Lý: Triết học phương Đông

Tác giả : TỪ TÔN MINH, THÁI PHƯƠNG LỘC, TRƯƠNG HOÀI THỪA, SẦM HIỀN AN, TRƯƠNG LẬP VĂN

Người dịch : TẠ PHÚ CHINH NGUYỄN VĂN ĐỨC

Hiện nay rất nhiều nhà trí thức đã tiến hành xem xét lại lịch sử nền văn hoá truyền thống của Trung Quốc. Nhìn lại lịch sử Trung Quốc hơn một trăm năm nay, các cường quốc đua nhau xâm lược, quốc nạn liên tiếp xảy ra. Hàng loạt các nhân sĩ, trí thức yêu nước lo cho vận mệnh đất nước và nhân dân, kiên trì bất khuất quyết đi tìm chân lí ở các nước Phương Tây. Còn văn hoá Phương Tây cũng theo các lực lượng quân sự và tôn giáo tràn vào Trung Quốc. Thế là đã dẫn tới cuộc đấu tranh giữa “Trung học” và “Tây học”, giữa “cựu học” và “tân học”, hoặc “Trung thể Tây dụng” (Trung học là thể, Tây học là dụng”) hoặc “toàn bộ Tây hoá”. Cuộc tranh luận tuy rất sôi nổi, nhưng đều không giải quyết được vấn đề lớn của Trung Quốc là cứu nước, tự cường (tức là vấn đề cận đại hoá hoặc hiện đại hoá). Cuộc tranh luận đó đã ảnh hưởng và kéo dài mãi đến ngày nay.




Cốt lõi hoặc cơ sở lí luận của những suy nghĩ, nhìn nhận ngược trở lại về lịch sử nền văn hoá truyền thống của Trung Quốc là ở chỗ: xem xét, khảo sát một cách đại thể về triết học truyền thống của Trung Quốc. Mà triết học truyền thống của Trung Quốc thì lại được biểu hiện bằng hàng loạt các phạm trù triết học truyền thống hoặc những mệnh đề triết học truyền thống được cấu thành từ các phạm trù. Sự xem xét, khảo sát có tính chất đại thể những phạm trù triết học truyền thống của Trung Quốc là để làm rõ tính chất và đặc điểm, tinh hoa và cặn bã, kinh nghiệm và bài học của triết học truyền thống Trung Quốc với tư cách là cơ sở lí luận của nền văn hoá truyền thống Trung Quốc, để sáng tạo một cách có phân tích, chọn lọc (gạn đục khơi trong), tổng hợp về văn hoá, làm cho giữa văn hoá truyền thống Trung Quốc và hiện đại hoá có sự hài hoà và thống nhất.

Cải cách, mở của là trào lưu và xu thế lớn của thế giới, hợp với xu thế lớn đó thì phát triển, cường thịnh đi ngược lại trào lưu thì chỉ có thể tụt hậu và bị ức hiếp. Cùng với sự mở cửa và thu hút khoa học kĩ thuật của Phương Tây, thì ngoài vật chất, đồng thời cũng kéo theo cả những ý thức, tư tưởng, quan niệm, văn hoá của nó. Như vậy, sẽ không thể nào tránh khỏi có sự xung đột với văn hoá truyền thống của Trung Quốc ; vì thế, cuộc thảo luận so sánh giữa văn hoá Trung Quốc và văn hoá Phương Tây trở nên sôi nổi. Liệu văn hoá truyền thống Trung Quốc có thể thích ứng với công cuộc hiện đại hoá đất nước hay không, trở thành vấn đề được mọi người quan tâm rộng rãi. Vấn đề này cần phải tìm hiểu có hệ thống, thật rõ ràng, chính xác bộ mặt chân thực của văn hoá truyền thống Trung Quốc và văn hoá Phương Tây. Chỉ có nhận thức một cách chính xác nền văn hoá truyền thống của mình mới có thể làm cho nền văn hoá dân tộc của chúng ta với tư cách là chủ thể tham gia vào việc giao lưu văn hoá, tiếp thu có phân tích những thành quả ưu tú của nền văn hoá Phương Tây, để xây dựng xã hội hiện đại mang đặc điểm riêng của Trung Quốc. Không có lịch sử thì không có tương lai, không có truyền thống của mình thì cũng sẽ không thể có đặc điểm riêng của Trung Quốc. “Tủ sách tinh hoa về phạm trù triết học Trung Quốc” chính là nhịp cầu nối liền sự hiểu biết giữa nền văn hoá truyền thống với công cuộc hiện đại hoá, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, làm cho mọi người tự giác nhận thức về công cuộc hiện đại hoá chỉ có thể là hiện đại hoá kiểu Trung Quốc, dân chủ và tự do kiểu Trung Quốc và xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc mà thôi. Đồng thời cũng làm cho tất cả các học giả, các nhân sĩ, trí thức, bè bạn nước ngoài quan tâm đến công cuộc hiện đại hoá của Trung Quốc, hiểu biết sâu thêm về nền văn hoá truyền thống Trung Quốc, để từ đó rút ra những kết luận của mình.

Từ trong rất nhiều phạm trù triết học truyền thống Trung Quốc, tủ sách này đã sàng lọc, tuyển chọn các phạm trù thường thấy nhất, có tính tiêu biểu nhất như đạo, lí, khí, tâm, tính để lần lượt trình bày trong các trước tác chuyên đề. Nó sẽ đứng vững trong thời đại ngày nay để suy xét lại nền triết học truyền thống, để cung cấp một cơ sở hoặc phương tiện nhận thức cho các độc giả trong và ngoài nước có nhu cầu tìm hiểu về quan hệ giữa văn hoá truyền thống Trung Quốc với hiện đại hoá. Chúng tôi xin được bày tỏ những suy nghĩ của mình, mong được trao đổi để cùng góp phần đẩy mạnh tiến trình hiện đại hoá Trung Quốc.

Nguyện vọng nêu trên của chúng tôi có thể thực hiện được. Chúng tôi chân thành mong mỏi được đông đảo bạn đọc ủng hộ, giúp đỡ và phê bình, để có thể đẩy mạnh sự nghiệp văn hoá chung của chúng ta.

Đại học nhân dân Trung Quốc

Tháng 4 năm 1987

TRƯƠNG LẬP VĂN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *