Xin ngài cho tôi được hân hạnh hầu việc ngài, chẳng may có phiền ngài không? Chỉ lo ngài không sao tỏ cho tên người ngợm khả kính làm chủ tế vận mạng tửu điếm này hiểu được ý mình. Bởi chưng y chỉ thông độc có tiếng Hòa-lan thôi. Trừ phi tôi được phép biện hộ hầu ngài, y không tài nào đoán được ngài muốn gọi rượu đỗ tùng[1]. Nhưng kìa, dám mong y cũng đà gạn hiểu; y gật đầu, chứng tỏ rằng y đà chiều nể lòng tôi. Y đi lấy rượu kia rồi, vâng, ngài cứ trông mà xem, y vội vã trong một dáng điệu thung dung điều độ. Ngài quả có diễm phước, không bị y gầm gừ trong họng. Không ưng hầu rượu ai, chỉ mỗi một tiếng gầm gừ trong họng y là đủ: chẳng mạng nào còn dám hó hé. Được làm vương làm tướng khí sắc của mình, quả là thứ đặc thù của loài vật hùng mạnh. Nhưng, dám xin ngài cho tôi được cáo từ, rất mực hân hạnh được hầu giúp ngài. Muôn vàn đội ơn ngài, thật tình giá dụ cầm bằng không phiền rộn ngài thì hẳn là tôi xin nhận. Ngài tốt bụng quá. Vậy xin ngài cho phép tôi được đặt ly rượu này cạnh sát ly ngài.
Ngài nói chí lý, cái lối lặng thinh im ỉm của y quả là inh ỏi chối tai. Chẳng khác nào bầu khí im lìm trong những khu rừng nguyên thủy, ứ đầy âm thanh cho tới độ tràn bờ. Tôi nhiều khi cũng lấy làm ngạc nhiên nhận thấy ông bạn tẩm ngẩm tầm ngầm của chúng ta kia cứ một mực không chịu làm thân với các thứ ngôn ngữ văn minh. Dẫu sao, cái nghề của y cũng bắt y phải chiêu đãi dân thủy thủ đủ hết mọi quốc tịch trong tửu điếm ở Amsterdam này[2], mà chẳng hiểu tại sao y lại gọi nó là Mexico-City[3] nữa. Với những công việc phải làm loại đó, e rằng dốt ngoại ngữ như y, ngài không nghĩ là cũng khí bất tiện sao? Ngài cứ hãy mường tượng tình cảnh con người Cro-Magnon[4] trú ngụ ở tháp Babel[5] mà xem! Ít nữa thì y cũng lạ nước lạ người mà lòng dạ không yên. Mà không, tên này chẳng hề cảm thấy lẻ loi cô lập, vẫn cứ phớt tỉnh như không và bản sắc chẳng bị lung lay rạn nứt chút nào. Trong số câu rất hiếm, nghe được từ cửa miệng y thốt ra, có một câu dõng dạc bảo rằng là lấy, hay không lấy thì thôi. Nhưng mà lấy, hay không lấy vật gì kia chớ? Ắt hẳn là chính ông bạn của chúng ta. Tôi phải thú nhận cùng ngài một điều, tôi vốn dễ bị mê hoặc bởi loại người lòng dạ thẳng tuột như vậy. Khi đã có suy luận ít nhiều về con người, vì nghề nghiệp hay vì chí hướng, có lúc người ta bỗng dưng nhớ đến loài linh trưởng[6]. Loài này, riêng nó, không hề có thâm ý sau lưng.
Albert Camus sinh ngày 7 tháng 11 năm 1913 tại Mondovi, một làng ở Constantinois, gần Bône, Algérie. Cha ông, Lucien Camus, một công nhân sản xuất rượu nho vùng Mondovi cho một thương gia thành phố Alger. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Lucien Camus bị động viên vào tháng 9 năm 1914, bị thương trong trận chiến Marne và chết tại bệnh viện quân y Saint-Brieuc ngày 17 tháng 10 năm 1914. Về cha mình, Abert chỉ biết qua một bức ảnh duy nhất còn để lại.
Albert đến Paris làm biên tập cho tờ Paris-Soir. Năm 1942, ông phát hành cuốn tiểu thuyết L’Étranger (Người xa lạ) và tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe), trong đó ông đã trình bày những tư tưởng triết học của mình. Sisyphe là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị trừng phạt phải lăn một hòn đá lớn lên núi dốc, khi đến đỉnh hòn đá lại rơi trở xuống chân dốc, cứ thế Sisyphe tiếp tục lăn lên rồi rơi xuống theo một chu kỳ vĩnh cửu. Theo hệ sự phân loại của riêng Albert, các tác phẩm đó thuộc “thời kỳ phi lý” (cycle de l’absurde), cùng với các vở kịch Le Malentendu (Ngộ nhận, 1944) và Caligula (1945). Năm 1943, ông làm việc cho nhà xuất bản Gallimard rồi làm chủ biên tập báo Combat, cũng trong năm này ông gặp và làm quen với Jean-Paul Sartre. Những tác phẩm tiếp theo của Camus thuộc “thời kỳ nổi loạn” (cycle de la révolte), trong đó nổi tiếng hơn cả phải kể đến La Peste (Dịch hạch, 1947), kế đến L’État de siège (1948), Les Justes (1949) và L’Homme révolté (Người nổi loạn, 1951). Trong quyển tiểu luận triết học Người nổi loạn, ông đã trình bày tất cả các hình thức nổi loạn (siêu hình, chính trị và nghệ thuật…) qua mọi thời đại. Ông miêu tả con người cảm nhận sâu sắc sự phi lý của cuộc sống, luôn muốn nổi dậy, chống lại nỗi khốn khổ của kiếp người, nhưng cuối cùng vẫn không có lối thoát, mọi cố gắng đều hoàn toàn vô ích.
Tình bạn giữa Albert Camus và Jean-Paul Sartre rạn nứt vào năm 1952, sau khi trên tạp chí Les Temps modernes của Sartre, Henri Jeanson đã chê trách sự nổi loạn của Camus là “có suy tính”. Năm 1956, tại Alger, Albert công bố “Appel pour la trêve civile”. Cũng trong năm đó, cuốn La Chute, tác phẩm quan trọng cuối cùng của Albert Camus được xuất bản.
Ngày 4 tháng 1 năm 1960, tại Petit-Villeblevin vùng Yonne, Albert Camus mất trong một tai nạn giao thông. Trên chiếc xe Facel Véga khi đó còn có một người bạn của ông Michel Gallimard và người cháu Gaston.
Albert Camus được chôn cất ở Lourmarin, vùng Vaucluse, nơi ông đã mua một căn nhà trước đó.
Mời các bạn đón đọc Sa Đọa của tác giả Albert Camus.
Chia sẻ ý kiến của bạn