Việc quyết định tán thành và ủng hộ công cuộc lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Tổng Thống Kennedy đã ứng nghiệm thành một khúc quanh định mệnh cho sự can thiệp vào Việt Nam của Hoa Kỳ. Tổng Thống Kennedy bị mưu sát cách đó ba tuần lễ sau khi lật đổ nhà Ngô, nhưng guồng máy hành chánh mà Trung Tướng Dương Văn Minh đã tung hết mọi hy vọng vào đó đã chỉ sống được vỏn vẹn có ba tháng lại bị một nhóm Quân Đội khác lật đổ. Sau đó thì các cuộc đảo chánh khác tiếp tục tái diễn liên hồi kỳ trận, nhưng các cuộc đảo chánh và chỉnh lý này vẫn không đưa dân chúng miền Nam ra khỏi cảnh nghèo đói hơn thời ông Diệm chút nào.
Nhóm Phật Giáo đã thành công trong việc hòa hợp và cũng cố lại để lật đổ chế độ Ngô Đình bây giờ mở rộng phạm vi hoạt động khá lớn trong việc chống đối chính quyền, chống đối cả Hoa Kỳ tại các thành phố lớn, và các cuộc xáo trộn như thế này càng ngày càng quá quen thuộc với dân chúng. Phật giáo và Công giáo đánh nhau chết người ngoài đường phố. Sinh viên liên tục gây xáo trộn. Tất cả mọi Chính quyền mới tại Sài Gòn lúc này đều khôn khéo tránh tái diễn cảnh đàn áp tàn bạo của Cảnh Sát như thời Ngô Đình Nhu, nên các cuộc hỗn loạn đều được dàn xếp với cung cách thí nghiệm mà thôi.
Ngược chiều với đà hỗn loạn gia tăng này, kế hoạch Ấp Chiến Lược tại thôn quê hoàn toàn bị sụp đổ và từ đó Việt Cộng gia tăng củng cố lại lực lượng của mình. Hồ Chí Minh và các cấp lãnh đạo tại Hà Nội không ngừng tìm kiếm cơ hội để lợi dụng tình hình xáo trộn này. Lần đầu tiên họ chỉ cho xâm nhập một số lớn các đơn vị chiến thuật Bắc Việt vào Nam qua ngã Cao Miên và Ai Lao. Trong tình cảnh này, hy vọng rút quân của Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam đã trở nên không làm sao thực hiện được, trái lại Tổng Thống Johnson lại cho gia tăng quân số cố vấn tại Việt Nam lên tới ba mươi ngàn người. Tới năm 1965 thì người ta thấy rõ rằng Cộng Sản tại đây đang trên đà thắng trận, và chính cũng ngay lúc này Tổng Thống Johnson bắt đầu thay đổi tình trạng liên hệ của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tháng giêng năm 1965 Tổng Thống Johnson lần đầu tiên ra lệnh cho các phi cơ Hoa Kỳ thường xuyên dội bom vào các mục tiêu của Cộng sản tại cả hai miền Nam lẫn miền Bắc, và tháng Bảy năm đó, Tổng Thống Johnson cho gửi thêm năm chục ngàn quân chiến đấu Hoa Kỳ vào Việt Nam để chiến đấu cho sự độc lập của Miền Nam. Với các chuyến bay từ Đệ Thất Hạm Đội ngoài khơi Thái Bình Dương, Lục Quân, Không Quân và Hải Quân Hoa kỳ đã thật sự được ký thác vào cuộc chiến tranh tại đây. Mặc dù sự ký thác này được lồng trong từ ngữ giới hạn và qua mặt dân chúng Hoa Kỳ bằng cách gây nên một cuộc chiến tranh mà không có lời tuyên chiến chính thức nào.
Việc nhảy vào can thiệp bằng võ trang của Hoa Kỳ được ngụy tạo bằng một biến cố xảy ra tại vịnh Bắc Việt vào tháng tám năm 1964. Theo lời tuyên bố của chính Tổng Thống Hoa Kỳ thì các tuần tiễu đỉnh của Bắc Việt đã tấn công hai diệt lôi đỉnh của Hoa Kỳ để khiêu khích. Đề đối phó với sự xâm lăng của Cộng sản, Tổng Thống Hoa Kỳ đã ra lệnh cho phi cơ oanh tạc vào các căn cứ Hải Quân và các kho nhiên liệu của Bắc Việt. Lời tuyên bố này được Tống Thống Hoa Kỳ thông báo cho báo chí vào giữa đêm ngày 4 tháng 8 năm 1964, và ba ngày sau đó với một bầu không khí đầy xúc động, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua sắc luật Động Viên của Tòa Bạch Ốc, theo đó Quốc Hội ủy cho Tổng Thống có toàn quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để phòng ngừa sự tấn công sau này của Cộng Sản. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đồng thanh coi Việt Nam là một nơi rất quan trọng cho nền Hòa Bình của Hoa Kỳ và Thế Giới qua giải pháp vịnh Bắc Việt. Từ đó, chỉ trong vòng vài tháng sau, Tổng Thống Johnson bắt đầu cho dội bom và đưa một lực lượng quân đội với quân số lên đến nửa triệu người qua Việt Nam mà không cần phải thông qua một sự biểu quyết nào của Quốc Hội hay dân chúng hết cả.
Sau này, sự phanh phui ra ánh sáng về sự thật của các chiếc lôi đỉnh của Hoa Kỳ không phải bị Bắc Việt tấn công chi cả mà chỉ là một sự dàn cảnh mà thôi, nhưng sắc luật Vịnh Bắc Việt vẫn có hiệu lực cho mãi đến sáu năm sau, khi việc chống đối chiến tranh Việt Nam của quần chúng Hoa Kỳ ngẫu nhiên bắt buộc Hoa Kỳ phải hủy bỏ sắc luật đó.
Tại Việt Nam các binh sĩ Hoa Kỳ khám phá ra là họ không thể nào tìm cách tiêu diệt được quân thù hơn cách mà người Pháp và Quân Đội Việt Nam đã từng làm trước họ. Mặc dù được Bắc Việt yểm trợ với nhiều tiểu đoàn chính quy, nhưng Việt Cộng tại miền Nam vẫn tiếp tục áp dụng chiến thuật du kích, cho nên một phần ba số thương vong của Hoa Kỳ đều do các mìn bẫy của Việt Cộng.
Tổng Thống Johnson đưa quân vào miền Nam càng nhiều thì số tiền viện trợ cho miền Nam cũng càng gia tăng thêm, nằm trong các chương trình phát triển nông thôn, chương trình bình định hay một chương trình cho một cuộc chiến tranh khác. Tất cả các nỗ lực này đều không đủ sức quyến rũ nông dân Việt Nam để họ khỏi ngả theo Việt Cộng chút nào. Thay vì thay đổi nếp sống của nông dân tại đây, các chính sách của Johnson lại làm ung thối thêm đờỉ sống của họ. Đầu năm 1968, tổng hợp các ảnh hưởng về các cuộc hành quân lùng và diệt địch, các chương trình khai hoang bằng hóa chất tại các vùng rừng rậm ở Việt Nam cũng như các cuộc không tập tại các nơi này cho thấy có hàng triệu người dân phải đi tị nạn. Họ đổ dồn về các thành phố đã quá đông người để sinh sống. Tại các nơi này, họ lại phải đương đầu với mọi khó khăn để sinh tồn trước sự có mặt của quá nhiều người Hoa Kỳ, mà các chương trình viện trợ rộng rãi của họ đã làm cho nạn lạm phát kinh tế tăng gia trầm trọng hơn bao giờ hết.
Trong lúc đó thì sự lãnh đạo tại Miền Nam đã trở nên ổn định hơn. Trước tiên dưới quyền lãnh đạo của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, rồi sau đó là Nguyễn Văn Thiệu. Cả hai chính phủ này vẫn không được quần chúng ủng hộ và nạn thối nát cũng không thua thời ông Diệm lại xảy ra. Nói chung thì cả hai chính phủ này đều không được sự ủng hộ của mọi tầng lớp dân chúng. Chiến tranh vẫn tiếp diễn không ngừng.
Giữa thập niên 1960 thì Hoa Kỳ gia tăng các cuộc oanh tạc trên lãnh thổ Bắc Việt với mục đích làm cho các nhà lãnh đạo tại Hà Nội biết là Hoa Kỳ vẫn quyết tâm đánh gục họ, nhưng trên thực tế thì các cuộc dội bom này đã làm cho dân chúng Bắc Việt càng đoàn kết lại thêm hơn và cùng quyết tâm chống lại cuộc ngoại xâm – một thứ giặc đã từng đè nặng lên suốt hành trình lịch sử của họ – Cũng trong thời gian này, phi cơ của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ bị bắn rơi tại miền Bắc càng lúc càng thêm nhiều, và một số phi công bị bắt làm tù binh. Tin đức đồn ra là các phi công này bị quân thù hành hạ và tra tấn tàn bạo phù hợp với hình thức tẩy não của Cộng Sản, và kết quả là số tù binh này bỗng nhiên trở thành một mối quan tâm làm động lòng tất cả mọi tầng lớp dân chúng tại Hoa Kỳ.
***
Bộ sách SàiGòn gồm có:
- Sài Gòn Một Nơi Để Nhớ
- Một Chốn Để Thương
- Sài Gòn Bùn Pha Sắc Xám
- Sài Gòn Hai Trăm Năm Cũ
Anthony Grey là một nhà báo và tác giả người Anh. Là một nhà báo của Reuters, ông đã bị chính quyền Trung Quốc cầm tù 27 tháng tại Trung Quốc từ năm 1967 đến 1969. Ông đã viết một loạt tiểu thuyết lịch sử và sách phi hư cấu, trong đó có một số cuốn liên quan đến việc ông bị giam giữ.
Mời các bạn đón đọc Hai Trăm Năm Cũ của tác giả Anthony Grey.
Chia sẻ ý kiến của bạn