Trò chuyện với Vĩ Nhân – Osho
Ngày nay, chúng ta thường nhìn những triết gia, những nhà tư tưởng bằng con mắt kính nể, nhưng ít ai biết họ lại sống như “kẻ điên” trong thời đại mình.
“Khi họ chết đi, chúng ta tôn thờ họ, trong khi họ còn sống, chúng ta ngược đãi họ”, Osho bình luận chua xót trong “Trò chuyện với vĩ nhân”.
“Trò chuyện với vĩ nhân” tổng hợp những “cuộc gặp gỡ” giữa Osho với 20 nhà tư tưởng, triết gia nổi tiếng nhất lịch sử loài người, từ phương Đông đến phương Tây, từ cổ đại đến hiện đại, từ người thật đến những nhân vật huyền bí: Socrates, Pythagoras, Lão Tử, Trang Tử, Krishnamurti, Friedrich Nietzsche…
Trong mỗi bài viết, bên cạnh việc kể lại tiểu sử và những điển tích thú vị của mỗi vĩ nhân, Osho còn bình luận sắc bén về những tư tưởng “đi ngược số đông” của họ. Từ đó, phần lớn cuộc đời của những vĩ nhân cũng hiện lên đầy những nét buồn.
Là những triết gia bị điên, hay chúng ta đang sống trong một thế giới điên rồ? Trong cuốn sách, Osho thể hiện sự thiên vị rõ ràng đối với những người được ông bàn đến, đồng thời chê bai không thương tiếc sự mù quáng của “những kẻ ngu ngốc”, “đám đông xoàng xĩnh”.
Ông ra sức giải thích câu nói “Thượng Đế đã chết” của Friedrich Nietzsche, bàn về lý do Krishnamurti chối từ tôn giáo, tán thưởng “tư duy logic điên rồ” của Lão Tử lẫn sự nổi loạn của Trang Tử.
Có vẻ như, vai trò của những “người điên” của bất cứ thời đại nào là chịu đựng sự bất hạnh mà đám đông dành cho mình, và một phần nào đó, thức tỉnh đám đông đó. Công việc của họ giống như “phẫu thuật”, theo Osho: “Nó gây đau đớn nhưng đó là cách một người mới có thể được sinh ra”.
Cá nhân Osho, chẳng hề kém cạnh, cũng là một “người điên” của thời đại mình. Vị đạo sư này ủng hộ tự do tình dục, truyền bá phương pháp thiền động gây tranh cãi thời bấy giờ, trải qua cuộc đời nhiều “thị phi” mà đến nay người ta vẫn chưa thể ngã ngủ.
Nhưng như Osho nói, sự điên rồ, nổi loạn, đi ngược lại đám đông, vốn chẳng cần logic hay lý do nào cả, “chỉ là một người điên giống như tôi”.
“Những người này phải được chấp nhận như chính họ. Cho dù bạn yêu hay ghét họ. Yêu hay ghét, điều đó không thay đổi được gì. Bạn có thể ủng hộ hoặc phản đối họ, nhưng bạn không thể thờ ơ với họ. Đó chính là sự kỳ diệu của những nhà thần bí”, Osho ghi.
Ông cũng viết: “Cuộc sống của họ không có một tác động hữu hình nào, nhưng họ đã làm biến đổi tâm thức nhân loại”.
Về phần độc giả, mỗi người có thể đồng ý hoặc bất đồng với những nhận định của Osho, thậm chí nghi ngờ tính chân thực của những câu chuyện ông kể.
Nhưng hành trình đọc Trò chuyện với vĩ nhân chắc chắc là một trải nghiệm không nhàm chán và biết đâu sẽ đem đến cho bạn cơ hội nhìn thấy thế giới qua một góc nhìn rất khác.
Leave a Reply