Trốn thoát tự do – ERICH FROMM
Tự do có ý nghĩa như thế nào với con người hiện đại?
Tự do của con người đã, đang và sẽ luôn là một vấn đề nóng hổi, thu hút sự quan tâm và được các nhà tư tưởng lý giải ở nhiều góc độ khác nhau. Tự do là đích ngắm mà mọi người đều hướng đến, và nhiều khi người ta phải đấu tranh để giành lấy nó. Vậy mà ngay từ tựa đề cuốn sách, Erich Fromm đã khiến người đọc tò mò khi đặt ra một nghịch lý:
Bằng cách tập trung vào khía cạnh có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc khủng hoảng văn hóa và xã hội trong thời đại của chúng ta, cuốn sách “Trốn thoát tự do” của Erich Fromm sẽ giải đáp những thắc mắc xoay quanh nghịch lý này, một cách thỏa đáng.
“Trốn thoát tự do” là một phần trong công trình nghiên cứu khái quát về cấu trúc tính cách của con người hiện đại và những vấn đề về tác động qua lại giữa các yếu tố tâm lý và xã hội mà tác giả đã dày công tìm hiểu suốt nhiều năm. Cuốn sách hàm chứa một nội dung vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa nhân văn lớn lao đối với con người và sự phát triển của xã hội hiện đại; qua đó, thể hiện sự tiếp nối dòng tư tưởng khám phá về con người trong tiến trình lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung, và của tâm lí học xã hội – chính trị nói riêng.
“Luận điểm của cuốn sách này là con người hiện đại, mặc dù thoát khỏi những ràng buộc của xã hội tiền chủ nghĩa cá nhân, vốn vừa đem đến sự an toàn vừa giới hạn anh ta, lại không đạt được tự do theo nghĩa tích cực trong nhận thức về bản ngã cá nhân; tức là, việc thể hiện những tiềm năng trí tuệ, cảm xúc và giác quan. Tự do, mặc dù đem đến sự độc lập và lý tính, đã khiến con người trở nên bị cô độc và, do đó, hoang mang và bất lực. Tình trạng cô lập này là không thể chịu đựng nổi và con người đối diện với những lựa chọn thay thế: hoặc chạy trốn những gánh nặng tự do của bản thân bằng sự lệ thuộc và phục tùng mới, hoặc tiến tới nhận thức đầy đủ về tự do tích cực, điều dựa trên tính độc đáo và cá nhân của con người.” (Erich Fromm)
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CỦA CHUYÊN GIA
“Một phân tích xuất sắc về chứng loạn thần kinh trong nền văn hóa của chúng ta.” ― The Nation
“Một tác phẩm quan trọng và đầy thử thách.” ― The New York Herald Tribune
“Tư tưởng của Fromm xứng đáng nhận được sự chú ý quan trọng của tất cả những người quan tâm đến thân phận con người và tương lai của nhân loại.” – The Washington Post
TRÍCH ĐOẠN HAY
Có lẽ bên cạnh khao khát tự do bẩm sinh, người ta còn có một mong muốn bản năng đối với sự lệ thuộc? Nếu không, làm sao chúng ta có thể lý giải được sức hút của việc phục tùng mà một thủ lĩnh có được đối với quá nhiều người ở thời điểm hiện tại? Sự khuất phục phải chăng luôn là trước một quyền lực công khai, hay còn trước những quyền lực bị chủ quan hóa, như nghĩa vụ hoặc lương tâm, trước những thúc ép bên trong hoặc trước những quyền lực ẩn danh như dư luận xã hội? Phải chăng có một sự thỏa mãn ngầm khi quy phục kẻ khác, và bản chất của nó là gì? (tr.23+24)
Những khuynh hướng cao thượng nhất cũng như xấu xí nhất của con người không phải là một phần trong bản chất cố định và sẵn có về mặt sinh học, mà là kết quả từ quá trình xã hội [đã] nhào nặn nên con người đó. Nói cách khác, xã hội không chỉ có chức năng trấn áp – mặc dù nó cũng có chức năng đó – mà còn có chức năng sáng tạo. Bản chất của con người, những đam mê và sợ hãi của anh ta đều là sản phẩm văn hóa; trên thực tế, bản thân con người là tạo tác và thành tựu quan trọng nhất trong nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân loại, là đỉnh cao của cái mà chúng ta gọi là lịch sử. (tr.32)
Chừng nào con người còn là một phần không thể thiếu của thế giới, chưa nhận thức được khả năng và trách nhiệm của hành động cá nhân, chừng đó họ không cần phải e sợ điều đó. Khi một người trở thành một cá nhân, anh ta đứng một mình và đối mặt với thế giới mà ở mọi khía cạnh đều nguy hiểm và vượt trội về sức mạnh. (tr. 54)
… có thể thấy bản thân ta, về nguyên tắc, cũng là đối tượng tình yêu của ta giống như người khác. Sự khẳng định của đời sống riêng, hạnh phúc, sự phát triển, tự do cá nhân, bắt nguồn từ sự sẵn sàng và khả năng cơ bản cho một lời quả quyết như vậy. Nếu cá nhân có sự sẵn sàng này, anh ta cũng có thiện chí đó với chính mình; nếu chỉ có thể “yêu” người khác, anh ta không thể yêu gì cả. (tr.169)
CÂU QUOTE HAY
… động lực tìm kiếm tự do là cố hữu trong bản chất con người, dù có thể bị hủy hoại và đàn áp, nhưng vẫn luôn có xu hướng tự khẳng định hết lần này đến lần khác. (tr.15)
Trạng thái cô độc về mặt thể chất trở nên không chịu đựng nổi chỉ khi nó bao hàm cả trạng thái cô độc về mặt tinh thần. (tr. 41)
Anh ta tự do – tức là anh ta cô đơn, tách biệt, phải đối diện với hiểm nguy từ mọi phía. (tr.100)
Cuộc tìm kiếm sự xác tín một cách bắt buộc … không phải là biểu hiện của đức tin chân chính mà bắt nguồn từ nhu cầu đánh bại nỗi hoài nghi không thể chịu đựng nổi. (tr. 120)
Chúng ta bị mê hoặc trước sự lớn mạnh của tự do với những quyền lực bên ngoài bản thân và không nhìn thấy những ràng buộc, cưỡng ép, và sợ hãi bên trong, những điều có xu hướng làm suy yếu thành tựu mà tự do đã giành được trước những kẻ thù truyền thống.
Leave a Reply