Đây là tập thơ thứ ba, tôi dụng công chép lại để ghi ít nhiều kỷ-niệm giữa nội-nhân (Phùng-Thị-Thu) và tôi trong nhiều chuỗi ngày năm xưa, chúng tôi thường cùng nhau dong chơi, ngâm vịnh.
Đây một bằng chứng nói lên sự tương đắc của chúng tôi.
Ngày vợ chồng tôi cùng dạy học ở trường Mỹ-hào, Hưng-yên, chúng tôi có ông bạn nhà nho, dòng danh-gia thế-phiệt : cụ Tuyết-Sơn Đào-Hữu-Linh, thơ đối hay có tiếng.
Vì cụ thấy chúng tôi là những nhà giáo yêu nghề, lại cùng nhau hòa thuận, xứng đáng với lời ca tụng của phương-dân, cụ đã có nhã ý tặng chúng tôi một đôi liễn với hai vế đối :
« Lý Đào chủng thực thành công dị,
Lương Mạnh tề my kháng lệ nan ».
Việc xảy ra đã lâu ngày, tôi không chắc có nhớ đúng từng chữ trong đôi liễn cụ cho tôi không. Nhưng tóm ý chính của cụ thì việc gây dựng cho đàn hậu-tiến mà chúng tôi cùng đảm nhận vẫn còn dễ nên công ; đến như việc vợ chồng thuận hòa, trọn đời kính nhau như khách mới thật là khó. Tôi đã không lột được nghĩa từng tiếng để dịch, đành tạm dịch như sau :
« Lý Đào vun giống dầy công quả,
Lương Mạnh ngang mày hiếm lứa đôi ».
Chúng tôi tương đắc ở chỗ cùng viết sách, cùng làm thơ. Sách của chúng tôi in ra đã có trên mười cuốn, còn thơ thì nguyên trong tập này cũng có gần hai trăm bài.
Trước khi nói đến việc chúng tôi xướng họa hay ngâm vịnh cùng nhau, tôi xin giới thiệu nội-nhân bằng một bài thơ, tôi trêu ghẹo nàng, khi Thu tôi đương hồi xuân sắc.
« Vốn dòng sư-tử đất Hà-đông, 1
Chắt chút danh-nho cụ trạng Bùng. 2
Mép rải mồm loa hay phẩm nói, 3
Xương mai mình hạc cóc buồn trông. 4
Hằng năm nhũn nhặn ưa nằm bếp, 5
Suốt tháng lươn khươn vẫn ngán chồng.
Dù chẳng gan lim, không sợ súng, 6
Treo gương mô-phạm giữa châu Hồng ». 7
Ngày 29 tháng 3 năm Tân-sửu (13-5-1961), Thu tôi không bệnh mà qua đời. Thế là hết. Cùng một lúc tôi mất người vợ hiền và người cộng tác đắc lực trong đời văn bút của tôi.
Cuốn thơ này, nếu không được in ra thì một ngày nào đó tôi sẽ ngậm ngùi, vì đã không giữ được lời hứa cùng người bạn đời đã khuất.
Viết tại Sàigòn, ngày 8-5-1967
(29 tháng 3 Đinh-mùi)
giữa ngày giỗ nội-nhân lần thứ sáu.
VŨ-HUY-CHÂN
Tự Đãi-Sính, hiệu Duẫn-Chi
biệt-hiệu Nhị-Bút.
***
Từ 10 hay 11 thế-ký trước Tây-lịch kỷ nguyên (chừng khoảng giữa đời Hồng-Bàng ở nước ta) cho tới cuối đệ ngũ hay đầu đệ lục thế-kỷ (đối chiếu vào đời Tiền Lý : Lý-Bôn… Phật-Tử), khu-vực Sài-gòn thuộc trong bờ-cõi nước Phù-nam.
Từ thế-kỷ thứ 6, sấp sỉ vào thời Mai-Hắc-Đế, Bố-Cái Đại-Vương, đất này thuộc nước Thủy-Chân-lạp.
Đến thế-kỷ thứ 17, đã có một số người Việt di cư sang ở đất Bà-rịa của nước Thủy-Chân-lạp, rồi tiến xa dần tới khu rừng Gòn. Lúc ấy bờ-cõi hai nước Việt Lạp còn cách xa nhau khoảng ngàn lý (ước 420 cây số) vì còn có nước Chiêm-thành ở xen vào giữa từ Bắc Khánh-hòa (Kanthara) cho tới Nam Bình-thuận (Panduranga).
Để kiều-dân ta được che chở, năm Canh-thân (1620), Chúa Sãi Nguyễn-Phúc-Nguyên bèn gả công-chúa Ngọc-Vạn cho vua Chân-lạp Chey-Chetta H tức Nặc-Ông-Thu đệ nhị. Năm Bính-dần (1626), Nặc-Ông-Thu mất. Nhiều năm qua đi với nhiều biến-cố xẩy đến cho nước Chân-lạp và lúc ấy đã sang đời chúa Hiền Nguyễn-Phúc-Tần. Thái-hậu Ngọc-Vạn của Chân-lạp mới dâng thơ về cố-quốc xin cho quân sang đánh Nặc-Ông-Chân. Năm Mậu-tuất (1658), An-võ-hầu Tôn-Thất-Yên đem quân do đường thượng đạo sang bắt được Nặc-Ông-Chân ở khoảng núi Môi-xúy tức khu Định-quán thuộc Long-khánh ngày nay. Năm Kỷ-hợi (1659), Nặc-Ông-Chân được tha trở về nước, mới dâng đất Nông-nại (Biên-hòa) để tạ ơn.
Sau một thời gian đến lập nghiệp ở khu Rừng Gòn (Prei No-kor), Việt-kiều lại gặp đối kháng dữ dội của người Chân-lạp. Năm Giáp-dần (1674), Nặc-Ông-Đài đem quân Tiêm về đánh Nặc-Ông-Nộn, đuổi người Việt và ra mặt chống nhau với chúa Nguyễn. Chúa Hiền sai Cai-cơ đạo Nha-trang là Nguyễn-Dương-Lâm sang đánh, phá được thành Sài-gòn, rồi tiến lên vây thành Nam-vang. Nặc-Ông-Đài chạy vào chết ở trong rừng. Một hoàng-tử thuộc dòng vua chính ra hàng, được phong làm Chánh-quốc-vương đóng ở Long-úc (Oudong) tức Nặc-Ông-Thu đệ tam. Còn Nặc-Ông-Nộn được phong làm Phó-quốc-vương đóng ở Sài-gòn.
Năm Kỷ-mùi (1679), chúa Hiền cho bọn quan quân nhà Minh sang xin làm dân nước Nam vào khai phá đất Chân-lạp. Một phần trong bọn đó tới lập nghiệp ở khu Lộc-giã tức Đồng-nai (Biên-hòa). Phần khác tới khẩn đất và lập khu buôn bán ở đất Mỹ-tho. Cùng khi ấy, ta lập đồn quân ở ấp Đậu. Hiện có ấp Đậu thuộc khu Tân-mỹ (Đồng Bà Nghè) và xóm chợ Đậu gần đó, tất cả đều thuộc khu Tân-uyên.
Năm Mậu-thìn (1688), những người Việt gốc Hoa tại Mỹ-tho làm phản. Hoàng-Tiến giết Dương-Ngạn-Địch rồi đem cánh quân Long-môn đồn trú ở Nan-khê, có lẽ là Bàn-khê (rạch Ba-lơi, rạch Gắm) đóng tầu đúc súng, mưu toan đánh đuổi người Lạp để dựng riêng một cơ-đồ. Nặc-Ông-Thu cũng đắp lũy xây đồn để chống lại và không thần phục chúa Nguyễn nữa.
Chúa Nghĩa Nguyễn-Phúc-Trăn sai Vạn-long-hầu Mai-Vạn-Long sang Chân-lạp dẹp loạn. Hoàng-Tiến bị giết, nhưng việc Chân-lạp vẫn không thu xếp xong. Hào-lương-hầu Nguyễn-Hữu-Hào được cử sang thay, nhưng lại mắc kế mỹ-nhân, việc quân vẫn bị đình trệ. Sau đến lượt Chưởng-cơ Nguyễn-Hữu-Kính sang dẹp, Nặc-Ông-Chân mới chịu xin hàng.
Cũng vì có loạn Hoàng-Tiến, Phó-vương Chân-lạp mới bỏ khu Rừng Gòn và rời dinh về thành La-bích (thành La-bích này thuộc khu Trà-luộc, phần đất Vĩnh-bình giáp ranh Vĩnh-long).
Dù người Lạp đã rời khu Rừng Gòn từ năm 1688, nhưng mãi đến năm Mậu-dần (1698), Lễ-thành-hầu Nguyễn-Hữu-Kính mới sang thu nhận đất ấy và chia những đất đã chiếm được ra làm dinh huyện. Cũng gần hồi ấy, khoảng một năm trước (1697), ta đã lấy trọn cõi Chiêm-thành và ranh-giới nước ta liền với cõi Chân-lạp).
Sài-gòn, về thời chúa Nguyễn chạy vào Nam còn bị bao vây bằng nhiều cánh rừng rậm ở khu Hốc-môn, Tân-bình, Gò-vấp. Ngay ở vùng Phú-lâm thuộc quận 6 và phần lớn quận 7 cũng ở trong khu rừng già man mác. (Prei-Nokor tức thành vua Chân-lạp ở trong miền rừng Phú-lâm).
Năm Mậu-tuất (1778) một số đông người Hoa, trước ở Biên-hòa bị quân Tây-sơn dồn đuổi, mới giắt díu nhau ngược giòng sông Bến-nghé lên khu Chợ-lớn ngày nay. Họ lập phố phường buôn bán và gọi nơi đây là Đề-ngạn (bờ đê cao). Người Phước-kiến phát âm tiếng Đề-ngạn thành Tày-ngon, cũng nghe như Thầy-ngồn và gần âm với Sài-gòn. Thành phố Tày-ngon được ta kêu là Chợ-lớn từ khi người Pháp mở hai ngôi chợ trong khu : Chợ Lớn (đây chỉ Chợ lớn cũ) và Chợ Nhỏ (tức chợ Thiếc hay chợ Phó-cơ Điểu).
Cùng khi ấy khu được mệnh danh là Sài-gòn (về hồi sau) thì gọi là Bến-nghé. Người Triều-châu, Phước-kiến còn gọi khu Bến nghé là Tsi-kún hay Si-coóng tức Tây-cống.
Mời các bạn đón đọc Lòng Quê (Nhân Vật – Thắng Cảnh – Di Tích Lịch Sử) của tác giả Vũ Huy Chân.
Chia sẻ ý kiến của bạn