Lịch sử triết học Tây phương Tập 1 – Thời kỳ Khai nguyên triết lý Hy Lạp

Chúng ta đang sống trong thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, những thay đổi đụng chạm đến mọi lĩnh vực đời sống con người cũng như quan hệ giữa con người với tự nhiên. Những thay đổi dồn dập và lớn lao đó tạo ra ấn tượng là dường như những gì đang và sẽ xảy ra đã vượt ra ngoài khả năng lý giải, kiểm soát và dự báo của con người, ấy vậy mà khả năng đó ngày càng hơn bao giờ hết, lại vô cùng cần thiết.

Lịch sử chẳng qua là lịch sử hoạt động của con người. Theo tiến trình phát triển con người làm ra lịch sử ngày càng mang tính tự giác hơn. Muốn có tính tự giác cao thì phải có tư duy lý luận. Tư duy lý luận không phải là năng lực bẩm sinh nhưng vẫn có ở mọi người dưới dạng khả năng và để khả năng đó trở thành năng lực thực sự thì phải học tập và rèn luyện. Cách học tập tốt nhất để hình thành và phát triển năng lực tư duy lý luận, theo chỉ dẫn của F. Enghen, là nghiên cứu lịch sử triết học.

Có một sự thật mà dường như lại là nghịch lý: Triết học hình thái nhận thức tổng quát và sâu sắc về con người và thế giới, hình thành từ lâu đời, tồn tại và phát triển đến hôm nay, trí thức và giá trị của triết học liên quan đến mọi người, cần thiết cho mọi người, lại là lĩnh vực ít được phổ biến rộng rãi, nếu không nói là còn xa lạ với khá đông người.




Thực ra, nói như Hégel, cái gì tồn tại thì hợp lý, triết học ra đời, tồn tại và phát triển đáp ứng nhu cầu của con người để nhận thức, khám phá thế giới và bản thân mình.

Từ thuở ấu thơ, cùng với quá trình tích lũy tri thức và kinh nghiệm cụ thể, mỗi chúng ta thường băn khoăn về bí mật của thế giới, về số phận con người, về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống, và trong ý thức chúng ta dần dần hình thành những quan niệm về những vấn đề mà bao thế hệ đã từ lâu trăn trở, những vấn đề dẫn đến triết học.

Triết lý là cấp độ sinh động đời thường của triết học được hình thành một cách tự phát dưới ảnh hưởng trực tiếp của đời sống hàng ngày, phổ biến trong ý thức đông đảo mọi người. Triết lý chưa phải là triết học, song không có triết lý cũng không thể có triết học.




Con đường dẫn đến triết học cũng có thời tiền sử của nó. Từ thuở ấu thơ của nhân loại, con người cũng ngạc nhiên, bỡ ngỡ và băn khoăn trước vũ trụ và nhân sinh, cũng tìm lời giải thích về thế giới và đối thoại với chính mình. Nhưng do tri thức còn hạn chế và năng lực tư duy trừu tượng còn chưa phát triển, con người đã dùng tưởng tượng và bằng tưởng tượng tạo ra hệ thống thần thoại như là lời giải đáp ngây thơ chất phác mà không kém phần trong sáng, đáng yêu về thế giới và cuộc đời. Giải quyết những vấn đề lớn đòi hỏi phải có những trí tuệ lớn, niềm tin lớn, tựu trung, cần những nhân cách lớn. Sau thời kỳ Thần thoại, để giải đáp những vấn đề lớn về vũ trụ và nhân sinh, thật đáng tiếc, lại có nhiều cách trả lời dựa trên nền tảng khác nhau: dựa trên đức tin dẫn đến các tôn giáo; dựa vào năng lực trí tuệ dẫn đến triết học. Đương nhiên, và độc giả sẽ thấy rõ điều này, là có sự pha trộn, xâm nhập lẫn nhau nhất là trong thời kỳ đầu, giữa những hình thái thần thoại, tôn giáo và triết học, giữa suy đoán và chứng cứ, giữa lý trí và niềm tin, giữa tri thức và giá trị… song tất cả đều là tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Triết học là gì? Theo nhận xét của Hégel, đó là câu hỏi khó nhất của… triết học. Điều đó nói lên tính sâu sắc, phong phú và đa dạng của triết học. Song cũng chính Hegel uyến bác và hóm hỉnh nói rằng: các nhà triết học của các dân tộc khác nhau, qua các thời đại khác nhau, đặt ra, giải quyết và có những học thuyết rất khác nhau, nhưng giữa họ có một điểm chung, đó là họ đều là những nhà triết học. Theo chúng tôi, triết học là hình thái ý thức xã hội đặc biệt; để hiểu triết học, phải tiếp cận nó từ nhiều hướng, trong đó nổi lên là sự tổng hợp của ba hướng cơ bản: triết học là hệ thống tri thức phổ quát về thế giới và con người cũng như quan hệ giữa con người với thế giới đó; triết học là hệ thống giá trị về mục đích, ý nghĩa, lý tưởng mà con người vươn tới nhằm hoàn thiện nhân cách của mình; triết học còn là hệ thống phương pháp luận phổ biến hướng dẫn con người trong hoạt động thực tiễn nhằm tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, trong sự hòa hợp giữa con người với con người, trong sự hài hòa giữa con người với tự nhiên.

Tiến Trên con đường đi tìm chân lý, hành trình triết học là nỗ lực khám phá. Đó không phải là con đường bằng phẳng. Dù sao con người cũng bị giới hạn bởi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Lịch sử triết học là lịch sử hiện thực của nhân loại trên những chặng đường cụ thể, được thể hiện dưới dạng tư tưởng tinh hoa. C. Marx viết: các nhà triết học không xuất hiện như nấm mọc trên đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình, mà dòng nhựa tinh túy, quý giá và thanh khiết kết tinh lại ở các tư tưởng. Từ luận điểm của C. Marx, chúng ta có thể nói rằng, do đó, không thể hiểu một thời đại, một dân tộc nào mà không tìm hiểu triết học của thời đại, của dân tộc ấy.




tin Trong tiến trình lịch sử, các sự kiện trôi qua song các giá trị còn lại. Tính kế thừa đảm bảo cho sự nối tiếp và phát triển. Di sản quá khứ làm phong phú hơn cuộc sống hiện tại. Trong công trình nghiên cứu “Marx nhà tư tưởng của cái có thể”, Michel Vadée chỉ rõ rằng cội nguồn tư tưởng triết học của Marx không chỉ bắt nguồn trực tiếp từ Hégel, Feuerbac mà từ xa hơn, từ Epicure, Platon, Aristote. Và có thể dẫn thêm nhiều chứng cứ nữa để khẳng định rằng nghiên cứu lịch sử triết học tinh hoa văn hóa là để chúng ta hiểu sâu sắc thêm chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh sự tổng hợp và là đỉnh cao của trí tuệ loài người và của dân tộc.

Mỗi học thuyết triết học không chỉ mang đậm nét bản sắc văn hóa và phong cách tư duy của dân tộc mà được xem là tài sản chung của nhân loại. Đã qua rồi cái thời các dân tộc sống cô lập, tách biệt với nhau, phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây. Nghiên cứu lịch sử triết học phương Tây, chúng ta sẽ khám phá, hội ngộ với nửa bên kia của chính mình.

Bộ sách Lịch sử triết học Tây phương của Lê Tôn Nghiêm là công trình khảo cứu công phu, nghiêm túc, cung cấp cho chúng ta nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy và những ý kiến luận giải, đánh giá sâu sắc, công minh. Đương nhiên do hoàn cảnh và điều kiện, tác giả còn bộc lộ nhiều hạn chế, kể cả những yếu kém cơ bản về những nguyên tắc phương pháp luận nghiên cứu lịch sử triết học. Song với mong muốn cung cấp thêm nguồn tài liệu để tìm hiểu triết học, mà ở nước ta hiện nay nguồn tài liệu này còn ít, đáp ứng nhu cầu ngày càng có nhiều người tìm đến với triết học, thiết nghĩ việc xuất bản bộ sách này là cần thiết và bổ ích.

Lê Tôn Nghiêm nguyên là giảng viên Ban Triết, Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau đó tiếp tục là giảng viên Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày đầu liền sau giải phóng, ông hồ hởi khoe với tôi cuốn sách ông mới có trong tay: Tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của V.I.Lênin. Tôi nhớ mãi ánh mắt bừng sáng như một khám phá mới mẻ của ông hôm ấy và viết những dòng này với tình cảm trân trọng tưởng nhớ một con người miệt mài tìm kiếm những giá trị và chân lý trong dòng lịch sử triết học.

Nguyễn Quang Điển

Tiến sĩ Triết học Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *