Lược sử Phật giáo
Nguyên tác : A Short History of Buddhism – EDWARD CONZE
Khi nhận được tập sách này –nguyên tác tiếng Anh – từ một người bạn ở Đức gửi tặng, tôi tự nói ngay với mình rằng: “Lịch sử Phật giáo ư? Với chừng này trang sách thì chỉ có thể là cưỡi ngựa xem hoa thôi!
Nhưng khi đọc qua tập sách, tôi biết là sự đánh giá ban đầu của mình đã có phần nào hơi vội vã, thiếu chính xác. Eduard Conze quả thật đã làm được điều tưởng như không thể làm được là giới thiệu tổng quát về lịch sử phát triển của Phật giáo bằng một cách ngắn gọn nhất có thể được, mà vẫn thâu tóm được đầy đủ những gì cần thiết.
Mặc dù bản thân là một Phật tử, Conze vẫn luôn giữ được khoảng cách khách quan cần thiết khi trình bày các vấn đề về lịch sử Phật giáo. Hơn thế nữa, ngay khi đề cập đến các bộ phải khác nhau, ông cũng không bao giờ để cho ngòi bút của mình nghiêng về theo những khuynh hướng tư tưởng mà mình đã chọn. Và đây chính là yếu tố đã tạo được sự tin cậy cần thiết cho một tác phẩm có tính cách sử học như thế này.
Conze cũng tạo được cho tập sách của mình một cấu trúc rất chặt chẽ. Mặc dù với những sự kiện khá dày đặc diễn ra trong hơn 2.500 năm mà chỉ với không đảy 150 trang sách, ông đã không làm cho người đọc phải choáng ngợp bởi sự dồn dập của chúng. Bằng một sự liên kết khéo léo, ông đã trình bày tất cả theo một cách khái quát nhất mà vẫn bao hàm được những chi tiết cốt lõi cần thiết nhất. Trong một chừng mực nào đó, tôi có cảm giác liên tưởng nghệ thuật trình bày này của ông như những nét chấm phá độc đáo của một nhà danh họa thủy mặc.
Nhưng lịch sử phát triển của một tôn giáo, nhất là khi tôn giao ấy là Phật giáo, không thể chỉ bao gồm những sự kiện, mà điều cần thiết và thậm chí còn quan trọng hơn nữa chính là các khuynh hướng tư tưởng với sự hình thành và phát triển của chúng. Và việc trình bày ngắn gọn những vấn đề vô cùng phức tạp, đa dạng và đôi khi rất trừu tượng này thật không dễ dàng chút nào. Người viết nếu không nắm vững tất cả mọi vấn đề và tuân theo một phương pháp trình bày hết sức khoa học, thì chắc chắn sẽ không tránh được sự lạc lối trong khu rừng tư tưởng đầy bí ẩn của Phật giáo. Conze đã làm được điều khó làm, và thậm chí còn làm rất tốt, khi ông giới thiệu hầu như tất cả những khuynh hướng tư tưởng lớn khác nhau trong Phật giáo, và nêu lên được sự khác biệt cơ bản nhất của chúng.
Chỉ với tác phẩm này, Conze đã hoàn toàn xứng đáng được xếp vào một trong những người có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo sang phương Tây. Nhưng ngoài ra, cùng với bậc tiền bối Daisetz Teitaro Suzuki, ông còn góp phần quan trọng hơn nữa trong việc trình bày những tư tưởng Đại thừa, nhất là Thiền tông, theo cách mà người phương Tây có thể tiếp nhận được.
Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng việc đọc tập sách này để tìm hiểu về lịch sử Phật giáo là việc cưỡi ngựa xem hoa. Điều kỳ lạ ở đây là, với sự hướng dẫn của Conze, người xem hoa” theo cách này đã có được những kiến thức cơ bản nhất về Phật giáo, về sự hình thành và phát triển, về những trào lưu tư tưởng xưa và nay của nó, không phải từ góc độ một tín đồ, mà từ góc độ hoàn toàn khách quan của một nhà khoa học. Với những hiểu biết này, người đọc xem như đã có đủ những hướng dẫn cần thiết để có thể mạnh dạn dấn bước vào khu rừng Phật giáo, với hơn 2.500 năm tuổi, để viếng thăm những nơi thích hợp nhất đối với mình. Và quan trọng hơn nữa là có thể thu hái được ít nhiều hoa thơm cỏ lạ từ khu rừng ấy.
Điều tất nhiên là, cũng như bao nhiêu tác phẩm khác, dù hoàn thiện đến đâu cũng không thể tránh khỏi một vài tỳ vết, cho dù là rất nhỏ. Điều này đôi khi cũng có thể là do những lỗi in ấn. Trong quá trình chuyển dịch sang tiếng Việt, chúng tôi đã cẩn thận đối chiếu và ghi nhận rõ ràng những sai sót ấy (về niên đại, về quan điểm, về sự kiện…) để người đọc tiện xem xét.
Và một điều đáng tiếc ở đây là tác giả đã sử dụng các tên riêng chữ Hán phần lớn theo phiên âm tiếng Anh, mà không đưa kèm được phần Hán tự. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho người đọc, vì rất nhiều người trong chúng ta có thể vô cùng quen thuộc với ngài Huyền Trang, nhưng lại không biết Yuan-tsang là ai. Để giảm bớt khó khăn này, chúng tôi đã cố gắng trong phạm vi có thể được để đưa kèm vào bản dịch những tên gọi quen thuộc hơn với độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác, phần Hán ngữ hoặc Phạn ngữ liên quan sẽ được thêm vào trong các chú giải. Ngoài ra, chúng tôi cũng đồng thời thực hiện nhiều chú giải khác, nhằm mục đích cung cấp thêm những thông tin liên quan cho người đọc, để có thể giúp cho những ai chưa từng làm quen với Phật giáo có thể tiếp nhận một cách dễ dàng hơn. Tất cả chú giải trong sách đều là do chúng tôi biên soạn, và được trình bày ở cuối trang, cả phần tiếng Anh lẫn tiếng Việt, để tạo sự cân đối. Bản dịch tiếng Việt và nguyên tác được trình bày theo lối song ngữ để tiện đối chiếu, nhưng thỉnh thoảng cũng không tránh khỏi có đoạn chênh nhau một vài dòng. Ở những nơi nguyên tác có vấn đề, đều có sự lưu ý để độc giả tiện xem xét.
Điều cuối cùng muốn nói ở đây là, từ khi Conze hoàn thành tác phẩm này đến nay cũng đã khá lâu. Trong quãng thời gian vừa trôi qua này, nhiều tư liệu mới được phát hiện, đặc biệt là những thành tựu vượt bực của khoa khảo cổ học, đã cho phép chúng ta hiểu được nhiều hơn về giai đoạn khởi nguyên của Phật giáo. Việc bổ sung những kiến thức mới này là điều không thích hợp lắm trong quá trình chuyển dịch tập sách, nên chúng tôi chỉ muốn lưu ý thêm để độc giả có một sự đánh giá khách quan hơn về những gì được trình bày trong tác phẩm.
Mong rằng với tập sách này, người đọc có thể có được một cái nhìn khái quát về Phật giáo. Tất cả những gì tiếp theo sau nữa, hắn còn tùy thuộc ở nỗ lực tự thân của mỗi người.
Dù đã hết sức thận trọng trong công việc, nhưng với những hạn chế nhất định về năng lực và trình độ, chắc hắn không thể tránh được ít nhiều sai sót. Kính mong các bậc cao minh rộng lòng chỉ giáo.
NGUYỄN MINH TIẾN
Leave a Reply