Tam Lang là cây bút ký sự khá nổi tiếng trong làng báo Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Hầu như không có tờ báo nào vắng bóng bài viết của ông. Với bút pháp nhẹ nhàng mà dí dỏm, các tác phẩm của ông là bức tranh khá chân thực về xã hội Việt Nam của những nǎm 1930 – 1945.
Tập ký Tôi kéo xe là tuyển tập những tác phẩm ký đặc sắc nhất của ông.
***
Giới thiệu Tôi Kéo Xe
Thiên phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang, do nhà Mai Lĩnh xuất bản từ năm 1935, đến nay đọc lại, vẫn thấy còn nguyên giá trị.
Gần một thế kỷ đã trôi qua, xã hội đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, với biết bao máu lệ của lịch sử, các thể tài sáng tác văn chương, báo chí đã biến đổi không ngừng với rất nhiều những hình thức mới, đầy tính cách mạng, tân kỳ… Nhất là kỹ nghệ làm báo, làm truyền hình, truyền thông mạng… đã có những thay đổi căn bản, những biến chuyển mà kể cả những người làm nghề nhà báo, phóng viên cũng khó mà hình dung hết được. Vậy mà bất chấp những thay đổi tưởng như bãi biển nương dâu ấy, thiên phóng sự mỏng mảnh, giản dị Tôi kéo xe của Tam Lang, ngay giờ đây, vẫn là một mẫu mực trong nghề, vẫn khiến người ta phải suy ngẫm…
Vì xét kỹ ra, các nhà báo bây giờ, dẫu viết có khéo léo, mất công thế nào, cũng vẫn không qua nổi một điều: sự chân thực. Mà sự “chân thực” ấy, hiện tại ai cũng biết cũng rõ, dẫu đôi khi nó sờ sờ ra đấy, người viết báo nhìn thấy được, cảm thấy được đã khó, nhưng có đủ dũng khí mà đề cập đến nó, vạch rõ chân tướng nó còn khó gấp mười. Cái thách thức căn bản về nghề ấy, người viết Tôi kéo xe đã vượt qua không mấy khó khăn. Tam Lang Vũ Đình Chí, khi quyết định cởi áo ký giả, mặc áo cu li, để hóa thân thành một người kéo xe, một kẻ ngựa-người, quả thực đã thâm nhập hoàn toàn vào cái vai ấy, nghề ấy, để mô tả chi tiết một bức tranh thực tế sống động, và không phải là không rộng lớn về xã hội đang sống với những sự thực chua chát, những mánh khóe, lọc lừa đen bạc, những đểu giả và nhẫn tâm của xã hội, dưới đáy hoặc không, nhiều đĩ điếm và cũng lắm trưởng giả. Cứ như chúng ta thấy, rất nhiều ký giả hiện nay, khi nhập vai viết về tệ nạn xã hội, cái kỹ năng cũng vẫn chẳng vượt hơn tác giả Tôi kéo xe là bao, và với mức độ thiếu đầu tư cho một đề tài của các tờ báo hiện tại, thì kể cả một bài báo gọi là dài kỳ nào đó, cũng khó mà so sánh được với sự rốt ráo, thấu đáo, trọn vẹn của Tôi kéo xe của nhà báo họ Vũ cách đây non thế kỷ. Ấy là không bàn đến các thể loại phóng sự “tôi đi tôi đến tôi thấy” theo kiểu chuồn chuồn đạp nước.
Nhưng cái giá trị trước nhất của Tôi kéo xe, phải nói đến, chính là văn phong của nó. Tiếng Việt và lối viết của Tam Lang quả thật vẫn khá trơn tru, hiện đại, rất khác với những trang viết ở cùng thời mà ta thấy hiện đã ít nhiều khó đọc bởi từ vựng cũ kỹ và diễn đạt lạc hậu. Là một phóng sự báo chí, nhưng Tôi kéo xe đã có những câu văn cá nhân hóa đặc sắc: “Ăn đã chẳng có gì béo bổ, ở cũng ở chui ở rúc, lại còn dãi gió dầm mưa, phơi sương phơi nắng, đến đá cũng phải ốm, đừng nói là người. Nhưng giời đã đày vào kiếp ấy, cũng chẳng chống lại được với giời! Biết giữ được phần nào, hãy cứ hay phần ấy”. Ai đọc cũng thấy được đây là triết lý của một anh cu li kéo xe, gốc gác đồ nho vậy!
Rồi những lối hạ bút không kiêng dè như đá tạc:
“Người để người kéo người là loài người ôm chung một cái nhục”.
Những đúc kết thẳng băng, không khoan nhượng, mà đau xót, của người kéo xe:
“Ồ đời này, thằng nào coi rẻ đồng tiền là thằng ngu. Thiên hạ nó đã lấy lực đồng tiền sai khiến mình thì mình có chịu cho nó sai, cũng phải nhổ vào mặt nó mà lấy đồng tiền của nó”.
Cùng cái nhạy cảm hài hước của một người viết mà có lẽ cũng ít ký giả có được khi hành nghề.
“Tôi thấy tôi như một thằng trần truồng đi ra phố, đang kéo một chiếc xe bò trên có dựng tấm bảng đề rõ tên họ mình và cả tên họ những người thân thuộc của mình…”
° ° °
Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ khi Tôi kéo xe ra đời, chiếc xe kéo đã biến mất từ lâu, xích lô vẫn còn nhưng chỉ là dấu tích ở những đô thị mà xe ôm và taxi đang là phương tiện đi lại phổ biến. Thế thời đã khác, phương tiện cũng khác. Thế nhưng, ai dám bảo rằng, cái cảnh tượng sinh hoạt với đầy đủ sắc màu xanh đỏ tím vàng đen trước kia của Tôi kéo xe, hiện giờ, đã không còn đen tím vàng xanh đỏ?
Trác Phong
Hà Nội, 7.2014
Lời tác giả
Năm 1932, viết thiên phóng sự Tôi kéo xe cho đăng trên Hà Thành Ngọ Báo và năm 1935 tự bỏ tiền ra in thành sách thiên phóng sự đó, tôi chân thành có hai ước vọng: chế độ “cai xe” sẽ không còn nữa; chiếc xe hai bánh “người kéo người” sẽ được chiếc xe 3 bánh “người đạp người” thay thế, để người phu xe không còn bị “cai xe” bóc lột, đồng thời lấy lại được phẩm cách con người khi họ không còn tự ti mặc cảm thấy xã hội coi khinh coi rẻ họ như thân trâu ngựa.
Hơn 10 năm sau khi tập phóng sự Tôi kéo xe xuất bản, trên toàn quốc không còn bóng dáng chiếc xe kéo nào nữa; và hơn 30 mươi năm sau, với chính sách phu xe có chiếc xe mua trả góp thành của tư hữu để làm phương tiện sinh kế, chế độ “cai xe” tuy chưa mất hẳn nhưng cũng bớt phần hà khắc đối với một sô phu xe không có tiền mua xe trả góp để hành nghề.
Từ ngày ấy đến ngày nay, tính đã được ngót nửa thế kỷ, tôi thấy đạt được một phần ước vọng đó, nhưng lại là một phần nhỏ nhoi, chẳng thấm tháp gì.
Tôi có những cảm nghĩ ấy vào một buổi tối cách đây không lâu, khi không còn phương tiện xê dịch nào khác bằng cách thuê xe xích lô đạp từ quãng nhà thương Cơ Đốc Phú Nhuận về khu nhà thờ Cầu Kho, trong câu chuyện tán mảnh suốt dọc đường xe qua, người phu xe đã hỏi tôi – khách ngồi xe -: “Bác có Khoái… chơi gái không? Tôi dẫn bác đi. Chỉ hai ghim thôi! Có mắc mỏ gì. Đẹp, lại trẻ…”
Để quảng cáo cho “món hàng” này, người ấy còn nói nhiều, giọng khó nghe, vì là tiếng của người xứ Nghệ.
Thấy tôi không bắt chuyện nữa, người ấy cũng không nói nữa, ngoài câu nói sau chót: “Bác trả thêm chục đồng nữa chứ!” khi đã hết cuốc xe.
Tôi kể câu chuyện trên để trả lời chung những bạn đã bảo tôi khi biết tập Tôi kéo xe sắp được tái bản: “… Bây giờ làm gì còn có xe kéo nữa! Mụ Cai Đen đã chết từ tám hoảnh, nên để cho mụ yên mồ yên mả, còn khai quật lên làm gì!”
Dù những nhân vật được mô tả trong thiên phóng sự Tôi kéo xe đã là những xác chết thối tha, người ta cũng còn thấy vẫn phải khai quật cả lên nếu người ta cùng chung quan niệm với Vũ Ngọc Phan, nhà phê bình văn học đã ghi lại trong bộ sách Nhà văn hiện đại câu này: “… không có lối văn nào giúp ích cho việc cải cách, cho nhà đương chức, nhà pháp luật và nhà xã hội học bằng các thiên phóng sự”.
Lần này, cho tái bản tập Tôi kéo xe, tôi còn hoài bão một ngày nào đó ước vọng của tôi được thành đạt cả.
Từ 2 bánh không bàn đạp biến thành 3 bánh có bàn đạp, chiếc xe đã thay đổi nhưng tâm hồn người phu xe vẫn chưa được gột rửa, khi nghề “làm xe” còn nuôi sống được người đeo đẳng nó, thì tập phóng sự này chưa đến nỗi là loại sách thuộc “đồ bỏ” đáng liệng vào sọt giấy để Sở Vệ sinh thành phố cho xe rác hốt đi.
Sài Gòn, ngày 20-7-1969
Tam Lang
***
Người đội lên đầu tôi chiếc nón phu xe kéo
Ông Bùi Xuân Học – chủ nhiệm Ngọ Báo – một hôm, vỗ vào vai tôi mà bảo :
– Anh có ngòi bút viết văn tả chân khéo, bây giờ đang là mùa các bạn đồng nghiệp của anh đi khắp bốn phương điều tra, phỏng vấn: Albert Londres sang Thượng Hải, Maurice Dekobra đi Hoa Kỳ, Geo London tới miền cương giới Tô-Nga, Louis-Charles Royer đến thành Leningrad Xô Viết…, mà anh thì chỉ lúi húi ở xó nhà với ba bài văn sầu cảm, sao không ném bút đi xem người cho sáng thêm con mắt, có hơn không?
Tôi nghĩ câu nói nửa đùa nửa thật của bạn mà thẹn, thẹn rồi mà buồn, buồn rồi lại nghĩ:
“Thằng em họ mình muốn sang làm ăn bên Cao Mên, xin căn cước đã ba hôm nay mà chưa được chữ; Thượng Hải, Nhiêu Do đều xa hơn Cao Mên cả, mình đi làm sao được, mà đi để làm gì bây giờ?
Phỏng vấn với điều tra, hai việc ấy, không phải chỉ có cái tài viết văn tả chân mà làm nổi.
Xỏ vào hai chân đôi hia đi bảy dặm, đeo lên vai một túi khôn với một túi bạc, cầm trong tay một cái gậy của kẻ vong gia, rồi hãy bàn đến những chuyện đường xa ấy”.
Cái xa chẳng được làm thì mình làm cái gần vậy.
Bắt chước Marise Choisy đổi lấy bộ áo con đòi vào ở thổ, tôi cũng mượn bộ quần áo nâu của một bạn áo ngắn, khoác vào mình rồi mạnh bạo đi làm xe.
Thế là ông Bùi Xuân Học, bạn tôi, một buổi trưa nắng gắt mùa hè, đã đội lên đầu tôi chiếc nón lá phu xe kéo.
Mời các bạn đón đọc Tôi Kéo Xe của tác giả Tam Lang.
Chia sẻ ý kiến của bạn