Kinh Thi 1997
Vài lời thưa trước
Trong bài Vài nét sơ lược về sự phát triển của triết học Trung Hoa, tức Phần I của bộ
Đại cương Triết học Trung Quốc , chúng ta thấy hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê đã
trích dẫn một số câu trong Kinh Thi để minh chứng rằng do chiến tranh liên miên trong
thời Xuân Thu, do bọn cầm quyền hà hiếp, bốc lột khiến cho dân tình điêu đứng, lầm
than… nên đã cất lời thán oán, như:
Nhân hữu thổ điền, nhữ phản hữu chi,
Nhân hữu dân nhân, nhữ phúc đoạt chi
hoặc:
Thiều chi hoa, kỳ diệp thanh thanh,
Tri ngã như thử, bất như vô sinh
Ngày nay Kinh Thi được nhiều người biết đến có lẽ một phần nhỏ là do những lời than thở đó, còn phần lớn là do những bài tự tình về tình yêu nam nữ như bài Quan thư:
Quan quan thư cưu
Tại hà chỉ châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu…
Và có lẽ cũng do khi học Truyện Kiều mà ta biết đến Kinh Thi qua mấy câu thơ của Nguyễn Du:
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
hoặc:
Vẻ chi một đoá yêu đào
Nghĩa là qua những câu thơ mượn điển trong Kinh Thi
Trong bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc dày trên 700 trang, cụ Nguyễn Hiến Lê chỉ dành 24 trang để viết về Kinh Thi (chương IV), tuy ngắn gọn nhưng cũng giúp chúng ta biết được một cách cơ bản về cuốn kinh này.
Bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc được cụ Nguyễn Hiến Lê viết hồi cụ dạy học ở Long Xuyên và in xong lần đầu vào năm 1956 (cụ bỏ vốn ra in, nhà xuất bản P. Văn Tươi đứng tên). Ở đây tôi chép lại Chương IV: Kinh Thi theo bản của nhà xuất bản Trẻ, năm 1997, từ trang 67 đến trang 90.
Thực hiện ebook lần này, ngoài việc sửa thêm một số lỗi, tôi còn chép vào phần Đọc thêm các đoạn viết về Kinh Thi trích trong bộ Sử Trung Quốc của cụ Nguyễn Hiến Lê, qua đó, chúng ta chẳng những hiểu thêm về Kinh Thi mà còn hiểu thêm 3 chữ “tư vô tà” trong câu sau đây trong Luận ngữ, thiên Vi chính: “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà”.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Goldfish
Tháng 12 năm 2009
Bổ sung lần 1: ngày 03/05/2012
Bổ sung lần 2: ngày 14/04/2013
Chia sẻ ý kiến của bạn