Sở chỉ huy tác chiến của tiểu đoàn đặt trong một vạt mả rộng nằm chếch về phía bắc thôn Văn Xá chừng hai cây số. Có đến hàng chục ngôi mộ to có thành gạch xây bao chung quanh tạo thành một thứ công sự vững chãi, tránh được đạn thẳng và mảnh pháo. Tiểu đội trinh sát chiếm lĩnh từ chập tối. Bây giờ, từng tổ quay trở lại đón các bộ phận vào vị trí. Cách khu mộ chưa đầy hai trăm mét đã là hàng rào ngoài cùng của khu căn cứ quân sự Tứ Hạ. Ở đây có sân bay, có trận địa pháo và khu kho tàng, tiếp vận quân cụ, súng đạn cho các đơn vị tiền phương thuộc vùng I chiến thuật, tuyến phía Bắc sông Bồ kéo dài ra thấu Đông Hà, Quảng Trị. Một tiểu đoàn xe tăng M113 nằm thường trực chi viện cho các đơn vị lính của sư đoàn 1 khi đi càn quét các làng vùng Phong – Quảng Điền. Số lượng trực thăng chiến đấu nằm trong các hầm chứa máy bay và tại đường băng có khi lên tới ba chục chiếc. Trước Mậu Thân 1968, căn cứ Tứ Hạ nhỏ, nó chỉ được phình to mở rộng sau Mậu Thân. Hàng chục ấp chung quanh Tứ Hạ bị quét sạch xuống phía đông đường quốc lộ, để lấy chỗ lập hàng rào, vọng gác phòng thủ. Bảy lớp hàng rào bùng nhùng, hàng rào mái nhà xen kẽ với các bãi mìn gài chết. Tứ Hạ trở thành một căn cứ hỏa lực mạnh: chi viện tích cực cho các trung đoàn, sư đoàn ngụy, Mỹ phối hợp lên càn miền Tây. Pháo Tứ Hạ có thể bắn lên được tới bờ nam sông Bồ. Chưa một lần Tứ Hạ bị trầy vi tróc vảy. Với khả năng tấn công của Việt cộng ở đồng bằng, hai năm trở lại đây theo dõi trực tiếp những trận đánh xảy ra ở các thôn ấp, vùng ven giáp ranh, những tên phái viên trong ban tham mưu tác chiến của Bộ chỉ huy tiền phương ngụy vùng I chiến thuật rút ra kết luận: Việt cộng không đủ sức để chạm vào hàng rào lông nhím Tứ Hạ.

***
Nhà văn Đỗ Kim Cuông sinh ngày 25 tháng 4 năm 1951, quê quán phường Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông gia nhập quân đội, tham gia từ cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, tại chiến trường Trị Thiên Huế với tư cách là một người lính bộ binh, trực tiếp chiến đấu cho đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất. 

Năm 1976, Đỗ Kim Cuông được trở lại giảng đường Đại học tại Khoa Ngữ văn Viện đại học Huế. Sau khi tốt nghiệp, ông về giảng dạy tại Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang – Khánh Hoà. Ông nguyên là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Khánh Hoà, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Văn Nghệ Nha Trang, đại diện tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) tại Nam Trung Bộ. 




Đỗ Kim Cuông đã từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Văn hoá văn nghệ Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương. Hiện nay ông là Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2010 – 2021), sống và làm việc tại Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1990), Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. 

Tác phẩm đã xuất bản:

– Người đàn bà đi trong mưa (tiểu thuyết, 1987);
– Một nửa đại đội (tiểu thuyết, 1989);
– Hai người còn lại (tiểu thuyết, 1989);
– Thung lũng tử thần (tiểu thuyết, 1990);
– Miền hoang dã (tiểu thuyết, 1991);
– Mảnh sân sau u ám (tiểu thuyết, 1993);
– Vùng trời ảo mộng (tiểu thuyết, 1993);
– Tự thú của người gác rừng (tập truyện ngắn, 1996);
– Đêm ngâu (tập truyện ngắn, 1999);
– Cát trắng (tiểu thuyết, 1997);
– Người dị hình (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2000);
– Thủ lĩnh vùng sông Tô (tiểu thuyết, NXB Công an Nhân dân, 2001);
– Phòng tuyến Sông Bồ (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 2009);
– Lỗi hẹn với Sê pôn (tiểu thuyết, 2011);
– Chớp biển (tập truyện ngắn, 2010);
– Lời hẹn với Sê pôn (tập truyện ngắn, 2012);
– Gió rừng (tập truyện ngắn, 2012);
– Trang trại Hoa Hồng (tiểu thuyết, 2014).

Mời các bạn đón đọc Một Nửa Đại Đội của tác giả Đỗ Kim Cuông.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.