Tính – Tinh Hoa Về Các Phạm Trù Triết Học Trung Quốc

Tác giả: SẦM HIỀN AN, TỪ TÔN MINH, THÁI PHƯƠNG LỘC, TRƯƠNG HOÀI THỪA, TRƯƠNG LẬP VĂN

Người dịch: NGUYỄN DUY HINH

Hiện nay, rất nhiều trí thức am hiểu sâu về nền văn hóa truyền thống Trung Quốc đang suy xét lịch sử. Nhìn lại quá trình lịch sử Trung Quốc hơn 100 năm gần đây ta thấy: Các cường quốc lần lượt đến xâm chiếm, gây ra quốc nạn triền miên. Hàng loạt các chí sĩ, thân sĩ yêu nước thương dân, không chịu khuất phục đã hướng về các nước phương Tây để tìm kiếm chân lý, còn văn hóa phương Tây cũng theo các lực lượng quân sự và tôn giáo tràn vào Trung Quốc. Thế là đã xảy ra các cuộc đấu tranh giữa “Trung Quốc học” và “Tây phương học”, giữa “Cựu học” và “Tân học”, hoặc là “Trung thể Tây dụng” (tức Trung Quốc học là thể, Tây phương học là dụng), hoặc là “Tây hóa hoàn toàn”. Các cuộc tranh luận, bàn cãi tuy rất sôi nổi, nhưng đều chưa giải quyết được vấn đề lớn, đó là cứu nước, làm cho đất nước Trung Quốc giàu mạnh (cận đại hóa hoặc hiện đại hóa). Các cuộc tranh luận này có ảnh hưởng kéo dài tới tận ngày nay.

Suy xét lại lịch sử nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, mà vấn đề trung tâm hay cơ sở lý luận của nó là sự kiểm tra, xem xét lại nền triết học truyền thống Trung Quốc, mà triết học truyền thống Trung Quốc lại được biểu hiện qua một loạt phạm trù triết học truyền thống hay những mệnh đề triết học truyền thống do nhiều phạm trù cấu thành. Việc kiểm tra, xem xét lại các phạm trù triết học truyền thống Trung Quốc là nhằm tìm ra những tính chất và đặc điểm, những tinh họa và cặn bã, những kinh nghiệm và bài học của triết học truyền thống, để phát huy hay loại bỏ một cách có phân tích và sáng tạo trên cơ sở tổng hợp về văn hóa, làm cho nền văn hóa truyền thống Trung Quốc với hiện đại hóa có được sự hài hòa và thống nhất.

Cải cách, mở cửa, là trào lưu và xu thế lớn của thế giới, thuận theo xu thế đó thì sẽ phát triển giàu mạnh, đi ngược lại trào lưu đó thì chỉ có thể tụt hậu và bị khinh khi. Theo đà mở cửa và tiếp thu khoa học kỹ thuật phương Tây, cùng đi theo với mặt vật chất phương Tây còn có cả mặt tinh thần như ý thức, tư tưởng, quan niệm v.v… Như vậy không tránh khỏi xung đột với văn hóa truyền thống Trung Quốc, các cuộc thảo luận so sánh văn hóa Trung Quốc với văn hóa phương Tây lại trở nên sôi nổi. Nền văn hóa truyền thống Trung Quốc liệu có thể thích ứng với hiện đại hóa hay không, trở thành vấn đề dược mọi người chú ý quan tâm một cách rộng rãi. Điều đó đòi hỏi sự hiểu biết chân thực nền văn hóa truyền thống Trung Quốc và nền văn hóa phương Tây một cách có hệ thống và chính xác. Chỉ có nhận thức đúng đắn văn hóa truyền thống của bản thân mới có thể làm cho nền văn hóa dân tộc chúng ta có được tư cách chủ thể tham gia vào giao lưu văn hóa, hấp thụ một cách có phân tích những thành quả ưu tú của văn hóa phương Tây, xây dựng một xã hội hiện đại hóa mang đặc sắc Trung Quốc. Không có lịch sử thì không có tương lai, không có truyền thống của mình thì cũng không có đặc sắc của Trung Quốc. Tủ sách tinh hoa về các phạm trù triết học Trung Quốc nhằm bắc nhịp cầu lý giải văn hóa truyền thống với hiện đại hóa, quá khứ với hiện tại và tương lai, khiến cho mọi người nhận thức tự giác nội tại rằng hiện đại hóa chỉ có thể là hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, dân chủ và tự do kiểu Trung Quốc và cả xã hội chủ nghĩa cũng kiểu Trung Quốc. Đồng thời cũng khiến cho các học giả và nhân sĩ ngoài nước quan tâm đến sự hiện đại hóa của Trung Quốc, thấu hiểu sâu sắc hơn nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, để rồi từ đó họ có thể rút ra những kết luận cho chính mình.

Từ hệ thống phạm trù triết học truyền thống Trung Quốc rất phong phú, tủ sách này đã sàng lọc ra những phạm trù thường thấy nhất, có tính tiêu biểu nhất như Đạo, Khí, Tâm, Tính v.v…, và biên soạn thành các chuyên tác riêng biệt. Đứng ở vị trí thời đại ngày nay mà suy xét lại nền triết học truyền thống, các chuyên tác này gợi cho độc giả sự quan tâm nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống Trung Quốc với hiện đại hóa và cung cấp một cơ sở hay phương tiện để tư duy, đồng thời chúng tôi cũng nêu lên những ý kiến của mình để giao lưu trao đổi, cùng nhau thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc.

Nguyện vọng của chúng tôi chắc chắn có thể thực hiện được. Chúng tôi thành tâm mong được sự ủng hộ, giúp đỡ và phê bình của đông đảo bạn đọc để thúc đẩy sự nghiệp văn hóa chung của chúng ta.

Trương Lập Văn

Trung Quốc Nhân Dân đại học tháng 4 năm 1987

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *