Sự hình thành tinh thần khoa học
Góp phần phân tâm luận về sự hiểu biết khách quan
Hà Dương Tuấn dịch
Nguyễn Văn Khoa hiệu đính
Tiến bộ khoa học theo Bachelard không phải là sự gom góp dần dần ngày càng nhiều hơn của hiểu biết về Hiện Thực (viết hoa), mà là kết quả của một cuộc đấu tranh không ngừng giữa lý trí và hình ảnh của Hiện Thực, viết gọn là hiện thực (không chữ hoa) vì trong lý trí chỉ có hình ảnh của Hiện Thực. Lý trí không ngừng đặt ra cho hiện thực những câu hỏi mới: “tư duy đi tới hiện thực, nó không đi ra từ hiện thực” (trích Giá trị quy nạp của thuyết tương đối), vậy cũng có thể nói là tư duy khoa học không ngừng đấu tranh với chính nó. Sự phát hiện vấn đề vì thế có tầm quan trọng đặc biệt, vì đó là khi câu trả lời của hiện thực mâu thuẫn với hiện thực. “Chính cái ý thức nhìn thấy vấn đề là dấu ấn chính xác của một tinh thần khoa học đích thực. Với một đầu óc khoa học thì hiểu biết nào cũng là câu trả lời cho một câu hỏi. Nếu đã không có câu hỏi thì cũng không thể có hiểu biết khoa học. Không có gì tự nhiên thành, không có gì cho sẵn, tất cả phải được xây dựng nên”. (Sự hình thành tinh thần khoa học, lời phi lộ). Cái được xây dựng là một lý thuyết khoa học. Câu hỏi và câu trả lời của hiện thực, dĩ nhiên là hoạt động thực nghiệm. Như thế hiện thực của Bachelard chính là hiện thực được khoa học xây dựng nên, ông không có một tư duy tiên thiên nào về Hiện Thực.
Trong khi cách tiếp cận của các tác giả Áo-Anh-Mỹ chịu ảnh hưởng của luận lý hình thức, đặt nặng tính đồng đại và cấu trúc, thì cách tiếp cận của Bachelard là biện chứng, đặt nặng tính lịch đại. Trước Kuhn khá lâu Bachelard đã đề ra khái niệm gián đoạn nhận thức (rupture épistémologique) tương tự như sự chuyển dịch paradigma[1] nhưng có lẽ còn hoàn chỉnh hơn, vì ông quan niệm sự gián đoạn nhận thức như một vận động biện chứng của nhận thức, nhận thức mới vừa phủ định vừa bao gồm nhận thức cũ. Một thí dụ để so sánh sự phủ-định-bao-gồm của Bachelard và sự chuyển dịch paradigma của Kuhn: nếu đúng là cơ học của Newton không thể diễn tả cơ học của Einstein, thì ngược lại cơ học của Einstein hoàn toàn có thể diễn tả cơ học của Newton, đó là trường hợp những vận tốc nhỏ so với vận tốc ánh sáng, do đó trên thực tế có thể coi vận tốc ánh sáng là vô hạn. Sự bất khả liên thông chỉ có một chiều.
Cần nói thêm là không có phương pháp luận nào cho phép con người tự động tạo ra một bước nhảy vọt trong tư duy khoa học. Bước nhảy trong tư duy của Einstein vừa là kết quả của một quá trình tiếp thu và phê phán các lý thuyết đã có sẵn (gần như tất cả toán học của thuyết tương đối hẹp đã do Lorentz và Poincaré phát triển, trước khi Einstein diễn tả chúng trong một cái nhìn sáng tỏ mới về thế giới vật chất, sau đó được Minkovski hoàn chỉnh), vừa là kết quả của một sáng tạo thiên tài. Mà sáng tạo thì không có cách gì học được, nếu không đã có thể có hàng ngàn Einstein.
Nhưng có phải vì thế mà “làm gì cũng tốt!” như có thể hiểu vội vã tuyên bố của Feyerabend[2]? Cần hiểu Feyerabend một cách tế nhị hơn, vì, nói như ngôn ngữ nhà Phật, “vô minh thì vọng động”, “làm gì cũng tốt” trong tình trạng vô minh thì chỉ là vọng động[3]. Sáng tạo cần tự do, mà điều kiện lớn nhất cho tự do là hiểu biết, nếu bị trói buộc trong những sai lầm thì chỉ có ảo tưởng về tự do mà thôi. Không biết Bachelard có nghĩ như thế không, mà quá trình tư duy khoa học đấu tranh chống lại những sai lầm của chính nó là một trong những chủ đề nghiên cứu của ông, đặc biệt trong cuốn Sự hình thành tinh thần khoa học này, khi ông nghiên cứu về giai đoạn cuối của thời kỳ tiền khoa học, và về những chướng ngại nhận thức (obstacles épistémologiques), đúng ở thời điểm mà chúng sắp được vượt qua.
Sự hình thành tinh thần khoa học
Tác phẩm này được xuất bản năm 1938, bốn năm sau “Tinh thần khoa học mới”, trong đó Bachelard nhằm “nắm bắt tinh thần khoa học đương đại trong biện chứng của nó”. Với quan điểm là triết học phải rút ra những kết luận từ khoa học tự nhiên chứ không phải ngược lại, những tư duy của ông khởi đi từ những thành tựu khoa học có tính cách mạng của đầu thế kỷ 20: hình học phi Euclide, toán học xác xuất, thuyết tuơng đối và thuyết lượng tử… để đề nghị một phương pháp luận “phi Descartes”… Những điều này, có thể nói là về mặt sáng của tinh thần khoa học đương đại, hiện nay đã được phổ biến nhiều, nên người dịch nhận thấy có lẽ việc dịch Sự hình thành tinh thần khoa học, nói về vùng tối mà tư duy khoa học đã phải vượt qua, có lẽ mang lại nhiều điểm mới và có ích hơn để phục vụ bạn đọc Việt Nam ngày nay. Tác phẩm này chỉ nói về việc thành hình tư duy khoa học cổ điển, nói chính xác hơn là về những chướng ngại của tư duy tiền khoa học trong thế kỷ 18 về trước, mà nó đã vượt qua.
Sách có 12 chương thì ngoài hai chương mở đầu và kết luận, Bachelard dành 10 chương cho 10 chướng ngại nhận thức khác nhau. Để tìm ra những chướng ngại đó và tìm hiểu qua cơ chế nào [chúng] đã tác động đến việc nghiên cứu khoa học, Bachelard đã dựa trên sự phân tích một thư tịch đồ sộ của các tác giả tiền khoa học, và ngay cả của những nhà khoa học tiên phong lớn như Buffon, Descartes, Franklin, Lavoisier, Volta… trong chừng mực mà tư duy khoa học của họ vẫn chưa thoát ra hẳn khỏi những chướng ngại. Chính vì thế, qua đó người đọc cũng khám phá những nét rất thú vị của tư tưởng tiền khoa học tại Âu Tây, những nét này không khỏi khêu gợi sự liên tưởng về các dấu vết hiện nay vẫn còn nằm sâu trong nền văn hoá này; cũng không kém thú vị khi người ta nghĩ đến những tương đồng với nhiều nét của tư duy Á Đông, có tính tiền khoa học khá rõ rệt. Phân tích của Bachelard sử dụng công cụ lý luận của phân tâm học, phân tâm luận của Bachelard mở rộng phân tâm luận của Freud theo nghĩa Freud chỉ nghiên cứu phân tích tâm lý trong quan hệ giữa người với người, Bachelard đem những phuơng pháp phân tâm luận áp dụng cho quan hệ giữa người và tự nhiên.
Ngoại trừ những trường hợp đơn lẻ, hai thí dụ được Bachelard tập trung mổ xẻ là ngành giả kim hoá học, và sự phát triển của điện học.
*
Trong mười chướng ngại nhận thức, có thể gom lại bốn chướng ngại đầu tiên, từ chương II đến chương V là: 1) chướng ngại của kinh nghiệm trực quan; 2) Chướng ngại của hiểu biết tổng quát; 3) Chướng ngại của ngôn ngữ; và 4) Chướng ngại của hiểu biết thống nhất và thực dụng. Có lẽ chúng đều đi đến từ rất sâu thẳm trong quá trình hình thành con người: nhận diện thế giới vật chất qua kinh nghiệm thực tiễn, mô tả nó qua ngôn ngữ rồi chịu ảnh hưởng ngược lại của ngôn ngữ, và khái quát hoá quá sớm.
Chương VI nói về 5) Chướng ngại duy thể chất, có lẽ đặc thù hơn trong một nền văn hoá tiếp thu từ Hy Lạp: bất cứ hiện tượng nào cũng là biểu hiện của một thể chất. Người ta không đặt nặng hoặc chưa hình thành rõ rệt ý tưởng về hiện tượng như một quan hệ giữa các thực thể.
Trong bốn chương tiếp theo từ VII đến XI: 6) Phân tâm luận về người duy thực; 7) Chướng ngại vật linh; 8) Huyền thoại về sự tiêu hoá; và 9) Libido và hiểu biết khách quan; tác giả vận dụng những phương pháp của phân tâm học để nêu rõ tại sao có những sai lạc trong những tiếp cận mang tham vọng khoa học nhưng không đạt được tính khoa học cần thiết: đó là do ảnh hưởng bị giấu kín của những động lực có tính bản năng của con người, như bản năng chiếm lĩnh, sự phóng chiếu vật linh, bản năng đói, và libido.
Chương XI, 10) Những chướng ngại cho sự hiểu biết định lượng, đề cập đến hiện tượng định lượng hoá quá đà, thành vô nghĩa; mở rộng ra, đó là ý hướng tuyệt đối hoá việc áp dụng các quy luật khoa học. Có thể hiểu đây là trường hợp sự hiểu biết khoa học đã cũ có thể trở thành một chướng ngại cho một nhận thức khoa học mới.
*
Một đôi lời về “Lời phi lộ” của tác giả. Như ông đã viết trong chương “Đề cương”: “Nhận thức về thực tại là một nguồn sáng luôn luôn phóng ra bóng tối ở một nơi nào khác”, tác phẩm này chủ yếu nói về những vùng tối, vùng phủ bóng của những chướng ngại nhận thức. Ông xoáy mạnh vào giai đoạn lịch sử mà những chướng ngại sắp được vượt qua, nhưng ít khi trả lời câu hỏi: “vượt qua như thế nào?”. Theo thiển ý, mỗi lần “vượt qua” là một hành động sáng tạo đặc thù không thể mô tả ngắn gọn, vượt qua chướng ngại để đến vùng sáng của khoa học cần những tác phẩm khác; “tinh thần khoa học là như thế nào?” chỉ được nhắc lại rất ngắn gọn trong tác phẩm này. “Lời phi lộ”, và phần đầu của “Đề cương” làm công việc đó một cách rất súc tích, vì vậy tương đối khó nắm bắt. Có lẽ bạn đọc không quen với lịch sử khoa học không nên nản lòng, đoạn đầu của cuốn sách này cần được đọc trở lại nhiều lần trong khi đọc những chương sau, vùng tối của bức tranh có thể sẽ phần nào làm rõ nét hơn vùng sáng chăng.
Tuy nhiên, ngược lại cũng cần biết thêm lịch sử khoa học về phía ánh sáng, để hiểu rõ hơn tác phẩm. Chẳng hạn, đoạn mở đầu của “Lời phi lộ” sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta nhớ lại câu nói của Gallilei có đại ý: “tự nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán học”. Ngay sau đó, “sự thiếu hụt” mà biểu hiện toán học có thể bao hàm, và “dẫn đến những quan hệ cơ bản sâu sắc hơn”… sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta lấy làm thí dụ thuyết tương đối hẹp đã nói tới ở trên. Mặc dù hai tiền bối Lorentz và Poincaré đã phát triển đại bộ phận mô hình toán học, nhưng họ vẫn đứng trong vùng phủ bóng của chướng ngại nhận thức, chướng ngại đó chính là khái niệm ête [éther], mà người tuổi trẻ Einstein đã vượt qua bằng cách triệt tiêu hoàn toàn. Lorentz và Poincaré đã biết “cái như thế nào thuần hiện tượng” nhưng chỉ Einstein mới đã trả lời được về “cái tại sao toán học”. Và đó là phê phán của Bachelard về thái độ thực chứng luận giáo điều, trước mọi hiện tượng vẫn rao giảng (đại ý) “khoa học chỉ trả lời câu hỏi: như thế nào? chứ không hề nói tại sao”[4].
*
Cuộc đời tự học và dạy trung học của Bachelard có ảnh hưởng không nhỏ đến các tác phẩm về khoa học luận của ông, nhất là trong tác phẩm Sự hình thành tinh thần khoa học được dịch và giới thiệu ở đây. Đồng thời như ta đã thấy, đây cũng là một tác phẩm nối liền hai dòng tư duy của ông, tư duy phân tâm học về tổng thể con người cá thể, kể cả những ảnh hưởng vô thức, đứng trước thế giới; và tư duy khoa học chính xác, nhằm tiến đến hiểu biết duy lý về Hiện Thực. Tóm lại, có thể nói không tác phẩm nào “mang dấu ấn Bachelard” hơn tác phẩm này: nhà giáo, nhà phân tâm học, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử khoa học… bởi vậy đây cũng là tác phẩm độc đáo nhất, không những của ông, mà còn của cả thư tịch khoa học luận.
Và nếu tư duy con người cá thể phát triển theo một mô hình thu nhỏ của lịch sử tư duy của loài người; thì những chướng ngại nhận thức mà Bachelard chỉ ra cho khoa học của thế kỷ 18 vẫn còn trong tâm lý con trẻ (và ít nhiều trong cả những người không có một hiểu biết vững vàng về tinh thần khoa học hiện đại) ngày nay. Do đó tác phẩm của Bachelard không chỉ có giá trị nhận thức luận, mà nó còn có giá trị bổ túc kiến thức rất cụ thể cho ngành sư phạm, cho các thầy giáo tiểu học và trung học, cho các trách nhiệm truyền thông về khoa học. Tựa đề Sự hình thành tinh thần khoa học của tác phẩm phải được hiểu theo hai ý nghĩa, ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa sư phạm.
Để kết thúc phần giới thiệu, xin nêu một hướng nghiên cứu có lẽ có ích và mới cho các nhà khoa học luận Việt Nam: trong các chướng ngại này, điều gì là phổ quát cho con người (thí dụ như libido)? tuy dĩ nhiên ở đây nó mang một hình thức văn hoá Âu Tây đặc thù, vậy ở Á Đông nó mang những hình thức nào? Và điều gì tuỳ thuộc hẳn vào văn hoá Âu Tây? Như thế có chướng ngại nhận thức đặc thù nào tuỳ thuộc hẳn vào văn hoá Á Đông? Biểu hiện của những chướng ngại nhận thức có tính tiền khoa học này trong tư duy người Việt hiện nay cụ thể là những gì? Có lẽ đây không phải những câu hỏi viển vông.
Chia sẻ ý kiến của bạn