Sinh về giữa thế-kỷ thứ XX, đương lúc công-nghệ mở-mang, khoa-học phát-đạt, ai ai cũng tự hào – hoặc đúng hay không đúng, không kể – tự hào là văn-minh tiến-bộ, thế mà còn nhắc lại đến truyện khoa-cử cùng trường thi hương là một câu chuyện mới quên được mấy chục năm nay ; mới nghe thấy, chắc phần nhiều thở dài mà than rằng : « Rõ một vấn-đề hủ-bại ! » Ý lại muốn cổ-động về thi Nam chăng ? lại muốn rủ nhau phô-diễn tấn tuồng đeo lều đập lọ, dắt nhau giật lùi vào trong giấc mơ-màng đã mấy trăm năm ! Nhưng không, xin chớ đoán định vội-vàng, phủ việt quá nghiêm. Khoa-cử cùng trường-thi, cách ba mươi năm về trước, còn là một nơi « lừa lọc anh hùng đến đầu bạc chửa thôi » thì có lẽ thật là một việc hủ bại, một cái ngộ-điểm to, không những của đồng-bào ta mà của cả các nước cùng chung một văn-hóa Tàu ở Á-đông. Nhưng từ năm 1918 là khoa kết-cục trường thi cũ của nước Nam trở về sau thì khoa cử cùng trường-thi Nam-định 1 đã thuộc về vấn-đề lịch-sử, nếu cho là nhầm, là xấu, mà kiêng nể không nói đến thì khác gì mình có cái xấu cứ đem giấu kín mãi, không cho đồng-bào cùng biết, còn ai biết đâu mà tránh, cái hại lại càng to mà đến cái tốt đẹp cũng chưa chắc đã có mà đã là tốt đẹp. Kỳ thực ra, chính đó là cái cơ-quan nung-đúc nhân tài của xứ mình, trong khoảng mấy trăm năm ; biết bao nhiêu danh-nhân, phần nhiều đều ở đó mà ra : văn-nhân mặc-sĩ cũng có, danh-thần lương-tướng cũng có, đầy rẫy trong sử sách, ít người là không do khoa mục. Vấn-đề khoa-cử là một thiên trọng-yếu cần-thiết trong văn-học sử cùng văn-hóa sử nước nhà. Vả chưng, xem qua những phương-pháp thi cử chúng tôi sắp bầy tỏ sau đây, đủ biết cách tổ-chức của tiền-nhân ta, tuy đem so với phương-pháp Âu, Mỹ thì thật chưa được hoàn-bị, nhưng thật có nhiều điều ta nên để ý suy xét, có lẽ những phương-pháp ấy thích-hợp với tính tình phong-tục cùng thiên-thời thủy-thổ xứ mình chăng.

Cổ-nhân có nói : « Nhân tài là nguyên khí của nhà nước mà khoa cử là thán đồ của học-trò 人才國家之元氣科目士子之坦途 », vậy khoa cử đặt ra cốt để kén chọn nhân-tài cho nhà nước. Mục đích vẫn hay, duy chỉ tại người đem thi-hành hoặc tự-tư tự-lợi, hoặc thiên chấp câu-nệ, làm sai lạc phương-châm mãi đi, nên nhiều người cho là có hại, mà cứ thế thì có hại thực.

Thi hương là một kỳ thi tất cả những sĩ tử ở các châu, huyện trong một tỉnh hay nhiều tỉnh cùng thi ở một tỉnh-lị nào để kén chọn lấy người học giỏi, rồi lại cùng thi ở kinh đô với những người học giỏi ở các tỉnh khác. Những người trúng tuyển thi hương tùy theo từng thời, hoặc gọi là cống-cử, hoặc gọi là cử-nhân. Lối thi hương là tổ thuật của Tàu mà ở Tàu cũng mới bắt đầu có từ đời Đường là vì từ đó cách tuyển-cử không do ở các trường học hay ở các quan nữa 2. Trước khi nói đến vấn-đề trường-thi hương Nam-định, ta hãy xét qua về lịch-sử khoa cử cả văn lẫn võ ; và nguồn-gốc phép thi.




***

Nước ta là một nước nhỏ ở cạnh nước Tàu, trải bao lâu Bắc thuộc, nên nhất thiết chế-độ đều phải theo Tàu cả, dần dần tập quen, cái gì cũng Tàu thì mới có vẻ hay vẻ tốt. Ngay từ hồi ấy, trong con mắt người ta cùng người Tàu, chỉ có nước Tàu là văn-minh, cũng như Hi-lạp và La-mã ở phương tây, ngoài nước Tàu ra toàn là rợ mọi cả 3. Nước ta mãi đến đời Đinh trở về sau, thoát li được cường-quyền, gây nền độc-lập, thì đã vào hồi nước Tàu đặt ra khoa-cử rồi, thế cho nên cách kén chọn nhân-tài ở xứ ta chỉ có lối khoa-cử cũng như ở Tàu về hồi đó mà thôi. Vậy xét qua cách kén chọn nhân-tài ở Tàu đời xưa, không phải là không bổ-ích.

Ở Tàu, trước hồi có khoa-cử cũng đã có nhiều cách lựa chọn lấy nhân-tài. Xét từ thượng-cổ, người ta còn ăn lông ở lỗ, mặc lá đeo da, ai mạnh thì sống, ai yếu thì bẹp ; dần dần về sau, văn-hóa một tiến, lấy trí-tuệ mà tranh giành nhau, nên các cổ-nhân rất lưu ý về việc giáo-dục dân chúng, đoán luyện nhân-tài, tuy chưa đặt riêng ra khoa cử, nhưng kén ngay ở trường học, cốt được thực tài. Thời tam-vương (trước Th. Ch.) trẻ con mới vỡ lòng học ở nhà, gọi là Thục塾 ; khi đã biết ít nhiều cho học ở trường làng, gọi làTường 庠 ; tốt-nghiệp ở trường làng lên học ở tỉnh, gọi là Tự 序 ; khi đã thành tài lên học ở nước gọi là Học 學 tức là đại-học. Theo trong sách Châu-lễ 周禮và Vương-chế 王制 mỗi khi học-trò tốt nghiệp ở từng trường đều có danh hiệu riêng : Tú-sĩ, Tuyển-sĩ, Tuấn-sĩ, và Tiến-sĩ ; từ trường nọ cử lên trường kia thì do ở các ông thày dạy bình nhật kén chọn trong bọn những người còn theo học, không những phải có tài có học mà còn phải có đức-hạnh. Ông thày nào kén chọn không cẩn-thận, hoặc ẩn-nặc người giỏi thì không những phải pháp-luật nghiêm-phạt, mọi người đều khinh-bỉ, không kể là người trong xã-hội. Việc tuyển cử đó mãi đến đời Xuân-thu hãy còn thấy thi-hành, phép nội-chính của vua Tề Hoàn-công còn chép trong sách Quốc-ngữ 國語 rõ-ràng lắm :




« Cứ rằm tháng giêng, vua thân đi từng làng, đòi quan thủ-hiên ra hỏi xem trong làng ấy có ai là người học-hành giỏi, tính nết tốt, thì phải đề cử, nếu ẩn nặc hay không biết thì phải tội. Đó là kén chọn văn thần, đến vũ-tướng cũng vậy, cũng bắt phải đề cử những bậc tài nghệ siêu-quần ».

Lọc đi lọc lại, ai cũng phải lấy công-tâm vì xã-hội kén chọn người hay, có phải cổ-nhân cẩu-thả, chỉ trong một hai ngày thi cử thì làm sao có thể khỏi di tài, khỏi lạm dụng được. Dần dần về sau nhân trào-lưu phong-kiến, không những đế-đồ vương nghiệp, đời nọ nối đời kia mà đến các quan chức cũng cha truyền con nối ; có người không biết một chữ, không hiểu một việc cũng cầm quyền cai-trị, thì còn lấy đâu mà thịnh được ; thế cho nên trong sách Xuân-thuthường chê cách thế-khanh là không hay. Đến đời Tần đời Hán, sau một hồi loạn lạc lung tung, tưởng lầm rằng, làm cho dân ngu thì dễ cai-trị, nên Tần thì phần thư khanh nho, Hán thì không nói tới học-hiệu, đặt ra các khoa để kén người, chia học hiệu khoa-cử ra làm hai : học hiệu là tư của dân-chúng mà khoa-cử là công của quốc-gia. Không có trường dạy mà chỉ tìm cách kén người thì lấy người đâu mà kén, điều đó có lẽ trái tai lắm ; nhưng an tri cách học hiệu được tự do lại không là một việc hay. Theo chính-sách ấy thì sự giáo-dục không được phổ tế khắp mọi người về đủ các phương-diện, nhưng ai đã xuất quần thì có lẽ lại tự đào chú được hoàn-toàn xuất sắc, cho nên Hán, Đường, Tông cũng sản xuất được nhiều cự nho, danh-tướng. Cho đến mãi đời Tông, Vương An-Thạch là người có sáng kiến hay, xin lại dựng lại các học-hiệu bỏ lối thi cử toàn bằng văn-chương, theo như lối đời Tam-vương dạy bảo quốc-dân cho được hoàn bị, tiếc vì những chánh-sách hay của ông ít người tán-thành, phần nhiều câu nệ về lối từ-chương. Mãi tới hồi có phong-trào Thái-tây tràn sang Đông-á, ông Khang ông Lương hết sức hô-hào, được ít lâu rồi khoa-cử nước Tàu mới bãi hẳn. Đó là kết cục ở Tàu, còn ở ta cũng nhờ phong-trào ấy mà có sự biến đổi to trong lịch-sử.

Tuy vậy, vấn đề khoa-cử cũng không phải là mới mẻ gì, không phải là bây giờ ta mới khảo-sát tới ; các cụ ta cũng đã có khảo-cứu nhiều : khảo-cứu riêng về khoa cử ở nước ta cũng có, riêng về ở Tàu cũng có mà chung cả hai cũng có. Trong các sách của cụ Lê Quí-Đôn 4, Phan Huy-Chú 5, Trương Quốc-Dụng 6, Vũ Phạm-Khải 7 cũng đã có nói đến khoa cử cùng lịch-sử khoa cử. Những sách ấy đều là sách viết cả. Về hồi Tự-đức thứ 26, năm quí-dậu (1873) chính đương lúc triều-đình ta có nhiều việc ; nào trong Nam ngoài Bắc, nào cờ vàng, cờ đen, nào cụ Nguyễn Tri-Phương tử tiết, v.v… thì có in ra một bộ sách tên là Cổ-kim khoa thi thông khảo của cụ Nguyễn Truyết-phu làm ra, có lẽ là cụ Nguyễn Chánh 8. Trong các bộ Đăng khoa lục 9, bộ nào cũng có một bài tổng-luận nói qua về lịch-sử khoa-cử. Gần đây ông Nguyễn Văn-Đào có làm bộ sách gọi là Hoàng Việt khoa cử kính in trong tạp-chí Nam phong. Theo nhời trong bài tựa của tác-giả thời quyển sách ấy cốt để làm một vật kỷ-niệm cho khoa trường 甾爲科媯-紀念 và giúp cho các nhà khảo cổ sau này.

Xem đó đủ rõ về lịch-sử khoa cử đã có nhiều sách nói phân-minh kỹ-lưỡng, nhưng hiềm vì các sách ấy đều chỉ nói thiên về khoa thi văn, không nói qua một câu nào đến thi võ, các sách ấy làm ra cốt để cho hậu-thế biết cái tài học của các văn nhân, biết cái gốc tích của làng văn. Nếu bây giờ chúng ta theo thứ tự các sách kể trên mà dịch-thuật ra thì về văn-khoa thật là quá đủ thành ra thừa nhiều mà về võ thì không có một ít nào, lại là thật thiếu. Vậy chúng tôi xin lược thuật qua loa để chúng ta cùng hiểu đại-lược cả thi văn cùng thi võ ở nước ta.

Thi văn có từ bao giờ ? Khoa thi văn thứ nhất nước ta có từ năm Thái-ninh ất-mão đời vua Lý Nhân-tôn (1075), gọi tên là khoa Minh-kinh bác-học, là tổthuật ở khoa Minh-kinh sạ sách, Bác học hoành từcủa đời Hán, đời Đường mà đến đời Tống cũng vẫn còn theo.

Thi võ có từ bao giờ ? Cụ Lê Quí-Đôn thì bảo trước đời nhà Lê, nước ta không có thi võ, nhưng xem trong các sử sách, năm Chính-long thứ 8 (1170) đời Lý Anh-tôn, vua thường ra tập bắn tại trường bắn ở phía nam kinh-thành, khi tập có bắt các quan võ thường ngày phải đua nhau tập học phép công thủ, lối bày trận. Đến đời vua Trần Thái-tôn có chọn những người có dũng-lực mà hiểu võ nghệ cho làm thượng-đô túc-vệ, thì ta có thể cho rằng thi võ của nước ta khởi thủy từ đó.

Mời các bạn đón đọc Lược Khảo Về Khoa Cử Việt Nam (Từ Khởi Thủy Đến Khoa Mậu Ngọ 1918) của tác giả Trần Văn Giáp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *