Hoang dã là cuốn hồi ký của Cheryl Strayed về chuyến hành trình đi bộ 1.770km dọc theo đường mòn Pacific Crest Trail khi cô 26 tuổi. Sau khi trải qua những năm tháng tàn tạ, mất phương hướng, phải chịu đựng cái chết của người mẹ thân yêu và cuộc ly dị đầy đau khổ, cô đã quyết tâm “xách balo lên và đi”. Và trong suốt cuộc hành trình dài hơn 1000 dặm, cô đã gặp được rất nhiều người, vượt qua nhiều thử thách tưởng chừng như không thể, để rồi chiêm nghiệm lại cuộc đời, tìm lại được chính mình.

Sau khi được xuất bản vào tháng 3 năm 2013,Wild đã nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu trong danh sách best-seller ở Mỹ và chiếm giữ vị trí đó trong vòng 7 tuần liên tiếp. Tính đến nay,Wild đã được dịch ra 28 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim năm 2014.

***




Những cái cây sừng sững cao vút, nhưng tôi còn cao hơn chúng. Tôi đang đứng trên một sườn núi dốc đứng phía bắc California. Tôi vừa tháo đôi giày leo núi ra và để rơi một chiếc xuống tán cây, đầu tiên, nó bật nhào vào không khí khi bị chiếc ba lô khổng lồ của tôi đổ ụp xuống, rồi lăn theo con đường mòn sỏi đá và bay khỏi đỉnh dốc. Chiếc giày rớt xuống một tảng đá trồi phía dưới cách tôi vài mét và nảy lên trước khi biến mất giữa vòm rừng, chẳng thể nào lấy lại được nữa. Tôi há hốc miệng, điếng người. Dù đã ở giữa nơi hoang dã này 38 ngày và thấm thía rằng điều gì cũng có thể xảy ra và sẽ xảy ra; nhưng tôi khi ấy vẫn không khỏi bàng hoàng.

Giày của tôi đã mất. Mất thật rồi.

Tôi giữ chặt chiếc kia trước ngực như đứa trẻ, dù tất nhiên là chẳng nghĩa lý gì. Một chiếc giày làm được gì khi không có chiếc còn lại chứ? Chẳng gì cả. Nó vô dụng, cô độc mãi mãi, và tôi chẳng hề mảy may thương cảm. Đó là đôi bốt Raichle vừa to vừa nặng bằng da nâu với dây đỏ cùng lỗ xỏ dây kim loại màu bạc. Tôi giơ chiếc giày lên cao, cố sức ném thật xa, nhìn nó rơi xuống những tán cây xum xuê và biến mất khỏi cuộc đời tôi.




Tôi cô độc. Chân trần. Tôi 26 tuổi và mồ côi nữa. Một kẻ lạc đường đúng nghĩa, như một người lạ đã nhận xét vào hai tuần trước, khi nghe tên tôi và cái cách tôi đánh mất mọi thứ trong đời. Cha bỏ đi khi tôi lên sáu. Mẹ mất khi tôi 22 tuổi. Sau cái chết của mẹ, cha dượng – người tôi từng coi như cha đẻ – dần trở thành người mà tôi chẳng nhận ra nổi. Chị gái và em trai tôi mỗi người một phương, đắm chìm trong nỗi buồn khổ riêng của họ. Dù tôi đã gắng sức gắn kết cả gia đình lại với nhau, nhưng rốt cuộc vẫn là ly tán.

Vài năm trước khi ném đi chiếc giày ấy, tôi cũng đã vứt bỏ chính mình. Tôi vất vưởng, lang thang, bắt tàu – từ Minnesota tới New York, tới Oregon và xuyên qua miền Tây nước Mỹ – để cuối cùng, vào mùa hè năm 1995, tôi thấy mình chân không giày, không tha thiết cũng chẳng thờ ơ với thế giới.

Đó là một thế giới tôi chưa từng đặt chân tới, thậm chí chưa từng biết đến sự tồn tại của nó; nơi tôi lê bước trong muộn phiền và bối rối, sợ hãi và hy vọng. Một thế giới mà tôi tin sẽ biến tôi thành người phụ nữ tôi có thể trở thành, đồng thời đưa tôi về với cô gái Cheryl trước kia. Một thế giới rộng chừng 60 cm và dài 4.285 km.




Thế giới ấy mang tên đường mòn Pacific Crest.

Lần đầu tiên tôi nghe đến nó chỉ chừng bảy tháng trước đó, khi đang sống ở Minneapolis, buồn bã, tuyệt vọng, chuẩn bị ly hôn người đàn ông tôi vẫn yêu say đắm. Tôi với lấy cuốn The Pacific Crest Trail, Volume 1: California (Đường mòn Pacific Crest, tập 1: California) từ giá sách liền kề khi đang đứng xếp hàng, đợi thanh toán một chiếc xẻng. Bìa sách nói: Pacific Crest Trail (PCT) là con đường mòn hoang vu chạy dài từ biên giới Mexico ở California đến sát biên giới Canada, qua chín ngọn núi: Laguna, San Jacinto, San Bernardino, San Gabriel, Liebre, Tehachapi, Sierra Nevada, Klamath và Cascades. Khoảng cách là 1.600 km đường chim bay, nhưng độ dài đường mòn thì gần gấp đôi số ấy. PCT trải dài qua các bang California, Oregon và Washington. Nó đi qua các vườn quốc gia, những vùng hoang dã cũng như nhiều vùng đất thuộc liên bang, bộ lạc và tư nhân; qua hoang mạc, núi đồi và rừng nhiệt đới; qua sông suối và cả những con đường cao tốc. Tôi lật lại, nhìn chăm chăm vào bìa trước – một hồ nước trong đầy sỏi cuội bao quanh bởi những vách đá cheo leo, in bóng bầu trời xanh lồng lộng – rồi đặt lại nó lên giá, trả tiền chiếc xẻng và rời đi.

Nhưng sau đó, tôi đã quay trở lại và mua cuốn sách. Khi ấy, đường mòn Pacific Crest chưa phải là một phần cuộc đời tôi. Đó chỉ là một ý tưởng, mơ hồ và lạ lùng, đầy hứa hẹn và bí ẩn. Khi đưa tay miết theo con đường nhấp nhô vẽ trên tấm bản đồ, có điều gì đó như rộn ràng bung nở trong trái tim tôi.




Tôi quyết định sẽ chinh phục con đường ấy, hay chí ít là đi xa nhất có thể trong chừng 100 ngày. Tôi sống một mình trong căn hộ studio [1] ở Minneapolis, ly thân chồng, làm phục vụ bàn, và sống những ngày tháng rối bời tệ hại. Mỗi ngày, tôi lại cảm thấy như mình đang ngước lên từ một đáy giếng thẳm sâu. Nhưng từ chính nơi đó, tôi chuẩn bị trở thành một khách bộ hành đơn độc phiêu lãng giữa miền hoang dã. Và tại sao lại không chứ? Đã từng có rất nhiều “tôi” khác. Một người vợ đáng yêu và một phụ nữ ngoại tình. Một cô con gái được yêu thương và kẻ giờ đây phải cô đơn trong những kỳ nghỉ lễ. Một kẻ đầy tham vọng hoài bão và một cây bút tiềm năng liên tiếp nhảy giữa những công việc vô nghĩa trong khi học đòi nghiện ngập và ngủ với vô số đàn ông. Tôi là cháu gái một người thợ mỏ ở Pennsylvania, con gái một nhân viên kinh doanh từng là công nhân ngành thép. Sau khi bố mẹ chia tay, tôi sống cùng mẹ, chị gái và em trai trong một khu chung cư dành cho những bà mẹ đơn thân và con của họ. Thời niên thiếu, tôi từng sống theo kiểu về với tự nhiên trong khu rừng phía Bắc Minnesota, ở một ngôi nhà không có vệ sinh khép kín, không điện, không hệ thống nước. Dù vậy, tôi vẫn trở thành đội trưởng đội cổ vũ trường trung học và hoa khôi học đường. Rồi tôi vào đại học, đứng trong hàng ngũ những người cánh tả cấp tiến về bình đẳng giới.

Nhưng trở thành người phụ nữ một mình bước qua gần 1.800 km đường hoang dã ư? Tôi chưa từng có suy nghĩ ấy. Dẫu thế, thử một lần cũng chẳng mất gì.

Và giờ đây, đứng chân trần trên ngọn núi ở California này, tôi tưởng như đã vài năm trôi qua, vài năm sống một cuộc đời hoàn toàn khác, kể từ giây phút tôi đưa ra quyết định không tưởng đó: một mình đi bộ đường trường trên PCT để cứu lấy đời mình. Khi đó, tôi tin rằng, mọi điều tôi từng trải qua trước đó sẽ là hành trang tốt cho chuyến đi này. Nhưng không. Mỗi ngày trên con đường mòn chính là chuẩn bị duy nhất cho ngày tiếp theo. Và thậm chí đôi khi còn chẳng có cách nào để chuẩn bị cả.




Như việc chiếc giày của tôi đã rớt bên sườn núi và chẳng thể lấy lại.

Thực sự thì, tôi không hoàn toàn tiếc nuối khi đánh mất nó. Trong sáu tuần đi đôi giày ấy, tôi đã băng qua những hoang mạc và vùng tuyết phủ, thấy cỏ cây, bụi rậm, lá hoa đủ mọi hình thù, kích cỡ và màu sắc; tôi leo lên rồi lại đi xuống núi đồi, qua những cánh đồng, rừng thưa và những dải đất tôi thậm chí còn chẳng biết tên. Tôi chỉ có thể nói rằng mình đã từng ở đó, vượt qua và bỏ lại chúng sau lưng. Trong suốt quãng thời gian ấy, đôi giày khiến chân tôi phồng rộp, trầy da chảy máu; móng chân tôi đen lại và bốn móng đã tự bong ra, đau đớn vô cùng. Khi để mất đôi giày, cả tôi và chúng đều đã hoàn thành nghĩa vụ với nhau, dẫu từ tận đáy lòng tôi vẫn vô cùng yêu quý chúng. Đôi giày ấy chẳng còn là vật vô tri vô giác như với “tôi” ngày trước nữa; cũng giống chiếc ba lô, lều trại, túi ngủ, bình lọc nước, bếp lò siêu nhẹ và chiếc còi nhỏ màu cam tôi mang theo thay cho khẩu súng trong suốt mùa hè ấy. Chúng đều là những thứ tôi hiểu rõ và tin tưởng; những thứ giúp tôi tiến bước.

Phía dưới kia, những ngọn cây cao ngất đang khẽ đu đưa trong làn gió nóng bức. Tôi chăm chú nhìn xuyên qua khoảng mênh mông xanh ngắt ấy, thầm nghĩ hẳn đôi giày của mình nằm dưới đó. Vì khung cảnh tuyệt vời trước mắt, tôi quyết định dừng chân tạm nghỉ. Tôi ở đây, trong một chiều muộn giữa tháng bảy, cách xa thế giới văn minh về mọi mặt, và còn nhiều ngày nữa mới tới được trạm bưu điện hiu quạnh để lấy chiếc hộp tiếp tế tiếp theo. Có thể ai đó đang đi xuống theo con đường mòn này; nhưng khả năng ấy rất mong manh. Thường thường, tôi đi rất nhiều ngày mà không thấy một ai khác. Dù sao thì, có người đi cùng hay không cũng vậy cả. Tôi là kẻ độc hành.




Tôi lặng nhìn đôi chân trần dập nát với vài móng chân còn sót lại. Khi tháo đôi tất len tôi vẫn thường mang, từ trên mắt cá trở xuống, chân tôi nhợt nhạt khủng khiếp. Bắp chân gân guốc, sạm nắng và rậm lông; lem luốc bẩn thỉu với đầy vết xước và phồng rộp. Tôi bắt đầu đi bộ từ hoang mạc Mojave và không định dừng lại cho tới khi chạm tay tới cây cầu bắc qua con sông Columbia ở ranh giới giữa Oregon và Washington. Một cây cầu có cái tên hoa mỹ: Cầu của Chúa.

Tôi nhìn về phương bắc, chăm chăm hướng tới cây cầu “hoa tiêu” ấy. Tôi ngoảnh lại phương nam, vùng đất hoang dã đã “dạy dỗ” và thiêu đốt tôi; cân nhắc những lựa chọn của mình. Và chỉ có duy nhất một đáp án thôi. Luôn luôn là như vậy.

Tiếp tục tiến bước.

Mời các bạn đón đọc Hoang Dã – Hành Trình Tìm Lại Mình Trên Đường Mòn Pacific Crest của tác giả Cheryl Strayed.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.