Triết học phương Đông – Trung Hoa, Ấn Độ và các nước Hồi Giáo
Người dịch : Trần Nguyên Việt
MỞ ĐẦU
Triết học phương Đông hiểu một cách đại thể bao gồm các truyền thống triết học của ba nền văn minh bên ngoài châu Âu là Trung Hoa, Ấn Độ và các nước Hồi giáo. Do ảnh hưởng không chỉ bởi những cản trở về mặt ngôn ngữ và văn hoá, mà cả những định kiến cố hữu của quan điểm “Châu Âu là trung tâm” làm cho mảng văn hoá “phương Đông” cho đến nay vẫn chưa được đánh giá một cách đúng mức.
“… Người Ấn Độ không biết dựa vào các nhận định bằng lý trí về khách thể, bởi vì đã dùng lý trí thì cần phải có phản tư”. Tác giả của kết luận mang tính quyết đoán này chính là Hègen. Điều đó càng chứng tỏ, các trí tuệ vĩ đại vẫn không thoát khỏi những lập luận sai lầm khi đề cập đến các hiện tượng của các nền văn minh xa xôi về cả không gian lẫn thời gian, vốn ít được nghiên cứu và đương nhiên là không được hiểu một cách chính xác. Xu hướng thích đóng khung những điều khó hiểu và kiến giải của nó theo quan niệm quen thuộc của riêng mình là sự yếu kém khá phổ biến của con người. Nó xuất hiện một cách thường xuyên cả ở trình độ trí tuệ cao lẫn ý thức thông thường. Sự yếu kém đó còn là nguồn gốc phát sinh của nhiều chuyện tiểu lâm, đại loại như chuyện người Nhật lần đầu tiên nhìn thấy con lạc đà thì nhất mực cho đó là giống ngựa có u trên lưng. Đáng tiếc, sự việc không chỉ giới hạn ở các chuyện hài hước. Các định kiến cứng nhắc trong tư duy thường dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Vị trí địa lý của nước Nga thuộc cả hai lục địa Á, Âu trong quá khứ lịch sử có liên quan chặt chẽ đến vận mệnh phương Đông. Các quan hệ giao tiếp từ xa xưa về chính trị, thương mại và văn hoá với các láng giềng châu Á, tồn tại từ thời Đế chế Nga Hoàng. Những điều đó đã ảnh hưởng đến trí tuệ các bậc khai sáng của nước Nga qua mối quan tâm sâu sắc của họ đối với phương Đông nói chung và văn hoá tinh thần của nó nổi riêng. Chẳng hạn, chỉ cần nhắc đến tính đa phong cách “phương Đông” trong thơ ca Nga của A. S. Puskin và K. D. Balmont, M. Iu. Lermontop và A. A. Pheta, S. Ja. Hadxon, V. Ja. Briuxop và của những nhà thơ khác cũng đủ thấy rõ điều đó.
Leave a Reply