Tác phẩm “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Cuốn sách là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với nhận định và đánh giá của người biên soạn. Tác phẩm kể lại các câu chuyện Sử Việt đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan.

Đây là cuốn sách dành cho tất cả mọi thế hệ. Bởi chỉ cần là người Việt Nam, thì đều có thể tìm kiếm được trong đây tình yêu với sử nhà bởi tính chất hấp dẫn, bi hùng và những bài học của tiền nhân để lại thông qua những câu chuyện đặc sắc.

Không chỉ đưa người đọc đến với những vị anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… cuốn sách còn đến với những nhân vật quan trọng chưa được đánh giá đúng mực (Khúc Hạo), hay những địa danh bị bụi phủ mờ (thành Bình Lỗ, đầm Thi Nại), càng không chỉ nói sơ qua chiến tích ở Bạch Đằng, mà còn giúp hiểu thêm kĩ thuật đóng cọc trên sông. Bên cạnh giải đáp chuyện bí ẩn Quang Trung hành quân thần tốc, còn lý giải vì sao lãnh thổ dân tộc có diện mạo hình chữ S như ngày hôm nay.




“Sử Việt – 12 khúc tráng ca” hệt như một cuốn phim li kì, với hàng loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử, những tranh đoạt hoàng quyền trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuốn sách như một bản nhạc, khi thì dồn dập, khi thì bi ai, khi thì hùng tráng, khi thì trầm mặc. Những câu chuyện trập trùng xen kẽ như các khúc ca thăng trầm của dân tộc Việt Nam.

***
Tôi không nhớ mình đã tốt nghiệp thời phổ thông với mấy điểm môn Sử, nhưng tôi chắc chắn một điều, mình vô cùng ám ảnh với môn học ấy. Những con số nhàm chán, những chiến dịch đánh nhau với thông điệp một chiều, chính nghĩa tất thắng, và sớm hay muộn, ngày nào thắng mà thôi. Lịch sử theo sách giáo khoa mà tôi biết, không có những chuyện thâm cung bí truyền, những âm mưu man rợ ít người biết, trước khi một thế lực nào đó binh biến và làm nên chiến thắng mà sử sách ghi lại bấy giờ.

Mãi cho đến khi tôi tìm ra được vài trang sách sử khá hay. Trên facebook có 2 nhân vật khiến tôi phải thay đổi thái độ nhìn nhận lịch sử của mình. Một là anh Phạm Vĩnh Lộc (xin lỗi nếu không gõ được tên gọi thực của anh, bởi vì qua facebook Loc Vinh Pham, tôi chỉ biết thông tin có chừng ấy). Anh Lộc viết lại lịch sử với góc nhìn hài hước mà tôi nghĩ là phải bật cười khi nhớ đến số lần trốn chạy của Nguyễn Ánh, nhà vua đầu tiên lập nên mảnh đất Việt Nam thống nhất ngày nay.




Nhân vật thứ hai khiến tôi hứng thú hơn với lịch sử là fanpage The X File of History, với những bài học lịch sử mới mẻ, và cách nhìn nghiêm túc nhưng kèm theo những nhận định của người hậu thế, mà tiêu biểu ở đây là Dũng Phan, một trong những admin khởi đầu tạo nên fanpage ấy.

Chừng ấy năm đọc lại lịch sử nước nhà, đủ khiến cho tôi hào hứng và vui vẻ hơn, ít ra thì tôi vẫn mù tịt con số về mốc thời gian ấn định chiến thắng Điện Biên Phủ, hay một vài địa danh lẫy lừng khác. Tuy nhiên tôi cũng biết được rằng, sử Việt cũng hấp dẫn không kém gì sử Trung Hoa, vốn ăn sâu trong máu người Việt nhờ những bộ phim chiếu trên truyền hình.

Nếu bạn đọc cũng giống như tôi, hào hứng hơn khi nhìn nhận vụ việc Lý Công Uẩn lên ngôi không đơn giản chỉ là được mọi người suy tôn, hay vụ việc tương tự là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trở thành vị vua như thế nào, có êm thấm như sách sử giáo khoa chép lại? Hay thực ra, là một vụ cướp đoạt vương quyền đẫm máu dưới cái mác yên bình ở bề ngoài?




Lịch sử sẽ có nhìn nhận lại khách quan về con người Nguyễn Ánh, vị vua Gia Long mà ngày xưa tôi được học là “cõng rắn cắn gà nhà”, nay lại được xem là một vị vua có một không hai trong lịch sử, toàn bại trận nhưng cuối cùng lại thu non sông về một mối.

Lịch sử cũng chỉ ra rằng vị vua Lê Long Đĩnh thực ra có hoang dâm vô độ đến mức “ngoạ triều” như các sách đời sau bêu xấu? Thực tế là như thế nào? Hậu thế Dũng Phan nhận định như thế có hợp tình hợp lý?

Nếu bạn cũng bắt đầu hứng thú với những câu chuyện lịch sử này, thì Sử Việt 12 khúc tráng ca sẽ là cuốn sách hoàn hảo cho những thắc mắc kể trên.
 

Mời các bạn đón đọc Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca của tác giả Dũng Phan.


Chia sẻ ý kiến của bạn

Điền thông tin của bạn vào các trường bên dưới để gửi bình luận.