Kim Ji Young, Sinh Năm 1982
- Tác giả : Cho Nam Joo
- Định dạng ebook : eBook mobi pdf epub azw3
- Chuyên mục : Tiểu thuyết
Kim Ji Young, Sinh Năm 1982 là cuốn sách kể về cuộc đời của một người phụ nữ bị chứng rối loạn tâm lí sau sinh, tên là Kim Ji Young. Câu chuyện mở đầu bằng những dòng giới thiệu về cô – ở thời điểm hiện tại. Nếu tinh ý, độc giả sẽ có thể nhận thấy ở nhiều phân đoạn, tác giả thường gọi cả họ tên của nhân vật chính, lặp đi lặp lại chứ ít dùng đại từ thay thế. Đó là vì trong tiểu thuyết này tác giả đóng vai trò là một nam bác sĩ tâm lí trị liệu cho Kim Ji Young, và phần đầu được viết dưới dạng hồ sơ bệnh án của bác sĩ, mô tả chi tiết về bệnh chứng của bệnh nhân. Những trang viết dần hé lộ về cuộc đời tưởng như rất đỗi bình thường của thiếu phụ trẻ, từ khi cô sinh ra đến khi lấy chồng rồi sinh con như bao người phụ nữ Hàn Quốc rất bình thường khác.
Các triệu chứng kì lạ của Kim Ji Young xuất hiện sau khi cô sinh con, có những lúc dường như cô không phải là một Kim Ji Young thực sự, mà đã hóa thân thành những người phụ nữ khác, lúc thành mẹ cô, lúc lại thành người bạn gái cũ của chồng… Dường như cái vỏ thân xác Kim Ji Young cùng lúc có rất nhiều người khác nhau cùng tồn tại, có người còn sống và có người đã khuất, nhưng điểm chung nhất là họ đều là phụ nữ. Kim Ji Young như người phát ngôn hộ những người phụ nữ ấy những lời tự đáy lòng, nhưng bản thân họ thì có lẽ sẽ không bao giờ tự dám nói: “Ông thông gia, tôi xin mạn phép được nói điều này. Chỉ có nhà ông là có gia đình thôi sao? Chúng tôi cũng có gia đình chứ. Ba đứa nhà tôi cũng chỉ có ngày lễ tết mới có thể gặp mặt nhau. Bây giờ cuộc sống của đám trẻ đứa nào chẳng như vậy. Nhưng nếu con gái ông đã về thăm nhà rồi, thì cũng phải cho con gái chúng tôi về thăm nhà chứ”. Nghe những lời ấy, những người sống quanh cô sững sờ, thậm chí là bị sốc, bởi cô đã nói ra một cách khá thẳng thắn, đòi lại công bằng cho phụ nữ trước đặc quyền mà từ trước đến nay gần như cả xã hội vẫn mặc nhiên dành cho nam giới.
Kí ức sâu đậm nhất về tuổi thơ của Kim Ji Young là vị sữa bột ngọt ngào: “…mỗi khi mẹ pha sữa cho em, cô lại ở bên cạnh dùng nước bọt thấm ướt ngón tay rồi chấm những hạt sữa bột rơi trên sàn để ăn. Đôi khi mẹ cô sẽ bảo cô ngửa đầu lên và mở miệng rộng, rồi đổ một thìa sữa bột ngọt ngào đậm đà lên lưỡi cô…” Vị sữa ấy sẽ không thể khiến cô nhớ đến vậy, nếu nó không đi kèm với chuyện hễ cô bị bà nội bắt gặp cảnh cô ăn sữa thì sẽ lập tức bị bà cho ăn đòn, khiến sữa phun ra cả miệng lẫn mũi. “Có thể hiểu rằng biểu hiện đó của bà có nghĩa là tại sao chúng mày ‘dám’ đụng vào đồ của cháu trai quý giá của tao. Em trai và những gì thuộc về em là quý giá nhất, không một ai có thể tùy tiện đụng tới bất cứ thứ gì, Kim Ji Young cũng chỉ là ‘không một ai’ trong con mắt của bà. Và cả chị gái cô cũng vậy…”
Còn mẹ cô, một người phụ nữ lớn lên trong gia đình làm nông, học xong tiểu học thì ở nhà làm lụng để các anh em trai được đi học tiếp, lớn hơn chút nữa, bà vào làm việc cực nhọc trong xưởng dệt, cùng chị gái bán sức lao động lấy đồng lương còm cõi để tiếp tục nuôi các anh em trai đi học đại học, xây dựng sự nghiệp riêng, để rồi cuối cùng nhận ra rằng trong gia đình và sự nghiệp của những người kia, họ không có chỗ đứng, họ trắng tay. Sau tất cả, những người đàn ông được cả xã hội công nhận là đã “một tay nuôi sống gia đình”, đã gánh vác giang sơn, đã làm nên công to việc lớn, và dĩ nhiên là không hề nhắc đến đồng tiền mồ hôi nước mắt của hai người phụ nữ đổi lấy bằng cả thanh xuân. Những người phụ nữ nhận thấy điều ấy, nên họ phải tự tìm đường sống cho mình, tự đi học, tự xây dựng cuộc sống, sau khi lấy chồng lại tiếp tục guồng quay, sinh con đẻ cái, làm lụng nuôi mình, nuôi chồng, nuôi con.
Guồng quay cuộc sống ấy chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, quá quen thuộc đến nỗi cả xã hội coi đó là điều mặc nhiên phải thế, nam giới mặc nhiên được ưu tiên, còn phụ nữ mặc nhiên xếp hàng thứ yếu. Ngay từ khi còn là những đứa trẻ, họ đã được dạy như vậy, từ những việc nhỏ nhất: Xếp số ăn cơm thì con trai xếp trước, lớp trưởng cũng là con trai; bị quấy rối, sàm sỡ thì nạn nhân là người có lỗi… Một điều khá thú vị là những người phụ nữ được khắc họa trong tiểu thuyết này hiện lên rất đời thường, gần gũi, có thể bắt gặp hình ảnh họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống, và họ không đối xử độc ác với nhau. Đây là một điều ít thấy, không có sự hãm hại, dèm pha, chơi xấu giữa những phận đàn bà như thường gặp trong các câu chuyện khác, mà chỉ thấy họ cố gắng để thấu hiểu và nâng đỡ nhau vượt qua đau khổ, tiếp tục duy trì cuộc sống: Cô giáo sau khi nghe học sinh khiếu nại đã đối xử công bằng và tạo điều kiện cho học sinh nữ hơn; người phụ nữ trên xe bus nhận ra mối nguy mà cô bé xa lạ trên xe bus muốn cầu cứu bà; người đồng nghiệp của Ji Young dám chống lại nạn quấy rối tình dục nơi công sở…
Câu chuyện tưởng như bình thường mà hóa ra lại chẳng bình thường, bởi nó khiến chúng ta giật mình nhìn lại cuộc sống của chính mình, có phải chúng ta cũng là một Kim Ji Young? Có phải mẹ chúng ta cũng chẳng khác nào bà Oh Mi Sook? Có phải ta cũng đã từng gặp được người bênh vực chúng ta như người phụ nữ xa lạ trên xe bus? Và có khi nào ta tưởng như có thể phát điên, nếu không được bàn tay ai đó nắm lấy đồng cảm, như bà Oh Mi Sook khi nằm trên bàn phá thai?…
Quả thực không phải ngẫu nhiên mà cuốn tiểu thuyết khá mỏng này lại có thể khiến cả xã hội Hàn Quốc xôn xao dậy sóng, thậm chí các sao lớn của làng giải trí Hàn Quốc cũng không đứng ngoài cuộc. Không chỉ dừng lại ở phong trào Metoo – phong trào ủng hộ những người phụ nữ từng bị quấy rối tình dục dũng cảm nói lên câu chuyện của mình, Hàn Quốc gọi nữ nhà báo Kang Kyung Hoon là “hung thần” của nhiều công ty cũng như nghệ sĩ của showbiz. Chính cô là người nắm giữ trong tay hàng loạt bằng chứng môi giới mại dâm, quay lén và rao bán phụ nữ, trẻ vị thành niên của ca sĩ bậc nhất xứ Hàn.
Một lần nữa truyền thông Hàn Quốc lại đặt câu hỏi cho vị trí cũng như vấn đề an toàn trong môi trường sống dành cho phụ nữ. Hàng loạt các ngôi sao ngầm ủng hộ phong trào nữ quyền bằng việc chia sẻ các trích dẫn về cuốn sách Sinh năm 1982 – cuốn sách nữ quyền gây tiếng vang lớn tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhà xuất bản Phụ nữ xin được giới thiệu tới độc giả cuốn tiểu thuyết nữ quyền dũng cảm và giàu tính nhân văn này, để nhận thức rõ hơn về vị trí của người phụ nữ cùng những bất công mà họ phải chịu đựng do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội, cũng như khích lệ những người phụ nữ hãy sống dũng cảm hơn để đấu tranh cho cuộc sống của chính mình.
Một số phản hồi, nhận xét của truyền thông Hàn Quốc
“Trên thực tế, trong số những phụ nữ sinh năm 1982 ở Hàn Quốc thì Kim Ji Young là cái tên được đặt nhiều nhất. Sinh năm 1982, bây giờ đang ở độ tuổi giữa 30. Tựa đề Kim Ji Young born 1982 đã phản ánh được mục đích của tác giả khi viết cuốn tiểu thuyết này, đó là vẽ nên cuộc sống phổ biến của đại đa số phụ nữ đương đại”. (–Kim Go Yeon Ju, học giả về nữ giới–)
“Tôi biết rất nhiều người phụ nữ cảm thấy mình trong đó. Thật sự rất đáng buồn khi họ thấy đồng điệu với nhân vật Kim Ji Young. Ước gì không ai thấy mình giống nhân vật đó!” (–Noh Hong Chul, diễn viên–)
“Mặc dù đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết, nhưng câu chuyện bên trong rất chân thật. Tôi không thể ngừng đọc nó cho đến hết. Tôi biết chính xác những gì Kim Ji Young đã cảm nhận… biết đến từng giây mà cô ấy phải trải qua, từ bất hạnh, buồn đau và sợ hãi… Cho dù đó không phải là câu chuyện của tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy Kim Ji Young như là một người bạn thân của mình. Và tôi chắc chắn rằng có rất nhiều Kim Ji Young đang sống xung quanh tôi.” (–Park Shin Hye, diễn viên–)
“Dành cho những người có hứng thú muốn hiểu hơn về tình cảnh của người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc hiện nay, cuốn tiểu thuyết nữ quyền mang tên ‘Kim Ji Young sinh năm 1982’ được viết bởi nhà văn Cho Nam Joo sẽ cho bạn thấy một cái nhìn tổng quan thực tế về vấn đề này.
Cuốn sách này không giống như những cuốn sách thông thường, thiên về một chuỗi giai thoại ghép lại hơn là tiểu thuyết. Cốt truyện không mấy thú vị. Nhân vật chính Ji Young đến trường, có việc làm, lập gia đình, nghỉ việc và sinh con. Ngoài những điều thường nhật ra thì không còn gì xảy ra nữa. Nhưng đó mới chính là cốt yếu của toàn bộ câu chuyện.
Tất cả những người phụ nữ đều là Ji Young. (Kim Ji Young là cái tên được đặt khá phổ biến cho con gái sinh năm 1982, vì thế đây cũng chính là tên của cuốn tiểu thuyết này)
Ji Young không chiến đấu chống lại chế độ như một người vận động nữ quyền. Khi có một lão khách già nua phóng đãng bắt cô phải ra ngoài để đi uống rượu với lão thì cô sẽ không chọn cách đứng dậy, đổ ly nước lên đầu lão và rời đi. Mà cô sẽ vẫn ngồi yên và đưa ra những bình luận chính kiến của mình về phân biệt đối xử giới tính như những nữ công nhân trẻ khác cũng làm. Cơ bản thì cô cũng chỉ là phụ nữ trẻ tuổi bị cuốn vào một xã hội sống theo lối gia trưởng.”
(–Trích review từ dramasrok và được dịch lại từ IRAINvn–)
Tôi luôn có cảm giác rằng Kim Ji Young đang thực sự sống ở đâu đó. Bởi cô ấy có quá nhiều điểm giống với những người bạn, những người chị và cả tôi. Lúc viết tôi luôn cảm thấy ngột ngạt và thương cảm cho Kim Ji Young. Nhưng tôi biết rõ cô ấy đã lớn lên như vậy, đã sống như vậy, không có cách thay đổi nào khác nên tôi cũng phải viết như vậy.
Kim Ji Young luôn luôn thận trọng và nghiêm túc khi đưa ra quyết định và làm hết khả năng của mình vì sự lựa chọn đó, tôi nghĩ rằng cô ấy cần sự ủng hộ và đền đáp thỏa đáng. Chúng ta cần cho cô ấy nhiều hơn nữa những cơ hội và sự lựa chọn.
Tôi có một cô con gái lớn hơn Ji Won năm tuổi. Con gái tôi nói lớn lên muốn làm nhà du hành vũ trụ, nhà khoa học và nhà văn. Thế giới của con tôi sẽ sống phải tốt đẹp hơn thế giới tôi đã sống, tôi tin vào điều đó và đang nỗ lực để hiện thực hóa điều đó. Tôi hi vọng tất cả những bé gái trên thế gian này sẽ có thể mơ ước nhiều hơn, mơ những giấc mơ lớn lao hơn.
(–Cho Nam Joo–)
Tác giả
Cho Nam Joo
Sinh năm 1978 tại Seoul. Tốt nghiệp khoa Xã hội học trường Nữ Ehwa và là biên kịch cho những chương trình truyền hình nổi tiếng như Sổ tay PD, Bất mãn zero, Truyền hình trực tiếp buổi sáng… trong suốt 10 năm.
Các tác phẩm đạt giải thưởng:
Tiểu thuyết Lắng tai nghe (giải thưởng văn học Munhakdongne, năm 2011)
Vì Komaneji (giải thưởng văn học Hwangsanbyeon lần thứ 2, năm 2016).
Dịch giả:
Dương Thanh Hoài
Tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc – Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế, Viện nghiên cứu Hàn Quốc học Trung Ương, Hàn Quốc.
Các tác phẩm đã dịch, in và phát hành tại Nxb Phụ nữ:
Tiểu thuyết: Lời nói dối hoa mỹ, Mây họa ánh trăng (tập 1), Cảm ơn tất cả
Truyện thiếu nhi: Con chính là điều kỳ diệu, Mẹ nổi giận, Nàng công chúa giả vờ không biết mọi chuyện, Những chú ngựa của mẹ, Con là hạt giống nào vậy nhỉ, series Pretty girl – Là con gái...
Hàn Quốc luôn được biết đến là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất khu vực châu Á. Tuy nhiên trái ngược lại với kinh tế giàu mạnh, xứ sở kim chi lại được đánh giá là quốc gia còn mang nặng tư tưởng phong kiến và phân biệt đối xử với phụ nữ. Trước những bất cập xã hội ấy thì cuốn sách Kim Ji Young Sinh Năm 1982 ra đời và gây chấn động Hàn Quốc. Cuốn sách nữ quyền này đã giáng một đòn mạnh mẽ vào hệ tư tưởng lạc hậu và mở ra tương lai tươi sáng hơn cho những người phụ nữ đáng lý phải có được hạnh phúc.
Em trai và những gì thuộc về em là quý giá nhất, không một ai có thể tùy tiện đụng tới bất cứ thứ gì, Kim Ji Young cũng chỉ là “không một ai” trong con mắt của bà. Và cả chị gái cô cũng vậy…
Kim Ji Young Sinh sinh năm 1982 – người phụ nữ của một thế hệ
Cuốn sách Kim Ji Young Sinh Năm 1982 của tác giả Cho Nam Joo kể từ khi ra đời đã gây được tiếng vang lớn tại quê nhà Hàn Quốc. Cuốn sách xoay quanh hành trình trưởng thành, lập gia đình, đối mặt với định kiến xã hội của nhân vật Kim Ji Young. Cuộc đời của cô được đánh giá là được xây dựng dựa trên cuộc đời của người phụ nữ Hàn Quốc trong xã hội hiện đại nhưng vẫn còn tư tưởng phong kiến.
Họ Kim là một người rất phổ biến tại Hàn Quốc. Cái tên Ji Young là cái tên được đặt phổ biến cho các bé gái chào đời vào những năm 80. Có thể nói như là cái tên này đại diện cho thế hệ phụ nữ chào đời trong những ngày tháng Hàn Quốc còn chưa có những luật cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Và cho đến tận ngày nay họ còn phải gánh chịu sự bất bình đẳng giới. Vì vậy khi viết cuốn sách này, Cho Nam Joo không định kể lại cuộc đời của một người phụ nữ mà bà muốn khắc họa cuộc đời của phần đông phụ nữ Hàn Quốc. Cho Nam Joo bộc bạch:
Tôi luôn có cảm giác rằng Kim Ji Young đang thực sự sống ở đâu đó. Bởi cô ấy có quá nhiều điểm giống với những người bạn, những người chị và cả tôi. Lúc viết tôi luôn có cảm giác ngột ngạt và thương cảm cho Kim Ji Young. Nhưng tôi biết rõ cô ấy đã lớn lên như vậy, đã sống như vậy, không có cách thay đổi nào khác nên tôi cũng phải viết như vậy.
Những bất công xã hội bắt đầu đổ xuống cuộc đời của mẹ của Kim Ji Young, bà Oh Mi Sook. Thuở thiếu thời, bà Oh Mi Sook phải nghỉ học làm công nhân và dành dụm tiền làm thuê để nuôi những người anh và em trai của mình đi học. Không chỉ có bà mà những người phụ nữ sống ở thời đại đó đều vậy. Họ sẽ phải từ bỏ tương lai của mình chỉ vì họ là phụ nữ. Họ phải dành hết cả công sức của mình để tìm đến những điều kiện tốt đẹp nhất cho những người anh, em trai trong nhà.
Sau đó những người em, anh của bà đều có công việc ổn định. Người anh cả của bà làm bác sĩ, em thứ làm cảnh sát và em út làm giáo viên. Nhưng sau đó thì họ cũng dần thành gia lập thất. Họ phải chăm lo cho gia đình của mình và không thể thể báo đáp công ơn của bà Oh Mi Sook nữa. Vì chỉ hết tiểu học nên bà có cuộc sống rất khó khăn.
Sau khi bà Oh Mi Sook kết hôn thì bà sinh được hai đứa con gái là Kim Ji Young, Kim Eun Young và một con trai. Những đứa con gái của bà được đối xử bình đẳng hơn thời của người mẹ. Kim Ji Young và chị gái Kim Eun Young được đến trường, được đi học và hưởng những quyền lợi cần thiết. Chính phủ Hàn Quốc đã có những sự cải cách mạnh mẽ điểm xóa bỏ sự bất bình đẳng giới. Nhưng điều này chỉ khá hơn so với trước đây nhưng không có nghĩa là xã hội Hàn Quốc đã hoàn toàn bình đẳng nam nữ.
Những dấu hiệu của sự không công bằng giữa nam và nữ được khắc họa trong cuốn sách từ gia đình đến xã hội đều vô cùng chân thật. Lúc còn nhỏ chị em Kim Ji Young luôn phải dành những thứ tốt đẹp nhất cho em trai của mình. Ăn cơm cũng phải để em trai ăn trước, cặp sách đi học của em trai luôn lành lặn còn của hai chị em cô thì lại là đồ cũ. Tương lai và kỳ vọng của cả gia đình điều đặt lên vai của người con trai. Có lẽ tư tưởng “Con gái gả đi rồi như nước đã đổ đi” khó mà thay đổi được trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.
Ở trường học theo tỉ lệ lớp trưởng là nam chiếm tối đa. Dù các giáo viên ở đây có thói quen chọn ra mỗi lớp vài bạn nữ để chạy việc vì họ cảm thấy nữ sinh chăm chỉ hơn nhưng họ không chọn lớp trưởng là nữ. Trong những năm sau nhờ chính sách mới mà tư duy xã hội thay đổi, tỉ lệ lớp trưởng là nữ đã tăng dần. Những con số trong này vẫn chiếm rất ít so với tỷ lệ lớp trưởng là nam.
Nhưng có lẽ những sự phân biệt ấy là rất là quá nhỏ so với những thái độ của mọi người khi những nữ sinh bị quấy rối. Hàng loạt những vụ quấy rối nữ sinh đến từ những kẻ lạ mặt thường xuyên đi lại quanh trường. Khi ấy những nữ sinh đã dũng cảm đứng lên tố giác những kẻ quấy rối thì lại phải chấp nhận những ánh mắt kỳ thị. Chỉ vì các cô bé đã dám nói lên những tội ác mà những người xấu đã làm mà bị xem là không biết xấu hổ. Vì cái tâm lý “tốt khoe xấu che” ấy mà những quyền lợi cơ bản nhất của những nữ sinh đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến tương lai và cơ hội việc làm của phụ nữ Hàn Quốc
Khác với Việt Nam, ở Hàn Quốc cơ hội việc làm không hề bình đẳng giữa nam và nữ. Phụ nữ có rất ít cơ hội việc làm, nhất là những công việc có chế độ đãi ngộ tốt. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra nhằm giải thích cho việc này là do người đàn ông có thể đảm đương được công việc tốt hơn. Họ không phải lo lắng về việc gia đình, chăm sóc con, chăm sóc cha mẹ già, họ không giống như phụ nữ.
Phụ nữ sau khi lấy chồng phải chăm sóc cho cha mẹ chồng. Khi họ mang thai cần thêm chế độ đãi ngộ, họ phải nghỉ một khoảng thời gian để nuôi con. Khi con ra đời họ phải dành hết thời gian của mình để chăm sóc con nhỏ. Phần nhiều doanh nghiệp cho rằng phụ nữ có nhiều thứ phải lo nên họ không thể tập trung cho công việc được. Một lí do cũng quan trọng không kém là vì tư tưởng người đàn ông có năng lực, trí lực hơn người phụ nữ vẫn còn nặng trong xã hội xứ sở kim chi.
Trên một trang web thông tin tuyển dụng đã đưa ra kết quả điều tra tỷ lệ tuyển dụng lao động nữ khoảng 100 doanh nghiệp thì tỷ lệ này chỉ ở mức 29,6%[…] người ta vẫn nói rằng tỷ lệ nữ như vậy là khá cao!
Trong 50 tập đoàn lớn thì có đến 44% trả lời rằng “nếu ứng viên có điều kiện tương tự nhau thì sẽ chọn ứng viên nam” và không một ai trả lời rằng “sẽ chọn ứng viên nữ”.
Cuốn sách Kim Ji Young Sinh Năm 1982 đã khắc họa rõ nét hình ảnh của người phụ nữ Hàn Quốc trong công việc. Kim Ji Young đã từng rất chật vật sau khi ra trường vì không tìm được việc làm. Trong một lần đậu vòng phỏng vấn cô đã rất vui vẻ và hy vọng. Nhưng sự hy vọng của cô đã nhanh chóng tan biến bởi câu hỏi tình huống mà bên công ty đưa ra:
Cuối cùng một giám đốc nam tầm tuổi trung niên ngồi ở vị trí xa nhất nãy giờ chỉ gật đầu mà không nói gì đặt ra một câu hỏi:
“Giả sử các bạn tới tham dự một buổi gặp đối tác. Tìm đối tác của các bạn lại cứ liên tục, như thế này, đụng chạm thân thể bạn. Ví dụ như khoác vai, hoặc sờ đùi. Những việc đại loại như thế. Các bạn hiểu chứ hả? Trong trường hợp như vậy các bạn sẽ làm thế nào? Bắt đầu từ Kim Ji Young đi.”
Câu hỏi này dành cho ba ứng viên cùng tham gia phỏng vấn là Kim Ji Young và hai ứng viên nữ khác. Cả ba người đều có phong thái lịch sự, nhã nhặn và có trình độ học vấn tốt. Vì trình độ ngang nhau nên ai được nhận vào công ty sẽ quyết định bởi câu trả lời tình huống này. Đây là một câu hỏi phản ánh tình trạng chung của nạn xem thường phụ nữ tại Hàn Quốc.
Cả ba ứng viên đều đưa ra những câu trả lời khác nhau. Một ứng viên nữ thì nói rằng sẽ xem lại bản thân ăn mặc có không phải phép không và xin lỗi người quấy rối mình để bảo toàn công việc. Một ứng viên khác thì quyết liệt hơn nói rằng sẽ không tha cho hành vi quấy rối của người đối tác, sẽ truy tố đến cùng dù cho có bị đuổi việc. Còn Kim Ji Young thì nói rằng cô sẽ viện cớ đi vệ sinh hoặc lấy tài liệu để tránh thái độ của đối tác vừa không làm tổn hại đến lợi ích của công ty.
Không lâu sau thì Kim Ji Young nhận được kết quả là mình đã trượt phỏng vấn. Cô cứ nghĩ rằng ứng viên đã kiên quyết từ chối hành động quấy rối sẽ là người được tuyển vào công ty. Vì cô ứng viên này quá dũng cảm. Tuy nhiên khi cô gọi điện hỏi nhân viên trong công ty rằng ai là người đậu thì câu trả lời là có ba đều trượt. Trong thực tế thì cách tốt nhất để giải quyết câu hỏi tình huống ấy chính là không tuyển nhân viên nữ. Như vậy sẽ không xảy ra những vụ quấy rối nhân viên nữ của đối tác. Từ đó giảm tối đa thiệt hại của công ty.
Cuốn sách bán được hơn 1 triệu bảng làm sống dậy hashtag #metoo
Cuốn sách Kim Ji Young Sinh Năm 1982 bắt đầu nổi tiếng tại Hàn Quốc sau những vụ bê bối về những đường dây phát tán những đoạn clip nhạy cảm về phụ nữ của những nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu. Cùng với đó là việc phát hiện hàng trăm trang web đen quay lén phụ nữ. Điều này được thể hiện rõ trong cuốn sách khi nhà vệ sinh nữ trong công ty cũ của Kim Ji Young bị gắn camera quay lén và phát sáng lên mạng thì những người đầu tiên biết việc này đã không tố giác. Đó chính là những nam nhân viên đã xem những tấm ảnh này. Họ lén lút chuyền tay nhau xem mà không có một chút cảm giác tội lỗi. Sau khi sự việc được phơi bày, những nhân viên nữ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Dù cố gắng vui vẻ khi đến công ty nhưng lúc nào cũng có cảm giác như sắp phát điên. Chỉ cần chạm vào một người không quen biết cũng có cảm giác như người ta đã xem ảnh của mình, ai đó cười thì nghĩ họ đang cười mỉa mình, lúc nào cũng thấy như tất cả mọi người đều biết mình. Các nhân viên nữ đa số đều phải uống thuốc, gặp bác sĩ tâm lý. Còn nữa, Jung Un vì uống thuốc ngủ mà phải cấp cứu đấy.
Thậm chí có người đã nghỉ việc vì không chấp nhận được những sự sỉ nhục và xem thường ngầm ấy. Có lẽ khó tin nhưng một đất nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc lại luôn tồn tại hàng trăm web đen có nội dung quấy rối phụ nữ. Và số lượng người xem những trang web này không hề nhỏ.
Sự bất bình đẳng nam nữ này đã đẩy nhiều người phụ nữ vào cái chết. Sự việc rúng động gần đây là cái chết của nữ thần tượng Sulli. Sulli đã tự sát tại nhà riêng vì căn bệnh trầm cảm kéo dài. Nổi tiếng là một nghệ sĩ xinh đẹp nhưng Sulli thường xuyên bị cộng đồng mạng chỉ trích vì phong cách ăn mặc của mình. Thậm chí sau khi cô tự sát thì người đồng nghiệp Bang Min Ah đã lòng tỏ tiếc thương trên mạng thì lại bị một số người dùng tấn công bằng lời lẽ thô bỉ trên internet. Bên cạnh sự tiếc thương vô bờ thì sự ra đi tuyệt vọng của Sulli cũng khiến một bộ phận người mang tưởng phong kiến cảm thấy không có gì để tiếc.
Sáu tháng sau ngày Sulli qua đời, bạn thân của cô là Goo Hara đã tự sát vì những sự xem thường phụ nữ và bất bình đẳng giới phải chịu đựng. Có thể thấy sự bất bình đẳng nam nữ đã gây ra những hậu quả tiêu cực. Đồng thời những định kiến ấy đã người phụ nữ đến bước đường cùng. Có thể thấy cuốn sách Kim Ji Young Sinh Năm 1982 không chỉ được viết ra để mở mang kiến thức như những cuốn sách khác. Cuốn sách được sinh ra để thức tỉnh và thay đổi xã hội.
Kim Ji Young Sinh Năm 1982 đã bán được hơn 1 triệu bản tại Hàn Quốc và rất nổi tiếng tại Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam. Cuốn sách nổi lên và làm sống dậy trào lưu #Metoo rúng động Hàn Quốc. Đó là trào lưu “Tôi cũng vậy”, “Tôi đã từng sống và bị quấy rối như vậy”. Phụ nữ đã không còn e dè mà dũng cảm lên tiếng tố cáo những tội ác. Phụ nữ đã chịu đựng quá nhiều bất công nhưng từ nay sẽ không bao giờ yếu đuối. Càng không bao giờ từ bỏ ước mơ và tương lai của mình. Tấm bản đồ thế giới trong phòng của chị em Kim Ji Young chính là biểu tượng tươi đẹp cho tương lai của những người phụ nữ. Dẫu trải qua bao sóng gió họ vẫn luôn lạc quan và tin rằng bản thân sẽ vượt qua tất cả. Họ tin rằng sẽ vượt qua những định kiến khắc nghiệt để xây dựng lên ước mơ bằng chính đôi tay của mình.
Một vài miếng sticker hình trái tim màu xanh lá cây và xanh dương được dán lên tấm bản đồ cũ kỹ với những vệt gấp giấy. Những miếng sticker đó để biểu hiện vị trí những đất nước mà Kim Eun Young muốn đi, cô cũng đưa cho cả Kim Ji Young để dán trang trí sổ nhật ký nữa.
Kể từ khi cuốn sách Kim Ji Young Sinh Năm 1982 xuất hiện thì Hàn Quốc nổi lên trào lưu cắt tóc ngắn và để mặt mộc. Họ sẽ không để bất cứ ai đánh giá mình dựa trên vẻ bề ngoài. Phụ nữ hiện đại Hàn Quốc không cần phải ép mình xinh đẹp bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ hay trang điểm. Điều này đi ngược lại so với trước đây. Ở Hàn Quốc, phụ nữ không xinh đẹp mà không phẫu thuật thẩm mỹ thì khó mà xin được việc làm. Bất chấp định kiến họ sẽ luôn đấu tranh, vì họ tin rằng có một ngày không xa người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc sẽ được đối xử một cách công bằng và họ sẽ tìm được hạnh phúc.
Cuốn sách Kim Ji Young Sinh Năm 1982 của Cho Nam Joo đã làm cảm động biết bao trái tim của những người ủng hộ xã hội công bằng và bình đẳng. Cuốn sách đã góp phần truyền động lực sống mạnh mẽ cho những người phụ nữ bị đối xử bất công ở xứ kim chi. Tìm ẩn trong từng trang sách ấy luôn là lòng tin về tương lai tươi đẹp hơn sẽ đến với họ vào một ngày không xa.
Review bởi Trần Hạnh – Bookademy
Mời các bạn đón đọc Kim Ji Young, Sinh Năm 1982 của tác giả Cho Nam Joo & Dương Thanh Hoài (dịch).
Mời bạn download ebook Kim Ji Young, Sinh Năm 1982 ở mục download phía dưới, cảm ơn bạn đã ghé thăm Tiêu Dao Blog
- Đừng quên like hoặc share ebook nếu bạn thấy hay nhé!
- Fanpage : https://www.facebook.com/tieudaoblog
- Bộ sưu tập sách hay : https://tieudao.info/bosuutapsach ( Nếu bạn muốn biết bản thân cần đọc loại sách gì thì hãy xem những bộ sưu tập sách được gợi ý )
Chia sẻ ý kiến của bạn