Phu nhân Táo Quân (nguyên tác The Kitchen God’s Wife) là tác phẩm lớn thứ hai của Amy Tan ra đời hai năm sau khi cuốn đầu tay của bà Phúc lạc hội thành công vang dội trên tất cả các phương diện. Mới ra đời, cuốn sách này đã phải chịu một sức ép rất lớn. Mọi người tự hỏi và có lẽ chính tác giả cũng tự hỏi không biết đứa con tinh thần thứ hai sẽ làm hài lòng hay thất vọng số đông bạn đọc đã kì vọng rất nhiều vào nhà văn tài năng mà ngay ở bước khởi đầu đã gây xôn xao dư luận không chỉ ở Mỹ mà còn trên quê cha đất tổ Trung Quốc và nhiều khu vực khác trên thế giới. May mắn thay, với tác phẩm này, Amy Tan một lần nữa khẳng định tài năng và chỗ đứng của mình trong dòng văn học đương đại.
 
Cũng giống như tác phẩm đầu tiên, Phu nhân Táo Quân nói về mối quan hệ hai mặt yêu thương và mâu thuẫn giữa hai thế hệ mẹ và con trong cộng đồng những người nhập cư ở Mỹ. Nhưng mặt khác, tiểu thuyết này tập trung vào câu chuyện về cuộc đời đầy sóng gió, thăng trầm và đau thương của một người đàn bà sinh ra trong một gia đình giàu có, thế lực trong xã hội cũ ở Trung Quốc. Một người bằng nghị lực và sức sống không thể vùi dập được đã chịu đựng và vượt qua cuộc hôn nhân với một người chồng kinh khủng – quái thai của chế độ phong kiến Trung Quốc, cái chết thương tâm của ba đứa con đầu lòng, sống sót qua một thời chiến tranh tao loạn trên đất mẹ, đến được nước Mỹ và gây dựng lại được hạnh phúc từ con tim tan nát của mình.
 
Chuyện đời Winnie Louie là câu chuyện về thân phận của người đàn bà đã từng làm cho Nguyễn Du phải thốt lên Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Một câu chuyện làm nhức nhối bao nhiêu con tim. Dù cái cảnh ngược đãi phụ nữ trong truyện không còn tồn tại một cách hiển nhiên nữa, nhưng ai biết được còn có bao nhiêu người phụ nữ phải âm thầm đau khổ trong chính ngôi nhà mình. Điều cần nhấn mạnh ở đây là câu chuyện của Winnie Louie dựa trên những chuyện có thật trong cuộc đời của mẹ tác giả, bà Daisy Tan. Với tất cả con tim mình, Amy Tan muốn người mẹ anh hùng của mình bước ra chỗ sáng, dưới ánh mặt trời tuyên bố về sự hiện diện của chính mình, trong vai trò con gái, người vợ, người mẹ.
 
Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm Phu nhân Táo Quân của nhà văn nữ Amy Tan. Mong nhận được tiếng nói tri âm của độc giả với tác phẩm này.
 

Người dịch

 

***

AMY TAN sinh ở OAKLAND, CALIFORNIA vào năm 1952, hai năm rưỡi sau khi cha mẹ có nhập cư vào nước Mỹ. Mặc dù cha mẹ cô mong mỏi cô sẽ theo nghề bác sĩ giải phẫu thần kinh kiêm nghệ sĩ dương cầm nghiệp dư, cô lại trở nên bác sĩ tư vốn cho trẻ em tàn tật, và đồng thời là nhà văn tự do. Cô viếng quê hương Trung Hoa lần của đầu tiên năm 1987 và thấy đúng như mẹ có đã nói: “Ngay khi chân tôi chạm đất Trung Hoa, tôi lập tức trở thành người Trung Hoa”.
 
AMY TAN hiện sống cùng chồng tại San Francisco.
 
Amy Tan thuộc thế hệ nhà văn gốc Hoa đầu tiên thành công trên văn đàn Mỹ. Bà thường viết về những gian nan mà phụ nữ người Hoa đã gặp ở quê nhà cũng như cuộc sống khó khăn mà con gái của họ gặp trên đất Mỹ. Bà thành công ngay với những tác phẩm đầu tiên, như:
 




– The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội, 1989; dựng thành phim năm 1991)
 
– The Kitchen God’s Wife (Phu nhân Táo quân, 1991;)

 
Cả hai đều mang tính tự truyện.
 
Sau đó bà còn viết:
 

– The Hundred Secret Senses (Những linh cảm bí ẩn, 1995)
 
– The Bonesetter’s Daughter (Con gái thầy lang, 2000)
 

Hai truyện thiếu nhi:
 

– The Moon Lady (Chị Hằng, 1992)
 
– The Chinese Siamese Cat (Mèo xiêm Trung Quốc, 1994)

 
Tác phẩm của bà đã được dịch nhiều ở Việt Nam.
 

 

Mời các bạn đón đọc Phu Nhân Táo Quân của tác giả Amy Tan.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.