Tiểu thuyết “Những Kẻ Tủi Nhục” lấy khung cảnh là thành phố Peterburg, trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, văn hóa,… của nước Nga Sa hoàng. Dưới ngòi bút của tác giả, Peterburg không còn là những lâu đài tráng lệ, thành phố của những tượng đài và nhà bảo tàng nguy nga, của những ngựa xe như nước, những công hầu bá tước, trai thanh gái lịch, với những dạ hội và những buổi tiếp tân như trong “Chiến Tranh Và Hoà Bình” của L.Tônxtôi. Thế giới của Đốxtôiepxki là những tầng hầm tối tăm , ẩm thấp, những căn gác áp mái lạnh lẽo, là sương mù, mưa, tuyết với những con người khốn khổ cùng: ăn đói, mặc rách, ho lao, động kinh, những kẻ ma cô, đĩ điếm, ăn mày… Tóm lại đấy là một bức tranh đầy, phản ánh cái mâu thuẫn âm ỷ nhưng quyết liệt của một chế độ thối nát tập trung trong một thành phố khổng lồ mà nhân vật Ivan Petrovits gọi là “Dở điên, dở khùng”.

Một trong những nét hấp dẫn và làm nên đặc thù của Đốxt là tài phân tích, mổ xẻ tâm lý con người. Có thể nói, đây là sở trường đặc biệt và cũng là niềm hứng thú bất tận của Đốxt. Cũng như ở các tác phẩm khác, “Những Kẻ Tủi Nhục” có rất nhiều đoạn phân tích tâm lý hết sức sâu sắc, tinh tế, chứng tỏ một khả năng quan sát, suy ngẫm, một vốn sống phong phú, lịch lãm của một tài năng bậc thầy. Hứng thú này làm cho ngòi bút của ông có lúc sa đã thậm chí có chỗ lắp khép khiên cưỡng. Tuy nhiên, người đọc vẫn rất thú vị vì những nhận xét, mổ xẻ lòng người rất đỗi tinh vi và có sức khái quát cao, giúp cho ta khám phá sâu sắc thế giới nội tâm của chính mình mà nhiều lúc ta cũng không hiểu nổi. Từ những bối cảnh, những con người của một thời, tác phẩm của Đốxt đã vượt qua biên giới của không gian và thời gian để trường tồn cùng nhân loại.

***
Dos[1], như cách gọi thân mật tên Dostoevsky của bạn đọc Việt Nam, là một nhà văn thực sự vĩ đại của cả nhân loại, hơn thế nữa, không như những nhà văn vĩ đại khác mà tác phẩm chỉ có ý nghĩa lịch sử như những chứng nhân của một nền văn minh đã qua, Dos luôn luôn đồng hành cùng nhân loại, thậm chí càng ngày Dos càng trở nên vĩ đại hơn. Sức sống vượt thời gian đó của Dos tựa hồ như là do sự lựa chọn của số phận; cuộc đời Dos, cũng như cuộc đời của Jesus, đã chịu đựng tất cả những đau khổ điển hình của con người, và trí tuệ, tình cảm của ông lại được trang bị để cảm nhận và biểu hiện cuộc đời ấy đầy đủ và sinh động nhất với sức mạnh chín muồi của một cây bút mà lịch sử đã đặt vào tay ông.




Dos (1821–1881) bắt đầu cuộc đời sáng tác văn học vào quãng giữa thế kỷ XIX (tác phẩm đầu tay của Dos Những người nghèo khổ in năm 1845), lúc mà xã hội Nga đang có những biến chuyển mạnh mẽ – cái cũ đã suy thoái cùng cực, phơi bày tất cả mặt trái xấu xa và những mâu thuẫn không thể giải quyết nổi; cái mới đang manh nha, đang lần hồi định hướng – đó là một giai đoạn phức tạp và đau khổ trong lịch sử phát triển của xã hội Nga. Tuy nhiên “cùng tắc biến”, chính trong tột đỉnh đau thương và phức tạp ấy, những tư tưởng lớn lao sẽ ra đời, những nhân cách vĩ đại sẽ tự khẳng định. Đối với văn học cũng vậy: xã hội càng nhiễu nhương, văn chương – nếu vượt qua được ranh giới của thứ văn chương bồi bút – lại càng phong phú và có ích.

Dos thuộc số những nhà văn mang trong mình một nhà tư tưởng và một con người hành động – ông là nghệ sĩ và cũng là một chiến sĩ. Vì vậy, không chỉ viết văn, ông còn tham gia hoạt động chính trị, và hậu quả của việc này là cái án tử hình mà phải đến tận phút chót trước giờ hành quyết mới được giảm xuống thành khổ sai ở Xibir.

Sau bốn năm lưu đày, Dos tiếp tục bị sung vào quân dịch làm lính trơn, rồi sau đó bị cấm cả tự do cư trú lẫn sáng tác. Trong suốt cuộc đời của mình, Dos luôn luôn bị cuộc sống thúc bách, nợ nần như chúa chổm, phải viết văn như “một thứ ngựa trạm” để kiếm sống và trả nợ, sức khỏe kém sút, chứng động kinh luôn luôn hành hạ… Đó là hình ảnh xám xịt phủ lên toàn bộ cuộc đời nhà văn mà bạn đọc sẽ bắt gặp đó đây qua những nhân vật trí thức nghèo trong các tác phẩn của Dos, chẳng hạn Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt, và nhất là nhân vật Ivan Petrovich của cuốn sách này.




Chính vì phải sống một cuộc đời làm lũ ở giữa đám “thập loại chúng sinh” như vậy, cộng với một trái tim nhân hậu và một trí tuệ sâu sắc bẩm sinh, Dos đã trở thành lương tâm của những người “hạ đẳng”, nhà văn của những kẻ bị áp bức và sỉ nhục. Qua nhân vật Ivan Petrovich trong cuốn sách này, một nhân vật có rất nhiều nét gần gũi với đời riêng tác giả, ta thấy một nhân cách làm người, một phẩm chất nhà văn rất cao thượng: luôn luôn đồng cảm, yêu thương, xả thân vì những đồng loại bất hạnh đến mức quên mình. Trong cuộc đời tăm tối thuở ấy, nhân cách của ông, nghĩa cử của ông lóe lên như một tia sáng rực rỡ, ấm áp như một ngọn lửa mà đến trăm năm sau bạn đọc còn cảm nhận được giữa những trang sách. Đằng sau tất cả những tư tưởng và triết lý có những điều đúng đắn và sâu sắc, nhưng cũng có cả những sai lầm, thậm chí phản động, cái còn lại và làm nên chân dung đặc thù của Dos chính là tấm lòng ưu ái này của ông. Người ta kể rằng, trong đám tang của ông, những người đi đưa tang đã tự đeo những cái gông cổ, những cái còng tay, những dây xích tượng trưng… để nói lên phẩm chất của người quá cố là nhà văn của những người bị xích xiềng và chà đạp. Tác phẩm mà bạn đọc đang có trong tay là một chứng minh cụ thể cho những phẩm chất ấy của Dos.

Có thể nói, tiểu thuyết Những kẻ tủi nhục[2] tuy không phải là tác phẩm tiêu biểu về chiều sâu tư tưởng và độ chín của bút pháp của nhà văn, nhưng vẫn phản ánh rất đúng Dos về hai mặt: chủ đề và văn phong.

Nhà văn viết tác phẩm này năm 1861 (sau mười năm đi đày và lưu lạc vừa trở về Petersburg), và cho in lên ngay số đầu tiên của tờ tạp chí Thời Đại (Valkovskyrêmia) do ông và người anh trai chủ trương mà trong đó thực chất ông là linh hồn.




Sau những bước thăng trầm dữ dội, những khủng hoảng nghiêm trọng trong tư tưởng, thế giới quan của Dos chao đảo. Ông hoài nghi con đường cách mạng xã hội của những người cách mạng dân chủ và rơi vào những tư tưởng duy tâm: muốn kêu gọi sự thức tỉnh của lương tâm, dùng cái đẹp để cải tạo thế giới. Ông phát biểu chính kiến này trong loạt tác phẩm tiêu biểu ở giai đoạn cuối đời, như Tội ác và hình phạt, Lũ người quỉ ám, Thằng ngốc, Anh em nhà Karamazov

Tiểu thuyết Những kẻ tủi nhục nằm vào giữa giai đoạn giao thời này của Dos. Ở đây đã bắt đầu xuất hiện hệ tư tưởng mới của ông trong cách phân tích và giải quyết các tình huống và số phận nhân vật. Tuy nhiên, về cơ bản tác phẩm vẫn tiếp tục đi nốt con đường của những tác phẩm trước đây, mở đầu bằng Những người nghèo khổ. Chính vì lẽ đó, người đọc và giới phê bình Nga vẫn coi Những kẻ tủi nhục như tập tiếp theo trong loạt chủ đề của Những người nghèo khổ, vẫn chịu ảnh hưởng của Belinskij trong những tư tưởng cuối cùng mà Dobroljubov gọi là “khuynh hướng nhân đạo”.

Khung cảnh của câu chuyện là thành phố Petersburg, trung tâm chính trị, kinh tế, hành chánh, văn hóa của nước Nga sa hoàng. Dưới ngòi bút của Dos, Petersburg không còn là những lâu đài tráng lệ, thành phố của những tượng đài và nhà bảo tàng xa hoa, của những ngựa xe như nước, những công hầu bá tước, trai thanh gái lịch, với những dạ hội và những buổi tiếp tân như trong Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy. Thế giới của Dos là những tầng hầm tối tăm ẩm thấp, những căn gác áp mái lạnh lẽo, là sương mù, mưa, tuyết với những con người khốn cùng: ăn đói, mặc rách, ho lao, động kinh, những kẻ ma cô, đĩ điếm, ăn mày… Tóm lại, đấy là một bức tranh đầy mâu thuẫn, phản ánh cái mâu thuẫn âm ỉ nhưng quyết liệt của một chế độ thối nát tập trung trong một thành phố khổng lồ mà nhân vật Ivan Petrovich gọi là “dở điên dở khùng”.




Toàn bộ cốt truyện gồm có hai tuyến: Một phía là gia đình Ikhmenev, một địa chủ nhỏ bị sỉ nhục và phá sản, bị thua kiện, mất đất mất của, con gái lại bỏ nhà theo nhân tình – vốn là con trai của kẻ thù của mình. Một phía khác là gia đình ông già Smith: cô con gái cũng bị quyến rũ và bỏ nhà theo trai, mang theo toàn bộ tiền nong và lúc mang thai thì bị người tình ruồng bỏ, phải sống cầu bơ cầu bất trong cảnh ốm đau và bị người bố nguyền rủa cho đến tận lúc chết, để lại đứa con gái bé bỏng, côi cút giữa nanh vuốt của bọn người tàn ác bất lương…

Tuy cùng là những người bị chà đạp, sỉ nhục đến cùng cực, nhưng mỗi nhân vật đều có một cách phản ứng riêng, một thế giới nội tâm riêng. Hai ông bà Ikhmenev mang bản chất của những người Nga trung lưu đang bị bần cùng hóa: chân chất, trong sạch, giàu lòng thương nhưng cũng đầy tự ái và sỉ diện. Họ không có cách nào chống trả hữu hiệu đối với những kẻ thù đích thực của mình và quay ra trút lên đầu nhau tất cả sự bất hạnh mà mỗi người không đáng phải chịu, và hành hạ nhau nhiều khi bằng chính lòng tốt của mình. Cô Natasha, con gái của họ, tỏ ra quyết liệt hơn trong mọi cách xử thế. Mặc dù hơi có nét lãng mạn kiểu cũ, tính cách Natasha cơ bản là tính cách hành động và thực tế: cô biết yêu và dám dũng cảm lao vào tình yêu, giành lấy hạnh phúc cá nhân, bất chấp mọi hoàn cảnh éo le, có lúc đi ngược lại cả những tín điều vốn thiêng liêng nhất trong lòng cô. Lúc gặp trắc trở, cô biết chấp nhận sự thật và tỉnh táo vượt qua nó. Cô cũng là người duy nhất biết và dám đánh trả trực diện và quyết liệt kẻ thù bằng những lý lẽ tinh tế và xác đáng.

Hai bố con ông già Smith được tác giả miêu tả sơ lược hơn và có phần được sử dụng để minh họa cho những tư tưởng của tác giả. Ngược lại nhân vật Nenli, em bé gái côi cút, là cả một phát hiện sâu sắc của Dos về tâm lý, vừa đơn giản vừa phức tạp, vừa bí ẩn vừa rõ ràng… của một đứa trẻ bị chà đạp từ thuở ấu thơ, luôn nghi ngờ và thù hận tất cả mọi người, nhưng thực chất vẫn mang trong đáy lòng những tình cảm yêu thương đầm ấm và khát khao hướng tới cái thiện. Nenli cũng là nhân vật trong suốt và minh bạch nhất trong mọi quan hệ. Với bản năng thiên bẩm của đứa trẻ và sự từng trải trước tuổi, em đã phân biệt chính xác cái tốt và cái xấu, cái có thể tha thứ và cái không thể tha thứ. Cho đến phút chót của cuộc đời ngắn ngủi, trái tim kiêu hãnh ấy đã kiên trì một thái độ không khoan nhượng trước cái xấu bản chất – em đã chết đi mà tự mình không tha thứ cho kẻ đã gây nên bất hạnh cho cả gia đình em và bao nhiêu người khác, dù kẻ ấy là bố đẻ của em đi nữa! Có thể nói hình tượng nghệ thuật này đã phần nào vượt qua ý định luân lý của tác giả, và một ông Dos nghệ sĩ ở đây đã chiến thắng một ông Dos nhà tư tưởng cứng ngắc.




Nhân vật móc nối hai tuyến nhân vật nói trên và là nguyên nhân gây ra tất cả mọi bất hạnh cho mọi người là công tước Valkovsky. Đây là một kẻ quí tộc đã tư sản hóa, sản phẩm của một xã hội hưởng thụ mà đồng tiền là thước đo của mọi nhân cách, cái thời mà “vị công tước chân chính duy nhất là Rôtsin” (một nhà triệu phú, tư bản ngân hàng Pháp). Nói đúng hơn, Valkovsky chỉ còn quí tộc ở cái vỏ ngoài hào hoa, tao nhã. Còn thực chất, lão là một kẻ nô lệ của đồng tiền, một tên gian manh, đàng điếm, hiếu sắc, du côn với một tâm địa cực kỳ tàn ác và nham hiểm. Lão là một tên đê tiện có ý thức, thậm chí còn biết khái quát hóa hành động xấu xa thành lý thuyết.

Tự nhận định về cuốn sách này, Dos có nói rằng trong đó “có độ năm mươi trang rất đáng tự hào” – theo tôi trong số năm mươi trang này chắc hẳn có đoạn bộc bạch của công tước Valkovsky với nhân vật nhà văn Ivan Petrovich. Trong đoạn tự bạch này, lão công tước đã tự lật mặt nạ, bày tỏ tất cả những hành vi xấu xa mà lão đã làm, đồng thời đúc kết thành lý luận và hi vọng một ngày nào đó sẽ đem ra truyền bá! Đó là một thứ chủ nghĩa vị kỷ tư sản dưới dạng cổ điển nhất. Lý thuyết của lão gói gọn trong mấy câu: “Tất cả là để cho tôi, toàn thế giới được tạo ra cho tôi”, “Tôi chỉ coi là có bổn phận chừng nào có lợi cho tôi”. Khẩu hiệu của lão là: “Hãy yêu lấy chính mình!” Cách lập luận của lão không phải là không sâu sắc và có sức thuyết phục. Tuy nhiên chỉ cần với lý trí tỉnh táo bình thường, đã có thể thấy ngay được tất cả mặt trái tồi tệ của ý thức hệ tư sản ngay trong những ngày đầu hình thành của nó. Chủ nghĩa vị kỷ và tham vọng tự do cực đoan đã chà đạp lên mọi nguyên tắc nhân bản trong quan hệ giữa người với người và trở thành một mảnh đất tốt cho tội ác chà đạp đồng loại tự do phát triển. Tính chất trắng trợn và quyết liệt của nó thực sự là hồi chuông báo động cho lương tri của loài người. Trước cái hình ảnh ghê tởm của con quái vật hai chân này, tác giả đã tỏ thái độ qua lời của nhân vật Ivan Petrovich: “Lão gợi lên cho tôi ấn tượng về một loài bò sát, một con nhện khổng lồ mà tôi ao ước được đập cho chết tươi”.

Như trên đã nói, trong hoàn ảnh giao thời của xã hội Nga giữa thế kỷ XIX, khi mà cái cũ đang sụp đổ, nhưng cái mới cũng chưa định hướng xong, nhất là phải trải qua một cuộc đời đầy thử thách khắc nghiệt, thế giới quan của Dos lúc này đang chao đảo dữ dội và thể hiện ra đầy mâu thuẫn. Một mặt, bằng trái tim tha thiết yêu người, lo lắng cho số phận của những đồng loại đau khổ, ông đã lên tiếng tố cáo thực trạng bất công của xã hội bằng cách vẽ lên một bức tranh chân thực cà sinh động về một cuộc sống tăm tối, bế tắc của nhân dân bị áp bức. Ngỡ như trái tim ông rỉ máu trên từng trang viết và đến trăm năm sau ta còn nghe rõ những tiếng đập quằn quại của nó. Tuy nhiên, một mặt khác, những kết luận mà ông hướng người đọc đi tới lại mang đầy cảm tính sai lầm. Xa rời tư tưởng thực tế của cuộc cách mạng xã hội. Dos đi tìm lối giải thoát cho mọi mâu thuẫn xã hội bằng con đường duy tâm, tôn giáo. Ông kêu gọi sám hối và tha thứ. Kết cục đoàn viên ở cuối truyện này là một dẫn chứng cho những tư tưởng ấy của Dos. Tác giả tạo ra một sự đối chứng giữa hai cách giải quyết mâu thuẫn: ông già Smith khăng khăng không tha thứ cho con gái, thì rốt cuộc người chết, kẻ phát điên, bố con, ông cháu đều rơi vào thảm cảnh; ngược lại ông già Ikhmenev cuối cùng đã tha thứ cho cô con gái Natasha thì toàn gia đoàn tụ, mọi người đều hạnh phúc. Tác giả đã đặt vào miệng của ông già này những lời hùng hồn thực ra chỉ để tuyên dương một chiến thắng giả tạo: “Mặc cho chúng ta bị sỉ nhục, mặc cho chúng ta bị lăng mạ, nhưng chúng ta lại bên nhau, và mặc cho lúc này những kẻ kiêu ngạo và hợm hĩnh, những kẻ đã sỉ nhục và lăng mạ chúng ta đang ca khúc khải hoàn! Mặc cho chúng ném ta vào đá! Đừng sợ” – Một thắng lợi đầy chất A.Q.




Mặc dù có những hạn chế như vậy trong tư tưởng, Những kẻ tủi nhục vẫn là một tác phẩm tích cực và có sức cuốn hút mạnh mẽ. Trước hết, cũng như nhiều tác phẩm khác của Dos, tính chất chân thực của cuốn tiểu thuyết rất cao. Dos bao giờ cũng viết bởi một thúc bách nội tâm mãnh liệt, ông không e ngại biểu hiện chính mình lên mặt giấy, mà ngược lại. Vì vậy, có cái đúng và cái sai, cả cái hay và cái dở ở ông đều rất chân thực. Đọc ông, ta bắt gặp một cuộc sống ngồn ngộn, chồng chất, hối hả, lúc ồn ào, lúc sâu lắng… ngỡ như vượt qua cả câu chữ, văn chương. Do đó, văn của ông dù nhiều lúc rườm rà, rắc rối, thậm chí cẩu thả, nhưng vẫn cuốn hút người đọc nhờ cái dòng chảy xiết dào dạt của cuộc sống.

Mặt khác, một trong những nét hấp dẫn và làm nên đặc thù của Dos là tài phân tích mổ xẻ tâm lý con người. Có thể nói đây là sở trường đặc biệt và cũng là niềm hứng thú bất tận của Dos. Cũng như ở các tác phẩm khác, Những kẻ tủi nhục có rất nhiều đoạn phân tích tâm lý hết sức sâu sắc, tinh tế, chứng tỏ một khả năng quan sát, suy ngẫm, một vốn sống phong phú, lịch lãm của một tài năng bậc thầy. Hứng thú này làm cho ngòi bút của ông đôi lúc sa đà, thậm chí có chỗ lắp ghép khiên cưỡng. Tuy nhiên, người đọc vẫn rất thú vị vì những nhận xét, mổ xẻ lòng người rất đỗi tinh vi và có sức khái quát cao, giúp cho ta khám phá sâu sắc thế giới nội tâm của chính mình mà nhiều lúc chính ta cũng không hiểu nổi. Từ những bối cảnh, những con người của một thời, tác phẩm của Dos đã vượt qua biên giới của không gian và thời gian để trường tồn cùng nhân loại.

Chính vì những lẽ trên, chúng tôi rất vui mừng được chuyển đến các bạn thêm một tác phẩm nữa của Dos để các bạn có dịp tìm hiểu tiếp một nhà văn vĩ đại mà chúng ta hằng yêu mến, kính trọng và luôn khao khát được thưởng thức.




Hà Nội ngày 20–11–1986

Anh Ngọc

[1] Cách gọi ngắn gọn này của người đọc Việt Nam đối với Dostoevsky thể hiện một tình cảm đặc biệt rất đáng quí. Về tiểu sử của Dos, xin xem thêm ở “Tội ác và hình phạt” (NXB Văn Học – 1982)




[2] Nguyên văn tiếng Nga – Униженные и оскорблённые: Những kẻ bị sỉ nhục và lăng mạ.

***

Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821- 1881), sinh ngày 11.11.1821, là nhà văn nổi tiếng người Nga.

Cùng với Gogol, L. Toystol, ông được xem là một trong ba văn hào vĩ đại của Nga thế kỉ 19.




Dostoevsky sinh tại thành phố Moscow, là con trai thứ hai trong 7 người con của ông Mikhail, một bác sĩ quân y được biệt phái qua phục vụ tại Bệnh Viện Maryinski chuyên chữa trị các người nghèo. Ông Mikhail là một con người cứng rắn, thẳng thắn trong khi bà mẹ lại có bản tính trái ngược, bà ta rất thụ động, tử tế và rộng lượng. Các sự kiện của gia đình quý tộc xa xưa này với cha mẹ có một vùng đất và hơn một trăm nông nô, đã là hình ảnh của các nhân vật với các bản tính thái cực trong các cuốn tiểu thuyết của Dostoevsky sau này.

Trong thời gian Fyodor đi học xa nhà, ông Mikhail đã bị giết chết do các nông nô trong vùng nổi loạn và hình ảnh giết người bất ngờ và tàn bạo này luôn luôn ám ảnh Fyodor Dostoevsky khiến cho các tác phẩm của ông thường dùng đề tài là các tội ác. Và vào cuối cuộc đời, cái chết của người cha đã là căn bản cho tác phẩm danh tiếng Anh Em Nhà Karamazov.

Fyodor Dostoevsky rất yêu thích văn chương. Vào tuổi 25, Fyodor đã cầm bút, sáng tác ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên với tên là Những kẻ bần hàn xuất bản vào năm 1846. Đây là một câu chuyện tình cảm mô tả một cách bóng bẩy các cảnh tàn phá của kiếp nghèo. Cuốn truyện này đã được các nhà phê bình khen ngợi, đặc biệt là Vissarion Belinsky, và nhà văn trẻ tuổi Dostoevsky được gọi là một “Gogol mới”, tác phẩm của ông trở nên bán chạy nhất, bởi vì từ xưa tới nay chưa có một nhà văn người Nga nào cứu xét một cách kỹ càng sự phức tạp tâm lý của các cảm xúc bên trong tâm hồn con người. Fyodor Dostoevsky đã dùng tới phương pháp phân tích tâm lý để tìm hiểu các hoạt động rất tinh tế của tâm lý mọi người. Sau tác phẩm Những kẻ bần hàn , Fyodor Dostoevsky sáng tác ra cuốn Con người kép đề cập tới sự phân đôi cá tính và đây là căn bản dùng cho nhân vật Raskolnikov của đại tác phẩm Tội Ác và Trừng Phạt.

Qua tác phẩm này, Fyodor Dostoevsky được toàn thế giới công nhận là một trong các Đại Văn Hào của nước Nga, được xem là người sáng lập hay là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ 20.

Tác phẩm tiêu biểu:

  • Chàng Ngốc
  • Những kẻ bần hàn (1846)
  • Con người kép (1846)
  • Đêm trắng (1848)
  • Ghi chép từ Ngôi nhà chết (1862)
  • Những kẻ tủi nhục (1861)
  • Con bạc (1867)
  • Hồi Ký Viết Dưới Hầm (1864)
  • Tội ác và trừng phạt (1866)
  • Gã Khờ (1868)
  • Lũ người quỷ ám (1872)
  • Anh em nhà Karamazov (1880)
  • Là Bóng Hay Là Hình
  • Chàng Thiếu Niên
  • Người Chồng Vĩnh Cửu 

Mời các bạn đón đọc Những Kẻ Tủi Nhục của tác giả Fyodor Dostoyevsky.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.