Cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai do phát xít Đức gây ra đã gieo một thảm họa lớn cho nhân loại. Mặc dù chúng đã bị trừng phạt và chịu những thất bại thảm hại, song những tội ác đẫm máu do chúng gây nên sẽ vĩnh viễn đọng lại trong ký ức loài người.
Để gây ra cuộc chiến tranh tàn bạo đó, bọn phát xít đã huy động toàn bộ khả năng vật chất và tinh thần của nước Đức, lập ra bộ máy chiến tranh khổng lồ hòng đè bẹp và dập tắt mọi cuộc chiến đấu tự vệ để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia của nhân dân các nước bị chúng thôn tính và nô dịch. Một trong những công cụ đắc lực phục vụ cho mưu đồ bá chủ hoàn cầu của Hít-le là cơ quan mật vụ Đức và trong số những tên đầu sỏ chỉ huy cơ quan mật vụ này có tên tướng Sê-len-béc.
Sê-len-béc sinh ra vừa trong bốn tuổi thì cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ.
Chiến tranh và những cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế-xã hội diễn ra sau này ở nước Đức bại trận đã tác động mạnh mẽ đến cuộc sống vật chất, tư tưởng của gia đình Sê-len-béc cũng như chính bản thân y.
Khi Hít-le lên nắm chính quyền, thành lập chế độ quốc xa thì Sê-len-béc cũng đến tuổi trưởng thành. Y đã tự nguyện trở thành Cục trưởng Cục tình báo chính trị. Y được những tên trùm phát xít như Hít-le, Hây-drich, Him-le hết sức tin cẩn, giao cho nhiều trọng trách, thực hiện nhiều nhiệm vụ bí mật. Y trở thành nhân vật quan trọng trong bộ máy điều khiển cuộc chiến tranh xâm lược.
Ở cương vị chóp bu của cơ quan mật vụ, Sê-len-béc biết rất nhiều và rất rõ những ý đồ của bọn trùm phát xít trong hoạt động chia rẽ làm suy yếu sức mạnh, gây thiệt hại lớn cho các nước thuộc khối đồng minh chống phát xít. Y đã đề ra các âm mưu và hoạt động tội ác như việc dùng một số phần tử đầu hàng, phản bội trong tù binh Ba Lan tiến công quân Đức để tạo cớ xâm lược Ba Lan. Ngay từ những ngày đầu ào ạt tiến công vào một số nước Châu Âu, y đã cùng bọn trùm phát xít tính toán âm mưu liên hết với Anh, Mỹ, Pháp, thực hiện kế hoạch lâu dài chống Cộng sản mà mũi nhọn là công kích và tiêu diệt Liên Xô.
Sê-len-béc, một phần tử phát xít đã tỏ ra rất mực trung thành với bọn trùm quốc xã. Y xông xáo, thực hiện nhiều kế hoạch táo bạo, tổ chức và chỉ huy các màng lưới điệp viên của Đức ở nhiều nước, lôi kéo một số chính phủ vào quỹ đạo “trung lập” với phe đồng mình hoặc giúp Đức chống Liên Xô.
Không chỉ điều hành riêng màng lưới điệp viên Đức, y còn sử dụng bọn cảnh sát, mật vụ của các chính phủ bù nhìn do phát xít Đức lập nên ở những vùng chúng chiếm đóng. Y còn tổ chức trao đổi tin tình báo giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ để chống Liên Xô, dùng địa bàn một số nước để đặt các trạm chuyển tin, thu tin phục vụ cho việc nắm tình hình của cơ quan mật vụ. Hoạt động của mật vụ Đức trải ra một địa bàn khá rộng từ các nước Trung Âu qua Tây Âu, từ Thuỵ Sĩ qua Ý, Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Y cũng đóng góp một cách tích cực vào kế hoạch lập một châu Âu mới-thực chất là một châu Âu nằm trong vòng tay phát xít, phụ thuộc vào nước Đức quốc xã. Chính y đã đưa ra nhiều chủ trương và trực tiếp tiếp hành nhiều cuộc cải tổ về tổ chức, kể cả tổ chức tình báo có tính chất quốc tế, tận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động tình báo nhằm tăng cường hiệu lực của cơ quan mật vụ Đức.
Vì hoạt động có tính chất đặc biệt nguy hiểm, nên tội ác của Se-len-béc không phải là trực tiếp đầu độc, ám sát, giết người cướp của, đốt nhà thông thường mà với cương vị của mình, y là tên tham mưu đắc lực cho bọn chỉ huy phát xít đề ra các chủ trương đẩy mạnh, mở rộng và kéo dài cuộc chiến tranh tàn sát nhân loại với những tội ác vô cùng ghê tởm. Vì vậy, chính y cũng là tên tội phạm chiến tranh đầu sỏ!
Sau khi phát xít Đức bị Đồng minh-mà chủ yếu là Liên Xô đánh cho tan tác và buộc phải đầu hàng không điều kiện, Hít-le đã tự sát còn Sê-len-béc đã bị bắt và phải thú nhận những tội lỗi do y và đồng bọn gây nên.
Trong hồi ký của Sê-len-béc cũng nêu ra một số bất đồng trong nội bộ giới cầm quyền phát xít, tranh giành nhau ảnh hưởng và địa vị, nói lên một phần những cá tính điển hình của Hít-le, Gơ-rinh, Him-le, Hây-drich, Muy-le, đưa ra những sự kiện làm bằng chứng để phân tích, nhận xét theo cách nhìn của y.
Chúng tôi lưu ý các bạn khi đọc cuốn sách này do Sê-len-béc là một tên tội phạm chiến tranh có lập trường quan điểm rất phản động nên trong quá trình nhận tội và sau đó viết sách y không thể và không dám phản ánh hết sự thực, có những việc y có thể thêm bớt, thổi phồng hay bóp méo, xuyên tạc, y cũng có thể đề cao cá nhân, tỏ ra là một con người “nhân đạo” luôn thương yêu che chở đồng bọn khi bị Hít-le xử phạt, cứu những người Do Thái bị bắt, kể lể về thắng lợi của mật vụ Đức do chính y chỉ đạo đối với tình báo Liên Xô, về sự tích cực không mệt mỏi không quản nguy hiểm của y mong cứu nước Đức quốc xã khỏi bại trận. Cũng chính vì thế trong quá trình biên tập sách này, chúng tôi đã bỏ đi một số câu, đoạn xét không cần thiết.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng phát xít (1945-1985), cho tái bản cuốn sách “Tên trùm mật vụ phát xít Đức thú nhận” (Tên sách do Nhà xuất bản đặt) do chính Sê-len-béc viết bằng tiếng Đức, được dịch qua bản tiếng Pháp, chúng tôi muốn cung cấp đến bạn đọc một tài liệu tham khảo về hoạt động của một tổ chức tình báo khét tiếng tàn ác và nham hiểm của phát xít Đức trong đại chiến thế giới lần thứ hai, qua đó mà khẳng định thêm tội ác, nâng cao ý chí căm thù với những kẻ chỉ vì mưu đồ bá chủ hoàn cầu ngông cuồng ích kỷ đã đưa thế giới vào vực thẳm chiến tranh, tàn sát nhân loại.
Chủ nghĩa phát xít tuy đã thất bại thảm hại, nhưng vẫn còn kẻ đang tiếp tục lao theo vết xe đổ của Hít-le, Mút-sô-li-ni, tiếp tục thực hiện mưu đồ bành trướng bá quyền hoặc luôn muốn đóng vai sen đầm quốc tế. Đó là đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế đang tiếp tục quấy rối, âm mưu gây bạo loạn và lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa. Đó là bọn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh ngày càng câu kết chặt chẽ với đế quốc Mỹ đang ráo riết tiến hành kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống phá cách mạng Việt Nam, cách mạng ba nước Đông Dương.
Vì vậy tiếp tục nâng cao cảnh giác, đấu tranh kiên quyết và bền bỉ với các hoạt động gián điệp, chiến tranh tâm lý, chống chiến tranh phá hoại nhiều mựt, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế nhất là đối với hai nước Campuchia và Lào anh em.
Nhà xuất bản Công An Nhân Dân
Tôi sinh năm 1910 vào lứa tuổi đã có thể biết được những nỗi kinh hoàng xảy ra trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Gia đình tôi sống ở vùng Sa-rơ Brúc cho đến năm tôi lên 7 tuổi. Ở đây lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là bị máy bay oanh tạc. Đó là lúc máy bay Pháp tới ném bom thành phố. Mùa đông năm ấy thật khắc nghiệt: đói, rét và sự nghèo khó cho đến nay vẫn hằn sâu trong trí óc tôi.
Năm 1918, nước Đức thua trận. Quân Pháp chiếm đóng hạt Sa-rơ. Lúc đó cha tôi làm nghề đóng đàn dương cầm, gia đình lúc này lâm vào cảnh túng thiếu, cuộc sống hết sức cực nhọc. Tình trạng đó kéo dài cho đến năm 1923. Vì quá khốn quẫn, cha tôi phải chuyển cả gia đình sang Luxembourg, nơi có chi nhánh bán đàn của cha tôi.
Tuy còn bé nhưng sớm được tiếp xúc với thế giới bên ngoài-ở bên kia biên giới Đức-tôi có điều kiện tìm hiểu các nước phương Tấy, nhất là người Pháp và xứ sở của họ.
Sống trong một gia đình đông con, tôi và sáu anh chị được mẹ chăm sóc và giáo dục theo đạo Thiên Chúa. Ngay từ buổi đầu, ảnh hưởng của sự giáo dục đã tác động mạnh đến bản thân tôi, mặt khác do nghề nghiệp, cha tôi lại có những quan điểm triết lý hết sức phóng túng, ảnh hưởng phần nào đến sự suy nghĩ của tôi sau này.
Học xong trung học, tôi xin vào trường Cải huấn nền thể dục thực hành để chuẩn bị thi vào Đại học Tổng hợp: một trường có bộ môn ngôn ngữ gắn chặt với khoa học xã hội. Ở đây, giáo sư sử học là người đã có tác động đáng kể đến quá trình phát triển nhận thức của tôi. Ông đã vạch cho tôi thấy những luồng tư tưởng và nền văn hóa nảy sinh trong thời kỳ Phục hưng. Mối quan hệ giữa các quốc gia và dân tộc, những luồng tư tưởng, và nên kinh tề lúc đó làm tôi hết sức say mê, thích thú.
Nơi gia đình tôi ở nằm giữa hạt Sa-rơ nước Luxembourg, địa thế đó cũng góp phần làm cho tôi quan tâm hơn đến những vấn đề trên, nhất là đường lối chính sách đối ngoại. Mùa hè năm 1929, tôi vào trường Đại học Bonn. Hai năm đầu tôi học ngành y, sau đó theo lời khuyên của cha tôi, hơn nữa cùng với sở thích của bản thân, tôi xin chuyển sang học luật, một ngành sau này sẽ giúp tôi có những cơ sở kiến thức vững chắc trong cả lĩnh vực thương mại cũng như trong công tác của các quan đối ngoại.
Thật ra, lúc đầu tôi định gia nhập hội sinh viên đạo Thiên Chúa nhưng do cha tôi gợi ý, tôi lại nộp đơn vào một trong những tổ chức mà hội viên của nó chỉ dựa vào sức mạnh để hành động theo một luật lệ danh dự.
Lúc này, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến nước Đức. Sự khốn đốn cùng cực đã đến với mọi gia đình. Do nguồn tài chính của gia đình ngày càng trở nên bấp bênh buộc tôi phải xin trợ cấp của chính phủ để tiếp tục theo học. Tốt nghiệp rồi mà tình hình kinh tế gia đình không sáng sủa hơn bao nhiêu. Các sinh viên ở Đức, ở Anh và Pháp… đều phải qua thời kỳ tập sự trước khi có thể kiếm được việc làm chắc chắn. Nhà nước còn phải cấp học bổng cho các sinh viên này vì vậy tôi vẫn được hưởng một định xuất.
Mùa xuân năm 1933, Hitler lên cầm quyền. Để dễ nhận được một khoản trợ cấp, luật sư đỡ đầu khuyên tôi nên gia nhập Đảng Quốc xã hoặc một tổ chức nào đó của đảng như cơ quan SA hoặc SS. Khi còn ở trường Đại học Tổng hợp, tôi ít quan tâm đến các vấn đề chính trị hoặc thời sự, nhưng không phải không biết đến tình hình nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng xã hội. Chỉ riêng ở Đức đã có tới sáu triệu người thất nghiệp mà cũng chẳng thấy có sự viện trợ giúp đỡ nào của nước ngoài cho những người dân của chế độ cộng hoà Vây-ma.
Sau khi Đảng Quốc xã lên cầm quyền, theo kinh nghiệm của nhiều nước khác mọi người đều cho rằng nhờ động lực của chế độ mới, đảng này có thể giải quyết được những tồn tại của nước Đức. Do kinh tế gia đình gặp khó khăn, tôi buộc phải xin gia nhập Đảng Quốc xã. Thật ra, khó có thể khẳng định rằng việc tôi quyết định như vậy là đã làm trái với lòng mình.
Lẽ dĩ nhiên, muốn làm giảm được những bất công, những tệ nạn xã hội trong số các quốc gia bị ràng buộc bởi hiệp ước Versailles thì phải có một cương lĩnh cứng rắn làm cho đất nước có một nền pháp chế công bằng và chính trực. Đó là điều hết sức cần thiết.
Tôi cảm thấy hình như nước Đức đã giành được quyền lợi này cho nhân dân, điều mà nước Pháp phải đấu tranh liên tục và lâu dài mới có.
Mời các bạn đón đọc Tên Trùm Mật Vụ Phát Xít Đức Thú Nhận của tác giả Sêlenbéc.
Leave a Reply