Triết học Phật giáo Việt Nam

Ngày 1-11-2005 khoa Triết học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn mời tôi giảng học phần triết học Phật giáo cho lớp cao học. Vì vậy tôi phải trở lại vấn đề triết học mà năm 1984 tôi đã phát biểu bài Mấy suy nghĩ về nội dung tư tưởng của tông Trúc Lâm bàn về lý luận bản thể, lý luận giải thoát trong hội nghị nghiên cứu triết học và đã in bài này trong tập kỷ yếu Mấy vấn đề Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam do Viện Triết học xuất bản năm 1986. Nay thể theo yêu cầu của các học viện tôi biên soạn cuốn sách này và vì vậy cách trình bày, trích dẫn mang ít nhiều phong cách bài giảng.

Việc nghiên cứu triết học Phật giáo của tôi bắt đầu từ năm 1963 khi được nhà sư chùa Bà Đá tặng cuốn Phật giáo triết học của Phan Văn Hùm gợi nên. Nay tôi vẫn nơi theo cấu trúc cơ bản của nhà triết học Phan Văn Hùm đã quá cố mà phân chia triết học Phật giáo thành: Bản thể luận. Nhận thức luận, Giải thoát luận.

Tác phẩm Triết học Phật giáo Việt Nam của tôi gồm hai chương chính, một lời nói đầu và một lời kết.




Chương I. Triết học Phật giáo. Gồm 3 tiết: Bản thể luận, Nhận thức luận và Giải thoát luận.

Chương II. Triết học Phật giáo Việt Nam. Gồm 3 tiết: sơn môn Dầu, sơn môn Kiến Sơ và sơn môn Trúc Lâm.

Tư liệu về Phật giáo Việt Nam tôi dẫn lại tư liệu trong cuốn Tư tưởng Phật giáo Việt Nam của tôi đã xuất bản năm 1999 có bổ sung, hiệu chỉnh một đôi chỗ cần thiết và minh giải dưới góc độ triết học tôn giáo.




Và để cho độc giả không ngỡ ngàng dưới đây trình bày tóm tắt lịch sử Phật giáo và lịch sử Phật giáo Việt Nam trước khi bước vào 2 chương chính.

Phật giáo là tôn giáo của Ấn Độ sau đó truyền bá ra các quốc gia phương Đông hình thành những dòng Phật giáo khác nhau: Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Sri Lanka, Phật giáo Mianmar, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Campuchia, Phật giáo Lào. Phật giáo Tây Tạng v.v…

Người sáng lập Phật giáo là thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Da (Maya), họ Cổ Đàm (Gautama) vương tộc Thích Ca (Sakya) nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Các danh từ thái tử, vua, hoàng hậu, nước đều là những thuật ngữ sau này người ta dùng, không phải đương thời thế kỷ VI trước công nguyên đã có những danh hiệu như thế, không nên hình dung theo trí thức hiện đại. Nhưng đó là một cộng đồng người có một tầng lớp trên cai quản xã hội mà có nhà nghiên cứu cho là bộ lạc có nhà nghiên cứu cho là tiểu vương quốc. Trong những kinh sách sau công nguyên thuật lại sự tích của Ngài cho là Ngài sinh tại vườn Lâm Tì Ni (Lumbini) nay thuộc nước Nê-pan. Bà Ma Da mơ thấy một con voi trắng đầu thai mà sinh ra Ngài. Ngài sinh ra từ nách mẹ, sinh ra bèn đi 7 bước, một tay chỉ trời một tay chỉ đất nói: Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn. Đều là những huyền thoại văn hoá dân gian nhằm để cao Ngài là một Siêu Nhân chứ không phải thực tế lịch sự. Đã từng có nhà nghiên cứu (Kern, Sénart, Paul Lévy, Ananda K. Coomaraswamy) cho rằng Thích Ca chỉ là một thần linh. Ananda K.C. cho là thuộc loại thần Lửa (Agni) trong kinh Vệ Đà (Veda = Tri thức), đến thế kỷ thứ III trước công nguyên thời đại vua A Dục (Asoka) thì được Nhân hoá thành con người Thích Ca Mầu Ni (Sakyamuni = nhà hiền triết tộc Sakya). Nhưng cho đến nay tuyệt đa số các nhà nghiên cứu đều thừa nhận Ngài là nhân vật lịch sử sinh ngày trăng tròn tháng Vaisaka thọ 80 tuổi. Nhiều cách suy tính ngày năm sinh tử của Tất Đạt Đa. Hiện nay Phật giáo Việt Nam chấp nhận ngày 15-4-544 trước công nguyên là ngày Phật đản (đó là năm Thích Ca tịch diệt) cho nên tính Phật lịch năm 2539 là năm 1995 dương lịch và năm 2006 là năm 2550 Phật lịch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *