Thư gửi bạn đọc Trăng Huyết

Trong mùa hè năm 2004, một người bạn Việt Nam trẻ tuổi của tôi hiện học tại Anh đã đọc Trăng Huyết, bản phóng tác bằng tiếng Việt. Cô đối chiếu các phần của cuốn ấy với cuốn tiểu thuyết nguyên bản SAIGON của tôi, là cuốn hình thành cái lõi cốt yếu của tác phẩm khuếch đại và mới của người bạn đồng tác giả Nguyễn Ước. Vì tôi không biết và không đọc được tiếng Việt nên lúc ấy, tôi không có ý niệm về những gì Nguyễn Ước đã làm đối với bản văn của tôi. Trước khi thực hiện tác phẩm ấy, anh không tham khảo ý kiến tôi, cũng không tìm cách xin phép tôi cho tới khi anh đã hoàn tất. Thậm chí khi viết thư này, tôi vẫn không biết thật cặn kẽ những gì chứa đựng trong 400 trang mà anh thêm vào — ngoài việc biết rằng những thay đổi trong giai đoạn sau năm 1945 thì nhiều hơn trong phần đầu của cuốn truyện.

Trước đây, tôi biết qua lời của chính Nguyễn Ước giải thích với tôi rằng anh nồng nhiệt tin tưởng cuốn tiểu thuyết của tôi với những đoạn thông tin và diễn dịch do anh thêm vào là “bộ tiểu thuyết Chiến tranh và Hoà bình mà người dân Việt Nam đang trông đợi”. Trong lần liên lạc thứ nhất, anh nói với tôi rằng anh cảm thấy nó có sức mạnh “hòa giải và giải phóng” người dân Việt Nam khỏi những xung khắc thời quá khứ. Nhận thấy mình xúc động bởi niềm xác tín đó, tôi bất giác quyết định không chống lại cũng như không phản đối tức thời việc Nguyễn Ước đã làm.




Tuy thế, tôi cảm thấy nhẹ nhỏm khi người bạn sinh viên Việt Nam trẻ tuổi tại Anh ấy nói với tôi rằng cô rất xúc động qua những gì cô đã đọc. Cô nói, “Tôi xin cám ơn ông đã viết cuốn sách này. Tôi đã biết được rất nhiều về xứ sở và dân tộc của tôi mà trước đây tôi chưa hề biết. Tôi nghĩ rằng giá trị lớn lao nhất của cuốn truyện này là nó bảo tồn ký ức lịch sử cho những thế hệ mới của người Việt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Tôi cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết rất quan trọng cho dân tộc Việt Nam — và cũng cho mọi người khác nữa.”

Vào năm 2005 này, ba mươi năm sau ngày Sàigòn thất thủ, dường như thế giới của chúng ta đang là chốn nguy hiểm hơn bao giờ hết. Cuộc chiến tranh cay đắng ở I-rắc do người Mỹ khởi động xâm lăng đầu năm 2003 đang ngày càng bị so sánh với cuộc chiến tranh Việt Nam trong hai thập niên 1960 và 1970. Dù sao, khủng bố và giết chóc vì lý do tôn giáo và chính trị đang lan rộng toàn cầu hơn bao giờ hết.

Dường như toàn thể hành tinh của chúng ta hiện sống với trạng thái đề phòng hằng ngày sẽ có thêm một hành động “khủng bố” tập thể nữa. Trong tình huống ấy, điều quan yếu là những người mà số lượng ngày càng nhiều thêm trên thế giới, đang mãnh liệt khao khát chấm dứt vĩnh viễn toàn bộ chiến tranh và tàn sát, nên tin rằng có những lý do để cảm thấy mình được khích lệ. Đối với tất cả chúng ta, điều quan trọng là có những nền tảng để tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn và để không bị ám ảnh bởi sợ hãi.




Ở cấp độ cao nhất, mục đích tái bản cuốn trường thiên tiểu thuyết khuếch đại [Trăng Huyết] này về những cuộc chiến lâu dài và cay đắng tại Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 là để nhắc nhở chúng ta thảm kịch kinh hoàng và vô ích của mọi cuộc chiến, cách riêng các cuộc chiến xuẩn động. Cả Việt Nam lẫn I-rắc đều rơi vào bản liệt kê buồn bã đó. Mọi người đều đau khổ trong các thời kỳ bi thảm như thế và chẳng một ai thật sự chiến thắng. Chiến tranh biến hết thảy chúng ta thành nạn nhân. Lúc này, điều quan yếu cho thế giới của chúng ta là tiến tới một trạng thái sinh tồn trong đó chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề giữa các dân tộc và các quốc gia mà chẳng cần tới bạo động và giết chóc. Cũng quan yếu không kém là việc chữa trị những vết thương khủng khiếp về tâm lý và thể lý của quá khứ, để giúp tạo dựng một tương lai hòa bình và tốt lành hơn cho tất cả chúng ta.

Khi cuốn SAIGON được xuất bản lần đầu năm 1982, tôi ngạc nhiên và vui thích thấy nó trở thành sách bán chạy ở tầm quốc tế tại 15 nước, nói chín ngôn ngữ khác nhau. Thật rất hài lòng khi tại Việt Nam và Hoa Kỳ, nó được dùng trong lớp học để dạy dỗ các sinh viên sĩ quan trẻ tuổi của hải quân và quân đội — Đại học Quốc phòng của Quân đội Nhân dân tại Hà Nội và Học viện Hải quân Hoa Kỳ tại Anapolis. Nguyễn Ước đọc cuốn tiểu thuyết ấy lần đầu tiên bằng tiếng Anh lúc anh tới được trại tị nạn ở Indonesia sau khi trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền vào cuối thập niên 1980. Anh kể rằng anh đã khóc khi đọc nó hết phần này sang phần khác. Mãi về sau, anh quyết định dịch và tự chủ xướng việc khuếch đại vì anh cảm thấy cuốn truyện ấy, với sự thêm vào các sự kiện lịch sử cùng hư cấu nào đó của anh như một kẻ trong cuộc, sẽ khiến độc giả người Việt nhận ra rằng sự thật giải phóng chúng ta và hoà giải chúng ta.

Như đã nêu rõ, tôi quyết định cứ tin vào sự bảo đảm mà Nguyễn Ước đã viết cho tôi, rằng anh không phản bội hình thức và dự phóng trong cuốn tiểu thuyết nguyên bản của tôi. Tôi phải bảo lưu quyền thẩm định đầy đủ và có cân nhắc cho tới một thời điểm tôi biết chính xác từng chữ những gì anh đã viết. Trong lúc này tôi đang đi theo con đường riêng của mình để SAIGON được dịch riêng biệt ra tiếng Việt, đúng chính xác những gì tôi viết mà không có bất cứ thêm thắt nào, và để cho nó được xuất bản công khai bởi một nhà xuất bản của người Việt tại Việt Nam. Như tôi đã viết vào tháng Chạp năm 2004, hiện ở Hà Nội đang có những thảo luận bước đầu về việc đó, nhân danh tôi, và chưa có kết quả rõ ràng. Tuy thế, tôi không biêt việc xuất bản ấy sẽ xảy ra sớm hay muộn — hoặc quả thật bao giờ.




Rõ ràng Nguyễn Ước đã hết lòng với đam mê, lý tưởng và nghị lực để viết nên Trăng Huyết. Nếu anh ấy có lý và cuốn sách này có thể đóng góp đầy ý nghĩa để chữa trị và hòa giải các vết thương quá khứ, thì bằng những cách thức nhỏ bé, một tương lai hoà hợp hơn sẽ bắt đầu để làm nổi bật dân tộc Việt Nam — và việc đó chắc chắn dẫn tới kết quả là sẽ làm xúc động người dân của các quốc gia khác. Lúc ấy, mọi nỗ lực cần cù của Nguyễn Ước sẽ đáng giá. Dù xảy tới tình huống nào đi nữa, tôi vẫn ca ngợi hoài bảo, sự tự phát, những lao động tận tụy của anh và mong anh ấy gặp may mắn.

Sự ngưỡng mộ và mến cảm của tôi đối với Việt Nam và dân tộc can trường cùng độc đáo ấy ngày càng tăng kể từ khi tôi bắt đầu nghiên cứu và viết cuốn SAIGON. Sự tái tục dính líu tới Việt Nam được gây ra bởi sự xuất hiện nổi bật của Trăng Huyết và việc tái bản tại Anh ấn bản mới cuốn SAIGON bằng tiếng Anh vì thế đang là nguồn khoái cảm lớn lao cho tôi. Vậy tôi xin cám ơn tất cả những ai quan tâm và chúc cho tất cả những ai đang đọc các trang này một hoà bình lâu dài và sự hòa hợp ngày càng tăng trong cuộc sống hằng ngày.

Mời các bạn đón đọc Trăng Huyết của tác giả Anthony Grey & Nguyễn Ước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *