Jung đã thực sự nói gì – Edward Amstrong Bennet

Bùi Lưu Phi Khanh dịch

Carl Gustav Jung là một trong những nhà tâm lí học mà chúng ta đã từng được nghe tiếng, nhưng tác phẩm của ông còn quá xa lạ với chúng ta. Nếu lập hẳn một danh mục đi kèm các chỉ dẫn tổng quát những tác phẩm của Jung được kể ra thì bộ Toàn tập này sẽ bao gồm không dưới hai mươi tập sách lớn. Những người đọc thông thường muốn làm quen với những tư tưởng của Jung cảm thấy e ngại trước một khối lượng lớn tác phẩm như vậy, và cảm thấy cần có sự hướng dẫn nên bắt đầu từ đâu. Cuốn sách Jung đã thực sự nói gì đưa ra chỉ dẫn sâu sắc về những tư tưởng chính của Jung bằng một ngôn ngữ mà bất kì ai đều có thể hiểu được. Tác giả quá cố E.A.Bennet là bạn thân của Jung, thường đến thăm Jung và gia đình ông ở Zurich. Họ trao đổi ý kiến qua thư từ và những cuộc gặp gỡ cá nhân trong nhiều năm, do vậy những gì tiến sĩ Bennet nói ra đều có một độ xác thực cao hơn những giải thích khác về Jung và tác phẩm của ông.

Jung sinh năm 1875 và mất năm 1961. Nhiều tư tưởng của ông và cả một số những thuật ngữ do ông đặt ra đã được đưa vào tâm lí học mà không cần biết nguồn gốc của chúng. Jung là người đầu tiên áp dụng những tư tưởng phân tâm học vào việc nghiên cứu bệnh tâm thần phân liệt. Ông đưa ra những khái niệm hướng ngoại và hướng nội, và những thuật ngữ tổ hợp, cổ mẫu, cá nhân hóa và vô thức tập thể. Khái niệm của Jung về tâm thần như là một hệ thống tự điều chỉnh phù hợp với những tư tưởng của tâm lí học hiện đại trong sinh lí học và điều khiển học. Sự khẳng định của ông rằng con người cần tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc đời mình cũng chính là sự dự báo quan điểm của những nhà hiện sinh. Nhưng tầm quan trọng của Jung có xu hướng bị đánh giá thấp và những người không gặp vấn đề gì khi đọc ông thường cai Jung như một nhà huyền bí biết nhìn xa trông rộng và những tác phẩm của ông do vậy nằm ngoài những nguyên tắc của tâm lí học thực nghiệm và nó có thể bị bỏ qua dễ dàng. Trên thực tế, thể hiện qua những công trình nghiên cứu ban đầu của ông, Jung có một sự hiểu biết sâu sắc các phương pháp khoa học; nhưng số lượng lớn tác phẩm của ông sau đó lại liên quan tới những lĩnh vực mà các phương pháp khoa học không thể áp dụng được. Ý nghĩa của cuộc sống tuy không thể định lượng được, nhưng điều này không làm giảm đi giá trị của sự tìm kiếm ý nghĩa của con người. Ngày nay, khi tất cả những phòng thí nghiệm trên khắp thế giới còn đang bị thống trị bởi cách tiếp cận thực nghiệm, thì sự khẳng định của Jung rằng những kinh nghiệm chủ quan của cá nhân con người là vô cùng quan trọng và là một đối trọng rất có giá trị. Jung tin rằng kiến thức về bản thân và sự phát triển bản thân cá nhân, cùng với khả năng tăng cường những mối liên hệ với các cá thể khác đi kèm với sự phát triển này là những yếu tố duy nhất đủ mạnh để chống lại sự thống trị tập thể của nhà nước. Đây là điều mà ông muốn nói đến khi tuyên bố rằng cá nhân là người chuyên chở văn hóa. Toàn thể sức mạnh sự phân tích của Jung là nhằm vào việc giúp đỡ cả nhân nhận thức được những khả năng tiềm tàng của bản thân mình, làm dễ dàng hóa việc anh ta trở thành bản thân mình một cách xác thực hơn. Jung không quan tâm tới những gì được coi là bình thường theo thống kê chung hay là sự thích nghi với những yêu cầu của xã hội. Nhiều bệnh nhân được ông phân tích là những người thành công thật sự với những thành tựu đáng kể đằng sau họ, nhưng bản thân họ lại cảm thấy rằng những thành quả đó chỉ mang đến chút ít cảm nhận về sự đầy đủ. Với những bệnh nhân loại này, dung không đưa ra những giải pháp cụ thể nào mà khuyến khích họ tự thăm dò thế giới bên trong của những giấc mơ và huyền tưởng. Bằng việc chú ý nghiêm túc đến những điều đang diễn ra bên trong, mỗi cá nhân có thể phát hiện ra những mặt bản chất của chính mình vốn bị bỏ qua hay bị che giấu, và do đó tìm lại được con đường phát triển xác thực của bản thân mình. Jung gọi tên quá trình tìm kiếm tính xác thực cá nhân này là “quá trình cá nhân hóa”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *