Tên sách : Trang Tử tinh hoa
Tác giả : Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Nhà xuất bản : Đại Nam
Năm xuất bản: 1956
TỰA
Văn minh mà thiên hạ ngày nay đang tôn sùng và đeo đuổi là một chứ Văn-Minh lượng, lấy sự “tiến bộ” làm lý-tưởng ; còn Văn Minh của Trang Tử chủ trương là một thứ Văn Minh phẩm, lấy sự “tận thiện” làm lý tưởng. Hai thứ Văn Minh ấy có nhiều điểm bất đồng, rất khó mà dung hòa với nhau được. Cho nên, có kẻ cho rằng đem tư tưởng Trang Tử mà nói ra buổi này, phải chăng sẽ không bổ ích gì cho thiên hạ phần đông, có khi còn là một việc làm trái thời là khác nữa, cũng không chừng! Học thuyết Trang Tử không thể nằm cạnh bên một nền Văn minh Cơ Giới gần như tột độ ngày nay.

Những tư tưởng mà người đời phần đông ưa thích nhất là những tư tưởng thỏa được lòng dục vọng của họ. Người ta, ít có ai biết cần đến sự thật để sống. Cái gì trái với lòng ao ước của họ, là họ bác ngay, trước khi xem xét coi nó có đúng với sự thật hay không? Đã chẳng những bác ngay, mà lại còn xem như thù địch. Những tư tưởng ủy mị, xu nịnh, vừa theo dục vọng của quần chúng, sẽ được họ tôn thờ như một cái gì “thiêng-liên bất khả xâm phạm”. Thiên hạ rùng rùng nghe theo và xem đó như một Chân lý tuyệt đối. trong khi nó chỉ là một thỏa mãn của dục vọng nhất thời thôi.

Một nhà xã hội học hiện đại Tây phương có viết: “Phần đông quần chúng không bao giờ biết khao khát sự thật. Trước những sự thật hiển nhiên mà không vừa lòng họ, họ không thèm đoái hoài đến; tại lại họ chịu tôn thần thánh sự dối trá lạc lầm, nếu sự dối trá lạc lầm ấy khéo làm vừa lòng họ. Kẻ nào khéo ảo hoặc họ, sẽ làm chũ họ được ngay rất dễ dàng; trái lại, kẻ nào tìm cách phá tan ảo vọng của họ sẽ bị họ tru diệt không sai” . Jésus bị treo lên cây Thập giá, Socrate bị bắt uống độc dược…phải chăng đều là vì đã muốn làm cho thiên hạ tỉnh ngộ.




Cléopâtre, hoàng hậu xứ Ai Cập, muốn biết mình và nàng Octavie ai đẹp, hỏi ý tên đay tớ ruột của bà: “Cléopâtre và Octavie ai đẹp?”. Tên đày tớ dại dột nói: “Octavie”. Cléopâtre giận, mắng cho và đánh tên đày tờ đến khi tên ấy chịu nói rằng Cléopâtre đẹp hơn.

Tâm lý ấy là tâm lý thông thường của thiên hạ: “Cứ nói láo đi, nếu anh muốn, nhưng hãy nói với em rằng: anh yêu em”. (Mens si tu veux, mais dis-moi que tu m’aimes). Cái tâm lý ấy, cũng là cái tâm lý của người bệnh hủi của Trang Tử: “Người bệnh hủi kia, nửa đêm sanh đặng đứa con. Bèn lật đật kiếm cho đặng lửa để xem, chỉ nơm nớp lo sợ nó không giống mình” (Thiên Địa).

Óc bè đảng của con người cũng do đấy mà ra. Phàm những gì thuộc về bè đảng mình đều được xem là hay, là đẹp. Không cần biết cái điều mình tin tưởng và cho là phải ấy, có thật phải, có thật đúng làm chi: hễ giống với mình thì cho là phải, không giống với minh, thì cho là quấy. “Thiên hạ đều biết tìm cái mà mình không biết mà chẳng ai biết tìm cái mà mình đã biết; đều biết chê cái mà mình cho là không phải, mà chẳng ai biết chê cái mà mình đã cho là phải” (Khứ Cự). Hễ cùng một tôn giáo, cùng một đảng phái, cùng một quốc gia hay cùng một dân tộc, đều là phải cả, dầu có sai lầm đến đâu cũng nhắm mắt bịt tai, bỏ qua tha thứ. Cho là con ruột của mình mà không giống mình, cũng không được nhìn nhận, mặc dầu mình là “kẻ hủi”…Là tại sao? “Con người ở đời, đều thích người ta đồng với mình, mà rất ghét người ta khác với mình” (Tề Vật Luận) . Phải chăng đó là căn bệnh nguy hiểm nhất của loài người, nhất là con người ngày nay!




Ôi! “hạng thật mê, suốt đời không tỉnh. Hạng thật ngu, suốt đời không khôn. Ba người cùng đi, mà có một người mê, thì chỗ mình định nói đến còn có thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê ít mà người tỉnh nhiều. Nếu ba người cùng đi mà có tới hai người mê, thì chỗ mình định nói đến khkông thể mong đạt tới được, là vì ngườ mê nhiều mà người tỉnh ít. Nay, cả thiên hạ đều mê, ta dẫu có muốn chỉ đường cũng không thể được. Chẳng cũng xót xa lắm sao! Tiếng hát hay, không sao lọt được vào tai bọn dân quê: hát líu lo bậy bạ vậy, mà chúng náo nức vui cười! Thế nên, lời nói cao, không thể vào được nơi lòng của chúng nhân. Lời “hay”không thể nói ra được, là vì lời “thô”rất nhiều, đầy lấp thiên hạ và được thể lực của bè đảng ủng hộ. Lấy hai cái chính bằng đất, đánh to lên, thì nó lấp cả tiếng chuông đồng; vậy, cái chỗ mình định nói đến, làm sao đạt tới cho được…Biết là sự chẳng có thể được, mà gượng làm, đó lại còn mê hơn thiên hạ nữa. Cho nên, thà là bỏ đó mà chẳng suy cầu đến làm gì còn hơn…”(Thiên Địa).

Tuy vậy, Trang Tử cũng có nói: “Đống với ta, cho là phải. Không đồng với ta,cho là ta quấy.” Mà đồng với ông và cho ông là phải, chỉ có những hạng người “vô kỷ, vô công và vô danh” như ông. Và phần ấy chẳng phải là không có, tuy rất hiếm ở cái thời chuộng sự thành công bất cứ bằng phương tiện nào.

Viết quyển sách này, tôi hết sức bất mãn về chỗ không thể nói được hết ý nghĩ của mình, và trình bày được hết mọi khía cạnh của nó. “Thư bất tận ngôn; ngôn bất tận ý”. Tư tưởng của Trang Tử thật là sâu xa bao quát vô cùng. Các học giả chú giải hay nghiên cứu Trang Tử sở dĩ có nhiều chỗ không đồng nhau, là vì cái học của Trang Tử khkông thuộc về địa phận của Lý Trí, mà thuộc về khu vực của Tâm linh trực giác.

Trước hết, ta phải xem nó như một tâm học (huyền học) hơn là một triết học suông của Lý trí, nghĩa là chẳng phải chỉ học nó như ta nghiên cứu học hỏi các học thuyết khác bằng Trí, mà phải dùng đến Tâm để ngộ nó, nghĩa là sống với nó. Nếu không “sống với nó”thì học nó, chẳng qua là một cuộc mua vui cho trí não nhất thời, không bổ ích gì cho đời sống tinh thần, mà ta cũng không làm sao hiểu nó cho thấu đáo được nữa.

Ở đây, tôi đâu dám tự hào là đã hiểu Trang Tử đến nơi đến chốn…Điều ấy ở ngoài cao vọng của tôi. Tôi đã hết sức muốn gìn giữ địa vị khách quan nhưng đối với một học thuyết nhất nguyên thì bảo bỏ phần chủ quan cũng khó mà thấy đặng chỗ thâm sâu của lẽ Đạo nhiệm mầu: ta khkông thể tách mình ra khỏi sự vật mà hiểu theo quan niệm nhị nguyên cho đặng. Tôi đã nói: nó là Tâm học, cho nên chẳng những dùng Trí, mà phải dùng cả tâm để đi ngay vào nó, đồng hóa với nó, hiểu nó và sống với nó. Chẳng phải kẻ đứng trên dòng sông xem nước chảy, mà là kẻ nhảy xuốngdòng nước, bơi lội trong đó, để thí nghiệm cái chảy của nó.
Nguyễn Duy Cần

Comments are closed.