Các nhà tiên triết Trung Quốc trong quá trình nhận thức, thích ứng, cải tạo thiên nhiên đã nhận thấy rằng : trong vũ trụ bao la rộng lớn, chứa đầy ắp “đại khí” không ngừng vận động. “Đại khí” này là nguồn gốc của vạn sự vạn vật, nên còn gọi là “nguyên khí”. “Nguyên khí” tuy vô cùng vô biên, nhưng sự vận động, biến hóa của nó có quy luật nhất định. Sự biến hóa của âm dương trong trời đất, trên trời biểu hiện thành những tinh tượng cao xa, trên mặt đất biểu hiện thành vạn vật có hình thể. Mối quan hệ của vạn vật có hình trên mặt đất với nguyên khí trong không trung giống như mối quan hệ mật thiết giữa rễ cây và cành lá.

Khí âm dương của trời đất tương thông với nhau sản sinh ra ngũ hành: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy và ba khí âm, ba khí dương. Trên trời chúng biểu hiện thành ba khí dương là : phong, thủy, hỏa và 3 khí âm: táo, hàn, thấp. Trong nhân thể chúng biểu hiện thành 3 kinh dương là: thái dương, thiếu dương và dương minh ; 3 kinh âm là : thái âm, thiếu âm và quyết âm.

Các ngũ hành : mộc, hỏa, thổ, kim, thủy luân lưu làm chủ tể sự biến đổi của khí hậu. Mỗi vận chủ tể một năm, hết 5 năm hoàn thành một vòng và quay lại từ đầu, cứ thế lặp đi lặp lại. Trong một năm mỗi cái lại chủ tể một mùa, cứ thế các mùa thay nhau tuần hoàn lặp đi lặp lại. Mỗi một hầu 5 ngày, cũng do mỗi vận chủ tể. Sự biến đổi mỗi năm đều giống nhau này gọi là “chủ khí”. Ngoài ra, còn tùy theo địa chi mỗi năm khác nhau mà có sự biến hóa, đó gọi là “khách khí”. “Chủ khí” và “khách khí” đều ảnh hưởng đến khí hậu và đến các giới sinh vật. Do đó, nếu không biết tính toán những trường hợp cụ thể giữa sự tương ngộ của chủ khí và khách khí thì không thể hiểu được sự biến hóa thay đổi của phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa trong một năm, cũng không thể hiểu được nguyên lí thái quá và bất cập của các khí ngũ vận.




Như thế chắc chắn sẽ không nắm được toàn diện quy luật nội tại của con người, trong hoàn cảnh khác nhau sẽ phát sinh những bệnh tật khác nhau.

Học thuyết ngũ vận, lục khí chính là môn lí luận nghiên cứu về quy luật này. Trong tác phẩm y học kinh điển của Trung Quốc “Hoàng đế nội kinh” Hoàng đế và Du Khu, Kì Bá, v.v… đã bàn luận chi tiết về ngũ vận, lục khí này.

Dưới đây, căn cứ vào những điều đã được trình bày trong “Hoàng đế nội kinh” chúng tôi sẽ nói rõ những nội dung chủ yếu và các khái niệm cơ bản nhất về ngũ vận.




Cái gọi là ngũ vận, tức là sự vận hành của các khí ngũ hành: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy. Sự vận hành đó lặp đi lặp lại, quay từ đông sang tây. Mỗi một vận thống chủ 1 năm, cho nên còn gọi là “thống vận” hoặc “trung vận” như: giáp, bính, mậu, canh, nhâm là năm can dương, năm mà nó chủ tể thì vận của nó là thái quá ; ất đinh, kỉ, tân, quý là năm can âm, năm mà nó làm chủ thì vận là bất cập. Trong một chuỗi các năm liên tục, vận thái quá và bất cập xen kẽ lẫn nhau. Nếu năm bắt đầu là thái quá thì năm sau liền đó là bất cập. Hiểu rõ được nguyên lí thái quá và bất cập thì cũng có thể biết được chu kì biến hóa của vận khí, từ đó có thể phán đoán được khí hậu của các thời đoạn có nằm trong phạm vi bình thường hay không.

Người xưa cho rằng, quả đất nằm giữa không trung, ở phía dưới con người. Sở dĩ nó được treo lơ lửng mà không bị rơi là nhờ có tác dụng nâng đỡ của đại khí. Trong đó táo khí làm cho nó khô ráo, thử khí làm cho nó bốc hơi, phong khí làm cho nó vận động, thấp khí làm cho nó nhuận ướt, hàn khí làm cho nó ngưng kết, hỏa khí làm cho nó ấm áp. Khí của phong, hàn ở dưới, khí của táo nhiệt ở trên, thấp khí ở giữa, hỏa khí bay khắp giữa các khí. Trong một năm bốn mùa thay đổi, hàn thử đi rồi lại đến ; lục khí : phong, thử, thấp, táo, hàn, hỏa từ trên không trung giáng xuống mặt đất, mặt đất chịu ảnh hưởng của nó mà sinh ra vạn vật. Cho nên táo khí thái quá thì quả đất khô ráo, thử khí thái quá thì quả đất phát nhiệt ; phong khí thái quá thì vạn vật trên quả đất bị dao động, lay chuyển ; thấp khí thái quá thì quả đất ẩm ướt; hàn khí thái quá thì quả đất đông cứng; hỏa khí thái quá thì quả đất khô chắc. Hàn, thử, táo, thấp, phong, hỏa chính là lục khí.

Lục khí : Hàn, thử, táo, thấp, phong, hỏa là khí âm dương trên trời. Cho nên có sự tương ứng giữa 3 khí dương và 3 khí âm, tức là 3 dương khí: phong, thử, hỏa tương ứng với 3 âm khí : táo, hàn, thấp. Mộc, hỏa, thổ, kim, thủy là các khí âm dương trên trái đất. Trời có âm dương, đất cũng có âm dương. Quy luật biến đổi âm dương của trời đất là trong dương có âm, trong âm có dương.




Muốn biết được tình hình biến đổi âm dương của trời đất thì phải hiểu đuợc quy luật phối hợp giữa các ngũ hành và thiên can, ngoài ra còn phải nắm được sự phối hợp giữa lục khí của trời và ngũ vận của đất. Ví dụ các năm : tí, ngọ là năm thiếu âm chủ trì, nhiệt là bản khí của thiếu âm ; năm sửu, mùi là năm thái âm chủ trì, thấp là bản khí của thái âm ; năm dần, thân là năm thiếu dương chủ trì, táo là bản khí của dương minh; năm thìn, tuất do thái dương chủ trì, hàn là bản khí của thái dương; năm tị, hợi do quyết âm chủ trì, phong là bản khí của quyết âm. Mỗi 6 năm là một vòng chu chuyển. Vì khí của trời đất có động có tĩnh, trên dưới tương ứng nhau, âm dương xen kẽ nhau cho nên từ đó mà sản sinh ra sự biến hóa vận khí của 60 năm.

Ngũ vận, lục khí chính là sự tương hợp giữa thiên can với địa chi, giữa trên với dưới, giữa ngũ vận với lục khí. Lục khí chủ trì trên trời, mỗi 6 năm là một vòng; ngũ vận chủ trì trên quả đất, mỗi 5 năm tuần hoàn một vòng. Vận có năm, mà khí thì có sáu, ngũ vận tương hợp với lục khí.

Sự diễn biến và thay đổi của ngũ vận, lục khí có một quy luật nhất định. Có thể nói quy luật đó gần như là vị diệu. Ứng dụng quy luật này ta có thể biết được sự biến hóa của khí hậu trước kia, cũng có thể tính toán được sự phát sinh tình hình khí hậu sắp tới. Do đó nếu coi trọng nó thì có thể chỉ đạo việc dự phòng và chữa bệnh, làm cho sinh mệnh, cuộc sống được tốt hơn. Nếu coi thường nó thì nhân thể sẽ chịu sự tác hại của biến đổi tự nhiên, phát sinh ra bệnh tật, thậm chí có thể tử vong.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.