Nguồn suối phát sinh của đạo Phật là một sự giác ngộ về sự thật của cuộc đời (Tứ Diệu Đế), vì vậy đạo Phật có tính cách vượt lên trên cuộc đời. Sự vượt lên ở đây là một kết quả tất nhiên của giác ngộ, vì mọi giác ngộ đều đưa tới một sự thức tỉnh và giải phóng. Con người giác ngộ không còn là con người bị sai sử và chìm đắm trong cuộc đời nữa. Con người giác ngộ là con người tự do, vượt ra khỏi những tối tăm, quên lãng và phó mặc của cuộc đời.
Nhưng vượt lên trên cuộc đời không có nghĩa là phủ nhận cuộc đời, ghét bỏ cuộc đời. Nếu chỉ có một sự ghét bỏ, xa lánh, trốn chạy thì chưa có thể gọi là vượt lên. Đó chỉ là một sự chán nản hoặc khiếp sợ. Vượt lên ở đây bao hàm một ý chí khỏe mạnh, một ý thức giải thoát, một thái độ khinh thường khổ đau. Và được trang bị đầy đủ những bản lĩnh ấy rồi, con người giác ngộ đi vào cuộc đời với tất cả can đảm và thiện chí để chuyển hóa cuộc đời.
Những con người giác ngộ đi vào cuộc đời bao giờ cũng đem theo tâm niệm giải thoát, không tham đắm, không cố chấp. Có như thế ta mới thấy được tính chất của sự vượt lên (transcendance) trong thái độ dấn thân vào cuộc đời (engagement) của những con người giác ngộ. Tính chất vô trước (détachement) của hành động là một bằng chứng cụ thể chứng minh cho sự hiện hữu của giác ngộ.
Vô trước có nghĩa là không bị dính vào. Cố nhiên con người giác ngộ sẽ không những không bị dính vào tham vọng, quyền hành và lợi danh mà còn không bị dính vào những cố chấp có tính cách tri thức như quan điểm và sự phân biệt nhân ngã nữa. Đó là thái độ tự do, vô tâm, vô trú của các bậc Bồ tát mà kinh Kim Cương Bát Nhã đã diễn tả trong rất nhiều đoạn [1]. Bàn luận đến đề tài đem đạo Phật đi vào cuộc đời, chúng ta phải ý thức được những điểm trên của giáo lý tức là các nguyên lý vượt lên, dấn thân và vô trước, thì mới có thể tránh khỏi được những sai lạc căn bản.
Ngay cái mệnh đề đạo Phật đi vào cuộc đời cũng đã không được ổn thỏa, bởi vì phân tích nó ta sẽ có cảm tưởng đạo Phật là một cái gì đang ở bên ngoài cuộc đời và vì vậy cần phải đem nó đi vào trong cuộc đời. Sự thực thì không phải như vậy. Đạo Phật đã được phát sinh từ trong lòng của cuộc đời, đã được nuôi dưỡng bởi cuộc đời và đang tồn tại vì cuộc đời. Nếu đạo Phật đã có mặt trong cuộc đời rồi vậy thì cần phải đem nó đi vào cuộc đời làm gì nữa?
Tuy nhiên nếu ta quan niệm đạo Phật như những nguyên lý của sự giác ngộ cần được thể hiện trong cuộc đời thì ta sẽ thấy rằng có những lúc, vì khả năng thể hiện thiếu kém, ta đã không đích thực làm hiển lộ được đạo Phật trong cuộc đời, trong sự sống, và như thế thực chất của đạo Phật vắng mặt mà chỉ có một số những hình thái khô chết của đạo Phật là hiện hữu. Nếu không có thực chất, thì những hình thái kia (như kinh điển, giáo đường, nghi lễ…) đều là những hình thái khô chết. Chính đức Phật và các vị tổ sư thiền tông đã nhắc nhiều đến điều đó.
Vì vậy cho nên đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời.
Sinh lực ấy được nhận thức qua những dấu hiệu sau đây mà chúng tôi xin lần lượt trình bày:
- Sự hiện diện vô hành của đạo đức
- Sự hiện diện của ngôn ngữ đạo đức
- Sự hiện diện hữu hành của đạo đức
Sự hiện diện vô hành của đạo đức
Sự hiện diện vô hành của đạo đức tức là bản chất của tự thân đạo đức, là nguồn suối của mọi hình thái đạo đức. Chữ vô hành ở đây tức là không có hình thái của sự hành động. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, cuốn kinh đầu tiên bằng chữ Sanskrit được dịch ra chữ Hán, có một đoạn nói về điều ấy: “ngã Pháp hành vô hành hạnh, tu vô tu tu” [2]. Câu kinh này, ngoài ý niệm “vô trước” về nhận thức và về hành động, còn mang ý nghĩa của sự vô hành của đạo đức. Sự hiện diện của đạo đức vô hành là một dòng suối an lạc và mầu nhiệm tuôn chảy vào con người và vào sự sống, tuôn chảy một cách hồn nhiên và giản dị như sự hiện diện của ánh sáng trong không gian. Dòng suối ấy được khơi mở do công trình thực hiện tâm linh của người hành giả trên con đường tu chứng. Ai cũng biết rằng tam tạng giáo điển của Phật giáo không có giá trị như những lời tuyên bố về chân lý mà chỉ có giá trị như những kinh nghiệm và những phương pháp hướng dẫn công cuộc thực nghiệm tâm linh để người hành giả chứng được chân lý. Chứng ở đây không có nghĩa là một sự nhận thức bằng suy luận mà là một sự xúc tiếp thẳng với bản thân thực tại, một sự thể nhập thực tại không cần đến khí cụ tri thức suy luận.
Được hướng dẫn bởi kinh nghiệm và bởi những phương châm diễn bày trong giáo lý, người hành giả cố quyết thâm nhập (không phải bằng trí tuệ hay tình cảm của mình) vào thế giới của những nguyên lý sinh động của thực tại. Công phu ấy có khi kéo dài nhiều năm, nhiều chục năm, và kết quả nhiều hay ít sẽ là tùy theo khả năng và sự quyết chí. Một khi tiếp xúc thẳng được với bản thân của thực tại, (có khi gọi là chân như, có khi gọi là thực tính, có khi gọi là như lai tạng tính…) thì tự nhiên có một sự chuyển đổi đột ngột nơi con người của kẻ hành giả. Con người hành giả trở nên một hóa thân của đạo đức, một bông hoa của trí tuệ giác ngộ và mọi hành động của hành giả tự nhiên phù hợp với nguyên lý của đạo đức. Lúc ấy ở nơi con người đạt đạo, không có gì mà không phải là đạo. Ngồi yên không làm gì hết cũng là đạo. Sự hiện diện của những con người như thế tức là sự hiện diện vô hành của đạo đức. Sự hiện diện của một con người như thế có thể làm cho núi rừng xanh hơn, có thể làm cho dòng sông trong hơn. Đứng về phương diện nghiệp lực cộng đồng, sự xuất hiện của một con người như thế báo hiệu những ngày mai tốt đẹp cho toàn thể. Ảnh hưởng của một nguồn đạo đức vô hành như thế sẽ là đáng kể đối với thế giới của những hoạt động náo nhiệt hữu vi mà động lực thúc đẩy chỉ là sự tính toán thiệt hơn. Sự hiện diện của một con người đắc đạo, dù là không ai biết tới, cũng như là sự xuất hiện của một giếng nước thơm trong giữa vùng sỏi đá khô khan cằn cỗi.
Sự chứng ngộ của một nhà hành đạo được xem như là một năng xuất đạo đức lớn lao và quý báu nhất trong phạm vi đạo đức, tôn giáo, và văn hóa nữa. Người đạt đạo có thể không giảng dạy, không viết lách, không khuyên can, không tổ chức, không cày bừa, nhưng vẫn đóng góp cho nhân loại những gì quý giá nhất, hiếm có nhất mà một xã hội ta không thể thiếu được. Nhà thống kê kinh tế học không thấy được yếu tố quan trọng đó của sản xuất. Làm thế nào mà biết được rằng bao nhiêu phần trăm của một hạt lúa là do công trình của một câu ca dao. Ta hãy lấy ví dụ một đám đông đang hốt hoảng trước tai biến, và sự đóng góp của một con người giữ được trầm tĩnh. Nhờ sự trầm tĩnh của một người mà đám đông bớt hoảng sợ và do đó còn đủ sáng suốt tìm ra phương pháp thoát khỏi tai biến. Hoặc sự có mặt của một người bạn đức hạnh trong cuộc xung đột gia đình. Người cha ấy, người bạn ấy tuy chỉ ngồi yên không làm gì cả nhưng sự có mặt của họ có thể tránh được cho gia đình cảnh xung đột chắc chắn có thể xảy ra nếu họ vắng mặt. Đạo đức vô hành tuy không hành nhưng quả thực là đã hành một cách rất có hiệu quả. Đọc Đạo đức Kinh ta chỉ có thể thấy được cái vỏ khô cứng của Lão học nhưng nếu sống một giờ bên cạnh Lão Tử chắc chắn là ta thấy được cái bản thân của Lão Học. Đọc nhiều về thiền học sao cho bằng được nhìn cặp mắt của một vị thiền sư hay nghe được tiếng cưới của người. Cũng như đọc hết tam tạng kinh điển Phật giáo chưa chắc đã bằng được sống vài ba phút bên cạnh đức Phật. Bên cạnh hiện thân của chân như ấy, nghĩa là bên cạnh dòng suối chân lý ấy, ta thấy được hình ảnh linh động của chân lý tỏa hiện nơi con người, ta vốc uống được thứ nước trong lành của bản thể. Điều đó cho ta biết tại sao các vị đệ tử đồng sinh vào thời Phật đã có thể chứng ngộ dễ dàng như kinh điển thường chép. Trong thời Phật tại thế, ít có những thắc mắc những nghi vấn về giáo lý bởi vì chính bản thân Phật đã là một bài giáo lý sống động rồi. Nhìn thấy Ngài, người nghi mấy cũng phải tin, người ác mấy cũng phải hiền, người yếu mấy cũng phải mạnh. Cho đến khi Ngài nhập diệt rồi mà hình bóng Ngài, phẩm cách Ngài cũng còn đủ sức hướng dẫn cho giáo đoàn được thống nhất và thuần hòa gần suốt một thế kỷ.
Bao nhiêu hoạt động thuộc phạm vi tôn giáo đạo đức nếu không bắt nguồn cảm hứng từ sự đạt đạo, từ tâm linh con người, đều có thể là những hoạt động vô bổ phát xuất từ động cơ danh lợi, tính toán. Thiếu chất liệu đạo đức trong cơ thể, con người không thể hành chính đạo mà chỉ có thể hành tà đạo. Cho nên nhân loại phải thắp hương nơi nào có một bậc chân tu xuất hiện. Cố nhiên bậc chân tu không mọc nhiều như nấm sau cơn mưa. Bậc chân tu không phải như những dấu tích linh ứng mọi người nghe tiếng tìm tới dâng hương. Bậc chân tu không phải là người có vài thủ thuật mới lạ như tiên tri, chữa bệnh, có thể thâu hút được nhiều người ham mộ. Bậc chân tu là sự hiện diện, trước hết, của đạo đức vô hành. Nhìn vào người, thiên hạ thấy lòng mình thêm tin tưởng, thêm trầm tĩnh, thêm ý thức, thêm thương yêu cuộc đời và xây dựng cho cuộc đời một cách chân thành. Bậc chân tu là một nguồn cảm hứng vô tận cho mọi hoạt động đạo đức và tôn giáo chân chính. Thắp hương nơi nào có bậc chân tu xuất hiện có nghĩa là nhận thức được giá trị cao cả của sự chứng ngộ, của đạo đức chân thực. Người chân tu có thể chưa là bậc thánh nhưng nhất định không còn là kẻ phàm. Kẻ phàm là kẻ hành sự trên động cơ danh lợi và tà kiến, chứ không hẳn là kẻ nói dối, uống rượu và ăn thịt. Người chân tu hiếm có nhưng không phải không thể nhận thức được. Ngồi với một người nào mà ta thấy tâm hồn thanh tịnh, an lạc, tin tưởng, ta thấy khởi động trong lòng ta ý hướng trong sạch hướng về phụng sự thì ta biết ít nhiều người ấy cũng đã là bậc chân tu. Người chân tu giản dị như ánh sáng như khí trời, cho muôn loài sự sống mà không ai hay biết. Người chân tu như mạch nước thấm trong lòng đất, trẻ con hái hoa tím hoa vàng trên thảm cỏ mà không biết đồng cỏ và bông hoa là tặng phẩm của dòng nước trong. Sự hiện diện của những bậc chân tu mang lại nhiều an lạc cho cuộc đời, nhưng chính niềm tin mới thực là phẩm vật quý giá nhất của người chân tu hiến tặng. Sự hiện diện của người chân tu chứng minh sự hiện diện của đạo đức chân thực, chứng minh khả năng của con người; chứng minh tính cách khả hành của giáo lý đức Phật, hoặc nói cho rộng là giáo lý của các bậc hiền nhân.
Mời các bạn đón đọc Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời của tác giả Thích Nhất Hạnh.
Leave a Reply