“Tôi sinh ra ở làng quê, lớn lên trong thành phố! Nhiều năm qua, mải miết giữa phố và làng. Ở phố ngày nhộn nhịp và về làng tìm những phút bình yên. Tôi tự hào về cái gốc gác quê mùa ấy của mình đến nỗi bạn bè tôi dù Tây hay ta, quen nhau vài bữa là tôi đã khoe ngay tôi không phải người thành thị. Ấn tượng về làng của tôi là những mối quan hệ chằng chịt và sâu nặng giữa những người láng giềng, là tính chất tư hữu và bè phái, là óc gia trưởng tôn ti hằn sâu trong từng nếp nghĩ. Là những đình đền chùa bao quanh mà bao giờ những ngày rằm, dịp lễ mẹ tôi vẫn đi cho đủ. Là ông cụ từ đền râu bạc trắng như cước hàng ngày vẫn qua trước ngõ. Là hình ảnh bà tôi những ngày cưới con cháu, ngồi trên sập gụ, bỏm bẻm nhai trầu, đôi môi thắm đỏ và mái tóc phai màu thời gian. Hình ảnh ấy mãi neo lại trong tâm trí tôi như một ấn tượng bền vững mà sau này mỗi dịp đi xa tôi vẫn thấy nhớ quay quắt. Tôi tự hỏi mình nếu một mai này, mẹ tôi, vì thể theo những lời cằn nhằn của tôi mà bỏ đi hết những xoong nồi đen cáu nhọ nồi và bồ hóng, thím tôi không còn quấy bánh đúc lạc những dịp hội hè, thì cái “người nhà quê” trong thế hệ chúng tôi sẽ còn hay mất?

Tôi viết những dòng nhật ký này đầu những năm 2007. Sau đó không lâu mẹ tôi cũng bỏ đi hết những xoong nồi đen cáu nhọ nồi và bồ hóng, còn tôi bắt đầu chuyến đi lớn đầu tiên trong đời đến Kenya. Rồi tôi cũng không còn sống ở cái làng to to tên là Hà Nội nữa mà chuyển tới một cái làng – toàn – cầu hơn, to và rộng hơn tên là London. Mười năm qua những chuyến đi của tôi đã được nối dài hơn, thường xuyên hơn. Ước mơ của cô gái nhỏ “sinh ra từ làng” được đi khắp năm châu bốn biển dần trở thành hiện thực. Cuốn sách nhỏ này bạn đang cầm trên tay là tập hợp những trang nhật ký viết vội trên những nẻo đường tôi đã đi qua. Bạn sẽ thấy những non nớt, bỡ ngỡ trong những bài viết đầu tiên, bao băn khoăn những năm tôi hai mươi, những ngày mùa đông cô đơn đi cùng những ngày xuân duyên dáng.

Tôi trân trọng chia sẻ cùng bạn những ký ức ấy trong hành trình của tôi từ làng ra phố và rong chơi trên những cánh đồng!




London những ngày thu 2017

Thùy Dương

***

Kruger – Những hồi ức châu Phi

Châu Phi với mỗi người trong số chúng ta là gì nhỉ? Là đỉnh Kilimanjaro quanh năm tuyết phủ tráng lệ, là cánh rừng già kỳ vĩ mà xa lạ, hay là những ngọn đồi xanh trong trang văn đậm chất phiêu lưu của Ernest Hemingway? Với tôi, châu Phi là mảnh đất hoang dã và bí ẩn được tái hiện trong thước phim đầy chất thơ “Lion King” của hãng Walt Disney. Hình ảnh chú sư tử mạnh mẽ trên bình nguyên bao la, đàn voi thong thả bước đi trong ánh chiều rực rỡ và buổi bình minh huy hoàng trên đồng cỏ đã ám ảnh tôi trong những giấc mơ về một miền đất lôi cuốn.




Vì thế trong lần đầu đặt chân đến Nam Phi, bỏ qua những thành phố nhộn nhịp, những cánh đồng nho và xứ sở sản xuất rượu vang ngọt ngào, tôi thực hiện chuyến safari đầu tiên của mình tới công viên quốc gia Kruger như một dịp hồi tưởng và trải nghiệm thực tế những hình ảnh châu Phi vẫn còn đọng sâu trong ký ức từ bộ phim thuở nào.

Chặng đường lái xe chín tiếng đồng hồ từ sân bay Johannesburg tới Kruger tưởng chừng dài như vô tận.

Chúng tôi có dịp qua nhiều thành phố, thị trấn nhỏ của Nam Phi. Càng về phía Đông Bắc, không gian càng trải rộng với những cánh đồng cỏ savannah màu nâu nhạt, thấp thoáng những tán cây bụi xơ xác. Rồi hẻm núi Bryde River hiện ra sừng sững trước mặt. Lúc này, mặt trời đã ngả chênh chếch về hướng Tây, ánh nắng dát vàng lên vách núi, phía xa một dòng thác bạc đổ xuống róc rách từ lưng chừng.




Thêm mấy chục vòng cua quanh hẻm núi, dăm bận hỏi đường, liên tục nhấn ga để chạy đua cùng mặt trời, chúng tôi cũng vừa kịp qua cổng Numbi, một trong số chín cổng chính dẫn vào công viên Kruger và về đến trại nghỉ trước khi trời tối sập xuống. Ngôi nhà chúng tôi ở được xây cách tân theo phong cách lều trại của người Zulu, tường gạch với mái lợp rơm hình chóp nón, trong nhà trang trí rất nhiều họa tiết của các bộ lạc châu Phi.

Đêm trong rừng, không gian tĩnh mịch và im ắng tới lạ thường, phải để ý lắm mới nghe thấy những tiếng lích rích trong cỏ, tiếng lá khô xào xạc lối đi. Vầng trăng khuyết cong veo lạc giữa một thảm sao dày đặc trên bầu trời.

Sáng hôm sau, khi trời vừa rạng, chúng tôi bắt đầu ngày đầu tiên chinh phục Kruger. “Tôi chưa bao giờ biết một buổi sáng châu Phi khi thức dậy mà lòng không hạnh phúc”. Hemingway từng viết những dòng đầy hào hứng như vậy về những tháng ngày rong ruổi trên lục địa đen này. Và giờ đây, ngày mới của tôi cũng bắt đầu đầy rộn ràng như thế. Nắng đã chiếu rạng rỡ trên con đường nhỏ chạy sâu vào rừng, nhưng trên trời vệt trăng lưỡi liềm vẫn còn mờ như một ảo ảnh.




Gọi là công viên nhưng Kruger rộng hàng ngàn hecta tương đương với diện tích của một quốc gia như Israel hay xứ Wales. Đây là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã lớn nhất trên thế giới với thảm thực vật phong phú và hàng trăm loài động vật khác nhau. Mùa này là cuối đông đầu xuân, mặt đất trống toàn cỏ khô, điểm xuyết những bụi cây đơn độc. Chẳng mấy chốc tôi gặp cây bao báp đầu tiên, cô đơn mà kiêu hãnh giữa đồng cỏ bao la. Bao báp vươn cành khẳng khiu giống như một khối điêu khắc với hình thù kỳ dị của tạo hóa từ hàng nghìn năm qua tạc trên nền trời xanh thẳm.

Từ sau một bụi cây xanh tươi, một cái cổ dài thò ra lấp ló, hóa ra hai chú hươu cao cổ đang lững thững vặt lá cây từ bụi này sang bụi khác. Cả thân hình khổng lồ cao tới vài thước mà chúng bước đi uyển chuyển như đang trình diễn vũ điệu. Chạy xe thêm vài kilomet, chúng tôi bất chợt bắt gặp một hồ nước lớn. Từ đây tất cả diễn ra như một thước phim quay chậm. Trên nền vàng sẫm của cỏ savannah, đàn ngựa vằn thong thả gặm cỏ bên cạnh lũ linh dương nhởn nhơ giữa đám cây khô, phía xa đám lợn rừng chậm chạp đi thành một hàng.

Xe đã tắt máy, chúng tôi lặng im ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng của thiên nhiên, cảm tưởng như chỉ khẽ lay động một chút thôi, khung cảnh huyền ảo trước mắt sẽ tan biến. Vài chú voi lững thững tiến đến mép hồ uống nước, chú hoẵng nhỏ ngơ ngác ngước lên nhìn những người khách lạ rồi chạy biến về bên mẹ. Không gian thanh vắng tới lạ kỳ, chỉ có tiếng gió rung cây, tiếng khua nước nhè nhẹ. Một con chim sặc sỡ bay vút từ đâu đậu xuống một cành khô giữa hồ mải mê rỉa lông rỉa cánh.




Về trưa, sau bữa sáng kiếm mồi, những con vật đã lùi vào bóng cây nghỉ ngơi. Dưới tán cọ bên sông, đàn trâu rừng với những cặp sừng cong veo như lưỡi hái nhẩn nha hóng mát. Bên vệ đường hai chú sư tử đang nằm ngủ ngon lành, bộ lông vàng óng lẫn vào trong cỏ. Chúa sơn lâm bình thường oai hùng là thế mà bây giờ trông hiền lành như những chú cún con mèo con? Thấy vậy nhưng tôi cũng chỉ dám chiêm ngưỡng từ xa, không dám lại gần ngộ nhỡ làm chúng thức giấc.

Khi chiều buông, những con vật lại bắt đầu hành trình kiếm ăn trong hoàng hôn. Bầy hà mã phì phò tắm bên bờ suối. Ở một vũng nước mưa lớn, lũ voi con tinh nghịch quạt nước trêu đùa, xa xa lừng lững bóng một con tê giác đơn độc. Mặt trời đỏ ối từ từ rớt xuống trên thảo nguyên bao la. Cánh rừng ban trưa vốn im ắng là thế mà nay bỗng trở nên sống động, chim rộn ràng gọi nhau về tổ, những con vật săn mồi đổ ra từ trong những bụi cây chuẩn bị tìm thức ăn, có thể sẽ là một chú dê rừng hay hoẵng cho bữa tối nay.

Những ngày ở Kruger nối tiếp nhau đi qua, mỗi ngày như một giấc mơ. Chưa ở đâu tôi được sống với thiên nhiên gần gũi và sống động như thế, chưa bao giờ tôi thấy màu sắc và âm thanh của thế giới hoang dã giao hòa với nhau đồng điệu hơn thế. Thật lạ kỳ, đôi khi ở một nơi xa Hà Nội tới hàng ngàn kilomet, lại khiến tôi có cảm giác thân thuộc như ở nhà. Chẳng phải hàng ngàn năm trước những tán cây này, cánh rừng, dòng sông này đã từng là nhà của chúng ta sao? Tôi ngỡ như mình được trở về những năm tháng tuổi thơ chưa bao giờ thôi mơ về những miền đất lạ, những câu chuyện núi đồi và rừng thẳm, những buổi bình minh trong lành hay hoàng hôn xa xăm, có đàn chim bay về tự chân trời.




Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân… Cuộc sống vẫn trôi theo dòng, bốn mùa ở Kruger vẫn tiếp diễn như hàng ngàn đời nay vẫn thế. Chẳng mấy nữa, rồi mùa xuân sẽ về, cây cối sẽ ra lá xanh um, những dòng suối cạn rồi sẽ đầy ắp nước, mặt đất thôi khô khốc và mềm mại hơn dưới cơn mưa đầu mùa. Những con linh dương ăn lá rồi đến lượt chúng trở thành mồi cho đàn sư tử đi săn. Hoàng hôn buông để ngày mai lại bắt đầu buổi bình minh mới. Những mùa trăng nối tiếp nhau và cuộc sống giống như một bài ca vô tận…

***

Giương buồm lên hay những suy nghĩ ở Mũi Hảo Vọng

Năm lên sáu, khi bắt đầu biết nhận mặt chữ cái, tôi đọc cuốn sách đầu tiên trong đời có tên “Giương buồm lên”, kể về hành trình khám phá thế giới của những nhà hàng hải vĩ đại trong lịch sử. Cuốn sách khổ lớn với những câu chuyện lôi cuốn và hình ảnh minh họa bay bổng đã in sâu vào tâm trí tôi để rồi kể từ đó những cái tên như Ferdinand Magellan, Vasco da Gama, James Cook, Vitus Jonassen Bering, Marco Polo, Christopher Columbus đã trở nên thân thuộc và khơi gợi niềm cảm hứng vô biên trong tôi về những cuộc phiêu lưu tới những miền xứ lạ.

Sau này, cuộc sống hào phóng đã cho tôi đặt chân tới nhiều địa danh khác nhau trên thế giới, theo dấu những nhà hàng hải năm xưa mà tôi hằng ngưỡng mộ. Tôi đã tới Genoa, nơi sinh thành của Columbus, tới Trinity House, London nơi James Cook gắn bó trước khi bắt đầu hành trình khám phá Thái Bình Dương, tới nhà thờ San Lorenzo ở Venice, nơi chôn cất của Marco Polo. Và hôm nay, tôi may mắn có mặt ở một tọa độ nổi tiếng: 34°21’23 vĩ nam, 18°29’15 kinh đông, nơi gắn bó với tên tuổi của hai nhà thám hiểm xứ Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias và Vasco da Gama.




Tôi đang ở Mũi Hảo Vọng, cực Nam châu Phi.

Nằm cách trung tâm thành phố Cape Town chừng một giờ lái xe, đây là địa danh mà bất kỳ du khách nào cũng muốn được một lần đặt chân trong đời. Con đường từ Cape Town xuôi theo hướng Nam dọc bờ biển Đại Tây Dương có lẽ là một trong những cung đường lãng mạn nhất trên thế giới mà tôi từng đi qua. Một bên là núi non trùng điệp, một bên là biển xanh miên man. Phía xa, những dãy núi đá uy nghiêm vững vàng in bóng trên nền trời xanh thẳm. Chớm xuân, hoa đã lác đác nở trên triền núi, những vạt hoa dại vàng len lỏi vươn mình trên vách đá, mỏng manh mà kiêu hãnh, mặc cho những đợt gió lồng lộng từ biển thổi vào. Ngoài khơi, sóng nối đuôi nhau táp vào bờ tung bọt trắng xóa. Xe chúng tôi chạy qua Chapman’s Peak, cung đường với những khúc cua tay áo liên tiếp men theo vách đá ven biển, qua vịnh Camps, vịnh Hout, vịnh False đẹp tới mê hồn, qua những bờ biển rực rỡ như biển Clifton, biển Boulders nổi tiếng với những chú chim cánh cụt châu Phi lạch bạch chạy trên cát.

Càng tới gần mũi Hảo Vọng, không gian càng trở nên khoáng đạt. Con đường nhỏ chạy dài tới miên man, ngoài xa, đường chân trời mờ mờ xa ngái. Một chú chim đà điểu nhẩn nhơ bước thấp bước cao bên bờ biển. Trước mắt chúng tôi, ngọn hải đăng trên đỉnh Cape Point đang dần hiện ra. Và một lần rẽ nữa thôi, tấm biển báo “Cape of Good Hope” đã hiện ra trước mắt.




Trời đổ về chiều, gió lạnh hơn, mặt trời trút những ánh vàng lai láng cuối cùng nhuộm vàng rặng đá lô xô hướng đầu ra biển, hải âu bay thành từng đàn, tạo thành những vệt đen dài trên nền trời đầy mây cuộn lại. Tôi hít một hơi thật sâu, nếm trong gió vị mặn mòi của đại dương, lắng nghe những con sóng gầm gào vỗ vào ghềnh đá.

Theo vạt đường mòn từng in dấu chân bao du khách, tôi leo lên mũi đá cao nhất, phóng tầm mắt ngút ngàn về phương xa. Ngắm nhìn đại dương mênh mông vô tận, trong lòng tôi tràn đầy niềm cảm phục vô bờ đối với những nhà thám hiểm vĩ đại. 500 năm trước đây, họ đã giong buồm ra khơi trên những con thuyền gỗ, vượt qua những hành trình lênh đênh trên biển cả, đón bao mùa trăng lên chỉ để thỏa mãn ước mơ khám phá và chinh phục những mảnh đất nơi miền viễn xứ xa xôi.

Người đầu tiên đi vòng từ châu Âu qua khu vực này là nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias vào năm 1488 với hy vọng mở đường tiến tới vùng Viễn Đông. Sóng dữ và địa hình khắc nghiệt của vùng nước này khiến Dias đặt cho nó tên gọi Cabo das Tormentas (Cape of Storms – Mũi Bão Táp). Tuy nhiên nhà vua Bồ Đào Nha John II khi ấy đã tin rằng nếu vượt qua được mũi Bão Táp, đến vùng phương Đông trù phú thì sẽ có hy vọng mang về được những hàng hóa quý giá như vàng, tơ lụa, những loại hương liệu hiếm như quế và tiêu. Vì vậy ông đổi tên mũi đất này thành mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope).

Sau đó không lâu, một nhà thám hiểm Bồ Đào Nha khác là Vasco Da Gama đã vòng qua mũi Hảo Vọng thành công, đi vào Ấn Độ Dương và cập bến Calicut, Ấn Độ. Ông trở thành người châu Âu đầu tiên đến Ấn Độ bằng đường biển, người đầu tiên kết nối châu Âu với châu Á qua chuyến hành trình xuyên đại dương, mở ra con đường quý giá đưa phương Tây và phương Đông xích lại gần nhau. Thế giới đã hoàn toàn thay đổi nhờ những phát kiến địa lý vĩ đại ấy của những người như Dias và Da Gama.

Phong cảnh nơi tôi đứng hôm nay gần như không khác gì so với 500 năm trước. Trước mắt tôi, biển dạt dào như hàng ngàn năm vẫn thế. Dias và Da Gama đã chinh phục biển thành công, nhưng tôi biết, ẩn trong lòng đại dương còn là câu chuyện về hàng ngàn thủy thủ không tên, hàng trăm con tàu đắm đã bỏ mạng trong những hành trình không mệt mỏi của con người trên biển khơi. Không phải vô cớ mà mũi Hảo Vọng lại là nơi bắt nguồn của câu chuyện bí ẩn về con tàu “Người Hà Lan bay”, theo truyền thuyết, con tàu được điều khiển bởi những bóng ma thủy thủ cứ phải đi luẩn quẩn trong vùng nước mênh mông mà không bao giờ cập vào được bến bờ.

Có lẽ con tàu “Người Hà Lan bay” chỉ là một ảo ảnh, một sự tích dân gian được thêu dệt nên, nhưng tôi tin rằng mũi đá chơi vơi bên bờ biển này là minh chứng cho những ước mơ rất thật của con người nhằm chinh phục đại dương mênh mông và khám phá những miền đất bí ẩn.

Chiều buông dần, gió lạnh hơn, sóng gào lên dữ dội. Trên núi, chỉ còn lại mình tôi với trời nước mênh mông. Một niềm vui nho nhỏ len vào tâm trí tôi giữa khung cảnh tuyệt đẹp của hoàng hôn nơi cực Nam châu Phi khi chỉ còn “một mảnh tình riêng ta với ta”. Vọng về trong tôi là hình ảnh những cánh buồm đỏ thắm trong trang sách khi xưa. Tôi biết rằng những cuộc phiêu lưu của mình chỉ vừa mới bắt đầu!

Khi viết lại những dòng này, tôi đã chia tay miền đất Nam Phi đầy gió, trở lại với cuộc sống bận rộn thường ngày ở Hà Nội. Mỗi sớm mai tôi đều dành thời gian uống một tách trà và ngắm nhìn cuộc sống từ ban công tầng ba. Dòng đời vẫn chảy đi hối hả, những em bé tất bật cắp sách cho một ngày mới đến trường.

Chợt nhớ lại tuổi thơ tôi những ngày xưa cũ say mê bên những trang sách vỡ lòng. Tôi tin rằng với những cô bé, cậu bé lên năm, lên sáu vừa chập chững những bước đầu tiên tới trường này, ba chữ “Giương Buồm Lên” quả là câu thần chú kỳ diệu.

Mời các bạn đón đọc Và Mùa Thu Chầm Chậm Đi Qua của tác giả Thùy Dương.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.