gian văn hóa đô thị có sức hấp dẫn riêng, nơi gặp gỡ của những khát vọng tri thức lớn, điểm đến của những hành trình sáng tạo đầy lý tưởng. Tất cả đặc biệt cô đọng trong giai đoạn hai mươi năm mà tác giả cuốn sách này chọn khảo sát – một quá khứ gần – nhưng dường như đang đứng trước nguy cơ bị phủ lấp, xóa nhòa bởi bụi thời gian…

Nhân vật, sự kiện, hiện tượng văn hóa được phục dựng lại bằng ghi chép điền dã khảo cứu, kết nối tư liệu và những kiến giải riêng. Quá khứ được đồng hiện trên nền văn phongvừa bay bổng vừa giàu chiêm nghiệm, định hình một lối văn với Đà Lạt, của riêng Đà Lạt.

Với cuốn du khảo này, Nguyễn Vĩnh Nguyên không còn là người lữ khách của vùng trời sương khói riêng tư nữa, mà là một nhà du hành, tri hành đường dài, dấn bước trong đơn độc về miền quá khứ với khát khao được chìm đắm vào tâm hồn của đô thị thời hoàng kim.




Món quà dành cho những người yêu và thực lòng muốn hiểu giá trị Đà Lạt!

***

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa ra mắt tập sách Đà Lạt một thời hương xa (Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975) – công trình được anh thực hiện với một tình yêu 
Đà Lạt sâu đậm.




Chia sẻ với công trình của Nguyễn Vĩnh Nguyên, dịch giả Trần Đức Tài – một cư dân gắn bó với Đà Lạt bấy lâu nay – cho biết:

“Đọc Đà Lạt một thời hương xa trong dòng chảy miên man của ký ức, vừa đối chiếu, vừa bổ sung, thật là một du hành thú vị ngược thời gian.

Nhất là khi ngồi trong một quán cà phê vắng lặng đọc một mình. Tôi đọc hết cuốn sách trong hai lần ngồi quán cà phê nương náu cho qua những cơn mưa dầm”.




Sinh ra từ tham vọng của người Pháp, Đà Lạt là một thành phố bẩm sinh đã ngược đời. Giữa cao nguyên hoang vu đột ngột mọc lên một thành phố không hề theo quy luật tự nhiên là từ thôn làng phát triển dần dần thành đô thị.

Thoắt một cái, những gì tinh hoa nhất của văn minh phương Tây ào ạt tụ về giữa rừng rú. Đà Lạt trong tinh thần đã và vẫn là một bí ẩn.

Đà Lạt trong tâm thức mỗi người là một chân dung khác nhau. Những gì không còn tồn tại nhưng luôn được nghe nhắc đến qua những chuyện kể lại tản mác và khuếch tán qua hoài niệm lẫn tình cảm cá nhân luôn phủ lên Đà Lạt một màn sương huyền thoại.




Nguyễn Vĩnh Nguyên đã cố gắng vén màn sương ấy qua nỗ lực sưu tầm tư liệu và thực địa.

Đó là cách làm đúng nhưng không thể tránh khỏi hạn chế khách quan lớn nhất mà người nghiên cứu nào cũng gặp là điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu gốc.

Tư liệu càng dồi dào, đa chiều thì góc nhìn càng rõ. Những bài như bài viết về Nhất Linh hay về môi trường giáo dục chẳng hạn, là những bài thành công theo hướng này.




Ngoài sưu khảo và thực địa, phục dựng theo kiểu văn học cũng là kỹ thuật Nguyễn Vĩnh Nguyên sử dụng khéo léo khi gặp trở ngại về nguồn tư liệu hay nhân chứng đối chiếu.

Những bài như bài viết về Linda Lê và bài về bước khởi hành âm nhạc của Lê Uyên – Phương… là những bài hay theo hướng này.

Do đó, cuốn sách là tập hợp những bài rời xoay quanh cái trục Đà Lạt hơn là một nghiên cứu có hệ thống nhất quán.




Đúng như tác giả đã nêu trên bìa sách, Đà Lạt một thời hương xa là những chuyến du khảo văn hóa về miền đất mộng. Mỗi chuyến hành trình “đi tìm thời gian đã mất” là một tâm cảnh khác nhau, lúc tỉnh táo, lúc ngất ngây, thôi thúc bằng món nợ tình cảm và tinh thần của riêng tác giả với thành phố này.

Đọc trên tinh thần đó, tôi nghĩ đây là cuốn sách sẽ có sức sống lâu, được nhiều người đọc. Bởi có ai không si tình Đà Lạt! Nhưng Đà Lạt của “một thời hương xa” thật sự đã xa vời vợi.

***
Review Phạm Huyền Trang:




Trong những ngày này, mảnh đất Đà Lạt dậy sóng vì khu Hòa Bình bị quy hoạch dỡ bỏ. Nhiều người trực tiếp bày tỏ những tiếc nuối, day dứt khi một thành phố thơ mộng, êm đềm như vậy rồi cũng dần đánh mất hồn cốt, cũng bị phá nát. Trong những người ấy, chắc chắn có nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên- một người dành rất nhiều công sức, tâm huyết để yêu và viết về mảnh đất này.

“Đà Lạt một thời hương xa” là một công trình du khảo của anh về thành phố ngàn hoa trong giai đoạn 1954 – 1975. Nó thật sự là một món quà quý giá dành cho những người yêu Đà Lạt của thời quá vãng.

Sách chia làm ba phần chính là Du hành thời gian, Không gian đã mất và Phụ lục (chủ yếu dành để giới thiệu về giáo dục, kiến trúc và thị trưởng Đà Lạt giai đoạn ấy).




Đúng như lời giới thiệu ở bìa bốn, cuốn sách đưa tôi vào vùng “khí quyển tinh thần” của Thành phố thông qua những nhân vật tên tuổi từng gắn bó mật thiết với Đà Lạt: Nhất Linh, Nguyễn Bạt Tụy, Phạm Duy, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương… Đây chính là phần tôi thích nhất trong cuốn sách, bởi không chỉ được hiểu thêm về những tháng ngày sống tại nơi đây của những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu ấy mà còn được tận mắt thấy những thủ bút của họ, gồm cả thơ- nhạc- họa… ( Những trang viết về cuộc tình Phạm Duy- Lệ Lan, Trịnh Công Sơn- Dao Ánh, Lê Uyên- Phương… thật sự rất thú vị).

Chẳng phải ngẫu nhiên mà những người nổi tiếng khi ấy là chọn Đà Lạt làm một nơi an trú. Như lời khẳng định của Tòa thị chính Đà Lạt mà tác giả đã trích dẫn “Đà Lạt là một nơi vừa để nghỉ ngơi, vừa để làm việc. Đà Lạt không ngừng phát triển và trong tương lai, trong một nước Việt Nam độc lập, Đà Lạt tràn đầy triển vọng”.

Có đọc về những tháng ngày sôi nổi mà êm đềm ấy, mới hiểu vì sao mà nhiều người mến yêu Đà Lạt đến vậy, và những gì chúng ta vẫn thường ca ngợi về Đà Lạt của hôm nay, thực sự chỉ như một lớp phấn lòe loẹt trát lên khuôn mặt của cô gái đẹp nhưng đã đi qua thời xuân sắc.

Sách in cực kỳ đẹp, chỉ hai tone màu đen- trắng với khá nhiều hình ảnh tư liệu và cả bản đồ du lịch Đà Lạt khi ấy.

Cứ ngỡ gần 400 trang sách, lại thêm một cuốn ra đời trước đó (Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách), Nguyễn Vĩnh Nguyên đã đủ đểtrải lòng. Vậy mà mới đây, anh lại vừa ra thêm cuốn sách “Đà Lạt bên dưới sương mù” và một cuốn in chung với nhiều tác giả mang tên “Miền sương khói”. Tôi không biết, thời hiện đại, có còn người nào yêu thành phố này nhiều hơn anh nữa không. Hỏi thế, chứ biết điều ấy chẳng quan trọng. Những gì quá đẹp mà không được trân trọng, nâng niu và gìn giữ đúng như những gì nó xứng đáng được hưởng thì sẽ gây cho ta cái cảm giác xót xa ấy thôi…
 

Mời các bạn đón đọc Đà Lạt, Một Thời Hương Xa của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.