Phút 89 – Lê Công Vinh & Trần Minh

MỘT CUỐN TỰ TRUYỆN, VÀ NHIỀU HƠN THẾ

Có một đoạn trong cuốn sách này khiến tôi dừng lại suy nghĩ. Đấy là khi Công Vinh nhận ra rằng “cuộc sống đời thực và trên mạng có khoảng cách rất lớn”. Trên mạng, Công Vinh chịu nhiều áp lực của dư luận. Nhưng ra đường, ai gặp cũng tươi cười và xin chụp hình chung.

Một chi tiết nhỏ. Nhưng chuyện cá nhân của Vinh như thể phản ánh tinh thần của cả một giai đoạn xã hội. Sống bao năm trong nghề truyền thông, tôi hiểu được rằng giữa “dư luận mạng” và cuộc đời khác nhau như thế nào, và luôn day dứt về sự đối lập đôi khi đầy tiêu cực ấy.




Và rồi tôi nghĩ, cũng phải, nếu chuyện của Công Vinh mà không phản ánh bức tranh xã hội thì còn ai?

Sau rốt, tôi nhận ra, trong cuốn sách này có rất nhiều phần đời của người Việt Nam.

Nó có câu chuyện của một cậu bé nông thôn. Cậu nghèo và có một mơ ước. Bao nhiêu người trong chúng ta, ở những thập kỷ đã qua, từng mang tâm trạng của những cậu bé nghèo mang trong mình một mơ ước?




Nó có câu chuyện của một chàng thanh niên đối mặt với những mâu thuẫn giá trị trong cuộc đời. Đồng tiền. Danh vọng. Những ngã ba của lương tri. Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng là một thanh niên đứng đó, trước những ngã ba của cuộc đời, tự hỏi “Tôi là ai?” khi phải gạt tay vào xi-nhan giá trị sống để lựa chọn?

Nó có câu chuyện của những tiếng đồng thanh từ miệng lưỡi người đời. Bạn sẽ bảo rằng chẳng có quyển hồi ký nào của người nổi tiếng mà không có yếu tố miệng đời. Nhưng ở Việt Nam, cái yếu tố ấy rất khác: Những lời thị phi sẽ dai dẳng, chúng ngấm vào da thịt con người như là mồ hôi của chính anh sau cơn cảm lạnh bỗng khô đi, khiến anh đau yếu triền miên. Ai trải qua thứ ấy rồi, trong chúng ta?

Nó có câu chuyện của những trận cầu. Bóng đá ở xứ sở này là một điều thiêng liêng: Không có nhiều cơ hội để người ta thăng hoa trong một xã hội đề cao sự sắp đặt và chỉ huy. Hiếm đến mức rất ít người không biết ai đã đánh đầu vào lưới Thái Lan trong trận chung kết AFF Cup 2008. Chẳng mấy khi có một sự thăng hoa khiến người ta bật khóc.




Và hơn hết, trong cuốn sách này, có một phần rất quan trọng dành cho tình yêu. Cho một người phụ nữ – mà ngày thường hiện lên trên truyền thông với tất cả sự lộng lẫy cần thiết của một nghệ sĩ. Nhưng ở đây, người phụ nữ ấy qua con mắt của người đàn ông lại hiện thân cho tình yêu chất phác, cho một thứ “hậu phương” nền nã nào đó trong tâm thức của người Á Đông. Bản thân người phụ nữ ấy thoạt nhìn cũng giống một ước mơ.

Trong cuốn sách này, không phải là đời của một cá nhân tên Vinh, mà tôi nhìn thấy ở đấy phần đời của rất nhiều con người.

Những câu chuyện trong sách được kể bằng một giọng văn thản nhiên, không phải vì chúng không buồn, không đau, không hưng phấn; mà dường như vì người viết ý thức được rằng trong câu chuyện ấy có bao nhiêu nét nghĩa, thì người Việt Nam đều hiểu hết. Không cần diễn giải thêm về cái nghèo, về khát vọng, về đồng tiền và miệng lưỡi thế gian với độc giả ở xứ này nữa.




Dù sao, thì chính chúng ta đã tạo nên Lê Công Vinh.

Đinh Đức Hoàng

(Nhà báo, VNExpress)




***

Phút cuối cùng của trận chung kết lượt về AFF Cup 2008, tôi kiếm được một quả đá phạt chếch bên cánh trái. Tỉ số chung cuộc đang là 2-2, và trận đấu sẽ trôi vào hai hiệp phụ sau tình huống ấy. Bốn vạn khán giả ở Mỹ Ðình im lặng như tờ, tôi thậm chí nghe được tiếng thở của gã hậu vệ theo kèm mình. Lúc đó tôi nào biết đấy sẽ là pha bóng làm thay đổi lịch sử bóng đá Việt Nam và số phận tôi mãi mãi.

Nhưng khoan đã. Hãy cùng trở lại với một ngày trước đó. Sau khi trở về từ chiến thắng 2-1 ở trận lượt đi tại Thái Lan, thay vì vui mừng thì chúng tôi lại cực kỳ âu lo. Một bầu không khí căng thẳng bao trùm toàn đội. Chiến thuật đánh úp của Henrique Calisto đã thành công mỹ mãn ở Rajamangala, Bangkok. Nhưng người Thái đang nổi giận. Và họ sẽ đến Việt Nam với mục tiêu duy nhất là lấy lại thể diện của một gã khổng lồ khu vực. Chuột nhân lúc mèo thiếu cảnh giác đã đeo chuông vào cổ nó. Nhưng giờ con mèo đã thức giấc, và nó đi tìm con chuột to gan.




Mấy ngày trước trận lượt về, sự tự tin thường trực trên gương mặt Henrique Calisto biến mất. Từ sau lượt đi, Calisto đã không tài nào ngủ được. Chưa bao giờ tôi thấy ông hút thuốc nhiều như vậy. Bình thường, Calisto luôn giấu nỗi ưu tư cho riêng mình, để các cầu thủ tự tin vào sân. Nhưng những ngày ấy, Calisto không giấu nổi…

Nhìn ông thầy của mình như thế, các cầu thủ bất giác cũng sợ theo. Thái Lan vẫn là gã khổng lồ, một kẻ đã ba lần vô địch AFF Cup, một “đại ca” của khu vực, sẽ đến Việt Nam với một mục tiêu không thể rõ ràng hơn: lấy Cúp. Còn chúng tôi, đến hòa có lẽ cũng không dám nghĩ đến.

Khách sạn La Thành tràn ngập những bước chân đăm chiêu của Calisto. Ông vừa đi vừa rít thuốc, điếu này vừa dứt, điếu khác đã châm ngay. Chốc chốc ông đứng lại, suy nghĩ, rồi thở dài, cứ như một nhất đại tôn sư trong truyện kiếm hiệp đang vắt óc để suy nghĩ ra một chiêu thức võ công mới.




Chưa bao giờ Calisto cấm cầu thủ ra ngoài. Nhưng lần đầu tiên từ khi sang Việt Nam, ông dùng đến thiết quân lệnh. Chưa bao giờ chúng tôi thấy ông căng thẳng như vậy. Calisto biết bóng đá Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử mà có lẽ sẽ rất lâu nữa mới diễn ra. Và để chinh phục cột mốc này, các cầu thủ Việt Nam phải đá một trận để đời, mà trước tiên, Calisto phải có một đấu pháp để đời.

Rồi ngày chung kết cũng diễn ra. Tôi vào sân và nói với chính mình: “Nếu có chết, tôi phải chết trên sân, phải chết ngoài kia. Cả dân tộc đang chờ mình. Cả nước đang sôi sục”.

Áp lực tuy vô hình, nhưng lại có sức nặng ngàn cân.




Trước khi bước vào trận đấu, ông phát cho mỗi người một lá cờ Tổ quốc, để bỏ vào tất chân (miền Nam gọi là vớ). “Hãy chiến đấu vì lá cờ này, vì có thể chúng ta sẽ không có cơ hội thứ hai”, ông nói.

Đôi chân chúng tôi rất nặng. Thái Lan quả nhiên đã tràn lên ngay từ đầu. Và chỉ mất có 21 phút, họ có bàn mở tỉ số do công của Teerasil Dangda. Lúc này, giải đã không còn tính luật bàn thắng sân khách sân nhà nữa. Nếu tỉ số này giữ nguyên, hai đội sẽ đá hiệp phụ.

Không hiểu sao hôm ấy tôi như có một sức mạnh vô hình, càng đá càng khỏe. Và Calisto cũng đã có dàn xếp riêng cho tôi, sau mấy đêm liền không ngủ. Biết hậu vệ phải Sukha tấn công rất hay, Calisto mang tôi ra hẳn cánh trái, thay vì đá ở trung lộ như quen thuộc. Calisto nói với tôi: “Đừng về, có sốt ruột mấy cũng đứng yên đó”.




Sơ đồ 4-2-3-1 được chuyển hẳn thành 4-3-3. Ông hy sinh tiền đạo tốt nhất để triệt tiêu hậu vệ tốt nhất của đối thủ.

Quả nhiên chiến lược này phát huy tác dụng. Sukha thấy tôi đứng đó, nên cả trận gần như không dám tiến lên. Thế là Thái Lan mất cánh mạnh nhất. Thế trận không đến nỗi quá tệ, dù Thái Lan vẫn chủ động hoàn toàn. Mấy đêm không ngủ của Calisto quả đã phát huy thành quả.

Rồi những khi có bóng, tôi dốc bóng trực diện vào Sukha, xem như không biết đối phương là ai. Và từ một pha dốc bóng như thế, chính Sukha đã phải phạm lỗi vào phút bù giờ thứ hai của hiệp 2. Đấy là tình huống quyết định của trận đấu.




Minh Phương đá phạt. Theo bài, tôi luôn cắt cột trước, lôi kéo các cầu thủ di chuyển theo và để lộ ra khoảng trống ở cột xa. Không ngờ Minh Phương đá quả bóng quá nhẹ, nó bay vào chỗ tôi. Tôi lao đến chiếm chỗ thì bị trung vệ theo kèm đẩy tôi một chút và mất thăng bằng. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ: “Phút cuối rồi, phải chạm đầu vào bóng đã”. Một là bị gôn chụp lại, không thì ai nối được thì nối.

Bóng chạm đầu tôi, rồi bay vào góc thượng.

Bạn có bao giờ đứng giữa một sân vận động bốn vạn khán giả mà không nghe thấy một thanh âm nào không? Từ lúc bóng rời chân Minh Phương đến đầu tôi, tôi không nghe gì cả. Nó giống như là sự bình lặng ngắn ngủi trước một cơn giông. Và rồi tôi nghe thấy, cả sân rung lên trong sự vỡ òa. Việt Nam lần đầu tiên vô địch Đông Nam Á, và tôi là người ghi bàn quyết định. Đời một cầu thủ, còn mơ ước gì hơn thế?




Tôi biết bạn rất muốn nghe điều này, nên tôi xin xác nhận: Bàn thắng ấy với tôi là MAY MẮN. Tôi đã gặp may, khi quả bóng… tự tìm đến mình, theo cái kiểu “đứa nào đá bóng trúng đầu tao” mà các bạn vẫn hay tếu táo. Nhưng tôi cả quyết điều này: May mắn chỉ đến với những ai đã làm tất cả để đón nhận nó.

Khi chạy lao đi, với chiếc áo thi đấu vung trên tay như điên, tôi như mang theo cả tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của miền quê Nghệ An phải chơi bóng với đứa bạn câm điếc. Tuổi thơ của trò bóng lưới mà tôi đã thuần thục từ năm 15 tuổi. Bóng lưới là trò chơi ưa thích của đám nhóc ở đội trẻ, căn lưới bóng chuyền ra rồi dùng đầu, gối và vai đưa sang sân bên kia, không cho bóng chạm đất. Tôi đã đánh đầu hàng nghìn, hàng vạn lần trong những năm tháng ấy, đánh đầu cho bóng sang trái, sang phải, cố sượt thật nhẹ để… bỏ nhỏ. Nhờ vậy, nó cho tôi cảm giác bóng cực tốt mà khó ai có được. Tôi gọi nó là KHỔ LUYỆN.

Người ta có khi chỉ nhìn thấy vận may, mà quên mất một con người đã vất vả thế nào trước khi chớp lấy vận may ấy. Với cá nhân tôi, sự khổ luyện và vận may vẫn song hành, từ ngày tôi vào SLNA. Và cú đánh đầu ấy gói ghém bao nhiêu năm đã qua, cũng như gói ghém toàn bộ sự nghiệp chuyên nghiệp của mình. Đó là bao giọt mồ hôi trên sân tập, kể cả khi đồng đội tôi đã ngủ. Đó là những chiếc giày đập bôm bốp vào đầu để tự trách mình vì bỏ qua những cơ hội. Là những đêm không ngủ và những tìm tòi không biết mệt mỏi về cách để đưa quả bóng vào lưới sao cho đơn giản nhất. Thế nên khi thấy một người may mắn, hãy mừng cho họ. Vì hãy tin tôi đi, may mắn rất biết cách chọn người để ghé thăm.




Chỉ có điều với riêng cá nhân tôi, may mắn rất hay ghé thăm vào phút chót, theo những cơ duyên vô cùng kỳ diệu. Và mời bạn cùng tôi đi lại từ đầu, đi qua những kỷ niệm với quyển tự truyện này.

LÊ CÔNG VINH

  1. Hồ Chí Minh, 1/12/2017

Mời các bạn đón đọc Phút 89 của tác giả Lê Công Vinh & Trần Minh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *