Cuốn sách “Hoa cảnh ứng dụng trong phong thủy” của tác giả Nguyễn Kim Dân biên soạn sẽ giúp chúng ta các câu hỏi đáp về việc trồng loại hoa nào, cây cảnh nào, bố trí và sắp xếp như thế nào để hợp với phong thủy, hòa hợp về âm dương, ngũ hành, sinh tài, sinh lộc…
Có thể nói vạn vật trong thiên địa chia thành âm dương, hoa cảnh cũng tuân theo quy luật bất biến này; hoặc sinh hoặc diệt, hoặc vô quả hoặc tử vong. Nếu đặt các loài hoa cảnh thích ánh sáng mặt trời ở môi trường ẩm thấp chúng sẽ ốm yếu, không nở hoa, không ra quả hoặc chết. Hoa lan trắng, hoa hồng, nhài, hoa mai, mẫu đơn và hoa thược dược đều thuộc loài hoa cảnh thích ánh sáng mặt trời, nếu bạn đặt chúng ở môi trường ẩm thấp, chúng sẽ sinh trưởng kém hoặc không ra hoa, đỗ quyên và cúc cũng là hoa thích ánh sáng mặt trời; loại hoa này phải được đặt dưới ánh sáng mặt trời và phải có 1800 lux (đơn vị của ánh sáng) độ chiếu sáng mới có thể ra hoa bình thường. Nếu không, dù cho bạn có chăm chỉ tưới nước và bón phân thì cũng vô ích.
Với các loại hoa cảnh trung tính như hoa loa kèn, hoa trà, hoa quế, dạ hợp và hàm tiếu thì không cần đến 1000 lux độ chiếu sáng, cũng không cần ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào vẫn nở hoa bình thường.
Trong đó, hoa trà và hoa quế cần phải trong dương có âm, còn hoa dạ hợp, hàm tiếu và hoa loa kèn thì cần trong âm có dương. Còn với loài hoa cảnh thuộc âm tính như văn trúc, trúc đuôi rùa, vạn niên thanh, lục mộng, bồng lai tùng, sắc Ba Tư thì chỉ cần 100 lux hoặc vài chục lux độ chiếu sáng là có thể sinh trưởng bình thường, loài hoa này khá thích hợp cho việc đặt lâu dài trong nhà.
– Từ đó, có thể thấy hoa cảnh cũng phân âm dương, nếu làm trái ngược, sinh vật trường sẽ bị phá hoại, mất đi sự cân bằng và xuất hiện hung tướng. Các loài hoa cảnh ra hoa kết trái thích được trồng chung với cây khác giới, không nên trồng cây đồng giới chung với nhau hoặc trồng cây đơn lẻ vì “cô âm bất trưởng, độc dương bất sinh”.
Như cây hoa bạch quả phải trồng cây đực và cây cái chung với nhau mới có kết quả được. Cây táo nếu trồng đơn lẻ sản lượng sẽ giảm, điều này những người trồng cây ăn quả đều biết. Lan quân tử, được người ta gọi là “quân tử” ở chỗ không “loạn luân”, không gây sự chú ý bằng màu sắc dung tục, 10 tháng kết hạt, giống như “mang thai 10 tháng” của con người vậy. Nếu nhất thời chăm sóc không kỹ, không tưới nước, nó cũng không khô héo, mà vẫn thoát tục, thanh tao, không hề có “tiểu nhân khí”, là kết quả của sự tiến hóa cao độ. Hệ thống của nó là đực và cái cùng thể, trên đài hoa sinh trưởng cả nhụy cái và nhụy đực, phấn hoa có thể tự thụ phấn, cũng có thể thụ phấn khác cây. Với các hoa tự thụ phấn sẽ không kết hạt (tự rụng xuống), chỉ có các nhụy đực thụ phấn khác cây mới kết hạt để duy trì sự tráng lệ của cây từ đời này sang đời khác.
Cho nên tiến hóa của cây lan quân tử chủ yếu đến từ thụ phấn khác hoa. Ví dụ, cây lương thực như bắp, các hạt của nó được sinh ra từ phối hợp âm dương, nên các hàng hạt đều là số chẵn, hoặc 14 hàng, hoặc 16 hàng, hoặc 18 hàng, tuyệt đối không có trường hợp sinh trưởng các hàng lẻ. Có thể thấy, thuộc tính âm dương của hoa cảnh tồn tại phổ biến.
Chia sẻ ý kiến của bạn